Trang chủ / Tin tức / Tin nông nghiệp

Trả lại vị thế cho cây ngô

Trả lại vị thế cho cây ngô
Tác giả: Trần Quang
Ngày đăng: 15/07/2016

LTS: Ngô từng được coi là cây trồng chủ lực của nước ta, chỉ sau cây lúa, nhưng do hiệu quả thấp nên trong những năm gần đây, diện tích ngô đã giảm dần, trong khi nhu cầu trong nước lại tăng lên. Vì thế, Chính phủ đã đặt mục tiêu từ nay đến 2020 tiếp tục mở rộng diện tích ngô để đạt sản lượng 8,5 triệu tấn nhằm cung cấp nguyên liệu cho sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp, giảm nhập khẩu. Vậy làm thế nào để mở rộng diện tích ngô, đưa cây trồng này trở lại đúng vị thế?

Từ bỏ đất hoang đến thu nhập tăng 30%

Đến cánh đồng trũng bản Tà Làng Cao, thuộc xã Tú Nang, huyện Yên Châu (Sơn La) mùa này, đâu đâu chúng tôi cũng thấy xanh biếc màu ngô. Thấy có khách đến thăm ruộng của bản, ông Phạm Long Vương – Bí thư chi bộ bản Tà Làng Cao cười bảo: “Các vụ trước chỉ cấy 1 vụ, còn lại bỏ đất hoang cho cỏ mọc thả trâu bò. Từ vụ này được nhà nước hỗ trợ đưa giống ngô BĐG vào trồng, làm nhàn hạ mà bắp to, nhiều hạt nên dân bản vui lắm”.

Trong 4 năm gần đây (2011-2014), diện tích ngô toàn quốc tăng liên tục. Từ năm 2011-2014, diện tích ngô tăng 56.200ha, diện tích tăng chủ yếu tại vùng trung du miền núi phía Bắc (tăng 49,00ha) và Tây Nguyên (tăng 15.600ha).

Ông Vương cho biết, Tà Làng Cao là bản vùng cao khó khăn nhất, nhì của huyện Yên Châu. Cả bản có 160 hộ, trong đó có trên 80% số hộ dân tộc Thái. Toàn bản có khoảng gần 90ha đất gồm 60% diện tích đất nương và 30ha đất ruộng trũng. “Do trình độ dân trí thấp, làm sợ mất mùa nên vụ đầu, khi xã vận động bà con trồng ngô vào đất lúa rất khó khăn. Cán bộ bản phải  gương mẫu đi đầu, đến giờ sắp vào vụ thu hoạch chúng tôi đưa bà con ra ruộng xem tận mắt, ai cũng bất ngờ, hứa vụ tới sẽ dùng hết đất để trồng” – ông Vương chia sẻ.

Là người xung phong đi đầu vận động gia đình chuyển đổi đất lúa sang trồng ngô, anh Mùi Văn Phúc (27 tuổi) – Chi Hội trưởng Chi hội Nông dân bản Tà Làng Cao cho biết, vụ này gia đình anh nhận trồng 2ha ngô BĐG, đây là giống ngô mới có ưu điểm vượt trội gấp nhiều lần giống ngô cũ, điển hình như kháng được sâu đục thân.

Để minh chứng cho lời mình nói, anh Phúc dẫn chúng tôi đến từng luống bóc các bắp ngô, bắp nào cũng to, dài, đều hạt. “Chưa được thu hoạch nhưng chỉ cần quan sát qua bắp ngô đều, đẹp như hiện giờ có thể đoán được năng suất đạt trên 7 tấn/ha, hiệu quả kinh tế so sánh với trồng lúa tăng từ 20 – 30% (cao hơn từ 5 – 10 triệu/ha)” – anh Phúc cho hay.

