Những Mô Hình Nuôi Thỏ Hiệu Quả Cao Ở Hải Hậu (Nam Định)
Những năm qua, huyện Hải Hậu (Nam Định) đã xây dựng và phát triển nhiều mô hình kinh tế hộ, kinh tế trang trại mang lại hiệu quả kinh tế. Trong đó phải nói đến những mô hình nuôi thỏ đã góp phần nâng cao thu nhập cho hộ nông dân.
Trang trại nuôi thỏ của ông Nguyễn Vũ Ba, xóm 7, xã Hải Tây rộng 1.300m2. Trao đổi với chúng tôi, ông Ba nhớ lại: Năm 1997, ông bắt đầu nuôi thỏ. Do mới nuôi nên vợ chồng ông chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc chăm sóc, bảo vệ đàn thỏ nên “thua nhiều hơn thắng”.
Với quyết tâm phải làm đến cùng, không quản ngại khó khăn, vất vả, ông đến các tỉnh học hỏi kinh nghiệm nuôi thỏ của những người đi trước, tự rút kinh nghiệm qua những thất bại của mình.
Lúc này chưa có nhiều người nuôi nên ông vừa nhân bán thỏ giống, vừa bán thỏ thương phẩm, nên ông đã có thu nhập khá. Trang trại của gia đình ông thường xuyên có hơn 1.000 con thỏ các lứa tuổi. Theo ông Ba, thỏ là loài vật dễ nuôi và cho lợi nhuận cao, bởi thỏ là giống ăn tạp, thức ăn chủ yếu là cỏ, rau; khả năng sinh sản nhanh, nhiều và không mất nhiều công sức chăm sóc; giá bán ổn định 75.000-80.000 đồng/kg.
Điều quan trọng nhất trong quá trình nuôi thỏ là phải giữ vệ sinh, chuồng nuôi luôn phải sạch sẽ, cao ráo thoáng mát về mùa hè, ấm về mùa đông, thường xuyên phun thuốc sát trùng chuồng trại, điều chỉnh lượng thức ăn thô và thức ăn tinh cho phù hợp với từng giai đoạn phát triển và tiêm phòng vắc-xin phòng bệnh bại huyết, cầu trùng cho thỏ.
17 năm gắn bó với con thỏ, trang trại của gia đình ông Ba là một trong những cơ sở nuôi thỏ lớn nhất tỉnh. Mỗi năm ông xuất bán 6-7 tấn thỏ thương phẩm và hàng nghìn con giống, trừ chi phí lãi hơn 300 triệu đồng.
Một trong những mô hình hiệu quả khác ở xã Hải Tây là mô hình nuôi thỏ của anh Nguyễn Văn Lý, xóm 11. Sau nhiều năm làm thuê trong các trang trại chăn nuôi ở miền Đông Nam Bộ dù thu nhập hơn 10 triệu đồng/tháng, nhưng xa gia đình, vợ con, chi phí đi lại tốn kém nên vốn liếng tiết kiệm chẳng được bao nhiêu.
Anh Lý luôn ước mơ trở về quê để phát triển kinh tế của gia đình. Đầu năm 2012, thấy mô hình nuôi thỏ ở Hải Tây đang phát triển, anh đầu tư xây dựng chuồng trại, mua 10 đôi thỏ giống về nuôi thử nghiệm.
Qua một thời gian, thấy có hiệu quả, anh tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi. Đầu tư chuồng nuôi thỏ cũng không tốn kém, có thể tận dụng các loại vật liệu tre, nứa, gỗ để làm. Đồng thời, theo ước tính của anh, sau khi trừ chi phí đầu tư là 50 nghìn đồng/con tiền thức ăn và phòng bệnh, một con thỏ thương phẩm cho tiền công 120 nghìn đồng/con.
Theo kinh nghiệm của anh Lý, chi phí đầu tư cho chăn nuôi thỏ không quá tốn kém, phù hợp quy mô chăn nuôi của nhiều hộ nông dân. Hằng ngày nên cho thỏ ăn 2 bữa rau, đảm bảo đủ nước. Tuy nhiên, đối với thỏ nên hạn chế cho ăn thức ăn công nghiệp vì không tốt cho sức khỏe, sinh sản, mà nên tăng cường nhiều thức ăn rau xanh, sạch.
