Trái Cây Mùa Hè Trúng Mùa, Được Giá Nhưng Chưa Hết Lo
Theo thống kê của Sở NN-PTNT, BR-VT có gần 8.000ha cây ăn trái, riêng diện tích trồng trái cây mùa hè có trên 2.000ha. Năm nay, người tiêu dùng e ngại các loại trái cây nhập khẩu giá rẻ đã tạo cơ hội cho trái cây của tỉnh vươn lên chiếm lĩnh thị trường.
Thời điểm này, tại nhiều khu vực trồng cây ăn trái trên địa bàn tỉnh đã chính thức vào vụ thu hoạch. So với mọi năm, do ảnh hưởng của thời tiết nên mùa trái cây mùa hè năm nay đến muộn hơn gần 1 tháng và năng suất cao hơn năm ngoái khoảng 20%. Theo ước tính của các nhà vườn, mỗi ha chôm chôm cho khoảng 4 tấn, sầu riêng và măng cụt cho khoảng 1,5-2 tấn.
Giá bán tại vườn hiện được thương lái thu mua ở mức khá cao: Chôm chôm Thái và chôm chôm nhãn dao động ở mức 15.000-17.000 đồng/kg (tùy theo chất lượng), chôm chôm thường giá 5.000 đồng/kg, măng cụt giá 22.000 đồng/kg, sầu riêng giá từ 15.000-30.000 đồng/kg tùy theo giống. So với năm trước, vụ trái cây này đang có giá cao hơn từ 20-30%; với giá này, mỗi ha cây ăn trái ước lợi nhuận khoảng 50.000 triệu đồng/ha.
Anh Đinh Hồng Hiệp, một chủ vườn tại xã Xà Bang (huyện Châu Đức) cho biết, với 3ha trồng chôm chôm xen lẫn với sầu riêng, hàng năm cho sản lượng trên 10 tấn. Năm nay, do thời tiết thuận lợi nên sản lượng trái cây ước đạt khoảng 14-15 tấn. Nếu giá bán như hiện nay, vụ trái cây hè này gia đình anh có lợi nhuận hơn 100 triệu đồng.
Ông Nguyễn Thanh Sơn, một thương lái thu mua trái cây tại thôn Liên Đức, xã Xà Bang cho biết, xã Xà Bang được coi là một “vựa trái cây hè” của BR-VT bởi tại đây có nhiều nhà vườn chuyên canh cây ăn trái như sầu riêng, măng cụt, chôm chôm quy mô lớn.
So với những vụ trái cây hè trước đây, giá trái cây trên thị trường phía Nam nói chung và tại địa phương nói riêng vẫn ở mức cao dù đang vào mùa thu hoạch chính vụ. Lý do là do người tiêu dùng phía Bắc đang tẩy chay trái cây nhập khẩu từ Trung Quốc vì lo sợ nhiễm hóa chất từ chất bảo quản và kích thích. Do đó, trái cây miền Nam đang là mặt hàng được người tiêu dùng phía Bắc ưa chuộng.
Đặc biệt với những loại trái cây như xoài, chôm chôm, măng cụt, sầu riêng được người tiêu dùng coi như đặc sản của miền Nam. Tuy nhiên, do cước phí vận chuyển tăng nên giá trái cây trong nước đến tay người tiêu dùng vẫn đang ở mức cao hơn trái cây nhập khẩu. Vì vậy, việc đầu tư để trái cây có thương hiệu, đóng bao bì đẹp là nhu cầu tất yếu để cạnh tranh hiệu quả trên thị trường.
Dù nhà vườn trên địa bàn tỉnh trúng mùa, trái cây cũng đang được giá, nhưng lại đang phải cạnh tranh quyết liệt với trái cây của các tỉnh lân cận và trái cây từ miền Tây đổ về. So với trái cây của các tỉnh như Đồng Nai, Bình Dương, trái cây của BR-VT thua kém về mặt hình thức, sản lượng nên sức cạnh tranh kém hơn.
Theo đánh giá của ngành nông nghiệp, một số loài cây ăn trái ở BR-VT được nhiều người biết đến vì chất lượng tốt. Tại các địa phương trong tỉnh đã trồng một số loại trái cây chủ lực, chuyên cung cấp cho các siêu thị và xuất khẩu như nhãn xuồng, thanh long ruột đỏ. Tuy nhiên, do thiếu quy hoạch vùng cây ăn trái mùa hè chuyên canh nên thương hiệu trái cây chưa được nhiều người tiêu dùng biết đến.
Diện tích cây ăn trái đã được người dân trồng theo định hướng hàng hóa, cho giá trị cao nhưng vùng trồng còn manh mún và theo quy mô hộ gia đình. Bên cạnh đó, việc tiêu thụ sản phẩm vẫn chủ yếu phụ thuộc vào thương lái mà chưa tự chen chân vào kênh phân phối lớn như siêu thị. Vì vậy, hiện nay nông dân sản xuất cây ăn trái vẫn chịu cảnh bấp bênh do chưa tìm được đầu ra ổn định cho nông sản.
Ông Mai Văn Tiết, chủ nhiệm HTX dịch vụ nông nghiệp Bông Trang (huyện Xuyên Mộc):
Người sản xuất phải liên kết chặt chẽ với nhau
Giống thanh long ruột đỏ “Long Định 1” là một trong những giống cây ăn trái mới đưa về trồng trên địa bàn tỉnh. Sau 4 năm có mặt tại BR-VT, hiện trên địa bàn tỉnh đã hình thành những trang trại trồng tập trung ở huyện Tân Thành và Xuyên Mộc. Trong đó tại huyện Xuyên Mộc có 13ha. Hiện tại, việc tiêu thụ thanh long trồng tại HTX Dịch vụ nông nghiệp Bông Trang đang có đầu mối cố định đưa đi tiêu thụ tại tỉnh Ninh Thuận.
