Triển Vọng Nghề Nuôi Chim Yến Tại Việt Nam
Trong khuôn khổ các hoạt động chào mừng Festival Biển 2013, vừa qua, Công ty TNHH Nhà nước Một thành viên Yến sào Khánh Hòa tổ chức Hội thảo khoa học phát triển nghề nuôi chim yến tại Việt Nam. Gần 100 nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành về nghề nuôi chim yến trong cả nước tham dự.
Bước đột phá của Công ty Yến sào Khánh Hòa
Theo khảo sát của Công ty Yến sào Khánh Hòa, cả nước hiện có 219 hang yến lớn nhỏ tự nhiên nằm ở các đảo ven biển từ Quảng Bình đến Cà Mau. Trong đó, phân bổ nhiều nhất là Khánh Hòa với 154 hang, Bình Định 16 hang, Phú Yên 12 hang, Quảng Nam 7 hang, Ninh Thuận 9 hang, Côn Đảo 14 hang... Thống kê sơ bộ, sản lượng yến đảo thiên nhiên trên cả nước khoảng 5.000kg/năm; trong đó nhiều nhất là Khánh Hòa với hơn 3.236kg (năm 2012).
Những năm qua, Công ty Yến sào Khánh Hòa là đơn vị dẫn đầu cả nước về nghiên cứu khoa học, kỹ thuật chuyên ngành yến sào. Công ty đã nghiên cứu và ứng dụng thành công khoa học tiên tiến trong công tác quản lý, khai thác và phát triển di đàn quần thể chim yến trên các hang, đảo yến tại Khánh Hòa và trên cả nước. Đặc biệt, năm 2004, đề tài nghiên cứu khoa học “Công nghệ ấp nở và nuôi yến trong nhà” của Công ty thành công đã tạo ra bước đột phá mới cho nghề nuôi chim yến tại Việt Nam.
Công nghệ ấp nở và nuôi chim yến trong nhà của Công ty Yến sào đã kết hợp nhuần nhuyễn kinh nghiệm của các nước Đông Nam Á và thực tiễn của địa phương; được nghiên cứu một cách kỹ lưỡng môi trường sinh thái, điều kiện sống của loài chim yến đang quản lý, từ đó xây dựng quy trình ấp nở, nuôi và đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật nuôi yến trong nhà như: độ ẩm, âm thanh, ánh sáng, mùi vị, tổ mô phỏng và gá để chim sống, phát triển và làm tổ. Nét độc đáo mà không nơi nào có được là Công ty đảm bảo nhu cầu chim non giai đoạn đầu theo hợp đồng chuyển giao công nghệ. Điều này lý giải vì sao tỷ lệ thành công trong việc xây dựng nhà yến của Công ty Yến sào Khánh Hòa bao giờ cũng đạt cao so với các doanh nghiệp khác. Sau hơn 7 năm chuyển giao công nghệ, đến nay, Công ty đã xây dựng thành công gần 1.000 nhà nuôi chim yến (cả nước 1.321 nhà), cho sản lượng khoảng hơn 1.320kg/năm.
Tại hội thảo, Giáo sư - Tiến sĩ Mai Đình Yên (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, Việt Nam có tiềm năng rất lớn và thuận lợi cho việc phát triển nghề nuôi chim yến do có bờ biển dài, nhiều đảo, dãy núi nhô ra biển, đầm phá. Bên cạnh đó, chất lượng sản phẩm yến sào của Việt Nam được đánh giá cao hơn các nước trong khu vực, nhờ vậy sản phẩm của các doanh nghiệp Việt Nam đã có được thị trường xuất khẩu ổn định. Hiện nay, các đơn vị nuôi yến và sản xuất các sản phẩm yến sào đã có kinh nghiệm cũng như bí quyết kỹ thuật trong khai thác, sản xuất rất khoa học và hiệu quả. Tuy nhiên, nghề nuôi chim yến trong nhà lại đang phát triển tự phát, chưa có định hướng, quy hoạch rõ nét ở nhiều địa phương, do đó có nguy cơ gây rủi ro cho người nuôi và ảnh hưởng đến sự phát triển của nhiều lĩnh vực khác.