Cũng cần lưu ý là thỏ thiếu nước còn nguy hiểm hơn là thiếu thức ăn, đặc biệt là đối với thỏ sinh sản vì sẽ ảnh hưởng đến khả năng tiết sữa. Bởi theo anh, nếu không cung cấp đủ nước uống cho thỏ dẫn đến thỏ mẹ thiếu sữa, thậm chí ăn cả thịt thỏ con.
Vì thế trong thời gian thỏ nuôi con, nên cho thỏ mẹ uống thêm nước đường để giúp cơ thể nhanh hồi phục, tiết nhiều sữa giúp đàn con khỏe mạnh, béo tốt. Từ 10 cặp thỏ ban đầu, đến nay gia đình anh đã có hơn 60 con. Anh Lý cho biết thêm, từ đầu năm đến nay, trung bình mỗi tháng gia đình anh đã bán được 15-20 con thỏ giống.
Với giá 150.000 đồng/kg, từ việc bán thỏ giống gia đình anh đã có một khoản thu nhập không nhỏ. Hiện, gia đình anh có khoảng 100 con thỏ mẹ. Trừ các khoản chi phí, mô hình nuôi thỏ của anh Lý năm qua cho thu nhập khoảng 100 triệu đồng. Thời gian tới, gia đình anh dự định tiếp tục mở rộng quy mô chăn nuôi loài vật này.
Trao đổi với chúng tôi về mô hình nuôi thỏ trên địa bàn xã, đồng chí Mai Thanh Liêm, Chủ tịch HND xã Hải Tây cho biết: “Đây là mô hình không mới nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Vì vậy, HND xã đang tập trung hỗ trợ hội viên về vốn, kỹ thuật để các hội viên phát triển mở rộng nghề nuôi thỏ góp phần nâng cao thu nhập cho gia đình”.
Hiện nay, trên địa bàn xã có nhiều hộ phát triển mạnh nghề nuôi thỏ như gia đình các ông: Nguyễn Văn Nghị (xóm 6), Đinh Văn Đức (xóm 10), anh Bùi Văn Được (xóm 9) với quy mô từ 200 đến 500 con. Nhiều hộ chăn nuôi thỏ đang ký hợp đồng tiêu thụ với Cty Nipon Zoki Nhật Bản (Ninh Bình) để cung cấp nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất thuốc chữa bệnh và chế biến thực phẩm.
Ở xã Hải Trung (Hải Hậu), mô hình nuôi thỏ những năm gần đây cũng phát triển mạnh. Chúng tôi đã đến thăm mô hình nuôi thỏ của anh Nguyễn Văn Bằng, xóm 10. Anh Bằng là một trong những hộ đầu tiên xây dựng mô hình nuôi thỏ ở xã Hải Trung. Trò chuyện với chúng tôi, anh Bằng cho biết bắt đầu nuôi thỏ từ tháng 10-2006 với 30 con thỏ giống.
Qua tìm đọc sách, rồi lên mạng in-tơ-nét tìm kiếm thông tin, tham dự các lớp tập huấn kỹ thuật, được UBND và các đoàn thể trong xã hỗ trợ, anh vay Ngân hàng CSXH huyện 30 triệu đồng, cộng với vốn vay mượn của anh em, người thân với tổng vốn đầu tư 200 triệu đồng xây dựng chuồng trại nuôi thỏ với quy mô diện tích 200m2, cao ráo, bảo đảm ấm về mùa đông, thoáng mát về mùa hè.
Trong 4 dãy chuồng nuôi thỏ anh chia thành hàng trăm chuồng nhỏ, nuôi 40 con thỏ mẹ (mỗi con 1 chuồng) và 300 con thỏ con. Từ 30 con thỏ ban đầu, chỉ sau hơn 2 năm đàn thỏ đã phát triển tới trên 2.000 con. Hằng ngày, anh Bằng đi cắt cỏ voi, lá vông và mua thêm rau, củ, quả cho thỏ ăn.
Bình quân, mỗi năm một con thỏ mẹ có thể đẻ 7-8 lứa, mỗi lứa từ 10-12 con. Tuy nhiên, để bảo đảm thành công, anh thường sàng lọc loại bỏ những con yếu, còi. Bên cạnh đó, anh Bằng còn đi học hỏi kinh nghiệm từ các trang trại chăn nuôi lớn khác để tiếp thu thêm kiến thức áp dụng vào mô hình của mình.
