Trái cây gặp khó

Thường từ tháng 4 đến tháng 7, ở miền Tây trái cây vào mùa thu hoạch. Cùng thời gian này, trái cây miền Đông cũng chín, “đụng độ” với trái cây miền Tây. Rồi vải thiều miền Bắc rục rịch Nam tiến. Tất cả khiến trái cây đồng loạt rớt giá.
Trái cây dội chợ
Những ngày qua trái cây ở các tỉnh ĐBSCL cùng lúc thu hoạch nhiều nên giá bán giảm mạnh. Hơn một tháng trước, sầu riêng đầu mùa loại trái ngon cơm vàng, hạt lép có giá trên 70.000đ/kg, nay ngoài chợ giảm xuống 30.000-35.000đ/kg. Còn thương lái về tận vườn thu mua hạ xuống dưới 25.000đ/kg.
Chôm chôm giống Thái rớt giá còn 17.000-22.000đ/kg, trong khi cách đây nửa tháng có giá 30.000đ/kg; mãng cầu ta (quả na) từ 60.000đ/kg giảm còn 40.000đ/kg.
Rớt giá mạnh nhất là thanh long, hàng nhiều bày bán khắp nẻo đường miền Tây. Trên quốc lộ 91 Cần Thơ về Ô Môn, nhà vườn bán thanh long bên lề đường 3kg giá chỉ có 10.000đ, tức là 1 kg thanh long ngang giá ly trà đá.
Về huyện Phong Điền, TP Cần Thơ, nơi có diện tích vườn trái cây chiếm hơn 80% tổng diện tích nhà vườn toàn TP, đủ loại trái cây đang vào mùa, bày bán nhan nhản hai bên đường.
Nhà vườn thu hoạch số lượng nhiều thường bán cho thương lái chở đi chợ xa. Còn vườn nhỏ, trái ít thu rải vụ, nhà vườn tự chở ra chợ hay bày bán trước cửa nhà.
Đặc sản vẫn lo
Mấy năm trước, nhà vườn chuyên canh trồng trái cây đặc sản không lo vào mùa dội chợ. Nhưng mùa trái chín năm nay, gặp nhà vườn nào cũng than thở.
Ông Lê Văn Mậu, ở xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp) trồng 5 công xoài, bức xúc nói: "Chưa có năm nào như năm nay, xoài tới lứa hái rồi nhưng gọi hoài mà cánh thương lái không màng tới mua. Hiện xoài giảm giá so với trước tết đến 60-70%.
Mấy ngày qua, ra vườn thấy xoài ửng vàng trên cây, sốt ruột nên tôi chọn trái chín hái trước đem ra chợ bán.
Loại xoài ngon giống Hòa Lộc nổi tiếng của Cao Lãnh thương lái mua loại 1 giá 25.000-30.0000đ/kg; xoài cát Chu Cao Lãnh 14.000đ/kg. Các giống xoài ghép lai như xoài Đài Loan 5.000-7.000đ/kg, xoài thanh ca, xoài hòn...giá 3.000- 4000đ/kg"...
Nhiều nhà vườn chuyên canh măng cụt ở cuối nguồn sông Hậu, huyện Cầu Kè (Trà Vinh) từng trúng đậm mấy mùa trước và không lo dội chợ thì năm nay cũng "không thoát".
Phần thì thời tiết khô hạn nắng nóng kéo dài nên trái ít, nhỏ, chỉ đạt cỡ 3 tấn/ha, giảm 50% năng suất, phần nữa là cùng chung số phận rớt giá như nhiều loại trái cây khác.
Ở Kế Sách (Sóc Trăng) và Phong Điền (Cần Thơ) nhà vườn bán măng cụt hiện còn 35.000đ/kg, giảm 20.000-25.000đ/kg so đầu vụ cách đây hơn một tháng. Cách Cao Lãnh (Đồng Tháp) hai con sông Tiền, sông Hậu, nhưng ở Cần Thơ thương lái về vườn mua xoài Hòa Lộc, lựa trái đẹp mua 17.000đ/kg, rẻ hơn 8.000 đ/kg.
Ở xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ (Cần Thơ), anh Trần Tuấn Anh trồng 1 ha xoài cát Hòa Lộc, cần mẫn chăm bón rất kỹ, bỏ ra hơn 25 triệu đồng để bao từng trái xoài.
Theo anh, nhờ cách làm này mà năm nay vườn xoài nhà anh đỡ mất giá hơn các vườn khác. Bởi thương lái vào vườn thu mua tuyển lựa rất kỹ, chỉ mua trái to đẹp, sạch sâu bệnh...
Hơn hai năm qua, các nhà vườn miền Tây bắt đầu XK chôm chôm, nhãn, nhưng số lượng chưa nhiều, vì trái cây đạt tiêu chuẩn an toàn còn ít, trồng không tập trung.
Theo Trung tâm khuyến nông các tỉnh trong vùng, mô hình vườn chuyên canh cây đặc sản sản xuất theo VietGAP, GlobalGAP được nông dân thực hành thành công. Song khi khuyến khích nhân rộng mô hình lại gặp trở ngại.
Vì để đạt chứng nhận tiêu chuẩn GAP phải tốn nhiều chi phí (thông thường xây dựng mô hình có kinh phí Nhà nước hoặc DN hỗ trợ) và khi hết hạn phải tái kiểm định, đóng thêm phí. Đó là chưa nói đến cho dù trái cây đạt hay không đạt chứng nhận an toàn nếu bán nội tiêu thì giá cũng như nhau.
Có thể bạn quan tâm

Vai trò không thể phủ nhận của phân hữu cơ trong sản xuất nông nghiệp là mang lại hiệu quả kinh tế cho nông dân và cây trồng, giảm bớt sự ô nhiễm môi trường, bảo vệ đất, nguồn nước, làm cho lương thực, thực phẩm được an toàn. Những ưu điểm này đã được các nhà khoa học nghiên cứu, ứng dụng để đem về sức sống cho đồng ruộng, sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững.

Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Công Chánh cho rằng: Trong điều kiện còn nhiều khó khăn của cả nước, cùng sự tác động suy thoái kinh tế và khủng hoảng thị trường thế giới, nhưng 4 năm qua, nền kinh tế Hậu Giang vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định, tạo tiền đề quan trọng để phát triển chung cho cả giai đoạn 2011-2015.

Với những thuận lợi về hệ thống đê bao khép kín, kết hợp áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã thúc đẩy nền nông nghiệp ở huyện Vị Thủy đạt cả 3 mặt. Năm 2014, là năm thứ 14 huyện Vị Thủy có sản lượng lúa đạt trên 200.000 tấn/năm.

Là vùng đất thuần nông nhưng diện tích gieo cấy 2 vụ lúa của xã Trực Hùng (Trực Ninh) lại hạn chế (313,37ha). Do vậy xã đã xác định đầu tư cơ sở hạ tầng, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến nâng cao hiệu quả sản xuất trên diện tích đất canh tác là định hướng trọng tâm phát triển nông nghiệp.

Thực hiện Nghị quyết số 07 của BCH Đảng bộ tỉnh khoá XVIII về phát triển kinh tế trang trại, gia trại, huyện Vụ Bản chỉ đạo các xã, thị trấn xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế trang trại, gia trại gắn với quy hoạch phát triển kinh tế nông nghiệp và quy hoạch xây dựng NTM.