Triển vọng thay thế một phần sản lượng cá tra xuất khẩu
Đến nay, dự án đã đạt những kết quả bước đầu, mở ra nhiều triển vọng mới cho nghề nuôi cá rô phi thay thế một phần sản lượng cá tra xuất khẩu.
Hiệu quả bước đầu
Theo Sở Công thương TP Cần Thơ, Cần Thơ và các tỉnh vùng ĐBSCL có nhiều điều kiện để nuôi cá rô phi thương phẩm phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ nội địa.
Đặc biệt, theo ông Huỳnh Trung Trứ, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, hiện tại, TP Cần Thơ và các tỉnh vùng ĐBSCL có không ít diện tích ao nuôi cá tra bị bỏ trống do nhiều năm nay người nuôi bị thua lỗ, không còn khả năng tái đầu tư.
Triển khai thí điểm nuôi cá rô phi trong vèo và trong ao vừa tận dụng diện tích ao nuôi này, vừa góp phần gia tăng sản lượng cá rô phi thay thế một phần sản lượng cá tra xuất khẩu, mang lại giá trị kinh tế cho nông dân và doanh nghiệp.
Dự án nuôi thử nghiệm cá rô phi chất lượng cao do Công ty Kbor - Hàn Quốc liên kết với Vườn ươm Công nghệ Công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc, Trường Đại học Cần Thơ, Công ty cổ phần Chế biến thực phẩm Sông Hậu và các đơn vị có liên quan.
Dự án được thực hiện theo 3 giai đoạn, đến nay đã cơ bản hoàn thành giai đoạn 1 (cá rô phi nuôi sau 7 tháng đã tiến hành thu hoạch và đưa vào chế biến xuất khẩu) với kết quả khả quan.
Cụ thể như: Hệ số tiêu tốn thức ăn nuôi cá rô phi theo dự án thấp hơn so với kỹ thuật nuôi của nông dân.
Mô hình nuôi cá rô phi trong vèo đạt chất lượng đồng đều, ít dịch bệnh và hao hụt thấp so với cá nuôi trong ao…
Với kết quả này mở ra nhiều triển vọng nhân rộng mô hình nuôi cá rô phi chất lượng cao, theo hướng giảm giá thành nuôi, góp phần đa dạng hóa loài thủy sản xuất khẩu, xây dựng chuỗi cung ứng cá rô phi bền vững cho TP Cần Thơ và vùng ĐBSCL.
Dự kiến, giai đoạn 2 và 3 của dự án sẽ tiếp tục đầu tư hoàn thiện kỹ thuật và công nghệ nuôi cá rô phi chất lượng cao, mở rộng và phát triển mô hình nuôi cá rô phi…
Đồng thời, triển khai kỹ thuật hiện đại để lưu trữ thử nghiệm cá rô phi sống trong các container hướng tới xuất khẩu cá tươi, góp phần nâng cao giá trị xuất khẩu cho con cá rô phi trong thời gian tới.
Ông Lynn Park, Chủ tịch của Kbor Group, Hàn Quốc, cho biết: Cá rô phi là mặt hàng thủy sản xuất khẩu có sức tiêu thụ mạnh tại thị trường Mỹ, Nhật Bản và các nước Trung Đông.
Dự báo nhu cầu loại cá này tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.
Vì vậy, việc nuôi thử nghiệm cá rô phi chất lượng cao phục vụ xuất khẩu là định hướng đúng đắn.
Qua kết quả thử nghiệm ban đầu của dự án theo hai hình thức nuôi, thì hình thức nuôi cá trong vèo đạt được những kết quả khá tốt.
Tuy nhiên, chi phí đầu tư cho thức ăn vẫn còn khá cao.
Vì vậy, bài toán đặt ra cho giai đoạn tiếp theo là giảm chi phí sản xuất, góp phần gia tăng sức cạnh tranh cá rô phi trên thị trường thế giới.
Ngoài ra, khi dự án nuôi thử nghiệm cá rô phi chất lượng cao thành công sẽ thu hút nhà đầu tư đến với Vườn ươm Công nghệ Công nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc và TP Cần Thơ.
Do đó, các bên liên kết thực hiện dự án nuôi thử nghiệm cá rô phi cần hoàn thiện kỹ thuật nuôi, chuyển giao tập huấn kỹ thuật cho nông dân và doanh nghiệp.
Điều quan trọng là tìm kiếm giải pháp, lựa chọn kỹ thuật nuôi để giảm chi phí sản xuất đầu tư, từng bước nâng cao chất lượng và sản lượng cá rô phi, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, góp phần nâng cao giá trị xuất khẩu thủy sản cho TP Cần Thơ và vùng ĐBSCL.