Cây thanh long ruột đỏ “Long Định 1” đã có một số mô hình trồng thành công và rất hiệu quả nên cần khuyến khích và nhân rộng. Trong tương lai, vấn đề sản xuất cây ăn trái cần có định hướng cụ thể: Phải bảo đảm tính ổn định và bền vững, bảo đảm chất lượng tốt và an toàn cho người sử dụng.
Đây chính là tiêu chí hàng đầu để tạo dựng thương hiệu hàng hóa. Vì vậy, người sản xuất trái cây phải liên kết chặt chẽ với nhau dưới hình thức trang trại tập trung hoặc HTX để tận dụng được sự hỗ trợ của nhà nước cũng như ổn định đầu ra sản phẩm.
Ông Trần Quốc Vũ, ấp Liên Đức, xã Xà Bang (huyện Châu Đức):
Thiếu kỹ thuật sản xuất và giống cây ăn trái mới
Trong những năm qua do trái cây hè thường rớt giá nên nhiều hộ gia đình đã loại bỏ một số cây trồng đặc trưng của tỉnh như mít nghệ, chôm chôm thường để trồng mít Thái, chôm chôm Thái… Mặc dù hiện tại giá những loại trái cây này cao, nhưng do chạy theo phong trào và chưa có kỹ thuật canh tác nên cây thường bị bệnh và năng suất thấp.
Trước thực trạng này, bà con nông dân đang rất cần sự hỗ trợ của nhà nước về kỹ thuật trồng những giống cây mới cũng như việc lựa chọn giống cho phù hợp với thổ nhưỡng của địa phương để phát triển bền vững. Hiện nay, nhiều nhà vườn cùng với việc thu hoạch đang xuống nhiều loại giống trái cây mới.
Vì vậy, việc hỗ trợ của cơ quan chức năng về chọn giống, kỹ thuật canh tác, nhận định về thị trường đang là nhu cầu bức thiết của người sản xuất trái cây. Nếu không có định hướng từ cơ quan chức năng thì tình trạng “trồng rồi chặt” sẽ xảy ra khi cung vượt cầu hoặc năng suất thấp.
Anh Võ Thạch Duy, xã Sông Xoài (huyện Tân Thành):
Thương lái quyết định giá
Theo giá bán trái cây hè của các nhà vườn trên địa bàn các xã Sông Xoài, huyện Tân Thành và xã Kim Long, Xà Bang, huyện Châu Đức…, giá bán trái cây vụ này ổn định hơn mọi năm, nhưng vẫn phụ thuộc vào thương lái vì nhà vườn chưa chủ động được đầu ra.
Cụ thể, cùng một loại trái cây nhưng giá bán ở vườn này có thể cao hơn do việc thương lượng giá giữa chủ vườn và người mua. Mặc dù là người trực tiếp sản xuất nhưng chủ vườn luôn lệ thuộc vào trung gian, thương lái thu gom mà chưa quyết định được giá bán sản phẩm của mình. Nông dân đang phải chấp nhận lời ít, trong khi giới trung gian luôn có lợi nhuận khá cao.
So sánh giá bán của nông dân tại ruộng với giá chợ, hay siêu thị sẽ thấy. Cụ thể, giá bán măng cụt tại vườn ở mức giá 20.000 đồng/kg nhưng ở siêu thị hoặc cửa hàng trái cây thì giá bán đã là 50.000-60.000 đồng/kg. Vì vậy, tìm ra giải pháp để vừa giúp nông dân tăng thu nhập, đồng thời giảm giá bán cho người tiêu dùng là rất cần thiết để ổn định thị trường cũng như tăng sức mua.
Có thể bạn quan tâm
Những ngày này, đến vùng nuôi tôm công nghiệp của xã Giao Phong (Giao Thủy) thấy ai cũng phấn chấn, hồ hởi. Bởi vụ tôm xuân hè năm nay mặc dù gặp khó khăn đầu vụ do dịch bệnh, nhưng nhiều hộ nuôi tôm thẻ chân trắng vẫn được mùa, được giá.
Chiều ngày 7/5 Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh do Bộ NN&PTNT chủ trì đã tổ chức cuộc họp định kỳ nhằm đánh giá tình hình dịch bệnh ở gia cầm và lợn trên địa bàn cả nước.
Thời gian gần đây, các chợ và điểm bán lẻ hoa quả ở TP Hà Tĩnh bày bán loại cam không rõ nguồn gốc với giá rẻ. Theo các chủ hàng thì cam họ bán là cam Vinh (cũng có người nói là cam Hòa Bình). Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi thì rất có thể loại cam này có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Trong thời gian qua, mô hình nuôi cá bống tượng và các loài cá nước ngọt, lợ khác phát triển khá mạnh ở huyện Cái Nước (Cà Mau). Qua đó góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống người dân. Tuy nhiên, do đầu ra không ổn định, người dân nhiều phen khốn đốn vì trúng mùa nhưng không trúng giá.
Chiều ngày 8/5, giống hàu Thái Bình Dương do Trung tâm Giống và Kỹ thuật thủy sản (Sở NN-PTNT Phú Yên) sản xuất đã được đưa ra huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang) để một số người dân ở đây nuôi thử nghiệm.