Hiện nay, sự hình thành và phát triển ngành nghề nuôi chim yến tại Việt Nam còn rất mới và đang được sự quan tâm từ các cấp chính quyền địa phương đến cộng đồng dân cư. Theo Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Lân Hùng Sơn (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội), cần có cái nhìn đúng với nghề nuôi chim yến, bởi có không ít căn nhà nuôi yến nhưng yến không vào, vào nhưng không ở, không làm tổ… Hiện có nhiều nhà yến được xây dựng, nhiều căn thu hoạch hàng chục kg tổ yến và mở rộng quy mô, bên cạnh đó không ít người xây nhà nuôi yến nhưng tìm hiểu qua loa dẫn đến thất bại. Nếu nhà đầu tư nghiên cứu kỹ, đầu tư hợp lý, áp dụng đúng kỹ thuật, chọn đúng doanh nghiệp hàng đầu như Công ty Yến sào Khánh Hòa để chuyển giao công nghệ thì tỷ lệ thành công rất cao.
Theo Thạc sĩ Lê Hữu Hoàng - Tổng Giám đốc Công ty Yến sào Khánh Hòa, từ trước đến nay, ở Việt Nam, chim yến hàng sinh sống làm tổ tự nhiên trong các hang đảo; những năm gần đây đã xuất hiện phân loại chim yến sinh sống và làm tổ trong nhà với số lượng quần đàn ngày càng tăng. Hiện nay, phân loại chim yến này phân bố ở hầu hết các địa phương trong cả nước, đặc biệt tập trung với số lượng khá lớn ở các tỉnh duyên hải từ Nam Trung bộ đến Cà Mau.
Nghề nuôi yến trong nhà ở Việt Nam đã hình thành và đang phát triển với 3 loại mô hình nhà yến bao gồm: Nhà được xây dựng bằng bê tông cốt thép, mô hình xây dựng 3D, nhà lắp ghép bằng tấm lợp thông minh. Ngoài ra, còn có một số mô hình xây dựng kết hợp người ở sinh hoạt ở dưới, nuôi chim yến ở tầng trên, và nghề này đang phát triển một cách tự phát không có định hướng, địa phương chưa có quy hoạch cụ thể, do đó có thể dẫn tới rủi ro cho người dân, ảnh hưởng đến quy hoạch phát triển đô thị.
Ông Lê Hữu Hoàng khẳng định: Việc xây dựng thành công nghề nuôi chim yến sẽ đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội rất lớn. Vì vậy, việc xây dựng chiến lược phát triển và các giải pháp khả thi có ý nghĩa thiết thực đối với ngành nghề mới này. Công ty Yến sào Khánh Hòa đang đề nghị các bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh, thành phố quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho Công ty thực hiện công tác phát triển nghề nuôi chim yến tại các địa phương, góp phần phát triển nghề nuôi này một cách bền vững và đạt hiệu quả cao tại Việt Nam.
Có thể bạn quan tâm
Lần đầu tiên 80 con heo siêu năng suất sẽ được nhập từ Đan Mạch thông qua đường hàng không trị giá hơn 4,8 tỷ đồng.
Muốn làm trái nghịch mùa, chỉ cần cắt nước từ 20 ngày đến 1 tháng để cho vú sữa héo đọt, sau đó cho nước vào, bón thúc phân, xịt thêm thuốc dưỡng thì vú sữa sẽ ra bông và cho trái.
Năng suất cao, chất lượng vượt trội so với giống bình thường nhưng do đua nhau trồng nên mít Thái Lan đang rớt giá thê thảm, thậm chí thương lái chẳng chịu thu mua
Hiện nay, tỉnh Tiền Giang xây dựng được vùng dứa (khóm) chuyên canh trên 15.000 ha phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu tại huyện Tân Phước nằm trong vùng Đồng Tháp Mười. Từ đầu năm đến nay, nông dân địa phương thu hoạch được trên 160.000 tấn dứa thương phẩm, đạt khoảng 60% chỉ tiêu cả năm.
Năm nào cũng vậy, khi tới mùa thu hoạch vải là những địa phương trồng nhiều vải như Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Giang, Bắc Ninh... lại trở nên khan hiếm nhân lực lao động phục vụ công việc hái vải. Vì thế tiền công thu hái vải được đẩy lên khá cao...