Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Kỹ sư chân đất

Kỹ sư chân đất
Ngày đăng: 23/07/2015

“Tầm sư học đạo”

“Kỹ sư” đầu tiên chúng tôi gặp là anh Trần Hòa ở thôn Hải Nhuận, xã Phong Hải (Phong Điền, Thừa Thiên Huế), có tuổi nghề chừng 5 năm. Trước khi “bén duyên” với nghề nuôi tôm, anh Hòa là ngư dân chính hiệu. Không có điều kiện về vốn nên anh Trần Hòa chỉ nuôi thuê cho các chủ hồ, phụ giúp công việc cải tạo, sửa chữa ao hồ, cho tôm ăn…

Quá trình làm việc, anh Hòa nhận ra rằng, nuôi tôm công nghiệp không hề đơn giản. Chính không lường trước những khó khăn, hạn chế mà nhiều hộ nuôi tôm đã lâm vào cảnh nợ nần chồng chất. Có hộ phải bán tài sản, nhà cửa trả nợ, hoặc tiếp tục theo đuổi nghề nuôi tôm để gỡ gạc nợ nần. “Thấy cảnh chủ hồ thua lỗ dài dài, nợ nần chồng chất, tôi cũng thấy xót lòng. Sau nhiều đêm trăn trở, suy nghĩ tìm cách “cứu giúp” các chủ hồ, tôi nhận ra mấu chốt quan trọng để nuôi tôm có lãi chính là khâu kỹ thuật. Nếu chuyên môn kỹ thuật không vững thì đừng nói chi chuyện nuôi tôm công nghiệp. Mà muốn có tay nghề giỏi thì phải chịu khó học tập, tìm tòi và nghiên cứu…”, anh Hòa chia sẻ.

Vui mừng khi nuôi tôm có lãi

Tranh thủ những lúc xong việc anh tìm gặp các kỹ sư ở khu nuôi tôm công nghiệp của Công ty CP, Công ty Trường Sơn để tìm hiểu, học tập kỹ thuật. “Cái gì cũng có cái giá của nó, dù lớn hay nhỏ. Nhiều lần tôi phải tự bỏ tiền túi mời các anh kỹ sư của các công ty đi nhậu, có khi phải bồi dưỡng kinh phí để các anh chia sẻ, truyền đạt kỹ thuật, kinh nghiệm nuôi tôm. Được các anh truyền đạt, nhiều đêm phải thức trắng để xâu chuỗi, nghiền ngẫm lại những gì học được, rồi nghiên cứu thêm tài liệu, sách vở. Công việc cứ thầm lặng như thế ròng rã mấy tháng trời. Có lúc chủ hồ phát hiện, bảo thằng này bữa ni thấy lạ, cứ ngẩn ngẩn ngơ ngơ”, anh Hòa trải lòng. “Sự ngẩn ngơ” ấy cũng được đền đáp khi trong tay có đầy đủ kiến thức, kỹ thuật nuôi tôm, các vụ nuôi sau đó liên tiếp đạt hiệu quả, lãi cao. Anh Hòa được chủ hồ tôm “nâng lương” lên 5 - 6 triệu đồng/tháng. Sau khi thu hoạch, bán được tôm anh còn được chủ hồ thưởng thêm mấy chục triệu đồng/vụ.

Hỏi ở địa phương còn ai được mệnh danh là “kỹ sư” nuôi tôm nữa không, anh Hòa liền giới thiệu các anh Nguyễn Đức, Hoàng Văn Tuấn, Trương Công Lợi, Nguyễn Viết Từ… Với anh Nguyễn Đức, quê ở Quảng Bình, theo cha vào xã Phong Hải kinh doanh gia súc. Thời gian dài gắn bó nơi vùng cát trắng này, anh lấy vợ quê Phong Hải, rồi quyết định lập nghiệp, sinh sống ở đây. Nghề mà anh Đức chọn với khát vọng làm giàu là nuôi tôm chân trắng. Không vội vàng, chạy theo phong trào, trước khi bắt tay vào nuôi tôm, anh tự trang bị các kiến thức về kỹ thuật, kinh nghiệm chăm sóc, xử lý dịch bệnh cơ bản đáp ứng các quy trình nuôi tôm công nghiệp. Anh Đức nói: “Có được “tay nghề” vững vàng cũng nhờ các anh kỹ sư giỏi của các công ty nuôi tôm ở vùng cát Ngũ Điền và tự tìm tòi. Cứ vào các ngày cuối tuần, tôi lại tìm gặp các anh kỹ sư để tâm sự chuyện nghề và lắng nghe những chia sẻ về kỹ thuật, kinh nghiệm nuôi tôm công nghiệp…”.

“Không lãi mới là chuyện lạ”

Với nhiều người trắng kỹ thuật, nuôi tôm thua lỗ triền miên là chuyện tất yếu, còn với những “kỹ sư” như Nguyễn Đức, Hoàng Văn Tuấn, Trương Công Lợi, Nguyễn Viết Từ... thì khẳng định rằng: “Nuôi tôm không có lãi là chuyện lạ”. Mấy vụ liên tiếp gần đây (nuôi hai hồ chừng 5.000m2), hộ anh Nguyễn Đức đều có lãi trên dưới 500 triệu đồng/vụ. “Một vài vụ đầu chưa có nhiều kinh nghiệm nuôi, tôm chậm lớn, một số dịch bệnh gây hại nên thua lỗ. Các vụ sau này liên tiếp có lãi đã trả hết nợ, còn lãi cũng được mấy trăm triệu đồng. Điều quan trọng là phải nắm vững các khâu kỹ thuật, kinh nghiệm nuôi tôm công nghiệp, anh Đức tự tin.

