Trái cây đặc sản Việt vào Mỹ, Nhật
Từ đầu năm đến nay, nhiều cánh cửa của các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật, EU, Úc đã mở ra với hàng loạt trái cây đặc sản Việt Nam.
Mất năm năm chuẩn bị
Ông Hoàng Trung, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, thông tin Bộ Nông lâm ngư nghiệp Nhật vừa thông báo sẽ mở cửa cho trái xoài cát chu của Việt Nam vào thị trường này từ ngày 17-9. Đây là trái cây tươi thứ hai của nước ta được xuất khẩu vào thị trường cao cấp này sau trái thanh long.
Để xoài vào được thị trường Nhật, theo ông Trung, các cơ quan chức năng của Việt Nam mất năm năm để chuẩn bị hồ sơ, xây dựng quy trình xử lý dịch hại mới được phía Nhật chấp thuận. Chưa hết, trước khi vào Nhật, trái xoài còn bắt buộc phải xử lý bằng hơi nước nóng. “Đến nay đã có bốn nhà máy hơi nước nóng Việt Nam được phía Nhật kiểm tra, cấp mã số” - ông Trung cho hay.
Không chỉ xoài mà hàng loạt trái cây Việt Nam khác như vải, vú sữa, thanh long, nhãn… cũng đã được xuất sang Mỹ, Úc, Hàn Quốc, New Zealand. Điển hình như trái vải thiều trước đây phụ thuộc gần như hoàn toàn vào thị trường Trung Quốc thì năm nay bước đầu chinh phục được cả những thị trường rất khắt khe như Mỹ, Canada, Pháp… Đặc biệt, hơn 30 tấn vải thiều Việt đã “bay” sang Úc và bước đầu nhận được phản hồi tích cực của người tiêu dùng.
Tuy vậy, để trái cây vào được Úc không phải dễ. “Úc là một trong những nước có các quy định về kiểm dịch ngặt nghèo nhất trên thế giới. Việc đưa trái vải thành công vào thị trường Úc sẽ mở ra cơ hội mới cho một số loại trái cây khác như thanh long, nhãn, xoài…” - một chuyên gia nhận định.
Nhiều thị trường khác cũng khó tính không kém Úc. Chẳng hạn, để xuất khẩu trái nhãn vào thị trường Mỹ, nông dân tham gia vùng nhãn xuất khẩu bắt buộc phải sản xuất theo đúng quy trình, hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn để trái nhãn đồng đều, mẫu mã đẹp, an toàn.
Còn khiêm tốn
Trong những tháng đầu năm nay, Việt Nam xuất khẩu khoảng 945 tấn trái cây sang thị trường cao cấp như Nhật, Mỹ, Hàn Quốc, New Zealand… Con số này được xem là quá khiêm tốn so với tiềm năng xuất khẩu của trái cây ngon đặc sản Việt Nam và nhu cầu của nước nhập khẩu.
Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) Nguyễn Văn Kỳ cho biết số lượng trái cây xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc… hiện chỉ chiếm khoảng 2%-3% thị phần xuất khẩu.
Trên thực tế, có một số loại trái cây, doanh nghiệp Việt chỉ xuất khẩu được một vài đợt rồi… ngừng vì không đáp ứng được yêu cầu khắt khe của nước nhập khẩu. “Như trái thanh long nước ta chủ yếu xuất sang thị trường dễ tính như Trung Quốc với giá rẻ” - ông Kỳ dẫn chứng.
Theo đại diện Công ty Cổ phần Chiếu xạ An Phú, nguyên nhân số lượng trái cây đặc sản xuất khẩu không nhiều vì còn nhiều hạn chế, trong đó hạn chế lớn nhất là vệ sinh an toàn thực phẩm. Nông dân vẫn còn thói quen sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tùy tiện.
“Hạn chế nữa là nguồn nguyên liệu trái cây đặc sản cung ứng cho xuất khẩu không ổn định, lúc thừa lúc thiếu, thậm chí có khi không đủ xuất khẩu vào thị trường khó tính.
Chúng ta khuyến khích nông dân trồng trái cây theo các tiêu chuẩn quốc tế để xuất đi Mỹ, Nhật, Hàn Quốc nhưng bà con không mặn mà vì trồng theo tiêu chuẩn này khó hơn bình thường, trong khi doanh nghiệp lại thu mua giá không cao và không bao tiêu sản phẩm” - vị đại diện này chia sẻ.
Ở góc nhìn khác, theo bà Hồng Thu, Giám đốc Công ty TNHH Chánh Thu, kích cỡ trái cây Việt Nam cũng chưa đồng đều.
