Tổ hợp tác nuôi ong giúp nhau làm giàu
Thay đổi cách thức truyền thống
Ông Nguyễn Văn Vương – Phó Chủ tịch Hội Nông dân (ND) xã Nghĩa Mỹ cho cho hay, nghề nuôi ong lấy mật có ở địa phương từ rất lâu.
Tuy nhiên, trước đây hầu hết các hộ nuôi ong theo kiểu truyền thống “được chăng hay chớ”, chưa được trang bị kỹ thuật bài bản nên dẫn đến năng suất, chất lượng mật ong kém.
Sản phẩm mật ong làm ra phục vụ nhu cầu gia đình là chính.
Tháng 10.2011, Hội ND xã Nghĩa Mỹ đã phối hợp với Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ ND (thuộc Hội ND tỉnh Nghệ An) mở lớp dạy nghề nuôi ong lấy mật cho 35 học viên là ND xã Nghĩa Mỹ.
“Sau 3 tháng học nghề, học viên đã được chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nuôi ong.
Từ cách nuôi truyền thống bà con đã chuyển sang nuôi theo đúng quy trình từ thiết kế thùng, kỹ thuật chăm sóc, xử lý khi ong bị bệnh, cách thu hoạch mật bằng máy quay ly tâm, sơ chế và bảo quản sản phẩm ong mật.
Nếu trước đây các hộ nuôi nhỏ lẻ và số đàn ong không đáng kể thì sau khi học nghề nhiều hộ đã có từ 20 – 30 đàn ong, thu nhập được cải thiện rõ rệt, đời sống khấm khá hơn”- ông Vương chia sẻ.
Sau thành công của lớp học nghề, Hội ND xã nhận thấy để nghề nuôi ong lấy mật phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa và tiến tới xây dựng thương hiệu, ngoài chuyển giao tiến bộ kỹ thuật thì việc tập hợp, liên kết người nuôi ong cũng rất cần thiết.
Tháng 1.2013, Tổ hợp tác nuôi ong nội lấy mật xã Nghĩa Mỹ (THT) được thành lập dưới sự quản lý của Hội ND xã…
Ông Trương Đình Tống – Chủ nhiệm THT cho biết: THT có 24 thành viên và sinh hoạt sôi nổi nhất khi vào vụ mật.
Ban Chủ nhiệm THT có nhiệm vụ thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc hoạt động của các thành viên trong tổ.
Đồng thời, giải đáp thắc mắc, hướng dẫn, tư vấn KHKT một cách bài bài để nâng cao hiệu quả nuôi ong của mỗi hộ.
Giúp nhau cùng làm giàu
" Hàng năm, THT phối hợp với Hội ND thị xã Thái Hòa mang sản phẩm mật ong nội Nghĩa Mỹ đến các hội chợ, triển lãm sản phẩm nông nghiệp để giới thiệu đến đông đảo người tiêu dùng.
UBND xã Nghĩa Mỹ đang làm thủ tục xây dựng thương hiệu “Mật ong nội Nghĩa Mỹ” cho THT”. Ông Nguyễn Văn Vương - Phó Chủ tịch Hội ND xã Nghĩa Mỹ
Anh Lê Văn Nghị, xóm Tiên Lộ, xã Nghĩa Mỹ là 1 trong những thành viên có số lượng đàn ong nhiều nhất Tổ hợp tác nuôi ong.
Với 60 đàn ong, mỗi năm anh Nghị thu về cả trăm triệu đồng từ việc bán mật ong và ong giống.
Anh Nghị cho hay, trước đây, do không có kỹ thuật, anh chỉ nuôi 2 – 3 đàn ong.
Sau khi qua lớp học nghề thì nuôi lên 10 đàn ong rồi lên đến vài chục đàn.
Lớp học nghề nuôi ong rất hữu ích, nhưng quan trọng hơn là anh em trong THT hỗ trợ lẫn nhau, người giỏi nghề hỗ trợ người chưa giỏi.
“Trước đây tôi không biết tạo vú ong chúa và nhân ong chúa nhân tạo thì nay tôi đã rất thành thạo.
Tôi đem kiến thức của mình đi giúp nhiều ND khác phát triển đàn ong”- anh Nghị khoe.
Còn anh Lê Văn Trưng thì cho biết: “Mặc dù địa phương có địa hình bán trung du, có nhiều cây lâu năm, cây ăn quả… rất thích hợp cho việc phát triển nghề nuôi ong nhưng tôi chỉ dám nuôi có 3 đàn ong.
Tôi thấy Tổ hợp tác nuôi ong hoạt động sôi nổi, hữu ích thế là đăng ký tham gia.
Hiện, tôi nuôi 38 đàn ong, mỗi năm xuất bán hơn 200kg mật với giá 200.000 đồng/kg.
Mật ong nội được nuôi theo quy trình chuẩn nên rất đắt hàng”.
Có thể bạn quan tâm
Trong năm 2015, tỉnh Bình Thuận dự kiến sẽ cung ứng cho các cơ sở nuôi tôm tại Việt Nam khoảng 20 tỷ con tôm giống.
Những ngày này, người trồng chè ở huyện Bát Xát (Lào Cai) đang bước vào vụ thu hoạch rộ.
Người nuôi cua ở Cà Mau đang đứng ngồi không yên khi giá cua liên tục xuống thấp. Hiện giá cua đã giảm khoảng 30 – 40% so với vài tháng trước.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong 7 tháng đầu năm 2015, xuất khẩu (XK) cua ghẹ của Việt Nam đạt hơn 60,7 triệu USD, tăng gần 6% so với cùng kỳ năm trước. Hiện thị trường XK cũng đã được mở rộng hơn, các sản phẩm cua ghẹ của Việt Nam đã xuất sang được 34 thị trường.
Ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP)- chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương về sự phát triển của ngành thủy sản hiện nay.