Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nông Dân Thua Lỗ Vì Chồn Nhung

Nông Dân Thua Lỗ Vì Chồn Nhung
Ngày đăng: 24/08/2013

Những người nông dân huyện Tam Đảo (Vĩnh Phúc) đã nuôi giấc mộng làm giàu từ một loài vật nuôi có cái tên lạ hoắc: Chồn nhung. Sự thật về loài vật nuôi này hiện nay đang ra sao? Liệu chúng có đáng giá đến mức người nông dân phải bỏ ra hàng trăm triệu đồng để mua về nuôi? Loài vật nuôi ngoại nhập này đã dấy lên một cơn sốt chồn nhung đen tại miền Bắc, khi mà nhiều đối tượng bán hàng đa cấp trục lợi đang thổi giá bán lên hàng triệu đồng mỗi đôi.

Tin theo hợp đồng

Về Tam Đảo những ngày này, người dân nơi đây đang rất hoang mang và lo lắng tìm đầu ra cho chồn nhung. Đầu tư hàng trăm triệu đồng vào mô hình nuôi chồn nhung, những tưởng sẽ đổi đời, ngờ đâu, họ lại phải mang trên mình một gánh nợ lớn và chưa biết phải làm gì với những con vật ngoại lai này.

Mô hình nuôi chồn nhung đa cấp do ông Đoàn Việt Châu, Giám đốc công ty Giấc Mơ Việt - trú tại xóm Mỏ, xã Dân Hạ, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình làm chủ đã được triển khai ở khắp các tỉnh thành trên cả nước như: Bắc Ninh, Nghệ An, Thái Bình… và xuất hiện ở huyện Tam Đảo từ năm 2012, một số xã tham gia như: Minh Quang, Lưu Quang, Hợp Châu, Đạo Trù… Khi về triển khai mô hình, ông Châu đã làm việc với Hội Cựu chiến binh của huyện Tam Đảo mở lớp tập huấn về chăm sóc, thức ăn và đầu vào, đầu ra của sản phẩm.

Gọi là chồn nhung, nhưng ngoại hình lại lai lai... chuột đồng, kích thước to hơn chuột đồng, không có đuôi, lông đen tuyền và đôi mắt to, hiền lành, dễ nuôi, dễ sinh sản, thức ăn lại đơn giản chủ yếu là cỏ, ít bệnh tật, thịt thơm, đẻ khỏe, giá thành khi bán ra cũng cao nên người dân đã tin tưởng, đăng ký nuôi.

Để tham gia mô hình nuôi chồn nhung, người nông dân phải bỏ ra ít nhất vài chục triệu để làm chuồng trại, mua chồn từ ông chủ công ty đa cấp này và kèm theo đó là bản hợp đồng với những điều khoản nhất định. Theo đó, các hộ sẽ phải mua chồn với giá là 4 triệu đồng/1 cặp.

Đồng thời, cũng phải mua lồng của ông Nguyễn Mạnh Hùng (người trực tiếp đứng ra thu mua chồn cho ông Châu tại đây) làm với giá 2,2 triệu/lồng 4 ngăn. Trong bản hợp đồng, ông Châu đảm bảo đầu vào, đầu ra cho sản phẩm, còn người dân chỉ chịu trách nhiệm nuôi mà thôi. Và ông Châu cũng lấy nhà ông Hùng làm trụ sở giao dịch chính. Hợp đồng này hoàn toàn là sự tự thỏa thuận giữa bên nuôi là các hộ nông dân và bên thu mua là ông Châu.

Vì có hợp đồng làm căn cứ đảm bảo nên đã có rất nhiều hộ dân vay vốn đầu tư nuôi chồn, mong làm giàu. Trò chuyện với tôi, ông Nguyễn Văn Thái - thôn Chùa Vàng, xã Minh Quang cho biết: “Khi có dự án nuôi chồn nhung, tôi rất phấn khởi vì nghĩ có thể làm giàu từ mô hình này.

Tôi quyết định bỏ trang trại gà, đầu tư 200 triệu đồng mua 45 cặp chồn nhung về nuôi”. Vốn là một cán bộ của thôn nên ông Thái rất mong muốn có thể mang lại cuộc sống ấm no cho bà con nhờ vào mô hình này. Ông quyết định đi đầu trong vấn đề chăn nuôi chồn nhung của thôn, nếu có hiệu quả thì nhân rộng hơn nữa trong nhân dân.

Ông Thái tâm sự: “Trên này, người dân vẫn nghèo lắm, nông nghiệp cũng không phát triển mạnh, nên tôi cũng muốn tìm ra hướng phát triển mới cho thôn mình, đưa người dân thoát khỏi cái đói cái nghèo. Đầu ra thì chúng tôi cũng không lo, vì theo hợp đồng khi nào chồn sinh sản và lớn thì ông Châu sẽ về tận nơi thu mua với giá 1 triệu đồng/1 con”.

