Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Tôm Việt Sang Mỹ Sẽ Khó?

Tôm Việt Sang Mỹ Sẽ Khó?
Ngày đăng: 04/10/2014

Với kết quả cuối cùng của POR8, tôm Việt Nam đã bị áp thuế chống bán phá giá vào Mỹ cao nhất từ trước tới nay.

Điều này sẽ ảnh hưởng gì tới việc XK tôm vào thị trường quan trọng nhất này?

Trong 8 tháng đầu năm nay, do Thái Lan và một số nguồn cung khác vẫn chưa phục hồi bởi dịch bệnh EMS, cộng với việc các doanh nghiệp bị đơn không bị áp thuế chống bán phá giá (CBPG) theo kết quả cuối của POR7, XK tôm Việt Nam sang Mỹ trở nên rất thuận lợi.

Theo Tổng cục Hải quan, từ đầu năm đến giữa tháng 8, giá trị tôm XK sang Mỹ đã đạt xấp xỉ 700 triệu USD, tăng tới 80,3% so với cùng kỳ 2013. Với kim ngạch này, Việt Nam đã đứng vào hàng thứ 4 trong số những nước XK tôm nhiều nhất vào Mỹ (3 nước đứng đầu là Ecuador, Indonesia và Ấn Độ).

So với năm ngoái, vị trí của tôm Việt Nam NK vào Mỹ đã nhảy lên 1 bậc. XK tôm sang Mỹ cũng hưởng lợi lớn trong nửa đầu năm nay khi mà do nhu cầu tiêu dùng tăng cao, giá tôm NK vào nước này đã tăng tới 35% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, với việc tôm Việt Nam bị Bộ Thương mại Mỹ (DOC) áp thuế CBPG cao chưa từng thấy, chắc chắn sẽ khiến cho tôm nước ta gặp khó khăn trên thị trường này.

Trước đây, mức thuế CBPG cao nhất mà DOC áp cho các bị đơn bắt buộc của Việt Nam là ở POR4 (từ 1/2/2008-31/1/2009). Khi ấy, các bị đơn bắt buộc bị áp thuế CBPG từ 2,95-4,89%.

Còn với các bị đơn tự nguyện, lần bị áp thuế CBPG cao nhất là trong các POR1 và 2, đều cùng mức thuế CBPG 4,57%. Nhìn lại những mức thuế trên để thấy mức thuế CBPG mà các DN XK tôm sang Mỹ vừa bị DOC áp đặt theo kết quả cuối cùng của POR8 (Cty Minh Phú chịu thuế CBPG 4,98%, Cty Stapimex 9,75%; các bị đơn tự nguyện 6,37%), không chỉ là mức cao nhất từ trước tới nay mà còn là quá cao so với những POR trước.

Nếu so với Thái Lan và Ấn Độ, là những nước cũng bị áp thuế CBPG theo kết quả cuối cùng của POR8, mức thuế CBPG của các DN tôm Việt Nam cũng cao hơn hẳn. Các bị đơn bắt buộc của Ấn Độ phải chịu mức thuế từ 1,97-3,01%, bị đơn tự nguyện là 2,49%. Các bị đơn bắt buộc và tự nguyện của Thái Lan chịu thuế CBPG chung là 1,1%. Trong khi đó, các DN tôm của 2 nước khác là Indonesia và Ecuador không phải chịu thuế CBPG.

Như vậy, có thể thấy ngay với mức thuế CBPG quá cao, tôm Việt Nam sẽ gặp phải những khó khăn rất lớn trên thị trường Mỹ. Từ đầu năm đến nay, tôm của Ecuador và Indonesia do không bị thiệt hại bởi hội chứng EMS, nên đã có những bước nhảy ngoạn mục trên thị trường Mỹ.

Năm ngoái, Ecuador còn đứng ở vị trí thứ 4 trong số những nước XK tôm nhiều nhất vào Mỹ, 7 tháng đầu năm nay đã nhảy lên vị trí thứ nhất. Tôm Indonesia cũng cải thiện vị trí từ thứ 3 lên thứ 2.

Với việc không bị áp thuế CBPG theo kết quả cuối cùng của POR8, trong khi 3 đối thủ lớn là Ấn Độ, Việt Nam và Thái Lan đều bị áp thuế CBPG, tôm của Ecuador và Indonesia lại càng có cơ hội gia tăng sức cạnh tranh, chiếm thêm thị phần ở thị trường NK rất quan trọng này (90% nhu cầu tôm ở Mỹ phụ thuộc vào nguồn tôm NK).

Không chỉ gặp bất lợi lớn trước tôm Ecuador và Indonesia, tôm Việt Nam cũng sẽ khó khăn hơn trong việc cạnh tranh với tôm Ấn Độ và tôm Thái Lan khi XK sang Mỹ. Ấn Độ không chỉ có mức thuế CBPG thấp hơn nhiều so với Việt Nam mà còn đang có được một thuận lợi không nhỏ là hầu như chưa bị ảnh hưởng bởi EMS. Đối thủ mà tôm Việt Nam đỡ lo ngại nhất có lẽ là Thái Lan do nước này vẫn còn đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi EMS.