Anh Tuấn nói: “Xác định nuôi tôm công nghiệp phải có lãi, ít ra cũng hòa vốn, còn không thì đừng nuôi. Chi phí đầu tư nuôi tôm rất lớn, chỉ cần thua lỗ một vài vụ thôi cũng “đi đứt” tiền tỷ. Còn muốn nuôi tôm có lãi thì không có con đường nào khác là phải biết học tập, nghiên cứu, trau dồi kiến thức, kinh nghiệm…”. Hỏi về lời lãi, anh Tuấn cười tươi: “Qua 8 vụ nuôi hai hồ 5.000m2, chưa có vụ nào thua lỗ, nhiều vụ có lãi từ vài trăm triệu đến nửa tỷ đồng”.

Trong số “kỹ sư” chân đất của Phong Hải còn có ông Trương Công Lợi. Từ một ngư dân chuyên đánh bắt hải sản gần bờ, ông Lợi trở thành người nuôi tôm giỏi nổi tiếng tại vùng cát Ngũ Điền. Phần nhiều các vụ nuôi đều có lãi từ vài trăm triệu đồng trở lên. Không chủ quan, mạo hiểm, trước khi bắt tay nuôi tôm, ông Lợi đã có thời gian dài nghiên cứu, tìm tòi, học tập quy trình kỹ thuật nuôi tôm công nghiệp từ nhiều nơi trong và ngoài tỉnh. Nhiều lần ông khăn gói đến tận các tỉnh phía Nam tham quan các mô hình, học hỏi “bí quyết” nuôi tôm chân trắng… Giờ đây, ứng dụng vào nuôi tôm ở địa phương mang lại hiệu quả, ông Lợi sẵn sàng chia sẻ kỹ thuật, kinh nghiệm với bà con. “Quá trình nuôi phải thường xuyên theo dõi biến động của môi trường hằng ngày, đo độ PH, kiềm, NH3, NH2, khí độc để có sự điều chỉnh phù hợp; thường xuyên kiểm tra vỏ, màu sắc, gan, tụy của tôm nhằm có biện pháp xử lý kịp thời khi có dấu hiệu bất thường, hay dịch bệnh. Lượng thức ăn cho tôm phải được kiểm soát chặt chẽ, tránh dư thừa, có nguy cơ tạo khí độc trong đáy ao...”, ông Lợi trao đổi một số kinh nghiệm.

Ông Phan Khánh, Chủ tịch UBND xã Phong Hải cho biết, đến nay diện tích nuôi tôm toàn xã khoảng 70 ha, với hàng trăm hộ tham gia nuôi. Qua kiểm tra, đánh giá cho thấy, các hộ nắm vững quy trình kỹ thuật, kinh nghiệm nuôi tôm công nghiệp đều mang lại hiệu quả, lãi cao. Các hộ, như Nguyễn Viết Từ, Trương Công Lợi, Hoàng Văn Tuấn, Nguyễn Đức… đã trở thành “đại gia” nuôi tôm.


Có thể bạn quan tâm

Nhân Rộng Mô Hình Bón Phân Viên Nén Dúi Sâu Cho Lúa Ở Như Thanh Nhân Rộng Mô Hình Bón Phân Viên Nén Dúi Sâu Cho Lúa Ở Như Thanh

Từ chỗ áp dụng bón phân viên nén dúi sâu trên diện tích 5 ha năm 2008, qua đúc rút kinh nghiệm, tổ chức các lớp tập huấn, hỗ trợ tiền mua 24 máy ép phân, đến vụ xuân 2012, huyện Như Thanh (Thanh Hóa) đã nhân rộng diện tích bón phân viên nén dúi sâu lên gần 2.000 ha.

02/06/2012
Mô Hình Trồng Măng Tây An Toàn Mô Hình Trồng Măng Tây An Toàn

Mới đây, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Bạc Liêu tổ chức trao giấy chứng nhận công nhận măng tây là rau an toàn cho Tổ hợp tác sản xuất măng tây (HTSXMT) xã Hiệp Thành (TP. Bạc Liêu). Khi có giấy chứng nhận rau an toàn, măng tây sẽ được đưa vào hệ thống siêu thị tiêu thụ.

22/06/2012
Cơ Sở Khoa Học Và Thực Tế Làm 3 Vụ Lúa Ở ĐBSCL Cơ Sở Khoa Học Và Thực Tế Làm 3 Vụ Lúa Ở ĐBSCL

Bước đầu qua điều tra tại một số huyện thuộc Hà Nội, Hà Tây cho thấy nông dân đã sử dụng 8 loại thuốc điều hòa sinh trưởng (thuốc trong danh mục gồm 7 loại, trong đó thuốc có chứa hoạt chất Gibberellic acid chiếm 70,9%; thuốc ngoài danh mục 1 loại).

16/07/2012
Cà Mau: Nuôi Cá Sấu Mắc Nợ Cà Mau: Nuôi Cá Sấu Mắc Nợ

Khoảng hai năm trở lại đây nhiều nông dân Cà Mau ồ ạt đầu tư xây dựng chuồng trại nuôi cá sấu. Nhưng giấc mơ đổi đời đã thất bại, sau một thời gian nuôi, cá sấu bị chết hàng loạt hoặc tắc đầu ra khiến họ trắng tay.

20/03/2012
Kinh Nghiệm Trồng Chuối Theo GAP Của Philippines Kinh Nghiệm Trồng Chuối Theo GAP Của Philippines

Chuối là loại cây ăn trái quan trọng bậc nhất đối với Philippines về mặt sản lượng và diện tích. Do có giá trị dinh dưỡng và giá cả rẻ hơn so với xoài và khóm (dứa) nên chuối dễ tiêu thụ.

04/10/2012