Trái cây Sofri đi khắp năm châu
Sau nhiều năm nghiên cứu, lai tạo và chuyển giao nhiều giống cây trồng, cây ăn quả mới cho các tỉnh phía Nam, đến nay Viện CĂQ miền Nam (Sofri) có không ít sản phẩm khoa học công nghệ đã được Bộ NN-PTNT công nhận và cho phép ứng dụng vào sản xuất hiệu quả.
Các nhà khoa học Viện CĂQ miền Nam thăm vườn bưởi chuyển giao kỹ thuật. Ảnh: Nguyễn Thủy.
Từ việc chuyển giao này, ngành hàng trái cây đã liên tục phát triển, mở ra nhiều cơ hội mới để đẩy mạnh xuất khẩu đi khắp năm châu…
Chuyển giao bản quyền hàng loạt giống
Tiến sĩ Võ Hữu Thoại, Phó Viện trưởng Sofri cho biết: Viện CĂQ miền Nam đã nghiên cứu, lai tạo và chuyển giao cũng như xây dựng thành công nhiều mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ theo GAP, giúp tăng năng suất và chất lượng rau quả, tăng thu nhập cho nông dân; đồng thời môi trường sản xuất cũng được cải thiện.
Ngoài ra, Viện đã nghiên cứu, đúc kết thành công nhiều TBKT mới có giá trị áp dụng trong thực tế thâm canh cây ăn quả mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân trong khu vực.
Đó là các tổ hợp giống gốc ghép chống chịu với điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt: Cam mật không hạt trên gốc ghép; cam mật chịu phèn thích hợp vùng Đồng Tháp Mười và những nơi có điều kiện tương tự; tổ hợp cam sành ghép trên gốc ghép chịu hạn phù hợp với vùng bán khô hạn, thiếu nước tưới khu vực vùng biên giới An Giang; tổ hợp giống cây có múi trên gốc ghép chịu mặn phù hợp các địa bàn ven biển Nam bộ; tổ hợp cây có múi trên gốc ghép chống chịu bệnh thối rễ; các giống lai tạo mới có nhiều ưu điểm về năng suất, sản lượng và chất lượng.
Trong hàng chục năm qua, công tác chọn tạo giống cây ăn quả đã được Viện xác định là nhiệm vụ hàng đầu trong chiến lược nghiên cứu dài hạn, cùng với chương trình chọn tạo giống phù hợp (lai tạo, xử lý độ biến); đến nay Viện đã nghiên cứu lai tạo ra được nhiều giống cây ăn quả mới được Bộ NN-PTNT công nhận và đã chuyển giao sản xuất.
Cụ thể như như giống thanh long ruột đỏ Long Định 1 (LĐ1) đang được nông dân các tỉnh Tiền Giang, Long An, Bình Thuận, Tây Ninh… trồng phổ biến nhờ năng suất cao, chất lượng tốt, thị trường trong nước và xuất khẩu ưa chuộng. Đến nay diện tích thanh long ruột đỏ đang phát triển mạnh tại các địa phương lên tới cả chục ngàn ha.
Chuyên gia quốc tế tham quan mô hình nghiên cứu thanh long leo giàn của Viện CĂQ miền Nam. Ảnh: Nguyễn Thủy.
Thông qua hoạt động tư vấn, hướng dẫn và trực tiếp tham gia xây dựng, đến nay, toàn vùng đã có hàng trăm ha cây ăn quả các loại được công nhận đạt tiêu chí VietGAP. Ngoài ra, từ năm 2015 đến nay, Viện CĂQ miền Nam còn phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp, các địa phương xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ trái cây. Sắp tới, để ứng phó biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt và nhiều hệ lụy, Viện CĂQ miền Nam tiếp tục hợp tác với các địa phương chuyển giao quy trình xử lý ra hoa trái vụ để đảm bảo thu hoạch rải vụ, tránh tình trạng được mùa mất giá; phát triển các vùng chuyên canh cây ăn quả có lợi thế cạnh tranh đáp ứng thị trường xuất khẩu, giải quyết nguồn giống tốt, sạch bệnh phục vụ sản xuất ở những vùng khó khăn…
Tuy mới đưa vào cơ cấu sản xuất nhưng diện tích thanh long ruột đỏ ở Tiền Giang hiện đang tăng nhanh nhờ giá trị kinh tế cao. Nếu thanh long ruột trắng có thời điểm dao động bình quân từ 10.000 đồng đến 20.000 đồng/kg thì giá thanh long ruột đỏ bình quân từ 20.000 đồng đến 70.000 đồng/kg, cao gấp 2 đến 3 lần thanh long ruột trắng. Đồng thời, Viện cũng nghiên cứu lai tạo thành công giống thanh long ruột tím hồng (LĐ5) và đã chuyển nhượng cho một đơn vị chuyên canh thanh long ở tỉnh Bình Thuận với giá hàng tỉ đồng.
Bình tuyển và lai tạo
Thực tế, để có được những giống cây trái ngon, ngoài công tác nghiên cứu giống thì trái ngon chất lượng còn được phát hiện qua các hội thi cây giống tốt được Viện CĂQ miền Nam tổ chức từ năm 1996 đến nay.
Sau mỗi lần tổ chức hội thi, vai trò của các “bàn tay vàng” về nhân giống đến từ các tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long, Cần Thơ, Đồng Tháp... và những nhà khoa học nhân giống của Viện đã góp phần tạo ra rất nhiều cây giống tốt và ngon cho sản xuất, như: sầu riêng Chín Hóa, bưởi da xanh, nhãn xuồng...
Hội thi trái ngon năm nào cũng được Viện kết hợp với các tỉnh ĐBSCL thực hiện nhiều lần trong một năm, theo yêu cầu của các tỉnh.
