Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Tôm hùm giảm giá do đâu?

Tôm hùm giảm giá do đâu?
Ngày đăng: 08/04/2015

Tôm chết rải rác

Đưa chúng tôi ra bè tôm của gia đình, ông Lê Quốc Huy (người nuôi tôm ở thôn Đầm Môn) cho hay, thời gian gần đây, tôm nuôi của gia đình ông chết dần, chết mòn. Cầm con tôm bị bệnh vừa được vớt lên, ông Huy ngao ngán: “Tôm đã đến kỳ xuất bán nhưng lại bỏ ăn, chết vì các bệnh đỏ thân, sữa, đen mang, hoại tử... Trong số 3.000 con tôm tôi thả nuôi đã hao hụt khoảng 30% vì bệnh. Tôi đã mua đủ thứ thuốc để điều trị nhưng không khỏi”.

Cách bè tôm của gia đình ông Huy không xa là bè nuôi tôm của gia đình ông Trần Minh Tuân. Đã 5 năm nay, ông Tuân từ Phú Yên vào góp vốn với người quen đầu tư nuôi tôm hùm lồng tại Đầm Môn. Gặp chúng tôi, ông Tuân kể: “Năm nay, người nuôi tôm hùm ở Vạn Ninh chỉ từ hòa vốn đến thua lỗ. Trong 10 người nuôi, may mắn lắm mới có được 1 - 2 người có lãi”.

Hỏi chuyện ông Tuân mới biết, do chi phí đầu tư nuôi tôm ngày càng cao, trong khi tôm lại bị bệnh chết đến 30 - 35%, giá bán thấp nên người nuôi cầm chắc thua lỗ. “Lứa tôm đang chuẩn bị xuất bán này chúng tôi thả tới 7.000 con giống nhưng qua hơn 13 tháng nuôi, đến nay chỉ còn hơn 60%. Tôm hiện đang trong giai đoạn xuất bán nhưng vẫn chết, sau mỗi buổi sáng lặn cho ăn, kiểm tra, số tôm bệnh vớt lên khoảng 4 - 5 con. Tính ra mỗi ngày chúng tôi mất 4 - 5 triệu đồng. Vụ tôm này, chúng tôi thua lỗ tiền tỷ”, ông Tuân chia sẻ.

Dừng thuyền vào thăm bè tôm của gia đình ông Lê Ngoan (thôn Đầm Môn), được biết ông đã gắn bó với nghề nuôi tôm hùm ở Đầm Môn hơn chục năm. Nuôi tôm vụ được, vụ mất nhưng thất bại nhất vẫn là 2 năm trở lại đây, tôm chết liên tục, tỷ lệ hao hụt lớn... Gặng hỏi mãi ông Ngoan mới thở dài: “Tôi thả 3.000 tôm giống từ đầu năm với chi phí gần 1,5 tỷ đồng nhưng đã bị chết gần 1/3. Từ 30 lồng giờ gom lại chỉ còn hơn chục lồng, kiểu này lại tiếp tục lỗ”.

Giá tôm giảm do bị ép giá?

Sau những lần tiếp xúc với người nuôi tôm hùm ở xã Vạn Thạnh, chúng tôi luôn ám ảnh bởi câu nói đùa của họ: “Nuôi tôm hùm là đánh bạc với biển”. Nói theo kiểu dân dã của lão ngư Lê Ngoan: “Trời thương thì được, trời lấy đành chịu”. Thế nhưng, với người nuôi tôm ở xã Vạn Thạnh năm nay, ngoài chuyện tôm chết còn có một nỗi buồn khác. Ông Ngoan cho biết, giá tôm lao dốc quá nhanh, đầu năm 2015 còn ở ngưỡng 1,7 - 1,8 triệu đồng/kg. Qua mấy tháng đã giảm đến 500.000 đồng/kg, hiện chỉ còn khoảng 1,2 - 1,25 triệu đồng/kg. Dự báo giá tôm có thể giảm tiếp trong thời gian tới.

Tìm hiểu nguyên nhân giá tôm giảm, hầu hết người nuôi tôm hùm cho rằng họ đang bị những người thu mua tôm hùm ép giá. Theo ông Trần Minh Tuân, hiện đang là thời gian chính vụ thu hoạch tôm hùm nên người nuôi bị ép giá là chuyện thường. Không chỉ năm nay mà những năm trước, tình trạng giá tôm xuống thấp khi thu hoạch rộ cũng xảy ra.

