Tín Hiệu Mới Từ Gà Đeo Kính
Công ty Tư vấn dịch vụ kỹ thuật phát triển nông nghiệp Đà Lạt (viết tắt là Công ty ATDC, Đà Lạt) đang triển khai chuỗi liên kết chăn nuôi và tiêu thụ giống gà J-Dabaco (thường gọi là “gà đeo kính”) theo hướng an toàn sinh học tại một số tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung bộ.
Trong đó, riêng chuỗi liên kết tại Lâm Đồng, công ty thực hiện điểm với 1 trang trại 2ha và 4 hộ gia đình (250m2/hộ) nuôi “gà đeo kính” ở các huyện Đức Trọng, Lâm Hà, Di Linh.
Giống gà J-Dabaco được Tập đoàn Dabaco Việt Nam lai tạo từ các giống gà thả vườn trong nước và các giống gà nhập nội khác, đạt chất lượng thịt săn chắc, thơm ngon với trọng lượng mỗi con từ 2kg trở lên, đang có sức hút rất lớn đối với thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước. Giống gà này còn gọi là “gà đeo kính” vì khi nuôi đến 1,5 tháng trở lên (hoặc đạt trọng lượng từ 0,7- 0,8kg/con) phải đeo kính để che bớt mắt nhìn, từ đó tránh tình trạng gà cắn mổ nhau hàng ngày làm ảnh hưởng đến tăng trọng lượng thịt, thậm chí còn gây hậu quả gà chết hàng loạt.
Sau thời gian kết nối thông tin, gặp gỡ đàm phán, tháng 11/2013, Công ty ATDC, Đà Lạt đã ký kết và triển khai hợp đồng chăn nuôi và bao tiêu sản phẩm thịt “gà đeo kính” với 2 đối tác. Thứ nhất là Công ty TNHH MTV Gà giống Dabaco, Bắc Ninh (Tập đoàn Dabaco Việt Nam) chịu trách nhiệm cung ứng nguồn gà giống chất lượng cao và nguồn thức ăn đảm bảo cho chăn nuôi theo hướng an toàn. Thứ hai là Công ty cổ phần thương mại chăn nuôi Lợi Quốc (Bình Dương) chịu trách nhiệm bao tiêu toàn bộ sản phẩm gà thịt J-Dabaca để chế biến, tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Thạc sỹ Phan Ngọc Hùng, Giám đốc Công ty ATDC, Đà Lạt cho biết thêm, căn cứ từ hợp đồng với 2 đối tác nói trên, Công ty ATDC, Đà Lạt đi vào xây dựng 4 mô hình liên kết với nông dân nuôi “gà đeo kính” theo các hình thức thỏa thuận từ 2 phía.
Với công ty chuyển giao gà giống cùng các lượng thức ăn, thuốc thú y và vắc xin, tư vấn kỹ thuật cho người chăn nuôi, trực tiếp hướng dẫn từ khâu xây dựng chuồng trại, đến khâu chăm sóc, phòng bệnh và thu hoạch; và cuối cùng là khâu bao tiêu toàn bộ lượng gà thịt xuất chuồng.
Với hộ nông dân nuôi gà phải có diện tích đất tối thiểu 250m2, trong đó gồm 50m2 xây chuồng để nuôi nhốt và 200m2 làm sân vườn bao lưới thép để nuôi thả. Tất cả nguồn vốn mua giống gà ban đầu do nông dân tự đầu tư. Về lâu dài, Công ty ATDC Đà Lạt sẽ ứng trước nguồn vốn cho nông dân - tùy theo điều kiện, quy mô chăn nuôi gà của từng hộ gia đình.
Đến nay - theo đánh giá của anh Lê Văn Hòa, kỹ sư Công ty ATDC, Đà Lạt - sau 1 tháng tiến hành chăn nuôi điểm “gà đeo kính” trên 4 mô hình ở Lâm Đồng, mỗi mô hình nuôi từ 1.000 - 3.000 con, tỷ lệ gà giống đưa về nuôi bị chết gần như không đáng kể. Trọng lượng thịt trung bình đã tăng lên từ 0,5- 0,6kg/con.