Trước tình hình đó, một số doanh nghiệp XK tôm sang Mỹ cho biết, để cạnh tranh được với tôm của các nước nói trên ở thị trường Mỹ, tôm Việt Nam chỉ còn cách phải bán giá rẻ hơn so với giá hiện nay.

Nhưng như vậy, sẽ ảnh hưởng tới giá thu mua tôm nguyên liệu trong nước. Vì thế, nhiều doanh nghiệp đang tìm kiếm các đơn hàng từ EU hoặc những thị trường khác để bớt phụ thuộc vào thị trường Mỹ trong giai đoạn chịu ảnh hưởng của POR8.

Điều đáng mừng là ngoài thị trường Mỹ, trong năm nay, nhiều thị trường quan trọng khác của tôm Việt Nam cũng có mức tăng trưởng mạnh. Trong 8 tháng đầu năm nay, XK tôm sang EU tăng tới 96,2% so với cùng kỳ năm ngoái, sang Hàn Quốc tăng 99,6%, sang Trung Quốc tăng 32,4%…

Thị trường Nhật Bản năm ngoái gặp khó khăn lớn vì rào cản dư lượng kháng sinh, thì trong 8 tháng qua, cũng đã tăng trưởng XK được 5,2%. Sự tăng trưởng mạnh về NK từ các thị trường khác sẽ giúp cho các doanh nghiệp có nhiều cơ hội hơn trong việc tìm kiếm đơn hàng khi mà tôm Việt Nam sẽ gặp bất lợi lớn về cạnh tranh trên thị trường Mỹ.

Tuy nhiên, một số doanh nghiệp dù bị áp thuế CBPG ở mức cao, nhưng vẫn tiếp tục tìm cách XK tôm vào Mỹ với những phương thức sao cho đỡ bị thiệt hại nhất nhằm giữ khách hàng, để nếu trong các kỳ xem xét hành chính thuế CBPG tiếp theo có thể chỉ bị áp những mức thuế CBPG dễ chịu hơn nhiều hay thậm chí là không bị áp thuế như ở POR7.


Có thể bạn quan tâm

Bình Thuận Nuôi Tôm Nước Lợ Và Những Tín Hiệu Đáng Mừng Bình Thuận Nuôi Tôm Nước Lợ Và Những Tín Hiệu Đáng Mừng

Năm 2014, toàn tỉnh Bình Thuận có tổng diện tích mặt nước nuôi tôm nước lợ là 852,5ha. Do nhiều hộ đã thả nuôi 2 vụ nên diện tích thả giống trong năm là 1.300 ha (chưa kể 210,95 ha đã thả giống năm 2013 chuyển sang thu hoạch năm 2014), chủ yếu nuôi tôm thẻ chân trắng (tôm sú chỉ 2,5 ha).

18/11/2014
Giải Bài Toán Nông Nghiệp Giải Bài Toán Nông Nghiệp

Ông Lịch cho rằng, để giải bài toán cho ngành nông nghiệp không chỉ đặt trách nhiệm riêng cho Bộ NN-PTNT mà cần phải xem xét tính phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ngành…

18/11/2014
Agro Viet 2014 Dấu Ấn Doanh Nghiệp Nhật Bản Agro Viet 2014 Dấu Ấn Doanh Nghiệp Nhật Bản

Trong số 7 DN tham gia hội chợ tại VN lần này, ngoài một số Cty như Kubota, Maruyama… đã có sản phẩm phân phối tại VN, đa số những DN mới chỉ lần đầu tiên sang VN nên mục tiêu trước mắt sẽ tập trung thăm dò thị trường. Bước đầu, các DN Nhật sẽ chú trọng vào các loại máy canh tác lúa, rau màu và cây ăn quả…

18/11/2014
Hình Thành Chuỗi Liên Kết Kinh Doanh Lúa Gạo Vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long Hình Thành Chuỗi Liên Kết Kinh Doanh Lúa Gạo Vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long

Các hộ gia đình, các công ty TNHH thu mua sẽ được đảm bảo tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng và các chính sách hỗ trợ của Chính phủ (nếu có) một cách thuận tiện và an toàn nhất. Song song đó, giá thành của hạt gạo xuất khẩu sẽ được giảm do tiết kiệm được các chi phí trung gian, góp phần điều tiết giá thị trường lúa gạo theo chủ trương của Chính phủ.

18/11/2014
Dồn Lực Cánh Đồng Lớn Dồn Lực Cánh Đồng Lớn

Nguyên nhân chính là gạo Việt Nam không có thương hiệu mà chất lượng lại thấp. Mặc khác, các DN kinh doanh XK gạo của Vinafood 2 chưa chủ động được chân hàng, nguồn hàng, nên luôn ở thế bị động, gặp khó khăn khi thực hiện hợp đồng XK. Từ đó, dẫn đến việc cả DN và nông dân chịu nhiều rủi ro vì sự biến động của thị trường thế giới.

18/11/2014