Cũng đầu tư trang trại nuôi chồn như ông Thái là gia đình ông Trương Hồng Tư thôn Vực Lựu, xã Minh Quang. Gia đình ông đầu tư hơn 200 triệu đồng để mua 50 cặp chồn về nuôi. Ông Tư cho biết: “mỗi cặp chồn sẽ sinh sản từ 1 - 7 con/lứa, 1 năm sinh sản 3 lần. Giống này dễ nuôi, lại lành, không nhiều bệnh tật, ngoài cỏ thì cho ăn thêm cám gạo, cám ngô, và mỗi con có cân nặng từ 0,6kg - 1kg”.

Với dự tính ban đầu của ông Tư thì giá chồn nhung là 1 triệu đồng/1 con, mỗi năm chồn sinh sản 3 lứa thì chả mấy mà giàu, không phải đi làm thuê nữa, mà cứ tập trung nuôi và phát triển mô hình chồn. Ông tâm sự: “Mình chỉ phải lo vốn thôi, còn con giống rồi đầu tiêu thụ sản phẩm thì ông Châu sẽ chịu trách nhiệm, chăn nuôi như vậy đơn giản, mà lại giàu nhanh, nên tôi cũng vui lắm”.

Quả thực, sau một thời gian nuôi thì gia đình ông và rất nhiều hộ trong địa bàn huyện nuôi chồn nhung thu về vài chục triệu đồng, người dân càng phấn khởi hơn và càng có nhiều hộ theo mô hình nuôi chồn nhung đen.

Hợp đồng “ma”, nông dân cõng nợ

Chưa kịp vui mừng thì người dân đã phải gánh chịu những hậu quả. Chỉ thu mua được trong khoảng 2 tháng đầu, ông Châu đã bắt đầu bộc lộ những điểm đáng ngờ. Ban đầu ông hạ giá thành của chồn, từ 1 triệu đồng/1 con xuống còn 500 nghìn đồng/1 con, người dân vẫn chấp nhận, sau đó giảm xuống 400 nghìn đồng/1 con và cuối cùng là 100 nghìn đồng/1 con.

Không chỉ hạ giá thành sản phẩm, ông Châu còn không đến thu mua theo đúng hẹn, khi người dân gọi điện thì ông khất lần, khất lượt, hứa ngày này, tháng này sẽ đến thu mua chồn và trả đủ tiền cho người dân. Có những hộ gia đình may mắn thì bán được 4, 5 lần, còn có những gia đình kém may mắn thì chưa kịp bán được lần nào.

Ông Nguyễn Xuân Trần – thôn Xạ Hương, xã Minh Quang cho biết: “Từ ra tết Nguyên đán đến nay, ông Châu không thực hiện thu mua chồn theo đúng như cam kết của hợp đồng, khi tôi gọi điện thì ông đưa ra hàng trăm lý do để không đến thu mua. Hiện nay, số điện thoại của ông Châu không thể liên lạc được nữa, như vậy, ông Châu đã đơn phương chấm dứt hợp đồng. Chồn nhung sinh sản rất nhanh, và tôi chưa biết phải làm như thế nào, vì thị trường không ai thu mua, các nhà hàng không dám bán vì Bộ Nông Nghiệp không còn công nhận đây là một giống vật nuôi”.

Những hộ nuôi chồn ở đây đang rất hoang mang, lo lắng, mất lòng tin và chưa tìm ra cách nào để tháo gỡ khó khăn. Ông Tư thở dài tâm sự: “Giờ tôi cũng chả biết phải làm thế nào, bán thì không bán được, mà cũng là con vật mình đầu tư tiền để nuôi chả lẽ lại đem giết bỏ. Thôi thì cứ chăm sóc và cho ăn, nhưng giờ chỉ cho ăn cỏ thôi, chứ gia đình tôi cũng không đầu tư mua cám nữa, vốn liếng có còn đồng nào đâu”.

Rất nhiều hộ dân ở đây là bỏ mặc chồn nhung, không cho ăn, không chăm sóc, có những gia đình, 50% chồn đã chết. Ông Thái vừa dẫn tôi đi thăm trang trại gà trước đây ông nuôi, vừa tâm sự: “Vốn liếng tích cóp đã dồn cả vào đó rồi, ngỡ là làm giàu nhanh chóng, ai ngờ lại bị lừa đảo, có lẽ tôi lại quay trở về đầu tư nuôi gà lấy trứng cho chắc ăn”. Ông cũng cho biết thêm, hiện nay, các hộ nuôi chồn nhung đã làm đơn để trình báo lên cấp trên, kiện ông Châu về tội lừa đảo, đơn phương chấm dứt hợp đồng kinh tế.

