Hiệu quả từ mô hình trang trại tổng hợp
Ông Sơn cho biết: Trước đây gia đình ông cực kỳ khó khăn, cả nhà 4, 5 miệng ăn chỉ trông vào mấy sào ruộng. Nghề nông lại mang tính chất thời vụ, cứ đầu vụ, cuối vụ bận rộn, còn thời gian nông nhàn nhiều, nhiều khi bụng thì đói mà cũng chỉ biết ngồi chơi cho hết ngày.
Ông nghĩ mình có sức khỏe, có khối óc tại sao lại ngồi chơi và phải chịu cảnh đói nghèo mãi. Nhiều đêm ông đã thức trắng để suy tính cách làm ăn, lựa chọn làm cái gì để đưa kinh tế gia đình đi lên và thoát khỏi cái đói, cái nghèo.
Qua tìm hiểu, ông được biết nhiều nơi xây dựng mô hình kinh tế trang trại thành công và hiệu quả. Cộng với thực tế ở Yên Thắng có nhiều diện tích ruộng trũng cấy lúa kém hiệu quả, ông đã mạnh dạn xin xã cho chuyển đổi đất sản xuất. Bắt đầu từ năm 2003 với hai bàn tay trắng, ông Sơn cải tạo đất đai, gây dựng trang trại cho gia đình mình.
Với tổng diện tích 2,9 mẫu đất ruộng, ông đào ao và quây vùng thả cá với hai hình thức sản xuất đó là: ao thả cá quanh năm và diện tích nuôi lúa - cá (một vụ lúa, một vụ cá).
Những năm đầu sản xuất, ông chỉ nuôi những loại cá truyền thống và thu nhập đạt trên 20 triệu đồng/năm. Lấy ngắn nuôi dài, có lãi ông lại đầu tư xây dựng chuồng trại nuôi lợn ở xung quanh khu vực ao nuôi. Đồng thời, tận dụng thức ăn thừa, phụ phẩm trong chăn nuôi để nuôi cá, vừa tiết kiệm chi phí, vừa mang lại hiệu quả cao.
Ngoài nuôi lợn và cá, ông còn trồng các loại cây ăn quả như: ổi, chuối.... ở bờ ao. Với sự cần cù, chịu khó, ham học hỏi, ông Sơn đã xây dựng thành công mô hình kinh tế trang trại tổng hợp có thu nhập năm sau cao hơn năm trước. Nếu như năm 2005, thu nhập mới đạt 20 triệu đồng thì đến năm 2010 đạt 50 triệu đồng và đến nay đã đạt 150 triệu đồng/năm.
Hiện nay, trang trại của gia đình ông Sơn có 4 con lợn nái đẻ siêu nạc để lấy lợn con nuôi thành lợn thịt; trên 70 con gà; các ao thả cá chép và cá trắm. Trung bình mỗi năm trang trại xuất bán ra thị trường 4 - 5 tấn lợn thịt; trên 140 con gà (2 lứa); 4 tấn cá các loại. Sản phẩm do trang trại làm ra đến đâu có khách hàng đến đặt và lấy hết đến đó.
Theo ông Sơn, kinh nghiệm rút ra sau hơn 12 năm xây dựng trang trại là: để nuôi thành công bất kỳ con gì cũng phải cần cù, chịu khó và có kỹ thuật nhất định. Ví dụ như nuôi cá, quan trọng nhất là khâu cải tạo ao nuôi, phải vệ sinh sạch sẽ.
Khi thấy hiện tượng nước trong ao có màu xanh tức là lượng thức ăn thừa dẫn đến rêu, tảo mọc nhiều thì cần điều chỉnh lượng thức ăn cho cá, đồng thời thường xuyên thay nước, vệ sinh môi trường ao nuôi bằng vôi 1 lần/tuần khi trời nắng và 2 lần/tuần với thời tiết mát mẻ.
Ngoài ra, nuôi cá ở vùng trũng cũng phải có phương án tiêu nước kịp thời, bảo vệ cá nuôi khi bị mưa ngập úng. Riêng với con lợn và con gà phải cho ăn thức ăn đảm bảo vệ sinh, cung cấp đủ chất, tiêm phòng đầy đủ và đúng tuổi, thường xuyên vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại và môi trường xung quanh, tránh để xảy ra dịch bệnh.
Mô hình trang trại tổng hợp đạt hiệu quả đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình ông Sơn trên 150 triệu đồng/năm và giải quyết việc làm cho 3-4 lao động. Điều đáng quý ở ông Sơn là ông còn giúp đỡ bà con ở địa phương cùng nhau xóa đói, giảm nghèo bằng cách truyền đạt kinh nghiệm sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho gia đình.
Có thể bạn quan tâm
Đã nhiều năm nay, nông dân huyện Yên Thành phát triển nghề nuôi vịt chạy đồng, theo các vụ lúa trong năm. Nghề này không những giảm được chi phí đầu tư, nâng cao hiệu quả kinh tế mà còn cung cấp nguồn thực phẩm sạch cho thị trường.
Trên cánh rừng hoang nghèo kiệt chỉ có lau lách và cỏ dại, cô lập với khu dân cư, trong gần 6 năm khởi nghiệp, Nguyễn Văn Hảo trở thành tỉ phú trẻ nhất xã Tam Dị, doanh thu đạt gần 2 tỉ đồng/năm.
“Thất bại không phải là vấn đề, quan trọng nhất là biết mình thất bại ở đâu. Trong nuôi tôm công nghiệp, ai thành công đều phải nếm trải nhiều lần thất bại mới rút ra được kinh nghiệm xương máu cho mình” – ông Trần Quang Hiên, ngụ ấp 5, xã Tân Thành, thành phố Cà Mau (tỉnh Cà Mau) bộc bạch.