Trẻ Hóa Vườn Cà Phê Bằng Phương Pháp Ghép Chồi
Trong vài năm trở lại đây, trước thực trạng nhiều diện tích cà phê già cỗi, đạt năng suất thấp do sử dụng các loại giống kém chất lượng, xã Tân Thành (Krông Nô - Đắk Nông) đã tích cực phối hợp với các cơ quan chuyên môn thực hiện tái canh, “trẻ hóa” vườn cà phê bằng phương pháp ghép chồi.
Qua thực tế vụ cà phê năm nay cho thấy, phương pháp ghép chồi đã mang lại nhiều ưu thế, không chỉ giúp nông dân rút ngắn được thời gian chăm sóc, tiết kiệm chi phí mà năng suất cũng tăng cao hơn trước từ 1,5-2 lần.
Ðiển hình như gia đình ông Lữ Văn Bốn, ở thôn Ðắk Rô, sau khi được cán bộ khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật ghép chồi cũng như tìm hiểu rõ hiệu quả ở các vườn trong và ngoài tỉnh, ông đã mạnh dạn cưa đốn, ghép giống cà phê TR4 vào gốc cây cũ trên diện tích 1 ha. Vụ thu hoạch năm nay, năng suất của vườn cà phê ước đạt hơn 5 tấn/ha.
Theo ông Bốn thì thời điểm ghép chồi tốt nhất là vào đầu mùa mưa, ngay sau khi thu hoạch xong cà phê thì nên tiến hành cưa đốn những cây có bộ rễ chắc, không sâu bệnh để ghép chồi, cải tạo vườn. Thế nhưng, nếu cây đã quá già thì nên nhổ bỏ trồng mới, vì bộ rễ yếu, khả năng hút chất dinh dưỡng thấp sẽ khiến cho cây chậm phát triển, năng suất cũng đạt thấp.
Còn gia đình ông Lê Văn Lợi, ở thôn Ðắk Hoa, năm 2009, theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông cũng đã dùng phương pháp ghép chồi để “trẻ hóa” 1 ha cà phê bằng giống TR4.
Ông Lợi cho biết: “Sau khi ghép chồi chưa đầy 1 năm mà cà phê đã phát triển như cây trồng mới, đến năm thứ 2 đã cho thu hoạch với năng suất vượt giống cũ từ 1-2 tấn/ha. Ngoài ra, chi phí đầu tư trong trong năm đầu tiên cũng chỉ tốn hơn 10 triệu đồng/ha. Thuận lợi nhất của việc cải tạo vườn cà phê bằng ghép chồi là ngay năm đầu tiên cây đã có thể cho thu hoạch và sang năm thứ 2 là đi vào kinh doanh ổn định, rút ngắn được rất nhiều thời gian so với trồng mới”.
Theo ông Trần Quang Vinh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Thành, thì hiện nay trên địa bàn xã có rất nhiều nông dân biết áp dụng phương pháp ghép chồi để tái canh vườn cà phê, với diện tích đã được ghép thành công lên đến hàng chục ha. Gia đình nào có nhu cầu chuyển đổi, cải tạo vườn cây, cán bộ khuyến nông đến tận vườn để hướng dẫn và thực hành ghép chồi cà phê cho bà con.
Qua thực tế sản xuất cho thấy, việc ghép chồi thì rất dễ, nhưng việc chọn giống để ghép thì không hề đơn giản, phải phù hợp với điều kiện chăm sóc, đáp ứng đủ dinh dưỡng để vườn cây đảm bảo năng suất, sản lượng về lâu dài.
Có thể nói, trong bối cảnh hiện nay, việc cải tạo, tái canh vườn cà phê bằng phương pháp ghép chồi thật sự phù hợp với khả năng, trình độ sản xuất cũng như vốn liếng của nhiều nông dân trên địa bàn xã. Nông dân cũng không đòi hỏi gì về việc Nhà nước phải hỗ trợ giống, kinh phí mà chỉ cần có cán bộ khuyến nông hướng dẫn, tư vấn đầy đủ, rõ ràng về kỹ thuật là có thể tự làm, nhưng vẫn mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Có thể bạn quan tâm
Thực hiện phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, những năm gần đây, nông dân TP Cà Mau không ngừng tăng gia sản xuất với nhiều mô hình cho thu nhập khá, trong đó mô hình trồng rau má thương phẩm đang trở thành mô hình kinh tế bền vững, giúp nông dân từ nghèo đói vươn lên khấm khá.
Trong vòng hơn một tháng qua, tình hình dịch cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi diễn biến phức tạp, gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi. Nhiều hộ gia đình khốn đốn khi cả vốn lẫn lãi bỗng chốc tan biến như bọt nước.
Những cơn mưa lớn trong suốt tuần qua đã làm các yếu tố môi trường ao nuôi thay đổi đột ngột làm 518ha tôm nuôi ở Sóc Trăng bị thiệt hại với các biểu hiện phát bệnh gan tụy, đốm trắng và một số không rõ nguyên nhân. Tôm thiệt hại chủ yếu giai đoạn từ 20 - 45 ngày tuổi đối với tôm sú và 20 - 30 ngày tuổi đối với tôm thẻ chân trắng.
Trung tuần tháng 7, Trạm Khuyến nông thị xã Bình Long (Bình Phước) tổ chức cho câu lạc bộ trồng tiêu và các hộ dân đến tham quan mô hình trồng tiêu “3 không” (không làm bồn, không làm cỏ, không bị chết) cho năng suất 8 - 10 tấn/ha của hộ anh Nguyễn Văn Ánh ở khu phố Phú Lạc, phường Phú Đức (TX. Bình Long).
Những năm qua, nhất là kể từ sau khi triển khai thực hiện Đề án tôm - lúa, diện tích nuôi tôm quảng canh cải tiến (QCCT) trong toàn tỉnh Cà Mau không ngừng tăng lên.