Trẻ Hóa Vườn Cà Phê Bằng Phương Pháp Ghép Chồi

Trong vài năm trở lại đây, trước thực trạng nhiều diện tích cà phê già cỗi, đạt năng suất thấp do sử dụng các loại giống kém chất lượng, xã Tân Thành (Krông Nô - Đắk Nông) đã tích cực phối hợp với các cơ quan chuyên môn thực hiện tái canh, “trẻ hóa” vườn cà phê bằng phương pháp ghép chồi.
Qua thực tế vụ cà phê năm nay cho thấy, phương pháp ghép chồi đã mang lại nhiều ưu thế, không chỉ giúp nông dân rút ngắn được thời gian chăm sóc, tiết kiệm chi phí mà năng suất cũng tăng cao hơn trước từ 1,5-2 lần.
Ðiển hình như gia đình ông Lữ Văn Bốn, ở thôn Ðắk Rô, sau khi được cán bộ khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật ghép chồi cũng như tìm hiểu rõ hiệu quả ở các vườn trong và ngoài tỉnh, ông đã mạnh dạn cưa đốn, ghép giống cà phê TR4 vào gốc cây cũ trên diện tích 1 ha. Vụ thu hoạch năm nay, năng suất của vườn cà phê ước đạt hơn 5 tấn/ha.
Theo ông Bốn thì thời điểm ghép chồi tốt nhất là vào đầu mùa mưa, ngay sau khi thu hoạch xong cà phê thì nên tiến hành cưa đốn những cây có bộ rễ chắc, không sâu bệnh để ghép chồi, cải tạo vườn. Thế nhưng, nếu cây đã quá già thì nên nhổ bỏ trồng mới, vì bộ rễ yếu, khả năng hút chất dinh dưỡng thấp sẽ khiến cho cây chậm phát triển, năng suất cũng đạt thấp.
Còn gia đình ông Lê Văn Lợi, ở thôn Ðắk Hoa, năm 2009, theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông cũng đã dùng phương pháp ghép chồi để “trẻ hóa” 1 ha cà phê bằng giống TR4.
Ông Lợi cho biết: “Sau khi ghép chồi chưa đầy 1 năm mà cà phê đã phát triển như cây trồng mới, đến năm thứ 2 đã cho thu hoạch với năng suất vượt giống cũ từ 1-2 tấn/ha. Ngoài ra, chi phí đầu tư trong trong năm đầu tiên cũng chỉ tốn hơn 10 triệu đồng/ha. Thuận lợi nhất của việc cải tạo vườn cà phê bằng ghép chồi là ngay năm đầu tiên cây đã có thể cho thu hoạch và sang năm thứ 2 là đi vào kinh doanh ổn định, rút ngắn được rất nhiều thời gian so với trồng mới”.
Theo ông Trần Quang Vinh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Thành, thì hiện nay trên địa bàn xã có rất nhiều nông dân biết áp dụng phương pháp ghép chồi để tái canh vườn cà phê, với diện tích đã được ghép thành công lên đến hàng chục ha. Gia đình nào có nhu cầu chuyển đổi, cải tạo vườn cây, cán bộ khuyến nông đến tận vườn để hướng dẫn và thực hành ghép chồi cà phê cho bà con.
Qua thực tế sản xuất cho thấy, việc ghép chồi thì rất dễ, nhưng việc chọn giống để ghép thì không hề đơn giản, phải phù hợp với điều kiện chăm sóc, đáp ứng đủ dinh dưỡng để vườn cây đảm bảo năng suất, sản lượng về lâu dài.
Có thể nói, trong bối cảnh hiện nay, việc cải tạo, tái canh vườn cà phê bằng phương pháp ghép chồi thật sự phù hợp với khả năng, trình độ sản xuất cũng như vốn liếng của nhiều nông dân trên địa bàn xã. Nông dân cũng không đòi hỏi gì về việc Nhà nước phải hỗ trợ giống, kinh phí mà chỉ cần có cán bộ khuyến nông hướng dẫn, tư vấn đầy đủ, rõ ràng về kỹ thuật là có thể tự làm, nhưng vẫn mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Related news

Chăn nuôi gia cầm là một ngành quan trọng trong nền nông nghiệp nước nhà, nhưng nhiều năm qua luôn phải chịu rủi ro về giá cả, dịch bệnh, thị trường. Tái cơ cấu sản xuất, xây dựng mối liên kết khép kín, bền vững từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm đang là yêu cầu cấp bách để tạo ra thế đứng vững chắc cho ngành này.

Anh Cà Mun (xã Khánh Thượng) cho biết: “Năm nay, gia đình trồng được 4ha mì, với hy vọng sẽ bán được giá. Vậy mà đâu ngờ, 4ha chỉ thu được có 4 tấn. Đã vậy, giá mì năm nay thấp lắm, mỗi kg chỉ bán được 900 đồng. Với giá này thì gia đình mình chỉ thu được 3,6 triệu đồng.

Tối 15/10, tại Quảng trường 19/8, thành phố Yên Bái, Cục Công nghiệp địa phương, Bộ Công Thương đã phối hợp với Sở Công Thương Yên Bái tổ chức khai mạc Hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu các tỉnh phía Bắc năm 2014 và tôn vinh các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực.

Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản chín tháng qua đã đạt 22,7 tỷ USD, tăng 11,4% so với cùng kỳ 2013 và dự kiến cả năm có thể cán mốc 30 tỷ USD.

Gia đình ông Nguyễn Vân ở thôn 8 hiện có hơn 1.000 trụ tiêu đều phát triển tốt, nhiều năm nay, trung bình luôn cho sản lượng 4 tấn. Theo ông Vân thì hồ tiêu là cây trồng khó tính, đòi hỏi người nông dân phải tuân thủ chặt chẽ những kỹ thuật trong tất cả các khâu từ chọn giống, chuẩn bị đất đai, trồng và chăm sóc.