“Nhiều thị trường mở cửa nhưng Việt Nam chỉ lo đi mở cửa mà quên chuẩn bị để khai thác, đưa hàng vào thị trường đó. Công nghệ bảo quản sau thu hoạch của chúng ta vẫn lạc hậu. Ví dụ: Mỹ mở cửa cho trái vải nhưng vấn đề là công nghệ bảo quản cho trái vải từ nước ta sang Mỹ đến tay người tiêu dùng phải giữ được chất lượng, tươi ít nhất trong vòng một tháng thì hầu như chưa công ty nào có năng lực này” - bà Thu nói.
Quy hoạch cho từng thị trường
Bàn về giải pháp thúc đẩy xuất khẩu trái ngon Việt vào thị trường khó tính, ông Lê Duy Minh, Chủ tịch Hiệp hội Trang trại doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam, phân tích dù xuất khẩu vào thị trường nào thì trái cây Việt cũng cần thực hiện cơ bản những biện pháp như diệt khuẩn, ruồi, nấm... bằng chiếu xạ, xử lý nhiệt.
Ông Minh nhấn mạnh: “Biện pháp lâu dài và cơ bản nhất để trái cây Việt Nam có thể xuất khẩu là phải trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến, bảo quản theo các tiêu chuẩn quốc tế như GlobalG.A.P.”.
Bên cạnh đó, ông Minh cho rằng phải quy hoạch đồng bộ vùng nguyên liệu cho từng thị trường, từng hợp đồng xuất khẩu, đảm bảo xuất xứ địa lý của nhà vườn theo quy định. Mặt khác, cần có sự liên kết chặt chẽ giữa các bộ, ngành với địa phương và doanh nghiệp xây dựng các vùng sản xuất và cơ sở đóng gói đạt chuẩn cho từng loại trái cây.
Đa dạng thị trường
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu rau quả 8 tháng đầu năm nay đạt 1,1 tỉ USD, cao hơn cả năm 2014 (năm 2014 đạt 1,05 tỉ USD).
Khi Việt Nam ký kết hàng loạt hiệp định tự do thương mại, thuế nhập khẩu sẽ giảm đáng kể đối với các sản phẩm trái cây, rau và các loại hạt xuất khẩu. Đây là cơ hội tăng kim ngạch xuất khẩu, đa dạng thị trường.
Thiếu nhà máy chế biến
Không nên chỉ dừng lại ở việc xuất khẩu trái cây tươi mà Việt Nam cần có cả các nhà máy chế biến những loại trái tươi không đúng kích cỡ thành sản phẩm đóng lon, đóng hộp, làm nước giải khát… Nhưng Việt Nam lại đang thiếu các nhà máy như vậy. Bà Hồng Thu, Giám đốc Công ty TNHH Chánh Thu
Có thể bạn quan tâm
Vụ ĐX 2012 - 2013, huyện Tuy Phước (Bình Định) xây dựng 13 cánh đồng mẫu lớn (CĐML) tại các xã: Phước Quang, Phước Thắng, Phước Sơn, Phước Nghĩa và Phước Lộc, tổng diện tích 552 ha, có 3.095 nông hộ tham gia. Trong đó, liên kết sản xuất lúa giống hơn 341 ha, 2.009 hộ tham gia. Nông dân đã thu lãi khá từ sản xuất lúa giống.
Trong tiến trình phát triển nông nghiệp, tỉnh Cà Mau chia thành 2 vùng kinh tế chủ đạo mặn và ngọt. Tuy nhiên, thời gian qua, khi cây trồng chủ đạo của vùng ngọt là lúa lại không mang đến lợi nhuận cho người dân thì vật nuôi mũi nhọn vùng mặn là con tôm có xu hướng lấn áp.
Nhằm khai thác và tận dụng triệt để tiềm năng của đất đai, người dân xã Cao Trĩ (Ba Bể, Bắc Kạn) đã trồng xen cây rau bồ khai dưới tán cây cây hồng, đem lại thu nhập đáng kể cho nhiều hộ dân. Đây cũng được xem là một hướng phát triển kinh tế có nhiều triển vọng của địa phương.
Trứng gà của cơ sở Minh Đạt (Tiền Giang) đã có mặt trên thị trường từ nhiều năm nay, xây dựng thương hiệu "Trứng gà Minh Đạt" hướng đến sản xuất trứng gà an toàn, sạch. Đặc biệt, trứng gà sạch thương hiệu Minh Đạt đã có mặt tại Siêu thị Co.op Mart Mỹ Tho và trở thành sản phẩm trứng gà địa phương duy nhất ở siêu thị này.
Được đưa vào trồng từ năm 2006, đến nay, đu đủ đã trở thành cây trồng chủ lực nhằm chuyển đổi cơ cấu, nâng cao hiệu quả canh tác của người dân xã Dị Nậu, huyện Thạch Thất (Hà Nội). Thời điểm này, người trồng đu đủ xã Dị Nậu bước vào mùa thu hoạch.