Tôm Cá Được Mùa
Sau nhiều năm liên tiếp tôm nuôi được mùa nhưng mất giá, năm nay bà con ngư dân ở vùng ven biển và đầm phá có trọn niềm vui khi tôm, cá nuôi vừa được mùa, lại bán được giá.
80% hộ nuôi có lãi
Những ngày trung tuần tháng 8, chúng tôi có chuyến công tác ở vùng đầm phá của huyện Phú Vang (Thừa Thiên Huế). Đang thu hoạch hồ tôm sú, anh Trần Văn Minh, ở xã Phú An (Phú Vang) phấn khởi: “Năm 2013, gia đình thả nuôi 1 ha, với gần 10 vạn con tôm giống. Sau hơn 3 tháng thả nuôi, thu hoạch 1,2 tấn tôm thịt, bán với giá 140 ngàn đồng/kg.
Năm nay tôm nuôi được mùa là nhờ bà con chấp hành nghiêm khung lịch thời vụ của ngành thuỷ sản, tôm nuôi trước lúc thả đều qua kiểm dịch bằng máy PCR. Khi tôm nuôi xảy ra dịch bệnh các hộ nuôi báo ngay với chính quyền địa phương và ngành chức năng có biện pháp khoanh vùng, dập dịch kịp thời, tránh lây lan trên diện rộng”.
Bên cạnh nuôi chuyên tôm, hình thức nuôi tôm sú xen cá kình, dìa cũng mang lại kết quả khả quan. Bình quân, mỗi ha nuôi xen ghép cho lãi từ 30-40 triệu đồng. Theo thống kê từ Chi cục Nuôi trồng thủy sản, vụ nuôi năm 2013 có khoảng 80% hộ nuôi có lãi, 10% hộ hòa vốn và 10% thua lỗ.
Thực tế cho thấy, nhiều hộ gia đình đã áp dụng mô hình nuôi tôm theo quy trình GAP, cung ứng cho thị trường sản phẩm sạch, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Rút kinh nghiệm những năm trước, năm nay người dân biết tính toán hợp lý làm sao để không bị lỗ, hầu hết các chủ nuôi đều thu tỉa dần khi tôm và cá đủ kích cỡ và trọng lượng. Có năm, tôm nuôi đang sinh trưởng, phát triển tốt, đủ trọng lượng để thu hoạch nhưng không ít hộ cố để lớn hơn mới bán giá cao nhưng lại bị thua lỗ do thời tiết làm tôm chết hàng loạt.
Ông Nguyễn Minh Đức, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh cho biết: “Toàn tỉnh có tổng diện tích nuôi nước lợ, mặn gần 4.300 ha, đạt 100% so với kế hoạch năm. Đến thời điểm này, bà con ngư dân trên địa bàn tỉnh thu hoạch gần 2.000 tấn tôm; 677 tấn cá; trong đó, hơn 684 tấn tôm sú, tôm rảo.
Năm nay, tôm nuôi được mùa cũng nhờ nhận thức của bà con được thay đổi, không xem con tôm sú là đối tượng nuôi chính mà thay vào đó là các đối tượng nuôi xen ghép như tôm, cua, cá ong, dìa, đối... Trước vụ nuôi, chi cục thành lập đoàn kiểm tra một số cơ sở trọng điểm sản xuất giống và kinh doanh thức ăn, thuốc, hóa chất phục vụ nuôi trồng thủy sản được tốt hơn”.
Khó khăn còn lại
Hàng năm vào đầu vụ nuôi, Chi cục Nuôi trồng thủy sản khuyến cáo về khung lịch thời vụ, kỹ thuật để bà con áp dụng phù hợp với quy mô sản xuất hộ gia đình. Năm nay bà con thả giống ương nuôi ít gặp các đợt lạnh, tuy nhiên hiện tượng thời tiết nóng lạnh và chênh lệch nhiệt độ ngày đêm lớn, tiếp đến các đợt nắng nóng trong tháng 4 và 5, bà con ngư dân đương đầu với nhiều khó khăn, trở ngại trong khâu cấp và thay nước.
Quá trình nuôi, bơm nước trực tiếp vào ao nuôi làm tôm chết hàng loạt khiến nhiều người không dám lấy nước vào; trong lúc đó giai đoạn nắng nóng phải đảm bảo duy trì độ sâu trong ao nuôi và thích hợp với giai đoạn phát triển của tôm, vì vậy ảnh hưởng đến tốc độ phát triển của tôm và các đối tượng nuôi khác.
Cơ sở hạ tầng vùng nuôi chưa đảm bảo, dẫn đến hiệu quả nuôi không ổn định; nguồn giống không đảm bảo chất lượng, thị trường hạn chế, tình hình dịch bệnh thường xuyên xảy ra, vì vậy diện tích nuôi chuyên tôm sú chuyển dần sang nuôi xen ghép các đối tượng nước lợ.