“Vùng Đầm Môn này có cả nghìn bè nuôi tôm, lượng tôm xuất bán rất lớn nên các đầu nậu thu mua tôm ép giá ngư dân là chuyện thường. Khi bắt tôm, họ chê nhỏ, to đủ kiểu. Thậm chí khi tôm loại 1 nhiều thì họ đòi mua tôm loại 2, loại 3; khi tôm loại 2, loại 3 nhiều thì họ lại đòi mua tôm loại 1. Với mức đầu tư hơn 1 triệu đồng/con tôm, đến khi xuất bán tôm đạt trọng lượng 0,9 kg/con, với giá bán hiện nay những bè nuôi tôm càng chậm lớn thì càng thua lỗ”, ông Tuân cho biết.

Cùng chung suy nghĩ với ông Tuân, ông Lê Quốc Huy cho rằng: “Tôm hùm chủ yếu được các đầu nậu thu gom xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc theo đường tiểu ngạch nên giá tôm lên xuống thế nào chỉ người thu mua mới biết chứ người nuôi không có thông tin. Khi người mua ra giá bao nhiêu thì mình tính toán xem có bán hay không chứ người nuôi không thể chủ động được giá cả. Tôi thấy giá tôm xuống thấp, thua lỗ quá nên cũng muốn giữ tôm lại nuôi chờ giá cao hơn. Nhưng tôi không dám mạo hiểm, bởi không biết giá cả thế nào mà chi phí đầu tư chắc chắn sẽ tăng, thời tiết thì nắng nóng, tôm rất dễ bị chết hàng loạt do dịch bệnh. Giá thấp như thế này, dù có lỗ tôi cũng phải bán để có vốn đầu tư nuôi tiếp lứa tôm mới”.

Tiếp cận một số đầu nậu chuyên thu mua tôm ở xã Vạn Thạnh, chúng tôi được người phụ nữ tên Huệ (ở TP. Nha Trang) cho biết, hiện nay đang vào lúc cao điểm người dân xuất bán tôm hùm. Chỉ tính riêng ở khu vực Đầm Môn, mỗi ngày bà có thể thu mua cả tấn tôm hùm thịt. Không riêng bà Huệ mà ở Đầm Môn có đến chục người thu mua như thế. Lý giải về giá tôm thấp, bà Huệ cho biết: “Tôm hùm chủ yếu được xuất khẩu sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch, giá cả phụ thuộc vào thị trường nhập khẩu.

Chẳng hạn vào dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu của thị trường lớn nên giá tôm tăng cao. Bây giờ nhu cầu giảm nên giá thấp là hợp lý. Bên cạnh đó, hiện nay ngoài tôm hùm của Việt Nam còn có tôm của một số nước trong khu vực cũng đang nhập khẩu vào Trung Quốc với giá thấp hơn giá tôm Việt Nam. Để cạnh tranh được với tôm hùm các nước, giá tôm buộc phải hạ xuống”.

Người nuôi thiệt thòi

Trong câu chuyện với lãnh đạo UBND xã Vạn Thạnh, chúng tôi được biết tại địa phương này hiện có khoảng 3.000 bè nuôi tôm hùm, mỗi bè có khoảng 50 ô nuôi, mỗi ô người dân thả nuôi chừng 60 - 70 con. Tính ra, số lượng tôm hùm được thả nuôi ở xã Vạn Thạnh rất lớn. Ông Trương Thái Hùng - Chủ tịch UBND xã Vạn Thạnh cho biết: “Các loại bệnh sữa, đen đỏ thân vẫn là nguyên nhân chính khiến tôm chết lai rai trong suốt quá trình nuôi, tỷ lệ hao hụt lên đến hơn 30%. Qua nắm bắt tình hình tại các vùng nuôi nuôi tôm trên địa bàn, nguyên nhân có thể do môi trường nuôi ngày càng ô nhiễm, chất lượng thức ăn cho tôm không đảm bảo, mật độ nuôi dày khiến bệnh phát sinh”.

Còn về giá cả, ông Hùng khẳng định hiện đang xảy ra tình trạng người nuôi tôm hùm bị ép giá. “Nắm bắt được tâm lý hiện đang vào mùa thu hoạch tôm hùm, số lượng nhiều, người nuôi không dám trữ tôm lại vì chi phí đầu tư lớn; bên cạnh đó hiện đang bước vào mùa nắng nóng nên tôm dễ bị dịch bệnh; người nuôi cần bán tôm sớm để xoay vòng vốn đầu tư nuôi vụ mới... nên các thương lái dễ dàng ép giá”, ông Hùng lý giải.