Để thỏ sinh trưởng, phát triển tốt, tránh được dịch bệnh, ngoài việc chăm sóc, cho ăn đúng cách, anh Bằng luôn chú trọng vệ sinh chuồng trại, phun thuốc sát trùng quanh khu vực nuôi và thường xuyên tiêm vắc-xin phòng bệnh bại huyết, cầu trùng cho thỏ. Nhờ áp dụng tiến bộ kỹ thuật và thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch bệnh, đàn thỏ của gia đình anh Bằng luôn ăn khỏe, chóng lớn. Hằng năm, gia đình anh có nguồn thu khoảng 100-120 triệu đồng nhờ nuôi thỏ.
Anh Bằng cho biết thêm: Nếu được chăm sóc tốt, trong 3 tháng, thỏ có thể đạt trọng lượng khoảng 2kg, hiện có giá bán 120.000 đồng/kg. Những con khỏe mạnh, đẹp dáng, có thể được bán làm giống, giá cao gấp rưỡi. Thỏ là loài vật dễ nuôi, lợi nhuận cao, ít dịch bệnh, thị trường tiêu thụ rộng.
Thỏ ưa sạch sẽ nên chuồng trại phải quét dọn hằng ngày, bảo đảm thoáng mát và phải thực hiện đúng quy trình vệ sinh phòng dịch. Không những thế, anh còn tận dụng phân thỏ để nuôi trùn quế, làm thức ăn cung cấp cho người nuôi cá, chim, góp phần làm sạch môi trường. Ngoài ra, anh Bằng còn cung cấp thỏ giống và nhận bao tiêu sản phẩm cho 20 hộ ở trong xã và nhận chế biến thịt thỏ phục vụ nhu cầu ẩm thực.
Hiện nay, thịt thỏ trên thị trường đang được tiêu thụ mạnh, là loại thực phẩm rất bổ dưỡng, dễ chế biến thành nhiều món. Anh Bằng đang có dự định tiếp tục mở rộng mô hình chăn nuôi, nhân thêm thỏ giống để đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong và ngoài tỉnh.
Có thể bạn quan tâm
Giá dưa hấu loại 1 bán tại vườn ở xã Kiến Tường, Mộc Hóa, Long An ngày 16-1 là 13.500 đồng/kg, cao gấp sáu lần năm ngoái mùa Tết năm ngoái mà nguyên nhân là do người trồng dưa hấu năm ngoái bị lỗ nặng nên sau đó chuyển sang trồng thanh long, diện tích trồng dưa hấu giảm mạnh.
Năm 2014, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) phấn đấu mở rộng diện tích sản xuất vải thiều theo tiêu chuẩn VietGAP lên 8.500 ha, tăng 1.000 ha so với năm 2013.
Một cửa hàng khác trên đường Nguyễn Tri Phương đang bày bán bưởi hồ lô cho hay, hiện nay người tiêu dùng đang mua bưởi hồ lô khá nhiều, không chỉ tiêu thụ ở TPHCM mà nhiều người mua cho biết đóng hàng gửi ra Hà Nội cho người thân.
Hàm Yên (Tuyên Quang) hiện có hơn 2.200 ha cam cho thu hoạch. Vụ cam năm nay Hàm Yên ước thu 27.000 tấn quả, đạt giá trị 250 tỷ đồng, tăng gần gấp hai vụ cam năm ngoái; nhiều nhất là Tân Thành trên 10.000 tấn; Yên Thuận gần 3.500 tấn; Yên Lâm 4.100 tấn; Minh Khương 3.000 tấn…
Trên các bãi bồi dọc sông Trà Khúc, thời điểm này bước vào vụ trồng dưa hấu. Chủ nhân của những đồng dưa ấy đến từ xã Bình Chương (Bình Sơn - Quảng Ngãi). Bằng kinh nghiệm “nghề dưa”, họ đoán rằng, sau lũ lớn, vùng đất giữa lòng sông Trà chắc chắn sẽ tốt tươi. Và thế là họ đến đây thuê đất, bám sông, trồng dưa và đợi mong ngày dưa chín.