Đây là mô hình đầu tư thấp, ít xảy ra dịch bệnh và đem lại hiệu quả kinh tế ổn định. Năm nay, cá kình giống và cua giống tự nhiên xuất hiện nhiều nên bà con ngư dân ham thả nuôi với mật độ dày, nắng nóng dài ngày, các loại thức ăn tự nhiên, như rong câu ít phát triển, cá chậm lớn và có 135 ha nuôi xen ghép tôm, cá bị bệnh và chết hàng loạt, khiến hàng trăm hộ nuôi điêu đứng.
Nuôi tôm thẻ chân trắng vẫn là đối tượng chủ lực góp phần thúc đẩy phát triển nghề nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh. Do thời tiết khắc nghiệt, nguồn giống kém chất lượng, nhiều ao ngừng nuôi. Tính đến nay, diện tích nuôi tôm chân trắng 139,9 ha, đạt 40% kế hoạch năm và đạt 70,6% so với cùng kỳ năm 2012.
Được biết, hiện bà con trên địa bàn tỉnh nuôi trồng thủy sản chỉ tiêu thụ thị trường nội địa, nhỏ lẻ, không ổn định, đầu vụ giá cao, giữa vụ và chính vụ thường bị ép giá 30-40%, dẫn đến các hộ nuôi thua lỗ và lãi không cao. Thiết nghĩ, để tránh trường hợp “được mùa mất giá, được giá mất mùa”, các cơ quan ban ngành cần tạo sự liên kết giữa người nuôi tôm và các doanh nghiệp để sản phẩm của người dân làm ra có nơi tiêu thụ, đồng thời các doanh nghiệp không phải đi mua nguyên liệu từ ngoại tỉnh. Hiện trên địa bàn tỉnh có 4 đơn vị chế biến thuỷ sản, nhưng để đủ nguyên liệu sản xuất các công ty phải thu mua nguyên liệu từ các tỉnh phía Nam và Bắc.
Có thể bạn quan tâm
Sau thời gian giá nhím con ở mức khá cao: khoảng 15 triệu đồng/cặp, thì hiện nay người chăn nuôi chỉ cần đầu tư khoảng 1,2 triệu đồng/cặp để chăn nuôi. Giá nhím giống giảm mạnh cũng kéo theo giá nhím thịt giảm từ trên 500.000 đồng xuống chỉ còn 150.000 đồng/kg.
Mùa khai thác thủy sản năm nay được xem là thất bát nặng nề nhất trong 20 năm qua. Ngư dân dù đã và đang được hỗ trợ tích cực từ phía Nhà nước, nhưng do biển mất mùa, chi phí đánh bắt tăng cao nên hiện tại họ đang gặp rất nhiều khó khăn. Dẫu vậy, nhiều chủ tàu vẫn tìm mọi cách huy động vốn, kể cả vay “tín dụng đen” để “đặt cược” trong những chuyến biển cuối vụ khai thác…
Người nuôi cá tra tại ĐBSCL vẫn phải tiếp tục chịu lỗ, dù diễn biến trên thị trường đang có lợi họ, đặc biệt khi nguồn cung nguyên liệu đang sụt giảm và thị trường nhập khẩu dần “ấm” lên. Viễn cảnh trên cho thấy người nuôi cá tra thật sự đã hết cơ hội với nghề này.
Thời gian gần đây, giá heo tại Bà Rịa - Vũng Tàu nói riêng, vùng Đông Nam bộ nói chung, đã tăng mạnh do thương lái ồ ạt thu mua heo mỡ. Giá heo tăng làm cho người chăn nuôi phấn khởi sau một thời gian dài lỗ nặng, tuy nhiên cũng tiềm ẩn không ít rủi ro nếu như thương lái ngừng mua.
Hải Lăng (Quảng Trị) có diện tích nuôi trồng thủy sản khá lớn với hơn 500 ha diện tích ao hồ. Trong đó diện tích nuôi tôm trên cát ven biển ở hai xã Hải An và Hải Khê chiếm gần 100 ha. Nhiều năm qua nhờ phát triển nuôi tôm nên nhiều hộ gia đình đã trở nên giàu có, tuy nhiên do nằm sát với bờ biển nên rất dễ bị thiên tai tàn phá. Trước thực trạng đó, để đảm bảo an toàn ao hồ nuôi trồng thủy sản trong mùa mưa bão năm 2013, huyện Hải Lăng đang tiến hành triển khai nhiều biện pháp hữu hiệu nhằm giúp người nuôi tôm bảo vệ tốt tài sản của mình.