Trái cây gian nan giữ thị trường
Trái cây nhập khẩu không chỉ tập trung vào những nhóm sản phẩm Việt Nam không có mà nhiều loại trái cây đặc sản của Đồng Nai, như: chôm chôm, sầu riêng, măng cụt... cũng bắt đầu chịu áp lực cạnh tranh ngay trên sân nhà với hàng ngoại.
Nông dân Thống Nhất trồng thanh long theo quy trình an toàn đạt chuẩn xuất khẩu.
Về thị trường xuất khẩu, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TTP) được cho là sẽ mở ra thị trường xuất khẩu rộng lớn cho nông sản, trong đó có mặt hàng trái cây.
Hiện nhiều thị trường khó tính, như: Nhật Bản, Úc... đã mở cửa cho trái cây Việt Nam.
Tuy Đồng Nai đã có những đơn hàng trái cây, như: chuối, xoài, thanh long...
xuất khẩu nhưng vẫn chưa có chỗ đứng trên thị trường nước ngoài.
* Sân nhà bị “lấn”
Bà Phạm Thị Thanh Thúy, tiểu thương bán trái cây tại chợ Biên Hòa, nhận xét trái cây ngoại ngày càng đa dạng về chủng loại, giá cả cũng mềm hơn so với trước, nhất là những loại trái cây cùng chủng loại với Việt Nam nhập từ các nước trong khối ASEAN.
“Hiện thị trường vẫn bán rất nhiều các loại trái cây nhập khẩu từ Thái Lan, như: sầu riêng, măng cụt, xoài…Trong khi trái sầu riêng của ta vướng thông tin bất lợi dùng hóa chất ép trái chín thì hàng Thái được khẳng định không nhúng thuốc khiến người mua yên tâm” - bà Thúy so sánh.
Bà Phạm Thị Chi, nông dân trồng chôm chôm tại TX.
Long Khánh, chia sẻ: “Long Khánh nổi tiếng với đặc sản ngon: chôm chôm nhãn, chôm chôm Thái.
Nhưng vài năm trở lại đây, đầu ra cho trái đặc sản này cũng gặp khó khăn, có thời điểm bán ra dưới 10 ngàn đồng/kg, không đủ chi phí đầu tư, thu hoạch.
Vì chôm chôm nhãn từ Trung Quốc tràn vào, cung cấp tận tay tiểu thương với giá rẻ hơn do nhà vườn bán ra”.
Điều khiến nông dân lo lắng nữa là tình trạng hàng Trung Quốc đội lốt trái cây Việt bán tràn lan ngoài thị trường vẫn chưa được tháo gỡ.
Đồng Nai không thiếu các loại đặc sản trái cây, như: xoài, sầu riêng, chôm chôm...
có diện tích, sản lượng lớn không chỉ đáp ứng được nhu cầu của thị trường nội địa mà cả xuất khẩu.
Tuy nhiên, do trồng với nhiều loại giống khác nhau, vùng trồng không tập trung và đầu tư chưa đúng quy trình, đặc biệt sử dụng thuốc bảo vệ thực vật còn tùy tiện...
khiến trái cây Đồng Nai chủ yếu vẫn tiêu thụ tại thị trường nội địa và đang dần yếu thế trong cạnh tranh giữ thị trường với trái cây nhập khẩu.
* Xuất khẩu cần chính sách hỗ trợ
Đối với xuất khẩu, khi đối tác cần số lượng lớn, chất lượng đồng đều, đảm bảo yêu cầu về truy xuất nguồn gốc thì trái cây Đồng Nai không đáp ứng được so với hàng Thái Lan, Philippines...
Ông Đào Văn Thành, Phó giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp thương mại dịch vụ du lịch xoài Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu), lo lắng: “Nông dân chưa kịp vui vì thông tin trái xoài Đồng Nai được cấp phép xuất khẩu qua Nhật Bản thì lại nghe thông báo chỉ xuất được trái xoài Cát Chu, giống xoài Đồng Nai có rất ít diện tích”.
