Trái Cây Đồng Nai Xuất Ngoại
Từ cuối năm 2013 đến nay, một số loại trái cây của Đồng Nai đã ký được hợp đồng xuất khẩu. Cơ hội vẫn đang mở ra với nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất - kinh doanh trái cây.
Đến đầu tháng 2-2014, đã có 5 loại trái cây của Đồng Nai được xuất khẩu là: xoài, mít, chuối sấy, thanh long, sầu riêng. Nếu đảm bảo chất lượng, truy được nguồn gốc thì việc xuất khẩu có thể không chỉ dừng lại ở 5 loại trái cây trên.
* Thêm nhiều thị trường lớn
Trước đây, chỉ trái sầu riêng của Đồng Nai được Công ty phát triển công nghệ sinh học Dona-Techno (TX.Long Khánh) xuất khẩu sang Mỹ, Trung Quốc, thì nay đã có 5 loại trái cây của tỉnh xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới. Trong đó, với những thị trường khó tính trái cây Đồng Nai cũng đã bắt đầu xâm nhập và được chấp nhận.
Ông Nguyễn Thế Bảo, Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) xoài Suối Lớn, xã Xuân Hưng (huyện Xuân Lộc) cho hay: “Trước đây, trái xoài tươi của HTX chỉ xuất khẩu được sang Trung Quốc với giá cao hơn chút đỉnh so với bán tại vườn. Nhưng từ đầu 2014, HTX đã ký được hợp đồng xuất khẩu xoài tươi sang Ukraine với giá cao gấp 2 lần. Mới đây, xoài sấy khô gửi qua châu Âu chào hàng đã được chấp nhận và HTX đang gấp rút chuẩn bị để ký hợp đồng”. Ngoài 2 thị trường lớn trên thì phía Dubai đang dự tính sẽ nhập khẩu xoài ba mùa mưa từ HTX xoài Suối Lớn.
Giám đốc Công ty TNHH trái cây Long Khánh - ông Huỳnh Văn Hải, chia sẻ: “Công ty vừa ký được hợp đồng xuất khẩu mít, thanh long sang thị trường Trung Quốc, số lượng 5 tấn/tuần. Sau vài đợt giao hàng, phía đối tác đề nghị nhập khẩu với số lượng lớn, song công ty chưa dám ký vì lo không đáp ứng đủ”. Ông Hải cũng cho biết thêm, có 3 công ty ở TP.Hồ Chí Minh muốn làm trung gian để xuất khẩu một số loại trái cây khác của Long Khánh ra nước ngoài, nhưng công ty chưa đồng ý vì muốn xuất khẩu trực tiếp.
Ngoài trái cây tươi, các loại trái cây sấy khô, nước trái cây cũng được nhiều doanh nghiệp nước ngoài “để mắt” tới.
* Lo quy định về xuất xứ
Hiện một số doanh nghiệp Mỹ, Nhật Bản, EU... đặt vấn đề nhập khẩu trái cây từ Đồng Nai với giá cao gấp 1,5-2 lần so với thị trường trong nước, nhưng sản phẩm phải có chứng nhận GAP (thực hành nông nghiệp tốt) và trái cây bảo quản đảm bảo chất lượng trong quá trình vận chuyển.
“Khó nhất của doanh nghiệp hiện nay không phải tìm thị trường mà là bảo quản sau thu hoạch. Trái cây muốn xuất khẩu phải bảo quản tươi trong vòng 10-15 ngày mà không được dùng các chất có hại” - ông Huỳnh Văn Hải, Giám đốc Công ty TNHH trái cây Long Khánh khẳng định.
Ông Nguyễn Xuân Đông, Giám đốc Công ty TNHH Gia Kiệm (huyện Thống Nhất), bày tỏ: “Tôi ký hợp đồng xuất khẩu chuối sấy sang Nga, khối lượng 18 tấn/tháng. Và nước trái cây cũng là mặt hàng được nhiều nước ưa thích và đặt mua, song đều đòi hỏi truy được nguồn gốc của các loại trái cây dùng làm nước”.
Ông Liu Tác Sáng, Giám đốc Công ty TNHH thương mại sản xuất Thuận Hương (huyện Định Quán), cho hay: “Công ty đang nhắm tới thị trường Mỹ, EU nhưng vướng phải yêu cầu trái cây làm nguyên liệu phải truy nguyên được nguồn gốc. Đây chính là hạn chế khiến trái cây sấy của công ty chưa vào được thị trường đầy tiềm năng này”.
Bà Dương Thị Quỳnh Trang, Giám đốc Quan hệ công chúng và đối ngoại hệ thống Siêu thị BigC Việt Nam, cho biết Phòng thu mua và xuất khẩu BigC Việt Nam đặt tại Đồng Nai. Mục tiêu chính là tìm kiếm nguồn hàng Việt chất lượng cao, hỗ trợ các nhà sản xuất trong nước kiểm soát các quy chuẩn chất lượng và xúc tiến xuất khẩu các mặt hàng nông nghiệp sang 9 nước trên thế giới thông qua hệ thống đại lý của Tập đoàn Casino. Trái cây là mặt hàng phòng thu mua đang nhắm tới để xuất khẩu.
Có thể bạn quan tâm
UBND huyện Phù Mỹ là cơ quan được giao quyền quản lý sử dụng giấy chứng nhận kể trên. Các sản phẩm được bảo hộ gồm: Củ kiệu khô, củ kiệu đã bảo quản, dưa làm từ củ kiệu, củ kiệu muối, củ kiệu tươi; các dịch vụ mua bán củ kiệu tươi, củ kiệu khô, củ kiệu đã bảo quản và chế biến.
Do thiếu công nghệ chế biến nên đặc điểm các loại nấm SX trong nước khi bán ra thị trường thường "thô", ít được người tiêu dùng lựa chọn.
So với giống vải ở nhiều nơi khác, vải chín sớm Phương Nam (TP Uông Bí - Quảng Ninh) có ưu thế hơn hẳn: Quả to, vỏ mỏng, gai thưa và ngắn, nhiều nước, vị ngọt hơi chua, mùi thơm, thường chín sớm hơn vải tu hú (mùa quả gắn với sự trở về của loài chim tu hú di cư) từ 7-10 ngày và vải thiều Thanh Hà (tỉnh Hải Dương) từ 30-40 ngày.
Ông Út Anh, một người nuôi cá có tiếng ở Vĩnh Thạnh (Cần Thơ), vừa cho biết, giá ca tra kích cỡ 800-900 gam/con, do thương lái thu mua ngay tại ao ở khu vực này, hiện đã vào khoảng 24.200-24.300 đ/kg. Nếu so với hồi tháng 2, giá cá tra đã tăng khá, bởi cách đây một tháng, giá cá tra ở Cần Thơ chỉ khoảng trên dưới 23.000 đ/kg. Còn ở Vĩnh Long, trong tháng 2, giá cá tra nằm ở mức 22.500-23.000 đ/kg.
Thực hiện chương trình khuyến ngư năm 2013, Chi cục Thuỷ sản Ninh Bình đã triển khai xây dựng mô hình nuôi cá trắm đen bổ sung thức ăn công nghiệp với quy mô 9.000 m2 tại các hộ thuộc huyện Gia Viễn. Sau 8 tháng triển khai, mô hình đã hoàn thành và cho kết quả khả quan, mở ra hướng phát triển mới trong chăn nuôi thuỷ sản nước ngọt.