Bí quyết luân canh tôm cua bất bại, thu tiền tỷ mỗi năm
Quyết theo nghiệp nuôi tôm
Ông Trần Quang Hiên là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh nhiều năm liền; được nhận bằng khen của UBND tỉnh năm 2014, 2015. Kinh tế khá giả, 5 người con của ông đều học hành đến nơi đến chốn, có việc làm ổn định.
Ông Hiên nhớ lại: “Khoảng năm 1994 khi nước mặn vào, tôi bắt đầu nuôi tôm quảng canh với 0,6 ha, nhờ tích lũy mà mua thêm đất mở rộng diện tích, tôi chuyển sang nuôi tôm quảng canh cải tiến. Việc nuôi tôm theo hình thức này đang ổn định thì phong trào nuôi tôm càng ngày càng phát triển, môi trường nước bị ảnh hưởng lớn, không quản lý nổi. Chính vì vậy tôi quyết định chuyển sang nuôi tôm công nghiệp để quản lý tốt nguồn nước...”.
Bắt tay vào nuôi vụ đầu tiên khoảng năm 2011, gặp ngay lúc nước có độ mặn cao, 3 ao tôm nhà ông Hiên chết rất nhiều, thiệt hại gần 30 triệu đồng. Một tháng sau ông tiếp tục thả nuôi, nhưng tôm vẫn chết, lại lỗ thêm 40 triệu đồng. Thấy tình hình không ổn, ông Hiên quyết định ngưng nuôi tôm, mua 4.000 con cua thả vào 3 ao nuôi. Không ngờ thắng lớn, năm đó ông Hiên lãi ròng khoảng 250 triệu đồng.
Có được đồng vốn từ việc trúng cua vụ đó, ông Hiên lại tiếp tục mua giống tôm về thả 2 ao, không may hỏng mất 1 ao. Từ đây, ông quyết tìm ra nguyên nhân bị thiệt hại, mày mò học hỏi, đi khắp nơi để xem những mô hình nuôi tôm công nghiệp hiệu quả. “Sau 4 lần thất bại tôi mới biết rằng nguyên nhân chính là do mình cứ thả nuôi liên tiếp mà không quan tâm nhiều đến con giống và môi trường nước. Đồng thời việc nuôi cua ở lần trước đã giúp tôi rút ra bài học là mình chỉ nên nuôi 1 vụ tôm trong năm, thời gian còn lại thả nuôi cua luân canh. Từ đó đến nay tôi đều áp dụng theo phương pháp này và chưa thất bại vụ nào” – ông Hiện chia sẻ.
Thu tiền tỷ mỗi năm
Nhờ chuyển đổi đối tượng nuôi, vụ nuôi tôm sú công nghiệp năm 2015, ông Hiên thu về 1,8 tỷ đồng, lãi gần 1,2 tỷ đồng. Điểm đặc biệt là ông không bán tôm ướp đá cho thương lái mà thu tỉa, bán tôm sống cho các công ty đặt hàng nên giá bán cao hơn.
Với kinh nghiệm của mình, ông Hiên cho rằng: “Trong nuôi tôm công nghiệp quan trọng nhất vẫn là môi trường nước. Tôi rất ít khi xài đến kháng sinh, chủ yếu xài vi sinh để phòng ngừa trước, đồng thời thả cá rô phi vào ao nuôi để làm sạch nước... Tôm khi xuất bán chất lượng hơn, mẫu mã đẹp, bán được giá cao hơn”.
Ông Hiên còn thả chiết tôm ra từng ao khác nhau ở từng độ tuổi giúp tôm phát triển nhanh hơn. Vụ tôm bắt đầu từ khoảng tháng 8 âm lịch, đến tháng 2 thu hoạch là thời điểm giá tôm thường cao. Sau khi thu hoạch tôm thì cải tạo ao và thả cua, cứ luân chuyển như vậy. Từ việc nuôi cua, mỗi năm gia đình ông lãi từ 50-60 triệu đồng.
“Đối với tôm, tôi không bao giờ thả cùng lúc 4 ao mà chỉ thả tôm giống 1 ao với mật độ khá dày. Sau đó, khi tôm được 30-40 ngày tuổi thì bắt đầu chuyển 1 phần tôm sang ao thứ 2, sau đó tiếp tục chuyển thêm 2 lần nữa. Từ ao thứ 2, 3, 4 thì mỗi ao đảm bảo mật độ 15-20 con/m2, như vậy tôm rất mau lớn, rất ít bệnh” – ông Hiên thổ lộ.
Không dừng lại ở đó, khi việc nuôi tôm công nghiệp luân canh cua đã ổn định, ông Hiên lại bắt tay vào kinh doanh tôm giống. Hiện mỗi năm doanh thu từ việc kinh doanh tôm giống lên đến gần 3 tỷ đồng, thu lãi hơn 250 triệu đồng/năm.
Có thể bạn quan tâm
Ông Katơr Thơm, Chủ tịch Hội CCB xã Phước Hòa, cho biết: Hiện nay, toàn Hội có 75 hội viên. Để tạo nguồn vốn cho hội viên phát triển kinh tế gia đình, Hội CCB xã đã vận động các hội viên kinh tế khá giả, có đàn bò nhiều giúp đỡ cho từng hội viên nghèo và cận nghèo thông qua mô hình “Nuôi bò rẻ”. Hội viên có bò cho hội viên kinh tế gia đình còn khó khăn nhận nuôi từ 1-2 con bò cái, sau thời gian bò đẻ, con lứa đầu sẽ được cho gia đình nuôi hưởng, con lứa thứ hai trả cho chủ hộ. Cứ như thế xoay vòng từ 2-4 năm. Với cách làm này, từ năm 2009 đến nay, 8 hội viên có bò đã cho 18 hội viên và bà con nghèo nhận 37 bò cái sinh sản về nuôi rẻ.
Đã nhiều năm nay, nông dân huyện Yên Thành phát triển nghề nuôi vịt chạy đồng, theo các vụ lúa trong năm. Nghề này không những giảm được chi phí đầu tư, nâng cao hiệu quả kinh tế mà còn cung cấp nguồn thực phẩm sạch cho thị trường.
Trên cánh rừng hoang nghèo kiệt chỉ có lau lách và cỏ dại, cô lập với khu dân cư, trong gần 6 năm khởi nghiệp, Nguyễn Văn Hảo trở thành tỉ phú trẻ nhất xã Tam Dị, doanh thu đạt gần 2 tỉ đồng/năm.