Hiện nay, đã có trên 50 lá đơn của người dân huyện Tam Đảo trình báo với phòng Kinh tế - Công an huyện Tam Đảo về vấn đề lừa đảo của ông Châu. Tuy nhiên, những khó khăn mà người dân nuôi chồn đang gặp phải thì vẫn chưa có hướng giải quyết. Những hợp đồng tôi cầm trên tay đều chỉ có chữ ký giữa hộ nuôi chồn với ông Châu, mà không hề có sự chứng kiến của bất kỳ một cơ quan có thẩm quyền nào, nuôi chồn nhung đen hoàn toàn xuất phát từ tự phát trong nhân dân.

Ông Trần Ngọc Minh - Trưởng công an xã Minh Quang cho biết: “Vấn đề nuôi chồn là tự phát trong nhân dân, hơn nữa, hợp đồng lại không có sự chứng kiến của chính quyền địa phương, nên đó chỉ là hợp đồng dân sự. Hiện nay, chúng tôi đang nắm bắt tình hình để khai báo công an huyện, chứ chưa có biện pháp hay hướng giải quyết nào để khắc phục khó khăn cho người dân”. Nhân dân nơi đây đang thiết tha đề nghị các cấp chính quyền và cơ quan chức năng vào cuộc nhanh chóng để làm rõ về vụ việc lừa đảo trên. Đồng thời, mong muốn xem xét và hỗ trợ cho những hộ chăn nuôi bị thiệt hại.

Điều đáng nói là việc phát hiện và vào cuộc chậm của các cơ quan chức năng và chính quyền đã gây thiệt hại nặng nề cho người nuôi chồn nhung. Không ít hộ nông dân đã đi vay vốn ngân hàng để chăn nuôi và đứng trước nguy cơ "tiền mất, tật mang". Đây cũng là bài học cảnh tỉnh nhằm nâng cao cảnh giác với những thủ đoạn lừa bịp trong mua bán con giống vật nuôi không qua đăng ký, kiểm dịch trong nông nghiệp, nông thôn hiện nay.


Có thể bạn quan tâm

Triển Vọng Giống Lúa AP 2010 Triển Vọng Giống Lúa AP 2010

Được chọn từ những cây lúa tốt nhất của giống IR 50404, giống lúa AP 2010 của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện An Phú với nhiều đặc tính vượt trội hơn đã cơ bản thay thế được giống lúa IR 50404 truyền thống của nông dân An Giang nói riêng, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long nói chung.

11/10/2014
Xuất Khẩu Gạo Đối Mặt Nhiều Thách Thức Xuất Khẩu Gạo Đối Mặt Nhiều Thách Thức

Ông Phạm Văn Bảy - Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, tính đến 30/9/2014 các DN xuất khẩu gạo cả nước đã ký hợp đồng xuất khẩu được khoảng 6,51 triệu tấn gạo. Số hợp đồng này bao gồm cả 613.000 tấn chuyển sang từ năm 2013.

11/10/2014
Bến Tre Phòng Bệnh Tôm Nuôi Cuối Năm 2014 Bến Tre Phòng Bệnh Tôm Nuôi Cuối Năm 2014

Ngày 19-8-2014, UBND tỉnh Bến Tre đã ban hành Công văn số 3492 về thời gian tạm ngưng vụ nuôi tôm biển năm 2014 và áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh trên địa bàn các huyện Mỏ Cày Nam, Giồng Trôm, Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú.

11/10/2014
Nuôi Gà Ai Cập Lai Chuyên Trứng Sử Dụng Đệm Lót Sinh Thái Mô Hình Mới Cần Nhân Rộng Nuôi Gà Ai Cập Lai Chuyên Trứng Sử Dụng Đệm Lót Sinh Thái Mô Hình Mới Cần Nhân Rộng

Những năm gần đây, người chăn nuôi chưa thực hiện tốt công tác bảo đảm an toàn sinh học, vệ sinh môi trường trong chăn nuôi nên tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm liên tiếp xảy ra ở nhiều địa phương, gây ảnh hưởng trực tiếp đến người chăn nuôi cũng như sức khỏe của người tiêu dùng. Do vậy, việc xây dựng các mô hình sử dụng chế phẩm sinh học trong chăn nuôi là rất cần thiết.

11/10/2014
Nuôi Cừu Ở Sông Quao Nuôi Cừu Ở Sông Quao

Về Hàm Trí (Hàm Thuận Bắc) - nơi đầu nguồn nước sông Quao, ai cũng biết vùng đất thích hợp cho bò, dê sinh trưởng và phát triển, nhưng không mấy ai để ý đến một đàn cừu khoảng hơn 600 con cũng đang phát triển và cho người chăn nuôi thu nhập cao.

13/10/2014