Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Trại Lợn Âm Tính Với Dịch Bệnh

Trại Lợn Âm Tính Với Dịch Bệnh
Ngày đăng: 08/04/2014

Trại lợn Minh Châu (thuộc Công ty TNHH Minh Châu), đơn vị hợp tác với Công ty CP Chăn nuôi Việt Nam (100% vốn của Thái Lan) là nơi sản xuất lợn giống duy nhất miền Bắc được công nhận “âm tính” với dịch bệnh.

Kết quả này có được không hẳn do vị trí Trại nằm sâu sau cảng Làng Khánh (phường Hà Khánh, TP Hạ Long), cách biệt khu dân cư và xung quanh không có mô hình chăn nuôi lợn, mà quan trọng là quy trình sản xuất ở đây khép kín.

Hiện trại Minh Châu đang có 1.500 nái đẻ, 250 lợn hậu bị, 2.000 lợn con và 4.500 lợn thịt, tất cả đều đạt tiêu chuẩn về sức khoẻ. Riêng 100% lợn nái và lợn giống ở đây trong cơ thể hoàn toàn không có mầm bệnh của 2 loại bệnh phổ biến trên lợn là tai xanh và tiêu chảy do virut.

Tắm 2 lần trước khi vào... chuồng lợn

Đối với các trang trại chăn nuôi chất lượng cao, việc rửa tay chân bằng hoá chất có tính sát khuẩn, mặc quần áo bảo hộ trước khi vào khu vực sản xuất là thường thấy. Ở trại Minh Châu, việc này có yêu cầu nghiêm ngặt hơn. Tất cả các công nhân, kỹ sư ở đây trước khi vào trại lợn đều phải tắm gội 2 lần: Lần một là tắm qua hoá chất khử trùng, lần hai là tắm, gội lại với xà phòng.

Để thuận tiện và cũng là đảm bảo người thực hiện việc này một cách kỹ càng, phòng phun, phụt hoá chất khử trùng được lắp đặt tự động với rất nhiều vòi phun dạng sương, đảm bảo khử trùng hoàn toàn từ đầu đến chân. Riêng đối với người không thường xuyên tiếp cận môi trường sản xuất, trước khi thực hiện các quy trình trên phải cách ly với bên ngoài ít nhất 1 ngày.

Anh Trần Văn Thuần, kỹ sư trại nái ở đây chia sẻ: Việc tắm gội, sát khuẩn trước khi tiếp xúc với đàn lợn xem ra có vẻ phức tạp song lại là quy trình bắt buộc phải làm nếu muốn tránh lây nhiễm những vi trùng, vi khuẩn có hại có thể có trên cơ thể người tác động lên đàn lợn.

Có lẽ chính bởi vậy nên tất cả các khâu sản xuất ở Trại lợn Minh Châu đều được thực hiện theo quy trình khép kín, đảm bảo những yêu cầu nghiêm ngặt. Cụ thể đối với lợn hậu bị, nhập về để nối đàn nái thì phải cách ly hoàn toàn 7 tuần.

Trong thời gian đó, 100% số lợn này đều được xét nghiệm tổng thể đến 3 lần để kiểm tra sức khoẻ, phát hiện sớm mầm bệnh, khi thấy đạt các tiêu chuẩn cho phép mới di chuyển xuống khu vực nái để chuẩn bị phối giống. Lợn nái trong suốt quá trình mang thai (17 tuần) luôn được các nhân viên chăm sóc sức khoẻ và hỗ trợ kịp thời khi cần thiết.

Các lợn nái cũng bị thải loại dần để thay thế nái mới sau từ 6-10 lứa đẻ. Bên cạnh đó, 100% lợn con sau khi ra đời đều được lấy máu xét nghiệm để kiểm tra sức khoẻ, những cá thể không đạt nhất định bị thải loại. Trong quá trình lợn con bám mẹ, nếu chỉ cần một con vì nguyên nhân gì đó mà có dấu hiệu ốm yếu thì cả đàn đều được tiêm vắc xin phòng bệnh.

Đặc biệt vấn đề đảm bảo vệ sinh cho đàn lợn rất được quan tâm. Kỹ sư Thuần cũng khẳng định, ngoài việc khử trùng thì công tác đảm bảo vệ sinh cũng mang tính quyết định đến chất lượng con giống.

Bởi vậy, đội ngũ nhân lực của trại hiện có 25 người thì chỉ có 3 kỹ sư làm công tác chuyên môn, còn lại 22 công nhân đều chỉ làm công việc chăm sóc lợn mẹ, lợn con và vệ sinh chuồng trại. Toàn bộ chất thải của lợn đều có hệ thống xử lý riêng, trong đó 100% chất thải rắn đều được xuất ra ngoài ngay sau khi thu dọn.

Con giống “âm tính” với dịch bệnh

Chính nhờ quy trình sản xuất chặt chẽ trên nên hiện nay 100% lợn nái và lợn giống được sản xuất tại Trại lợn Minh Châu trong cơ thể hoàn toàn không có mầm bệnh của 2 loại bệnh phổ biến trên lợn là tai xanh và tiêu chảy do virut.

Thực tế, qua các kết quả kiểm nghiệm khắt khe nhất đều cho thấy tỷ lệ kháng thể tai xanh trong máu của 2 đối tượng lợn này rất thấp, chỉ khoảng 0,2%, thấp hơn một nửa so với quy định quốc tế, trong đó rất nhiều cá thể chỉ số kháng thể này bằng 0.