Cần ứng dụng nhanh thành công vào thực tiễn
Ông Nguyễn Minh Thạnh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, cho biết: Kết quả ban đầu của dự án nuôi thử nghiệm cá rô phi của Công ty Kbor-Hàn Quốc hứa hẹn mang lại hiệu quả hữu ích cho nông dân và doanh nghiệp nuôi trồng và chế thủy hải sản, góp phần cân bằng sản lượng thủy sản xuất khẩu của thành phố và vùng ĐBSCL.
Để mô hình nuôi cá rô phi phát triển hiệu quả và bền vững, đề nghị Công ty Kbor - Hàn Quốc và các đơn vị hợp tác sau khi hoàn thành dự án nuôi thử nghiệm nên chuyển giao quy trình sản xuất cho doanh nghiệp và nông dân.
Ngoài ra, trong quá trình thử nghiệm xem xét lựa chọn con giống chất lượng có khả năng tăng trưởng tốt, đạt trọng lượng lớn, ít dịch bệnh… để nhân rộng sản xuất.
Theo ông Huỳnh Trung Trứ, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, phát triển mô hình nuôi cá rô phi chất lượng cao bền vững tại TP Cần Thơ và vùng ĐBSCL, thời gian tới Công ty Kbor và các đơn vị có liên quan tiếp tục ứng dụng kỹ thuật, công nghệ nuôi thử nghiệm cá rô phi trong vèo và một số loại hình khác tại vùng nước ngọt và lợ.
Đồng thời, kết hợp kiểm tra chất lượng nước trong quá trình nuôi đảm bảo chất lượng, kiểm soát thời gian, chi phí và công lao động; phối hợp khảo sát thị trường, tìm hiểu nhu cầu và đầu ra để đảm bảo giá trị xuất khẩu cho cá rô phi.
Ngoài ra, các đơn vị liên kết thực hiện dự án nuôi thử nghiệm cá rô phi chủ động phối hợp với ngành chức năng thành phố đẩy mạnh hoạt động quảng bá hình ảnh và các sản phẩm chế biến từ cá rô phi trên thị trường thế giới thông qua các phương tiện truyền thông và các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia.
Bên cạnh đó, tìm kiếm nguồn vốn hỗ trợ dự án để nghiên cứu và đầu tư các loại máy móc, thiết bị kỹ thuật có công nghệ cao tồn trữ cá rô phi sống xuất khẩu.
Đây sẽ là cơ hội không chỉ nâng cao giá trị cá rô phi cho nông dân và doanh nghiệp mà còn góp phần đưa cá rô phi trở thành một trong những mặt hàng thủy sản xuất khẩu tiềm năng của thành phố và các tỉnh vùng ĐBSCL.
Thực tiễn thời gian qua, đa phần hộ nuôi cá rô phi có quy mô nhỏ lẻ, chưa tập trung sản xuất theo quy trình chuẩn nên chất lượng và sản lượng chưa đảm bảo nhu cầu thị trường xuất khẩu.
Do đó, định hướng cho nông dân liên kết, hợp tác học hỏi kinh nghiệm kỹ thuật cùng sản xuất theo quy trình chung với doanh nghiệp để đảm bảo chất lượng và đầu ra ổn định được xem giải pháp tối ưu.
Các đơn vị có liên quan và doanh nghiệp tham gia đầu tư liên kết cũng cần nghiên cứu giải pháp bảo đảm quyền lợi cho người dân khi tham gia mô hình nuôi cá rô phi, từng bước đưa nghề nuôi cá rô phi phát triển ổn định, hiệu quả và bền vững.
Có thể bạn quan tâm
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến cuối tháng 11-2013, tình hình nuôi tôm nước lợ và nuôi cá tra thương phẩm trong cả nước có chiều hướng diễn biến ngược chiều nhau, trong khi ao nuôi cá tra thì treo do nông dân thua lỗ, trong khi nuôi tôm thì trúng mùa trúng giá.
Thời gian qua, giá trứng gà tại các trại chăn nuôi giảm đáng kể. Tuy nhiên, giá bán lẻ trên thị trường không hề giảm tương ứng
Sau mỗi vụ thu hoạch lúa thứ hai trong năm, nhiều hộ nông dân ở Kim Bình (huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình) lại đưa gà ra ngoài đồng ruộng để chăn thả, nhà ít thì 100 - 200 trăm con, nhà nhiều thì 500 con. Nuôi gà thả đồng ở đây đang phát triển và đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Nghề nuôi dông ở huyện Đông Hòa (Phú Yên) hình thành từ năm 2005, hiện đang mang lại nguồn thu ổn định cho nhiều gia đình, dù chỉ nuôi được ở vùng đất cát.
Khoảng một triệu người ở châu Á kiếm sống từ nuôi tôm. Tại Việt Nam, xuất khẩu tôm đem lại 2,4 tỷ USD trong năm 2011 – tương đương hơn một phần sáu tổng giá trị sản lượng tôm ở châu Á cùng năm đó.