Cũng theo lãnh đạo xã Vạn Thạnh, trong quá trình nuôi tôm hùm, từ con giống, thức ăn, thả nuôi cho đến khi xuất bán, do có quá nhiều khâu trung gian nên chi phí đầu tư bị đội lên. Việc tiêu thụ cũng qua vài cấp trung gian nên người nuôi không thể bán tôm với giá cao. Chính vì vậy, người nuôi tốn nhiều công sức, vốn đầu tư lớn nhưng lại được hưởng lợi ít nhất, thậm chí khi gặp dịch bệnh thì toàn bộ thua thiệt người nuôi phải gánh chịu. Chính quyền địa phương và người nuôi tôm kiến nghị, các ngành chức năng sớm nghiên cứu để có biện pháp điều trị dứt điểm các loại bệnh trên con tôm hùm và có biện pháp ổn định giá cả tôm hùm thịt...

Trò chuyện với chúng tôi khi đi khảo sát tình hình nuôi trồng thủy sản tại xã Vạn Thạnh mới đây, ông Nguyễn Văn Giáp - Giám đốc Trung tâm Chính sách chiến lược nông nghiệp nông thôn miền Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nhận định, tôm hùm là đối tượng nuôi có tiềm năng lớn nhưng chưa có hướng phát triển bền vững. Hiện nay, người nuôi tôm đang chịu bất lợi khi giá cả phụ thuộc nhiều vào đầu nậu thu mua, bị thương lái ép giá... “Để nâng cao giá trị xuất khẩu tôm hùm cần có kênh phân phối trực tiếp, xuất khẩu chính ngạch.

Muốn vậy, phải có doanh nghiệp đứng ra liên kết với người nuôi, thu mua tôm trực tiếp từ hộ nuôi; bớt được khâu trung gian thì hiệu quả con tôm mang lại cho người nuôi sẽ lớn hơn. Bên cạnh đó, người nuôi nên giãn thời gian nuôi, tránh dồn vào 1 vụ, bởi khi sản lượng thu hoạch nhiều rất dễ bị ép giá. Cùng với đó, nên đa dạng các đối tượng nuôi, chẳng hạn như ngoài tôm hùm bông, ngư dân có thể nuôi thêm tôm tre, tuy nhỏ hơn tôm hùm bông nhưng dễ nuôi, ít bệnh và tiêu thụ nội địa lớn, giá bán cũng rất cao...”, ông Giáp nói.

Rời vùng nuôi tôm hùm xã Vạn Thạnh khi bóng chiều đã ngả, chúng tôi cứ suy nghĩ mãi về những nỗi buồn trên các bè tôm. Đến bao giờ mới hết cảnh ngư dân bị ép giá, bao giờ người nuôi tôm mới được hưởng lợi từ chính công sức của mình? Câu hỏi này xem ra vẫn chưa có lời giải đáp.


Có thể bạn quan tâm

Ngày Nhà giáo Việt Nam: Ngày Nhà giáo Việt Nam: "Thầy giáo tỷ phú" có 8ha cam VietGAP

Là người đầu tiên đưa giống cam về trồng trên đất Kiêu Kỵ, đến nay ông Trần Văn Bình ở thôn Báo Đáp đã có 8ha trồng cam theo quy trình VietGAP

20/11/2017
Thu tiền tỷ nhờ chuyển đổi cây trồng, sống chung với lũ Thu tiền tỷ nhờ chuyển đổi cây trồng, sống chung với lũ

Trong những ngày này, về thăm khu vườn sầu riêng của ông Huỳnh Văn Sẵn khiến ai cũng phải trầm trồ trước những cây sầu riêng trĩu trái, chuẩn bị cho thu hoạch

21/11/2017
Trồng cây ớt chuông thu nhập tiền tỉ Trồng cây ớt chuông thu nhập tiền tỉ

Từ vườn cà phê lâu năm già cỗi, giá trị kinh tế không cao, anh Trường Xuân Kỳ đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng bằng việc đầu tư trồng ớt chuông

22/11/2017
Thu hơn 1 tỷ đồng từ 300 cây bơ Cuba Thu hơn 1 tỷ đồng từ 300 cây bơ Cuba

300 cây bơ giống Cuba vào trồng xen tại vườn cà phê có diện tích 3,5 ha hiện đang bước vào giai đoạn kinh doanh,với giá bán ra thị trường lên đến 80.000 đồng/kg

23/11/2017
Ngưỡng mộ vườn cam lòng vàng VietGAP thu tiền tỷ mỗi năm Ngưỡng mộ vườn cam lòng vàng VietGAP thu tiền tỷ mỗi năm

Với vườn cam lòng vàng (cam Vinh) trên 1.100 cây được chăm sóc hiệu quả, trung bình mỗi năm, gia đình ông Trần Duy Hà có thể thu về cả tỷ đồng

24/11/2017