Tôm He Nhật Bản
Tôm he Nhật Bản là một đối tượng thuỷ sản có giá trị kinh tế cao, được thị trường trong và ngoài nước rất ưa chuộng. Ưu điểm của đối tượng này là có thể sống và phát triển tốt ở mùa thu đông (nhiệt độ thấp và độ muối cao).
Đặc điểm sinh học
Tôm he Nhật Bản (Penaeus japonicus), nằm trong giống Penaeus, họ tôm he, bộ mười chân, lớp giáp xác, tôm có kích thước lớn, tôm trưởng thành dài khoảng 20cm, nặng từ 100- 150g/con, chủy trán khỏe cong xuống, đầu mút cong lên và không có sống phụ. Toàn thân tôm he có màu vằn xanh lam, chân bò, chân bơi có màu nâu sẫm, mép đuôi có màu xanh nước biển. Tôm he Nhật Bản phân bố rộng từ biển Địa Trung Hải bờ phía Đông châu Phi đến tận quần đảo Fidji (Nam Thái Bình Dương cho tới bắc New Zealand). Mùa vụ sinh sản của tôm kéo dài từ tháng 9 đến tháng 4 năm sau, rộ nhất là từ tháng 1 đến tháng 3, đạt từ 350.000 - 1 triệu trứng/tôm mẹ.
Năm 1934, GS. Motosaku Fujinaga của Nhật Bản đã thành công trong việc kích thích cho tôm he Nhật Bản (Penaeus japonicus) sinh sản, ấp nở trứng và ương nuôi ấu trùng từ giai đoạn Nauplii sang Mysis nhờ sử dụng tảo silic. Fujinaga được xem là ông tổ của nghề nuôi tôm và Nhật Bản trở thành điểm khởi đầu cho sự phát triển của ngành tôm trên thế giới.
Thành công của Fujinaga và các cộng sự có tầm ảnh hưởng to lớn, lâu dài, tạo điều kiện sản xuất hậu ấu trùng tôm quy mô thương phẩm trong các chương trình nuôi và tái tạo nguồn lợi tại Nhật Bản.
Tôm he Nhật Bản ở Việt Nam
Ở nước ta, tôm he Nhật Bản được nuôi tập trung chủ yếu ở các tỉnh như Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, tôm thích nghi với môi trường có độ muối từ 20- 40‰, nhiệt độ từ 26 - 30oC.
Với mong muốn đưa tôm he Nhật Bản trở thành đối tượng nuôi mới của ngành thuỷ sản ở Việt Nam, năm 2002, Viện Nghiên cứu Hải sản đã nghiên cứu và xây dựng quy trình công nghệ sản xuất giống tôm này và đến năm 2003, quy trình được nghiên cứu hoàn thiện tại Hải Phòng. Năm 2004, được phép của Bộ Thuỷ sản, Trung tâm Khuyến ngư Quốc gia giao cho Viện Nghiên cứu Hải sản thực hiện “Dự án chuyển giao công nghệ sản xuất giống tôm he Nhật Bản (Penaeus japonicus Bate, 1881)” tới 4 tỉnh ven biển miền Bắc. Kết quả: Quảng Ninh sản xuất được 2,45 triệu con giống với tỷ lệ sống của Pl 15 đạt 31%, Hải Phòng sản xuất được 1,5 triệu con giống với tỷ lệ sống của Pl 15 đạt 35%, Thái Bình sản xuất được 1,5 triệu con giống với tỷ lệ sống của Pl 15 đạt 36%, Nam Định sản xuất được 1,8 triệu con giống với tỷ lệ sống của Pl 15 đạt 33%.
Giá trị vượt trội
Penaeus japonicus còn có tên là Kuruma ebi, được đánh giá cao ở Nhật Bản và được coi là "Vua của các món ăn hải sản". Hiện, Nhật Bản đã có một trại giống tiến hành chọn lọc và giữ được giống tôm he thế hệ thứ 6 không bị nhiễm WSSV (virus gây bệnh đốm trắng), đưa tôm he trở thành đối tượng nuôi chủ lực không chỉ ở Nhật Bản. |
Trong số các loài tôm họ Penaeidae, chỉ có tôm he là chịu đựng được vận chuyển xa không có nước, rất phàm ăn, sinh trưởng và phát triển tốt trong môi trường có độ muối cao và nhiệt độ thấp.
Thành công của dự án chuyển giao công nghệ sản xuất giống tôm he Nhật Bản đã ứng dụng công nghệ sản xuất giống tôm ở 4 vùng sinh thái khác nhau, với các điều kiện thuận lợi và khó khăn khác nhau nhưng đều cho ra sản phẩm và đạt mục tiêu đề ra. Kết quả trên cho thấy, quy trình công nghệ mang tính ổn định, có thể đưa vào áp dụng đại trà cho các trại sản xuất giống tôm biển và học viên ở các tỉnh đã nắm chắc quy trình công nghệ, sản xuất được con giống ở cơ sở đạt các mục tiêu đề ra. Đây là bước khởi đầu tạo tiền đề để phát triển nghề nuôi tôm he Nhật Bản tại các tỉnh ven biển miền Bắc Việt Nam.
Tuy nhiên, trong quá trình nuôi tôm cũng cần chú ý tới một số vấn đề như, tôm mẹ khi vận chuyển về nơi sản xuất cần được lưu lại 1 ngày để tôm hồi phục sức khoẻ rồi mới tiến hành cắt mắt, phải cân bằng nhiệt độ nước ở túi vận chuyển và nước trong bể trước khi thả, sau đó mới được nâng dần nhiệt độ cho tới nhiệt độ tối ưu (280C). Đối với vùng nước nhạt có thể điều chỉnh nâng độ mặn bằng muối ăn (NaCl) chống vón ấu trùng, với con giống Pl15 của tôm he Nhật Bản không được lưu giữ lâu trên bể ương vì chúng thường ăn thịt lẫn nhau.
Có thể bạn quan tâm
Nhiễm trùng vi khuẩn trên tôm he chủ yếu do tôm bị stress vì các tổn thương do điều kiện môi trường kém hoặc do hóa chất. Sự thâm canh hóa trong nuôi tôm làm tôm dễ bị stress kết quả tôm dễ bị nhiễm bệnh.
Tôm he Nhật Bản là một đối tượng thuỷ sản có giá trị kinh tế cao, được thị trường trong và ngoài nước rất ưa chuộng. Ưu điểm của đối tượng này là có thể sống và phát triển tốt ở mùa thu đông (nhiệt độ thấp và độ muối cao).
Bệnh Virus hoại tử tuyến ruột giữa của tôm he - Baculovirus Migut gland Necrosis - BMN
Bệnh Parvovirus gan tuỵ tôm he Hepatopancreatic Parvovirus - HPV