Còn ở Vĩnh Phúc- một tỉnh đồng bằng vốn nổi tiếng với trồng cây ngô, nay cũng trở thành địa phương triển khai mạnh mẽ nhất việc chuyển đổi các vùng đất cao, khó khăn về nước tưới sang trồng ngô. Với chính sách tỉnh hỗ trợ 70% tiền mua giống ngô mới BĐG, đã có rất nhiều bà con nông dân ở Vĩnh Phúc trồng ngô ngay trong vụ xuân- vụ vốn trồng lúa là chính.

Bà Đặng Thị Thúy ở thôn Nam Hải, xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch, từng là một hộ có khá nhiều ruộng đất, trước kia chỉ quen trồng đỗ tương, lạc ở các chân đất khó về nước tưới, nhưng từ khi được địa phương vận động chuyển đổi sang trồng ngô BĐG, bà đã xung phong đi đầu. “Vụ xuân này, gia đình tôi trồng 3 sào giống ngô NK4300 Bt/GT trên đất bãi. Trong vụ ngô xuân này thời tiết rất bất lợi, đặc biệt là thời kỳ ngô lên 3 – 5 lá gặp rét đậm, rét hại làm kéo dài sinh trưởng của ngô lên từ 7 – 12 ngày. Tuy nhiên khi ngô trổ cờ, phun râu có gặp mưa bão, các giống ngô khác bị ngã đổ nhiều nhưng ngô BĐG không những không bị đổ mà còn kết hạt bình thường”.

Là người có kinh nghiệm lâu năm về nghiên cứu thổ nhưỡng cũng như cây trồng ở vùng đất bãi Đông Sơn, ông Trần Văn Tuấn – Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch cho rằng: “So với những cây trồng trước đây, đặc biệt là cây lúa hay đậu tương..., cây ngô BĐG đã được nhiều người người dân trong xã tin dùng. Với những kết quả đã đạt được trong vụ ngô xuân hè 2016 này, theo nguyện vọng của nông dân, bước sang vụ đông sắp tới, xã sẽ để bà con tham gia trồng 110ha giống ngô BĐG để nâng cao thu nhập”. Cũng theo ông Tuấn, nhiều bà con nông dân khi được hỏi, đã cho biết sẵn sàng tự bỏ tiền để mua giống về trồng chứ không cần nhà nước phải hỗ trợ mãi.

Trồng ngô lợi nhuận  gấp 3 lần cây lúa


Một ruộng trình diễn giống ngô biến đổi gen tại xã Đông Sơn, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc.   Ảnh: T.Q

Theo đánh giá của Sở NNPTNT tỉnh Sơn La, kết quả một số mô hình chuyển đổi từ lúa sang trồng ngô cho thấy, nhờ áp dụng các giống ngô BĐG vào sản xuất, năng suất đạt trung bình từ 10,8 -12,3 tấn ngô hạt/ha, doanh thu bình quân đạt gần 50 triệu đồng/ha. Sau khi trừ mọi chi phí, mỗi ha ngô cho thu lãi gần 24 triệu đồng, lợi nhuận trung bình gần gấp 3 lần so với trồng lúa.

Tuy nhiên, Sở NNPTNT Sơn La cũng thừa nhận, việc tuyên truyền cho các hộ dân chuyển đổi từ trồng lúa sang cây trồng khác còn gặp nhiều khó khăn do các hộ dân vẫn muốn sản xuất lúa phục vụ nhu cầu lương thực của hộ gia đình, chưa quan tâm đến sản xuất hàng hóa.

Ông Nguyễn Hoàng Dương – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: Thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tỉnh đã có cấp kinh phí và phê duyệt dự toán mô hình sản xuất ngô BĐG vụ xuân hè năm 2016 với diện tích lên tới 5.000ha ngay trong vụ đầu tiên. “Sau khi có kết quả thu hoạch cho thấy, giống ngô BĐG có nhiều ưu việt vượt trội so với giống thường, đặc biệt là việc giúp nông dân tiết kiệm được chi phí, công chăm sóc, tăng thu nhập mà vẫn bảo đảm được sức khỏe nên bà con rất phấn khởi”.

