Trang Trại Nuôi Lợn Làm Ô Nhiễm Môi Trường
Nhiều năm nay, người dân thôn Nam Xuân Đức, Bích La Trung và bản Hà, Lệt phải sống trong bầu không khí ô nhiễm do chất thải từ trang trại nuôi gần 1.000 con lợn của Hợp tác xã Tiến Đạt (xã Tân Thành, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị). Người dân đã nhiều lần kiến nghị lên chính quyền địa phương nhưng tình trạng trên vẫn tiếp diễn, trở thành nỗi ám ảnh trong từng bữa ăn, giấc ngủ.
Ông Hồ Đối, già bản Hà trực tiếp dẫn chúng tôi mục sở thị những điểm xả thải của Hợp tác xã Tiến Đạt. Ông bức xúc cho biết: “Mấy năm nay, người dân trong bản phải chung sống với mùi phân lợn. Gặp khi chuyển trời, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc, bưng bát cơm cũng nuốt không nổi.
Thêm vào đó, ruồi nhặng trong khu vực ngày một nhiều. Bà con lo lắng lắm. Sống thế này thì thể nào cũng rước bệnh vào người”. Ông Hồ Đối cho biết thêm, bản thân ông và người dân trong bản đã nhiều lần gửi đơn kiến nghị lên UBND xã nhưng vẫn chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng.
Được biết, trang trại lợn của Hợp tác xã Tiến Đạt đưa vào sử dụng cách đây 10 năm. Hiện nay, trang trại nuôi gần 1.000 con lợn nái, lợn thương phẩm. Hàng ngày, lượng chất thải đổ ra môi trường là rất lớn.
Điều đáng nói là trang trại lợn lại nằm trên đồi cao, gần khu vực thôn Nam Xuân Đức, Bích La Trung và bản Hà, Lệt. Hễ gió ngả chiều nào thì mùi hôi “đổ dồn” về phía thôn bản ấy. Một số người sống gần trang trại, không chịu nổi mùi hôi nên phải sang nhà con cái, họ hàng để ở nhờ.
Không chỉ trở thành nỗi ám ảnh của người dân, chất thải từ trang trại lợn của Hợp tác xã Tiến Đạt còn làm ảnh hưởng đến các em học sinh. Hiện trang trại nằm khá gần điểm trường mầm non và điểm trường Tiểu học xã Tân Thành, nơi có gần 120 em nhỏ đang theo học.
“Thời điểm người ta vệ sinh chuồng trại, mùi hôi thối bốc lên, rồi xộc thẳng vào từng lớp. Thương học trò lắm, nhiều khi vừa viết bài vừa phải bịt mũi”, một giáo viên bộc bạch.
Có mặt tại địa phương, theo ghi nhận của chúng tôi, không khí ở khu vực gần trang trại lợn nồng nặc mùi hôi, xuất hiện rất nhiều ruồi nhặng.
Cách trang trại chừng 3 m là một hầm chứa nước thải đen ngòm. Hầm chứa này đã xuống cấp, nước rỉ ra ngoài nhiều, chảy thành những rảnh nhỏ về hướng bản Hà, Lệt. Người dân trong vùng cho biết thêm, nhân công ở trang trại thường hút chất thải từ chiếc hầm kể trên và đổ ra ngoài môi trường.
Trao đổi với chúng tôi về thực trạng này, ông Lê Cảnh Đoạt, Chủ tịch UBND xã Tân Thành cho biết, trang trại nuôi lợn của Hợp tác xã Tiến Đạt đã đầu tư 3 hầm bioga để xử lý chất thải. Qua xử lý, lượng nước thải còn lại được sử dụng để tưới cây cối trong khuôn viên trang trại.
Mỗi năm, chính quyền xã và cơ quan chức năng đều tiến hành kiểm tra nhưng không phát hiện dấu hiệu gây ô nhiễm môi trường (?). Cũng theo ông Đoạt, hiện tại, xã đã có phương án di dời trang trại lợn đến nơi khác, xa khu dân cư hơn. Song địa phương vẫn đang chờ ý kiến và sự hỗ trợ của cấp trên .
Tuy nhiên, thực tế khác hẳn với khẳng định của Chủ tịch UBND xã Tân Thành. Ngay sau hôm chúng tôi làm việc với ông Lê Cảnh Đoạt, hoạt động xả thải ra môi trường của trang trại lợn vẫn tiếp diễn và người dân trong khu vực cũng như thầy trò ở hai điểm trường lại phải “sống chung” vì mùi hôi thối. Điều đáng nói là đã 4 năm nay, người dân thôn Nam Xuân Đức, Bích La Trung và bản Hà, Lệt đã gửi rất nhiều đơn thư kiến nghị nhưng vẫn chưa thấy hồi âm.
Nguồn bài viết: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?TabID=87&modid=390&ItemID=88089
Có thể bạn quan tâm
Sau Tết Nguyên đán Giáp Ngọ đến nay, sức tiêu thụ gia cầm, các sản phẩm gia cầm giảm mạnh, giá trứng, thịt gia cầm cũng giảm theo, làm người chăn nuôi gặp nhiều khó khăn.
Tại hầu hết các địa phương, nông dân đều đứng ngồi không yên bởi giá lúa giảm khá sâu ở tất cả các loại, từ lúa thường đến lúa thơm. Chính các thương lái cũng tỏ ra bất ngờ trước tình trạng này.
Từ khi thực hiện mô hình sản xuất đưa hoa màu xuống ruộng, nhiều nông dân ở xã Vĩnh Phú Đông (huyện Phước Long, Bạc Liêu) đã ăn nên làm ra. Hiện nay, cây bắp được nông dân xem như một trong những loại hoa màu chủ lực.
Hồ tiêu đang là cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với các cây trồng khác, nhiều nơi người dân ồ ạt trồng tiêu với diện tích lớn nhưng chủ yếu theo hình thức tự phát và chưa có sự hợp tác chặt chẽ với các chuyên gia tư vấn, các nhà chuyên môn. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tiêu chết hàng loạt trong thời gian qua.
Việc nông dân lệ thuộc vào thương lái, DN lại e ngại làm các thủ tục xuất khẩu theo đường chính ngạch không chỉ làm giá trị trái thanh long giảm sút, mà còn gặp rủi ro cao khi phải xuất bán bằng đường tiểu ngạch.