Như vậy, nếu con giống này được chăn nuôi trong môi trường đảm bảo thì suốt quá trình sinh trưởng và phát triển sẽ không nhiễm 2 loại bệnh trên. Trong trường hợp được nuôi trong môi trường có mầm bệnh, bắt buộc phải tiêm vắc xin phòng bệnh thì việc phát huy tác dụng của vắc xin tốt hơn các cá thể lợn thông thường khác.

Cũng nhờ cơ thể hoàn toàn khoẻ mạnh nên lợn giống của trại thời điểm cai sữa để xuất ra ngoài luôn nặng cân hơn thông thường. Cụ thể sau 21 ngày cai sữa đã đạt trung bình 7kg, tăng hơn từ 1,5-2kg so với lợn giống được sản xuất tại các trại khác.

Ngoài ra trong quá trình sản xuất tại Trại lợn Minh Châu tỷ lệ lợn con sinh ra bị chết rất thấp, khoảng 4-5%, trong đó nguyên nhân chết đa số do bị đè nén lên trong quá trình di chuyển để bú mẹ hoặc do bị các chứng về tiêu hoá khi sữa mẹ lạnh...

Hiện nay mỗi tuần Trại lợn Minh Châu xuất khoảng 600 lợn giống cho các trại lợn cùng hệ thống của Công ty CP Chăn nuôi Việt Nam. Tất cả đều đảm bảo chất lượng ở mức độ tiêu chuẩn cao nhất, đây là cơ sở để Trại lợn Minh Châu luôn đạt giá trị sản xuất cao.

Ông Hoàng Văn Châu, Giám đốc Công ty TNHH Minh Châu khẳng định: Thực tế đối với chăn nuôi, nhất là chăn nuôi chuyên giống thì hậu quả do dịch bệnh gây ra rất nặng nề; việc triệt tiêu mầm bệnh sau dịch bệnh cũng hết sức khó khăn.

Đấy là chưa nói nếu Trại để xảy ra dịch bệnh dù là loại bệnh thông thường nhất thì sẽ mất ngay thương hiệu đang có là đơn vị duy nhất miền Bắc “âm tính” với dịch bệnh, điều làm nên sự khác biệt và giá trị của Trại.

Có thể nói chính nhờ quy trình sản xuất khép kín, khoa học, với 2 khâu then chốt là sát khuẩn và vệ sinh đàn lợn được đảm bảo đã và đang quyết định hiệu quả sản xuất kinh doanh của đơn vị.

Ông Châu cũng cho biết thêm, để phát huy hơn nữa hiệu quả hoạt động của Trại, đáp ứng nhu cầu đang rất cao của thị trường về con giống đảm bảo tiêu chuẩn, hiện nay Công ty TNHH Minh Châu đang tiến hành mở rộng quy mô chuồng trại cũng như nâng cấp các quy trình chăn nuôi để ngày càng đảm bảo tuyệt đối các khâu sản xuất một cách khép kín và khoa học nhất.


Có thể bạn quan tâm

Sản lượng thủy sản khai thác ở Khánh Hòa đạt hơn 16.170 tấn Sản lượng thủy sản khai thác ở Khánh Hòa đạt hơn 16.170 tấn

Từ đầu năm đến nay, nhờ thời tiết tương đối thuận lợi cho việc vươn khơi bám biển, nên sản lượng khai thác thủy sản của ngư dân trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đạt hơn 16.170 tấn, tăng gần 4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khai thác cá ngừ đại dương đạt hơn 470 tấn, tăng gần 3,5%.

09/04/2015
Đến Chợ Vải Thiều Lớn Nhất Nước, Ngẫm Về Đầu Ra Nông Sản Đến Chợ Vải Thiều Lớn Nhất Nước, Ngẫm Về Đầu Ra Nông Sản

Theo chân ông Chu Văn Báo, Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Lục Ngạn (Bắc Giang), qua chợ vải thiều những ngày cuối vụ, cảnh mua bán đã không còn tấp nập như vài ngày trước. Người viết muốn tìm mua một chùm vải thiều VietGap loại 1 để thưởng thức cũng thật khó, bởi thương lái đã bao tiêu toàn bộ lượng vải ở chợ cho đến cuối vụ.

07/07/2013
Chuyển Lúa Vụ 3 Sang Trồng Màu Ai Lo Đầu Ra Cho Nông Dân? Chuyển Lúa Vụ 3 Sang Trồng Màu Ai Lo Đầu Ra Cho Nông Dân?

Thời gian gần đây, cụm từ chuyển đổi đất sản xuất lúa vụ 3 (lúa thu đông) sang trồng màu đã không ít lần được một số nhà chuyên môn lẫn lãnh đạo Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) nhắc đến. Tuy nhiên, một câu hỏi được đặt ra: “chuyển sang trồng màu, ai lo đầu ra cho nông dân?

14/06/2013
Phá Sản Vì Nuôi Con Đặc Sản Tự Phát Phá Sản Vì Nuôi Con Đặc Sản Tự Phát

Thời điểm này, nhiều hộ nuôi con đặc sản trên địa bàn tỉnh Bắc Giang rơi vào cảnh nợ nần, thua lỗ vì giá một số loại con đặc sản xuống thấp hoặc không có đầu ra.

08/07/2013
Bổ Sung Đối Tượng Được Miễn, Giảm Tiền Sử Dụng Đất Bổ Sung Đối Tượng Được Miễn, Giảm Tiền Sử Dụng Đất

Hiện nay, tại các vùng nông thôn, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) cho người dân chưa đạt được yêu cầu đề ra. Vấn đề này có nhiều nguyên nhân, trong đó khá nhiều hộ nông dân nghèo gặp khó khăn trong việc thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước khi làm thủ tục xin giấy CNQSDĐ.

14/06/2013