“Sắp tới, tỉnh sẽ tiếp tục hỗ trợ để nông dân tại các xã, huyện trên địa bàn có cơ hội được trồng giống ngô BĐG, đặc biệt sẽ mở rộng” – ông Dương nhấn mạnh.

Ông Lê Văn Dũng - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Vĩnh Phúc cho biết, cùng với việc hỗ trợ kịp thời trên 16 tỷ đồng cho sản xuất vụ đông năm 2015, trong đó, tỉnh dành gần 680 triệu đồng hỗ trợ 150ha mô hình ngô BĐG tại 9 huyện, thành, thị đều đạt hiệu quả kinh tế cao. Từ năm 2016, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ thực hiện hỗ trợ nông dân trồng ngô BĐG với diện tích 5.000ha/năm.

Theo ông Dũng, nhận thấy những ưu điểm vượt trội của giống ngô BĐG, Vĩnh Phúc là một trong những tỉnh đi đầu và triển khai mạnh mẽ nhất việc chuyển đổi một phần đất lúa kém hiệu quả sang trồng ngô. Nhờ đó, đã giúp tăng sản lượng lương thực cây có hạt lên. Tuy nhiên, để người nông dân được tiếp cận với các giống ngô BĐG nhiều hơn, ông Dũng kiến nghị, các công ty cần xem xét khả năng giảm bớt giá thành bán giống. “Hiện đang có tỉnh hỗ trợ, bà con trồng nhiều, tôi chỉ lo khi tỉnh không hỗ trợ, bà con ngại mua giống với giá cao, việc mở rộng diện tích sẽ gặp khó khăn“- ông Dũng nói.


Có thể bạn quan tâm

Giá chuối tăng, nông dân vẫn lo Giá chuối tăng, nông dân vẫn lo

Hơn 3 tuần qua, nông dân trồng chuối trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp rất phấn khởi vì giá chuối nguyên liệu các loại tăng cao. Song, nông dân vẫn lo vì giá chuối trên thị trường bấp bênh, thiếu ổn định đầu ra.

15/07/2016
Đại gia chân đất và tín ngưỡng trồng rừng Đại gia chân đất và tín ngưỡng trồng rừng

Trong khi người ta trồng rừng để bán gỗ với ước mơ trở thành “đại gia”, ông Võ Văn Ten (ấp Phước Hội, xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh) lại tâm đắc với dự án trồng rừng… “để đó” của mình. Ông bảo, trồng rừng mà tính sẽ có bao nhiêu tiền từ bán gỗ thì chỉ có… vứt đi. Trồng rừng, trong suy nghĩ của ông, nó như một thứ tín ngưỡng…

15/07/2016
Nông dân khổ, sao mãi tự hào xuất khẩu gạo số 1 Nông dân khổ, sao mãi tự hào xuất khẩu gạo số 1

Đó là ý kiến của các đại biểu, nhà khoa học được đưa ra tại Hội nghị “ĐBSCL - Chủ động hội nhập và phát triển bền vững” được tổ chức ngày 12.7. Đây là một trong những hoạt động chính trong khuôn khổ Diễn đàn hợp tác kinh tế ĐBSCL - Hậu Giang năm 2016.

15/07/2016
Sản phẩm khuyên dùng
Chất lượng vượt trội, bọt khí mịn, kháng khuẩn. Ống Nano-Tube là lựa chọn sục khí được ưa chuộng nhất trên thị trường để tăng cường oxy đáy trong ao nuôi tôm …
Sản phẩm khuyên dùng
Chất lượng hoàn toàn vượt trội, sử dụng hộp số giảm tốc vỏ gang, một trải nghiệm vô cùng mới. Oxy hoà tan cao, tạo dòng lưu thông mạnh giữ cho đáy ao luôn sạch.