Tiếp đến Hội thi trái ngon và an toàn thực phẩm, Viện muốn gửi gắm đến nhà vườn trái cây thông điệp: muốn bán được thì ngoài vấn đề chất lượng ra, nhà vườn còn phải bảo đảm vấn đề an toàn thực phẩm.
Bên cạnh các giống địa phương chất lượng cao đã được các hội thi trên khẳng định, thì các giống đặc sản khác như: sapo lồng mứt, chôm chôm nhãn, chuối cau, cam sành, quýt đường, khóm Cầu Đúc, vú sữa Lò Rèn... cũng là những giống đặc sản, có thị trường tiêu thụ, nên được các tỉnh cân nhắc chuyển đổi cơ cấu giống cây ăn trái của địa phương.
Tiến sĩ Trần Thị Oanh Yến, Phó Viện trưởng Sofri cho biết: Mỗi giống cây ăn quả có thời gian lai tạo 12 - 13 năm mới có kết quả. Giống thanh long ruột đỏ đã được Bộ NN-PTNT công nhận, với tên Long Định 1, hiện đang được nhà vườn các tỉnh Bình Thuận, Tiền Giang, Long An trồng phổ biến.
Nhiều giống cây ăn quả được Viện Sofri nghiên cứu chuyển giao sản xuất hiệu quả. Ảnh: Nguyễn Thủy.
Các con lai khác như cam và quýt không hạt do Viện tạo ra bằng cách lai hữu tính hay xử lý đột biến, vẫn là xoài cát Hòa Lộc nhưng được cải thiện độ dày vỏ trái để có thể bảo quản lâu hơn, vận chuyển được xa hơn, tất cả sẽ ra mắt người tiêu dùng trong một vài năm tới đây.
Ngoài kết quả nghiên cứu chọn giống Viện CĂQ miền Nam còn nghiên cứu về nhân giống cây có múi sạch bệnh; nhân giống dứa Cayene, chuối cấy mô; kết quả BVTV và thị trường... Đồng thời, Viện đang nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao mô hình trồng thanh long theo kiểu mới leo giàn thay cho kiểu trồng trụ truyền thống giúp tăng năng suất và cải thiện chất lượng quả.
Một số giống cây ăn quả nổi trội của Sofri mới được công nhận
Giống nhãn lai LĐ11: Nguồn gốc giống nhãn lai LĐ11, từ lai hữu tính giữa giống nhãn Tiêu da bò (mẹ) x Xuồng cơm vàng (bố) và được Bộ NN-PTNT công nhận cho sản xuất thử năm 2015 (Quyết định số 2564/QĐ-BNN-TT, ngày 30/06/2015). Cây sinh trưởng mạnh, dạng tán lá dày, phiến lá to, dài, màu sắc lá non tím nhạt. Đặc tính ra hoa có xử lý, ra hoa sau 36 tháng trồng. Dạng quả hình cầu; vỏ quả vàng da bò đậm; thịt quả trắng trong, thịt dai; khối lượng quả trung bình 12-13g/quả; độ Brix 19,8 - 22,98%. Một số kết quả nghiên cứu bước đầu ghi nhận giống nhãn lai LĐ11 có khả năng chống chịu khá đối với bệnh chổi rồng hại nhãn.
Giống xoài vỏ dày LĐ12: Giống xoài lai LĐ12 có nguồn gốc từ lai hữu tính giữa giống xoài Vandyke và giống xoài cát Hòa Lộc. Giống này đã được Bộ NN-PTNT cho sản xuất thử năm 2017 (Quyết định số 270/QĐ-BNN-TT, ngày 7/02/2017). Khả năng sinh trưởng, phát triển tốt, tỷ lệ ra hoa tương đương với giống xoài cát Hòa Lộc. Chất lượng quả ngọt; có độ Brix cao 20,2-23,8%; tỷ lệ thịt quả 72-84%; vỏ dày đạt 1,6 mm (giống xoài Cát Hòa Lộc 1,1 mm); khối lượng quả trung bình lớn 323g -499 g và phẩm chất quả ngon.
Giống thanh long Dòng lai L16: Khối lượng quả >400g, thịt quả màu trắng, chắc, ngọt, độ Brix >17%, chống chịu tốt với bệnh Đốm nâu, năng suất cao >40kg/cây, có thời gian cho cho quả kéo dài từ tháng 2-11 dương lịch.
Giống thanh long Dòng lai L23: Khối lượng quả >450g, thịt quả màu trắng, chắc, ngọt, độ Brix >17%, chống chịu trung bình với bệnh Đốm nâu, năng suất cao >40kg/cây, có thời gian cho cho quả kéo dài từ tháng 2-11 dương lịch.
Các dòng/giống chanh leo có triển vọng đang được Viện CĂQ miền Nam khảo nghiệm có khối lượng quả >80g, thịt quả vảng đậm, vị ngọt thơm, độ Brix >18%, khả năng cho năng suất cao…
PHÚ LỘC
Có thể bạn quan tâm
Đối với giống dưa chuột BĐ.02 thì thời gian của 1 vụ trồng từ 65 - 70 ngày, năng suất trung bình đạt 4.500kg/1.000m2, giá bán trung bình 6.000 đồng/kg
Nhờ ủ phân lợn để làm thức ăn cho cá trong hồ nuôi rộng hơn 10ha, mỗi năm tiết kiệm được hàng trăm triệu đồng chi phí mua cám công nghiệp.
Quy trình kỹ thuật phòng chống sâu keo mùa thu được phổ biến, áp dụng trong hệ thống tổ chức chuyên ngành Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật, các tổ chức, cá nhân