Đổi Thay Ở Yến Mao
Lâu mới có dịp trở lại Yến Mao, một vùng quê miền núi thuộc diện nghèo của huyện Thanh Thủy, thấy cảnh sắc có nhiều đổi thay, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng. Được hỏi về nguyên nhân những thay đổi này, đồng chí Phạm Ngọc Vân, Bí thư Đảng ủy xã đánh giá: Có được sự thay da đổi thịt như Yến Mao hôm nay, trước hết nhờ tác động từ chính sách đầu tư của Nhà nước, nhất là nguồn vốn của chương trình 135, rồi vốn đầu tư hạ tầng vùng chậm lũ; cộng với đó là sự đồng tâm hiệp lực, cố gắng của lãnh đạo, bà con nhân dân.
Để minh chứng cho điều này anh dẫn chúng tôi đi thăm một số công trình hạ tầng, cơ sở sản xuất mới đầu tư.
Vốn là xã miền núi, thuộc diện 135, nhiều năm trước Yến Mao là xã nghèo không chỉ của huyện mà là của tỉnh. Dù đất đai khá nhiều, nhưng do hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện... thiếu nên kinh tế không bứt phá lên được. Hàng năm bà con chỉ quẩn quanh với cây lúa, ngô, chăn nuôi gà, lợn cây rừng theo cách sản xuất tự cung, tự cấp. Vốn nghèo hay sinh khó, Yến Mao là cơ sở tồn tại nhiều vấn đề mà huyện phải xử lý càng làm cho nhân dân xút giảm lòng tin.
Có điều từ 2010 khi kiện toàn lại bộ máy, Đảng ủy, chính quyền thấy được hạn chế tập trung tranh thủ các nguồn lực đầu tư của Nhà nước, đoàn kết huy động nội lực để bứt phá. Trong các công trình đầu tư cho xã nghèo, Yến Mao chủ yếu tập trung xây dựng những dự án mang tầm chiến lược như cơ sở vật chất trường học, trạm y tế, điện... coi đây là cần câu giúp người dân và xã bứt phá. Chỉ tính từ năm 2010 trở lại đây, xã huy động gần chục tỷ đồng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, qua đó góp phần tạo nên diện mạo mới cho quê hương, tạo tiền đề để vươn lên. Ngoài TL317 mới được hoàn thiện theo chương trình đầu tư vùng chậm lũ, bây giờ xã có hệ thống trường học, trạm y tế đạt chuẩn quốc gia, các công trình điện, giao thông nông thôn cơ bản hoàn thiện đến từng ngõ xóm, từ đó xóa đi cảnh sắc một vùng quê nghèo nàn.
Cùng với đó xã lãnh đạo nhân dân đổi mới cách thức làm ăn, vận dụng kỹ thuật, khai thác thế mạnh địa phương về đất đai, lao động chuyển dần từ sản xuất tự cấp sang hàng hóa. Cụ thể trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, xã xác định trụ cột chính là sản xuất lương thực, kinh tế đồi rừng, kết hợp chăn nuôi.
Hàng năm, Yến Mao tranh thủ chương trình đầu tư của huyện, tỉnh xã vận động nhân dân ứng dụng kỹ thuật đưa giống mới vào gieo cấy, đẩy mạnh thâm canh tăng năng suất lúa từ dưới 50 lên bình quân 53-54 tạ/ha. Ngoài hai vụ lúa còn sản xuất vụ ngô đông, từ đó đưa sản lượng lương thực đạt xấp xỉ 2.000 tấn. Năm 2014 xã đạt gần 1.998 tấn, vượt mục tiêu nghị quyết Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2011-2015, đạt mức bình quân lương thực đầu người 440 kg.
Cùng với cây lúa, ngô các hộ đẩy mạnh chăn nuôi, quản lý duy trì tốt 116ha lâm nghiệp, đưa cây sơn lấy nhựa vào gieo trồng và củng cố diện tích chè. Hiện xã có 24ha sơn lấy nhựa, có 15ha cho thu hoạch, 37,2ha chè. Đây là những cây chủ lực tạo ra hàng hóa, thu nhập cho nhiều hộ dân.
Nhờ có mạng lưới hạ tầng đổi mới tạo cơ hội để nhiều hộ trong xã đầu tư phát triển sản xuất TTCN, dịch vụ, qua đó tăng thêm thu nhập, giải quyết việc làm. Hiện nay trong xã có hàng chục cơ sở bóc gỗ, băm dăm, dịch vụ cơ khí, thương mại, qua đó góp phần duy trì mức tăng trưởng hàng năm trên 10%. Ngoài ra còn có hàng trăm lao động thoát ly tham gia sản xuất trong các cơ sở công nghiệp - TTCN trên địa bàn, tác động làm tăng giá trị kinh tế, cải thiện đời sống.
