Trầm Hương Rớt Giá, Ế Hàng

Cả tháng nay, làng trầm hương Phú Trung (huyện Tân Phú, Đồng Nai) vắng hẳn bóng dáng thương lái đến mua trầm.
Nhiều cơ sở làm trầm cũng đóng cửa, nghỉ làm, khiến làng nghề trở nên buồn hơn bao giờ hết…
Nghề làm trầm hương ở xã Phú Trung từ lâu nay vẫn mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho các cơ sở hay hộ tư nhân. Thời đỉnh cao, mỗi ký trầm loại tốt có khi lên tới trên chục triệu đồng. Tuy nhiên, khoảng 1 tháng trở lại đây, giá trầm hương rớt thê thảm.
Các cơ sở tồn hàng tấn nguyên liệu, thành phẩm làm ra không dám bán, phải bảo quản cả tháng trời vì giá quá thấp, nếu bán chắc chắn lỗ. Khổ nỗi, nếu trầm để quá lâu sẽ bị phai màu, chất lượng giảm sút, giá bán càng bị ép.
Chúng tôi chạy dọc con đường lộ trải dài trong xã, giờ chỉ lác đác vài cơ sở làm trầm lớn còn hoạt động, những hộ nhỏ thì gần như ngừng hẳn. Nhiều cơ sở gỗ trầm chất cao thành đống trước nhà...
Chị Trần Thị Thu, chủ một cơ sở trầm hương ở ấp Phú Thắng, xã Phú Trung nói: “Cách đây mới chỉ 1 tháng thôi, tôi còn bán được loại trầm hương tốt với giá 10 triệu đồng/kg. Thế mà vài ngày nay, thương lái báo giá có 5 triệu đồng, thật sự quá thấp”.
Tuy nhiên, sau một thời gian giữ hàng, chị Thu vẫn phải bán lô hàng vì đây là loại tốt nhất, cả tấn trầm may ra có được 20 kg loại thượng hạng, nếu để lâu sẽ đọng vốn và xuống cấp. Riêng loại nguyên liệu trầm là cây dó bầu, trong kho giờ chất đống. Mấy ngày này chị Thu phải cho công nhân nghỉ luân phiên, chờ giá cả tới đây xem thế nào.
Theo các cơ sở làm trầm, nguyên nhân khiến giá trầm đi xuống chủ yếu do cung cầu. Ngoài ra, chất lượng mặt hàng trầm tại đây vẫn còn tồn dư một số tạp chất, khiến lượng khách mua giảm, dẫn tới giá xuống thấp, tiêu thụ chậm.
Tương tự, chị Hồ Thị Đảm, chủ một cơ sở trầm tại ấp Phú Thắng nói: “Loại trầm trung bình chúng tôi làm trước đây có giá 2 triệu đồng/kg, loại thấp hơn cũng 1,3 triệu đồng/kg, thì nay chỉ còn 600.000 – 700.000đ/kg”.
Theo chị Đảm, việc giá trầm xuống quá nhanh khiến các chủ cơ sở đều bất ngờ. Tất cả nguyên liệu dó bầu để làm trầm đều được các cơ sở thu mua từ năm trước, giá mua cao, nên hầu hết đều rơi cảnh thua lỗ.
Chị Đảm cho biết mới bán 2 tấn trầm hương, trả lương hết cho công nhân, chị lỗ vài trăm triệu. Còn chị Thu, do có nguồn tiêu thụ lớn hơn, giá cả cũng nhỉnh hơn chút đỉnh, nhưng cũng chịu cảnh lỗ. Hiện chị Thu đang phải lo thanh lý cho được số hàng tồn lên tới cả tấn trong tháng tới, nếu không trầm hỏng thì mất trắng cả tỷ đồng.
Ông Trương Quốc Thân - Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Trung cho biết: Toàn xã có hơn 20 cơ sở làm trầm tập trung ở 2 ấp Phú Thắng và Phú Lợi. Nguồn nguyên liệu chủ yếu từ cây dó bầu, được nhập từ Bình Phước và một số nơi khác ngoài tỉnh. Riêng dân trong xã cũng có nhiều hộ đang trồng dó bầu, nhưng chủ yếu mới xuống giống, chưa thu hoạch.
Đơn cử như hộ anh Nguyễn Văn Nam (ấp Phú Thắng) vừa trồng 100 cây dó bầu, nghe tin giá trầm lao dốc liền tạm ngưng trồng mới để nghe ngóng tình hình. Tương tự, chị Thu Hương (ấp Phú Lợi) cũng trồng vài trăm cây dó bầu. Tuy nhiên, chị Hương cho rằng, còn vài năm nữa cây mới cho thu hoạch, lúc đó giá sẽ khác, không đáng quá lo.
Nguồn bài viết gốc: http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-vn/25/134327/kinh-te/tram-huong-rot-gia-e-hang.html
Có thể bạn quan tâm

Sáng 8/6, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội tổ chức hội thảo đầu bờ đánh giá kết quả mô hình cấy lúa bằng máy tại xã Đại Thắng, huyện Phú Xuyên.

Tính đến nay các huyện Cần Giuộc, Cần Đước, Châu Thành và Tân Trụ (tỉnh Long An) đã thả nuôi được 2.300 ha tôm sú, tôm chân trắng, đạt 36% kế hoạch, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngày 8-6, Bộ NN-PTNT phối hợp cùng Sở NN-PTNT tỉnh Vĩnh Long, tổ chức hội nghị bàn giải pháp phòng chống bệnh chổi rồng trên cây nhãn. Theo báo cáo của các tỉnh ĐBSCL, dịch bệnh chổi rồng trên nhãn diễn biến rất phức tạp.

Một bộ phận nông dân gieo trồng giống lúa IR50404 đang loay hoay tìm đầu ra bởi dù giá bán khá thấp nhưng thương lái vẫn không mua

Chính vì lẽ đó, nhu cầu của người tiêu dùng về rau an toàn hiện nay rất lớn. Theo TS Trần Công Thắng, Trưởng Bộ môn chính sách chiến lược thuộc Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn - ISARD, chẳng hạn như ở thị trường Hà Nội, hiện nay nhu cầu tiêu thụ của riêng khu vực nội thành đã lên tới 1.500 tấn/ngày. Tại các thị trường lớn như TPHCM, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Bình Dương, Đồng Nai... lượng rau xanh cũng không đủ tiêu dùng.