Còn hơn 2 tháng nữa là bước vào thời điểm xuất gà thịt để bán, mỗi hộ gia đình nuôi với quy mô tối thiểu 1.000 con “gà đeo kính” đạt các yêu cầu kỹ thuật về chăn nuôi an toàn, dự kiến sẽ “nắm chắc” khoản lãi thu về trên dưới 40 triệu đồng.
Sở dĩ người nông dân nuôi “gà đeo kính” được biết trước khoản lãi thu về là vì Công ty ATDC, Đà Lạt đã hợp đồng bao tiêu “chốt giá” trước 1 năm. Mở rộng ra từ hợp đồng, với chu kỳ nuôi 3 lứa “gà đeo kính” trong năm 2014 (mỗi lứa nuôi 1.000 con), nông dân “khoanh nuôi” trên diện tích 250m2 sẽ đạt tổng lợi nhuận trên dưới 120 triệu đồng.
Riêng Công ty ATDC, Đà Lạt cũng vừa hoàn thành “kiến thiết cơ bản” trang trại trên 3.000m2 tại địa bàn một xã vùng xa ở huyện Đức Trọng, đạt công suất nuôi “gà đeo kính” lấy thịt đạt khoảng 30.000 con/năm (trọng lượng mỗi con đạt từ 2kg trở lên như đã nói ở trên).
Trong vòng 5 năm tới, Công ty ATDC, Đà Lạt cam kết đủ năng lực triển khai chuỗi sản phẩm “thông thương” từ đầu vào đến đầu ra, mỗi tháng có thể lên đến 30.000 con gà thịt J-Dabaco. “Bởi vậy, những hộ chăn nuôi gà thịt J-Dabaco nhỏ lẻ cần được sắp xếp, tập hợp lại thành các tổ hợp tác sản xuất hoặc câu lạc bộ chăn nuôi, nhằm nâng cao giá trị hàng hóa sản xuất tập trung, nhanh chóng tạo ra bước “đột phá” làm giàu…” - thạc sỹ Phan Ngọc Hùng nói.
Có thể bạn quan tâm
Nông dân vùng mặn ở huyện Đông Hải (Bạc Liêu) đang đẩy mạnh nuôi tôm sú - cua kết hợp, nuôi cua trên ruộng muối cho thu nhập khá cao.
Để nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích, những năm gần đây, xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ (Hà Nội) đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế, góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân.
Trước nay, nhiều hộ dân trồng rau màu ở Đức Trọng (Lâm Đồng) đã phải chịu cảnh “Được mùa rớt giá, được giá mất mùa” và thường bị thương lái ép giá với những lý do về chất lượng sản phẩm. Từ khi áp dụng sản xuất rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, chất lượng sản phẩm được đảm bảo, đầu ra ổn định và kinh phí đầu tư cũng giảm.
Theo Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh Thừa Thiên Huế, đến ngày 22/5 trên địa bàn tỉnh có gần 33 ha tôm nuôi bị chết; trong đó chuyên tôm sú gần 14 ha ở huyện Quảng Điền, Phú Lộc, Hương Trà và tôm chân trắng 19 ha ở huyện Phong Điền, Phú Lộc.
Theo tin từ Sở Công Thương, trong 4 tháng đầu năm 2013, thanh long Bình Thuận xuất khẩu chính ngạch đạt 7.451 tấn, trị giá 5,27 triệu USD. Thanh long đã xuất vào 8 thị trường, chủ yếu là châu Á, trong đó Trung Quốc vẫn là thị trường chính với kim ngạch đạt 2,64 triệu USD, chiếm tỷ trọng 53,6%, kế tiếp là Indonesia 1,33 triệu USD, Thái Lan 0,42 triệu USD.