Trái Gấc Đi... Tây
Anh Lê Văn Hiệp (sinh năm 1979, xã An Phước, huyện Long Thành - Đồng Nai) được biết đến như một người “mê” làm giàu và có nhiều sáng kiến để phát triển kinh tế.
Sau khi thực hiện thành công các mô hình, như: nuôi chim trĩ, bồ câu, trồng hoa lan... hiện nay, anh đang tiến hành thử nghiệm trồng gấc để xuất khẩu sang thị trường các nước: Mỹ, Nhật Bản, Hà Lan…
* Phát triển cây gấc
Trong một lần tình cờ đọc báo và được biết một bác sĩ ở Hà Nội đã nghiên cứu thành công một loại dược liệu chữa bệnh từ tinh dầu gấc, anh Hiệp đã tìm hiểu thêm thông tin về cây gấc trên sách, báo, mạng internet và nhận thấy rõ các thành phần trong quả gấc có thể dùng để bào chế các loại thuốc chữa bệnh cho người bị nhiễm chất độc da cam, giúp sáng mắt, bồi bổ cơ thể... Bên cạnh đó, giống gấc cũng phù hợp với thổ nhưỡng của địa phương nên anh Hiệp đã quyết định trồng thử.
Anh đã cải tạo 4 hécta đất bạc màu trước đây trồng khoai mì, đầu tư lắp hệ thống tưới tiêu để tiện chăm sóc cây gấc. Anh Hiệp cho biết: “Trồng gấc quan trọng là khâu chọn giống. Cây gấc truyền thống thường cho quả bé, vỏ dày, thịt ít nên tôi đã chọn thêm giống gấc lai cao sản của Mỹ cho quả to, năng suất cao, hàm lượng dinh dưỡng cũng cao hơn so với giống gấc truyền thống trong nước. Bên cạnh đó, loại gấc lai cao sản của Mỹ cũng đang được thị trường nước ngoài rất ưa chuộng”.
Cây gấc một năm thường chỉ có 1 vụ thu hoạch, sau mỗi vụ thu hoạch, anh Hiệp cắt gốc để lại khoảng 10-15cm cho nảy mầm những cây mới, đồng thời cắt ghép các giống gấc lai vào gốc gấc cũ. Trong thời gian gấc chưa leo giàn, anh tận dụng diện tích để trồng xen canh một số loại rau củ. Với diện tích 4 hécta ở lứa đầu tiên, anh thu hoạch được gần 15 tấn gấc và xuất đi với giá 13 ngàn đồng/kg.
* Mở rộng vùng nguyên liệu
Ngoài việc nắm vững các kỹ thuật trồng và chăm sóc cây gấc, anh Hiệp còn chú trọng trong việc tìm hiểu thị trường tiêu thụ sản phẩm của cây gấc. Anh Hiệp chia sẻ: “Trái gấc hiện nay đang được thị trường nhiều nước ưa chuộng, như: Mỹ, Nhật Bản, Hà Lan…
Tuy nhiên, sản lượng sản xuất trên địa bàn cũng đang còn hạn chế, hiện nay sản phẩm chủ yếu cung ứng cho Công ty chế biến dầu thực vật và thực phẩm Việt Nam (VNPOFOOD) ở Hà Nội. Sắp tới, tôi sẽ liên kết với nông dân để mở rộng diện tích tăng sản lượng và đáp ứng đơn hàng xuất khẩu đi Hà Lan của Công ty nông sản Việt (TP.Hồ Chí Minh)”.
Sau khi có thể chủ động được đầu ra cho sản phẩm, anh Hiệp đã mạnh dạn mở rộng diện tích trồng gấc và tiêu thụ sản phẩm với quy mô lớn hơn. Anh tiến hành liên kết với các cơ sở, gia đình ở địa phương để mở rộng vùng nguyên liệu và bảo đảm bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho bà con.
Hiện anh Hiệp đã liên kết được với 12 hộ dân ở xã Suối Trầu (huyện Long Thành) với tổng diện tích là 20 hécta và giới thiệu giống gấc lai cao sản của Mỹ tới các hộ dân ở tỉnh Bình Phước với diện tích gần 30 hécta. Ngoài ra, anh đã tự đầu tư và sáng chế thành công máy sấy gấc để phục vụ cho việc xuất khẩu.
Có thể bạn quan tâm
Vụ xuân năm 2014, toàn tỉnh Thái Bình gieo cấy được 80.679 ha, trong đó gieo thẳng đạt 28.662 ha, chiếm 35,5% so với tổng diện tích gieo cấy, tăng gần 7.000 ha so với vụ xuân năm 2013.
Khác với không khí tất bật, hồ hởi trong những ngày thu hoạch rộ của những năm trước, vụ hành 2014 nông dân thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) đối mặt nguy cơ trắng tay vì sự tấn công của sâu bệnh hại hành.
Hơn một tuần nay, giá ớt trên thị trường đột ngột giảm mạnh, khiến hàng trăm hộ trồng ớt ở các huyện: Mỹ Tú, Mỹ Xuyên và thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) cầm chắc phần lỗ, mùa ớt năm nay càng thêm “cay”.
Hơn các cây trồng khác, cây quế là cây trồng khi đến tuổi khai thác có thể tận thu cả vỏ, thân, lá, cành và có giá trị kinh tế cao. Từ những năm 2000, cây quế đã giúp nhiều hộ dân của xã Đại Sảo (Chợ Đồn - Bắc Kạn) có cuộc sống ấm no, sung túc hơn và đã thật sự là cây trồng giúp xóa đói giảm nghèo bền vững ở địa phương này.
Một số hộ tuy đã từng bước chuyển đổi sang hình thức nuôi tôm công nghiệp – bán công nghiệp nhưng diện tích còn khiêm tốn (khoảng 20 ha) và chỉ quan tâm đến qui trình nuôi tôm bằng sử dụng hoá chất, kháng sinh.