Theo ông Thành, việc các nước dựng hàng rào kỹ thuật cho mặt hàng nông sản ngày càng khắt khe cũng là khó khăn không nhỏ trong việc mở ra cơ hội xuất khẩu cho mặt hàng nông sản.
Cụ thể, Hàn Quốc - một đối tác rất quan tâm hợp tác xuất khẩu xoài của Đồng Nai, sẽ áp dụng quy định quản lý mới đối với tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trên nông sản, thực phẩm nhập khẩu.
Điều này gây khó khăn không nhỏ để xuất khẩu trái cây vào thị trường này.
Trong chuyến công tác về Đồng Nai, ông Nguyễn Trung Dũng, Tham tán thương mại Việt Nam tại Nhật Bản, cho biết trái cây có thương hiệu của Nhật Bản có giá cao gấp cả chục lần so với sản phẩm cùng loại nhập khẩu.
Nhưng tiếp cận phân khúc hàng giá rẻ này cũng không dễ vì những quy định về vệ sinh an toàn của họ rất khắt khe.
Theo ông Dũng, Việt Nam cần lập trung tâm phân tích; hỗ trợ chi phí lấy mẫu đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm...
để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu.
Ngoài ra, Nhà nước cần có chính sách ưu đãi thu hút doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào lĩnh vực sản xuất và chế biến nông sản để sản phẩm đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.
Ông Phạm Trung Nghĩa, Tham tán thương mại Việt Nam tại Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, khẳng định tiềm năng thị trường này rất lớn vì đây là cửa ngõ đưa hàng vào các nuớc Trung Đông và châu Phi.
Đây lại là thị trường rất dễ tính với hàng rào kỹ thuật và yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm không quá khó khăn.
Rào cản lớn nhất là chi phí vận chuyển quá cao.
Việt Nam nên có chính sách hỗ trợ, gỡ khó về khâu vận chuyển cho doanh nghiệp như Chính phủ Thái Lan và một số nước trong khối ASEAN đã thực hiện từ nhiều năm trước.
Có thể bạn quan tâm
Lúc mới vào vụ, giá hành tím được đẩy lên đến 25.000 đồng/kg. Nhưng, khi càng cận ngày Tết Nguyên đán 2015, giá hành càng giảm mạnh và đến khi vụ hành mùa (hành chính vụ) chính thức bước vào thu hoạch, người trồng hành tím mới vỡ mộng vì hầu như không có doanh nghiệp xuất khẩu nào đến thu mua.
Vốn là loại cây dễ trồng, đầu tư ít, thích hợp với nông dân ít vốn nên dù năm được, năm mất, cây sắn (mì) vẫn gắn bó với người dân Tây Nguyên như một cây xóa nghèo. Tuy nhiên trong 5 năm trở lại đây, diện tích trồng sắn tăng khá nhanh, đang phá vỡ quy hoạch cơ cấu cây trồng và phát triển thiếu bền vững.
Theo tin từ Chi cục Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT), vụ xuân năm nay, toàn tỉnh Quảng Ninh trồng trên 3.000ha ngô tập trung chủ yếu tại các huyện, thị miền Đông như: Bình Liêu, Tiên Yên, Hải Hà, Đầm Hà, Móng Cái…
Giá mía liên tục giảm trong nhiều năm, người thu mua thì ép cấp ép giá, cộng với những rủi ro về sâu bệnh, hạn hán… khiến đời sống của người trồng mía lâm vào cảnh lao đao.
Chúng tôi cùng đoàn cán bộ Hội Nông dân xã Tân Hòa (Đồng Phú - Bình Phước) tham quan tại trồng nấm linh chi tại Công ty TNHH linh chi Trường Thọ thuộc ấp 4, xã Tân Lập. Anh Nguyễn Chí Thành (28 tuổi), Giám đốc công ty cho biết: “Gia đình tôi trồng và nhân giống các loại nấm từ rất lâu rồi. Do tiếp cận với nghề trồng nấm từ nhỏ nên quá trình sinh trưởng, quy trình chăm sóc nấm tôi nắm rất rõ”.