Năm 2014 xã đạt mức tăng kinh tế 12,9%, trong đó nông, lâm nghiệp tăng 13,7%, CN-TTCN- xây dựng tăng 37,9%, dịch vụ tăng 40,5%; giá trị sản xuất đạt trên 46 tỷ đồng, đưa mức thu nhập bình quân đầu người đạt 22,5 triệu đồng. Từ một xã kinh tế thuần nông, sản xuất chủ yếu tự cung, tự cấp đến nay Yến Mao đã phát triển khá toàn diện, năm 2014 cơ cấu kinh tế nông lâm nghiệp chiếm 45% tỷ trọng, CN-TTCN chiếm 8,4%, dịch vụ chiếm 46,6%, qua đó giảm hộ nghèo từ trên 20% năm 2010 xuống 8,5% năm 2014.
Có kinh tế ổn định, đời sống văn hóa xã hội của xã không ngừng phát triển, nâng cao. Hiện nay 3 trường học đều đạt chuẩn, chất lượng giáo dục được nâng lên, tỷ lệ học sinh khá, giỏi và đạt giải qua các vòng thi nâng lên. Số hộ đạt gia đình văn hóa duy trì ở mức 75-82%, xã luôn đạt các tiêu chuẩn quốc gia về y tế, giải quyết việc làm có nhiều tiến bộ, tình hình an ninh trật tự xã hội đảm bảo...
Tuy còn một số hạn chế trong phát triển kinh tế, xã hội nhưng thành quả xã đạt được trong những năm qua đã đưa Yến Mao thoát khỏi tình trạng xã nghèo, kém phát triển, tạo cơ hội để địa phương vươn lên, trở thành xã khá.
Về khả năng phát triển của xã, đồng chí Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Trước đây Yến Mao đã có một số dự án đầu tư, khả năng thời gian tới chưa khả thi, do vậy địa phương vẫn huy động dựa chính vào nội lực chủ yếu.
Theo đó xã sẽ tập trung khai thác lợi thế địa phương là kinh tế nông, lâm nghiệp, đẩy mạnh phát triển TTCN- dịch vụ, kết hợp nguồn lực nội tại với tranh thủ tốt đầu tư bên ngoài để chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Mục tiêu những năm tới, xã xác định mức tăng trên 10%, trong đó nông, lâm nghiệp chiếm tỷ trọng 45%, CN-TTCN 8,4%, dịch vụ 46,6%.
Duy trì tốt thế mạnh sẵn có, đẩy mạnh áp dụng tiến bộ kỹ thuật từng bước chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi lao động để tăng thu nhập, phấn đấu mỗi năm giảm 1-2% hộ nghèo; ổn định chính trị, an ninh, quốc phòng. Xã tập trung làm tốt công tác chuẩn bị Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2015-2020, đảm bảo đội ngũ cán bộ đủ năng lực, quyết tâm lãnh đạo thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, sớm đưa Yến Mao vào tốp khá của huyện.
Nguồn bài viết: http://baophutho.vn/kinh-te/nong-lam-nghiep/201411/doi-thay-o-yen-mao-2377569/
Có thể bạn quan tâm
Xã An Nông (Tịnh Biên - An Giang) chuyển đổi phương pháp nuôi bò, thay vì làm theo cách tập quán, nhiều nông dân mạnh dạn áp dụng tiến bộ kỹ thuật để nuôi vỗ béo và bán bò thịt. Mô hình mang lại hiệu quả nhiều mặt, giảm chi phí, công sức lao động và đảm bảo môi trường chăn thả, vừa cho lợi nhuận kinh tế cao.
Ngày 18/8/2014, công ty Bayer Việt Nam, Nhánh Thuốc Thú y và Thủy sản đã tổ chức chương trình “Cảm ơn Cha Mẹ” tại Sóc Trăng.
Trước thông tin một số hộ nông dân cho rằng mùa thắp đèn thanh long này sẽ gặp khó khăn. Lãnh đạo Công ty Điện lực Bình Thuận khẳng định mọi chính sách về điện đối với bà con trồng thanh long không có gì thay đổi so với năm trước.
Theo Ban chỉ đạo xây dựng NTM của huyện, xã Nghĩa Hương vừa được UBND thành phố Hà Nội công nhận xã đạt chuẩn NTM tháng 4-2014. Trong năm nay, huyện phấn đấu thêm bốn xã: Sài Sơn, Phượng Cách, Thạch Thán, Phú Cát cán đích. Các xã còn lại đều thuộc nhóm khá đạt từ 9 đến 13 tiêu chí (TC).
Theo ước tính ban đầu của ngành chức năng, đến hết ngày 20/8 trên địa bàn huyện đã có khoảng gần 1.000 tấn ngao sắp thu hoạch bị chết, thiệt hại về kinh tế lên đến hàng tỷ đồng.