Trẻ Hóa Vườn Điều Già Cỗi
Bằng việc áp dụng kỹ thuật ghép chồi trên các thân cây điều già, người trồng điều ở Bình Phước đã rất thành công trong việc “trẻ hóa” vườn điều của mình, mà không cần phải chặt bỏ cây điều già cỗi để trồng lại.
Bình Phước được coi là “thủ phủ” của cây điều với diện tích trên 157.000ha, chiếm 45% diện tích điều cả nước.
Chỉ mất 8 triệu đồng/ha để cải tạo vườn điều
Ông Vũ Đắc Bộ - Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) đầu tư, liên kết sản xuất nông sản bền vững Bình Phước cho biết, từ nhiều năm qua các hội viên trong HTX đã áp dụng hình thức ghép chồi trên các thân cây điều già để trẻ hóa vườn điều.
Thực hiện kỹ thuật này, các hộ dân lựa chọn những chồi cây khỏe mạnh, cho hạt to, ít sâu bệnh mang ghép lên thân các cây điều già để tăng sức sống cho cây, kháng bệnh và mang lại năng suất cao. Hiện đã có 5 hộ tại xã Long Hà, huyện Bù Gia Mập đang thực hiện thành công trên diện tích trên 20ha và các vườn điều được ghép chồi đang cho thu hoạch.
Là một trong những hộ đầu tiên thực hiện cách ghép chồi trên cây điều, ông Hoàng Trọng Thanh (thôn Thanh Long, xã Long Hà) cho biết vườn điều nhà ông gần 20 năm tuổi nên đã già cỗi.
Những năm trước, ông mạnh dạn thí điểm ghép chồi trên 8 sào điều. Cây giống để ghép được chọn từ các cây điều trong vườn cho hạt to, khỏe mạnh, năng suất cao, ít sâu bệnh. Sau khi mang ghép thì sau một năm đã ra trái bói, qua năm sau đã cho thu hoạch với năng suất cao vượt trội so với vườn điều cũ. Ông Thanh cho hay: “Trong năm đầu mới ghép chồi thì vườn điều cần được chăm sóc kỹ, bón phân và xịt thuốc sâu đầy đủ để cây khỏe mạnh”.
Theo kinh nghiệm của các hộ dân, thực hiện theo cách ghép chồi trên thân cây già cần tập trung chăm sóc tốt trong thời gian đầu. Trong đó, chú ý bón phân đầy đủ, tập trung bón vào mùa mưa và xịt thuốc khoảng 4 lần/năm. Chi phí để “trẻ hóa” vườn điều chỉ vào khoảng từ 8 – 10 triệu đồng/ha.
Theo cách làm này người dân có thể cải tạo các vườn điều già cho năng suất thấp theo từng năm để có vườn điều mới mà không cần phải trồng mới, không để bị gián đoạn trong việc thu hoạch điều. Trong khi đó, các cây điều được ghép mang lại sức sống mạnh và năng suất vượt trội so với vườn cũ.
Sẽ xin cấp bản quyền
Theo tìm hiểu của chúng tôi, mặc dù mới trong thời gian đầu thực hiện nhưng cách làm “trẻ hóa” vườn điều của các hộ dân tại xã Long Hà đã mang lại nhiều tín hiệu khả quan cho người trồng điều. Các vườn điều ghép chồi phát triển khỏe mạnh, cho ra nhiều đợt hoa và năng suất cao hơn các vườn điều cũ từ 1 – 2 tấn/ha.
Ông Hoàng Văn Tần (thôn 8, xã Long Hà) cho biết, tỷ lệ sống của các cây ghép đạt hơn 90%. Chồi non phát triển nhanh, cành khỏe, ra hoa nhiều và tỷ lệ đậu trái cao. Hạt của các cây ghép to, khoảng 130 hạt/kg, trong khi hạt giống điều cũ khoảng 250 hạt mới được 1kg. Còn ông Hoàng Trọng Thanh thì cho biết, trước khi ghép, mỗi cây trong vườn nhà ông cho khoảng 20kg hạt, sau khi ghép đạt khoảng 50kg/cây. Theo cách này các trái điều rất nhỏ, nhưng hạt to nên cây điều rất sung sức.
Theo ông Vũ Đắc Bộ, kỹ thuật “trẻ hóa” vườn điều mà các hội viên trong HTX thực hiện đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của các nhà khoa học, nhà quản lý cũng như nhiều hộ trồng điều trong cả nước. Hiện nay phương pháp này đang được xúc tiến các thủ tục để tỉnh cấp giấy chứng nhận bản quyền sở hữu kỹ thuật này.
Có thể bạn quan tâm
Theo thông báo, Công ty mía đường Trà Vinh sẽ mua mía nguyên liệu trồng tại Trà Vinh với giá 875.000 đồng/tấn mía sạch, đạt 10 CCS (chữ đường), giảm 55.000 đồng/tấn so với vụ trước; nếu tăng 0,1 CCS sẽ tăng thêm 10.000 đồng/tấn và ngược lại nếu giảm 0,1 CCS sẽ giảm 7.000 đồng/tấn.
Như vậy, tổng lượng thủy sản cao cấp Cần Thơ đã xuất khẩu sang các thị trường nói trên từ đầu năm đến nay được 55.000 tấn, chiếm 35% tổng sản lượng đã xuất, nhiều gần gấp đôi so với năm ngoái, góp phần nâng tổng kim ngạch thủy sản đạt gần 500 triệu USD, chiếm 51% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Cần Thơ.
Với số lượng 400 gian hàng trưng bày, quảng bá sản phẩm nông, lâm, ngư nghiệp, Hội chợ Triển lãm Nông nghiệp-Thương mại Tây Nguyên năm 2014 với chủ đề “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn phát triển bền vững” do Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Đắk Nông tổ chức tại thị xã Gia Nghĩa đã hội tụ nhiều sản phẩm nông nghiệp mang tính đặc trưng của các tỉnh, làng nghề.
Mô hình được hộ ông Phạm Văn Tuyến thực hiện trên diện tích 0,2 ha. Thực hiện mô hình này, ngày 4/6, ông Tuyến đã thả 6000 con cá giống, loại 60 con/kg. Đến nay, tỷ lệ cá nuôi sống đạt 85%, trọng lượng bình quân 0,5 kg/con. Qua tính toán với diện tích mặt nước 0,2 ha, sản lượng cá thu hoạch được là 2.550 kg.
Đáp ứng nhu cầu thực tiễn, năm 2014 này Chi cục Quản lí chất lượng nông, lâm sản và thủy sản (QLCLNLS&TS) tỉnh tiếp tục tham mưu, đề xuất với tỉnh hỗ trợ bà con nông dân ở một số địa phương các mô hình sản xuất rau an toàn, mô hình sản xuất rau VietGAP.