Tín Hiệu Vui Từ Mô Hình Trồng Hoa Lan Thương Phẩm

Cuối tháng 10-2012, thực hiện chuyển giao mô hình sản xuất cấp huyện, Hội Nông dân huyện Ninh Sơn ký kết hợp đồng kinh tế với ông Cao Ngọc Sinh Yên (Phan Rang – Tháp Chàm) triển khai thí điểm mô hình trồng hoa lan (loại Dendro) tại khu phố 6, thị trấn Tân Sơn. Sau gần 7 tháng thực hiện, mô hình đã mang lại nhiều tín hiệu vui cho người trồng.
Hộ anh Nguyễn Minh Sơn và Đặng Trường Chinh là 2 hộ được Hội Nông dân huyện chọn trồng thử nghiệm. Gần 150m2 đất vườn, anh Sơn dọn sạch cỏ, diệt côn trùng, tận dụng tre gỗ làm giàn che nắng, giá đỡ rồi đặt các chậu lan vào trồng, với mật độ khoảng 25 chậu/m2. Điều thuận lợi là anh được phía nhà đầu tư cho chịu vốn 30% (trừ dần vào tiền bán hoa), chuyển giao kỹ thuật trồng hoa lan và thu mua toàn bộ số hoa theo giá thấp hơn 10% so với giá thị trường cao nhất trong phạm vi toàn quốc.
Trồng và chăm sóc lan thử nghiệm, anh dùng nước kênh (không dùng nước giếng, nước máy vì độ pH cao, lan dễ bị thối rễ) tưới 3 lần/ngày nắng và 1 lần/ngày mưa, 7-10 ngày bơm dinh dưỡng (phân bón sinh học) theo tỷ lệ ghi trên bao bì, có sự theo dõi, hướng dẫn kỹ thuật từ phía nhà đầu tư. Kết quả, sau gần 6 tháng tỷ lệ cây con sống đạt 99%, vườn lan cho lứa đầu tiên với tỷ lệ hoa chiếm 10% (200 cành). Trung bình 4-5 bông/cành, giá 1 ngàn đồng/bông, anh thu trên 1 triệu đồng.
Anh Sơn khẳng định, lan Dendro là giống lan nhiệt đới, dễ trồng. Từ lúc trồng thử nghiệm đến nay vườn nhà anh chưa xuất hiện bệnh. Sau lứa thứ nhất, hiện tại vườn lan đang cho lứa thứ 2 với tỷ lệ hoa chiếm 60% vườn. Hỏi về chất lượng hoa, anh Sơn cho biết, cuối tháng 4 vừa qua, Hội Sinh vật cảnh TP. Hồ Chí Minh và Hội Sinh vật cảnh Tp. Phan Rang – Tháp Chàm đến tham quan và nhận định độ sáng, độ dày, cũng như độ tươi của cánh hoa trồng tại Ninh Sơn tốt hơn so với giống lan Dendro hiện đang được trồng khá nhiều ở huyện Củ Chi (TP. Hồ Chí Minh).
Theo bà Nguyễn Thị Bình, Phó chủ tịch Hội Nông dân huyện Ninh Sơn, lan Dendro là giống cây lâu năm, nhưng lại cho thu nhập sớm, khả năng hoàn vốn nhanh. Nếu chăm sóc tốt có thể đạt 12 lứa hoa/ năm, trong thời gian từ 7-8 năm.
Số bông/cành cũng tăng theo các giai đoạn, khởi điểm là 4-6 bông/cành, sau đó là 8-10 bông và từ cuối năm thứ 2 số bông sẽ là 10-12 bông/cành. Sau 7- 8 năm kinh doanh, khi chất lượng cây giảm, người trồng có thể chăm sóc để cây lên bông và bán theo kiểu Bonsai cho thương lái với mức giá ngang với mức đầu tư ban đầu từ 40-50 ngàn đồng/chậu.
Bà Bình cũng cho biết thêm, vì là lần đầu triển khai trồng nên chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi hiệu quả, tiến hành đánh giá, quảng bá sản phẩm và xây dựng kế hoạch mở rộng cho những hộ thiếu đất sản xuất, nhất là ở xã Hòa Sơn, nơi có nền nhiệt ổn định, thích hợp cho việc trồng và chăm sóc giống lan này.
Có thể bạn quan tâm

Báo Hải Phòng số ra ngày 10-10, có bài “Huyện An Dương (Hải Phòng): Nhiều diện tích trồng cà chua chết không rõ nguyên nhân”. Ngay sau khi báo đăng, Đoàn công tác của Sở Nông nghiệp- PTNT tìm hiểu nguyên nhân và có giải pháp hướng dẫn nông dân khắc phục tình trạng này.

Hội Nông dân huyện Châu Đức đã phối hợp với Hội Hồ tiêu tỉnh BR - VT xây dựng mô hình trình diễn sản xuất tiêu sạch theo tiêu chuẩn VietGap tại 4 xã: Bàu Chinh, Sơn Bình, Láng Lớn và Quảng Thành. Theo Hội Hồ tiêu tỉnh, đây là một trong những bước chuẩn bị tiếp đón Hiệp Hội hồ tiêu thế giới đến khảo sát, đánh giá về tình hình sản xuất và chất lượng sản phẩm hồ tiêu trên địa bàn tỉnh.

Theo thống kê của Cục Trồng trọt, vụ mùa 2014 vùng duyên hải Nam Trung bộ - Tây Nguyên mặc dù điều kiện khí hậu diễn biến phức tạp, tuy nhiên năng suất trồng trọt tại khu vực này đạt cao nhất từ trước đến nay, đặc biệt là cây lúa. Theo đó, năng suất lúa bình quân toàn vùng đạt 63,1 tạ/ha, cao hơn năm trước 3,5 tạ/ha; sản lượng đạt 1,66 triệu tấn, tăng gần 142.000 tấn.

Rút kinh nghiệm từ những thiệt hại ở các năm trước, năm nay nông dân hạn chế "ngâm" mì ở những vùng trũng. Vì vậy, mới bước vào mùa mưa, bà con gấp gáp thu hoạch mì ở những vùng thấp bán cho nhà máy. Bên cạnh đó, phía nhà máy cũng tạo điều kiện thuận lợi để nông dân bán sản phẩm của mình, thu lại tiền đầu tư và công sức sau bao ngày nhọc nhằn canh tác.

Thu hoạch xong gần 1ha quýt cách nay 3 ngày, ông Nguyễn Văn Nhu, ở ấp 3, xã Long Trị, cho biết: “Quýt trồng hơn 2 năm là có thể cho thu hoạch, năng suất đạt từ 2,5 - 3 tấn/công (cây 3 năm tuổi), còn 4 - 5 tấn/công (cây 4 - 5 năm tuổi). Mặc dù giá có giảm, nhưng sau khi trừ chi phí, mỗi công quýt cũng đem lại lợi nhuận từ 35 - 40 triệu đồng”.