Tìm Một Hướng Mở Cho Kinh Tế Trang Trại
Trong quá trình thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp Quảng Trị, một trong những mục tiêu chính là nâng cao giá trị sản xuất. Đây là mục tiêu mà muốn đạt được phải thực hiện một trong những giải pháp là phát triển kinh tế trang trại (KTTT). Trên cơ sở quan điểm nhất quán của Đảng về mặt đường lối đối với việc tạo khuôn khổ pháp lý, môi trường cho sự hình thành và phát triển KTTT và các chính sách Nhà nước ban hành nhằm khuyến khích phát triển loại hình kinh tế này, Quảng Trị đã đề ra những giải pháp phù hợp để phát triển KTTT nhằm góp phần đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Phát triển kinh tế trang trại gắn với xây dựng nông thôn mới
Một trong những tiêu chí về nông thôn mới là thu nhập. Thu nhập bình quân đầu người/năm phải cao hơn nhiều so với mức bình quân chung của tỉnh. Muốn tăng nhanh mức thu nhập của hộ nông dân và tạo nhiều việc làm ở nông thôn thì một trong những giải pháp hữu hiệu nhất là mở rộng quy mô sản xuất nông nghiệp, đầu tư thâm canh, ứng dụng tiến bộ KHKT để nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích.
Trang trại chính là những mô hình sản xuất đáp ứng đồng thời được những yêu cầu đặt ra như thế. Phát triển trang trại hiệu quả cũng là một trong những mô hình điểm để người dân học hỏi cách sản xuất và quản lý sản xuất. Phát triển KTTT và xây dựng nông thôn mới tác động qua lại lẫn nhau.
Trang trại hiệu quả góp phần thay đổi đời sống của người dân nông thôn và diện mạo nông thôn cũng nhờ đó mà khởi sắc. Nguồn lực xây dựng nông thôn mới và các chính sách hỗ trợ phát triển nâng cao thu nhập cho người dân trong chương trình xây dựng nông thôn mới cũng tham gia thúc đẩy kinh tế trang trại phát triển.
Ông Đào Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Với những chính sách hỗ trợ về chuyển giao KHKT, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu sản phẩm của tỉnh sẽ tạo điều kiện cho KTTT phát triển. Khi trang trại phát triển thì đưa lại nhiều lợi ích về thu nhập cho nông dân, chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, thúc đẩy tiến trình xây dựng nông thôn mới...
Trang trại phát triển còn đảm bảo nguồn cung ổn định nguyên liệu cho các nhà máy chế biến. Hình thức sản xuất này vừa phát huy nội lực tại chỗ trong dân vừa thu hút các nguồn lực bên ngoài đầu tư vào khu vực nông thôn để khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực về đất đai, vốn, khoa học công nghệ, kinh nghiệm quản lý. Một vấn đề nữa là phát triển KTTT luôn gắn liền với chương trình phát triển cây trồng, vật nuôi chủ lực của tỉnh để tạo sự đồng bộ giữa các chương trình phát triển kinh tế.
Phát triển KTTT cũng phải phù hợp với quy hoạch phát triển tổng thể của tỉnh và gắn quy hoạch xây dựng nông thôn mới của các địa phương đã được phê duyệt. Đi cùng với những chính sách khuyến khích phát triển KTTT thì việc phát triển trang trại cũng phải đảm bảo yêu cầu bảo vệ môi trường, một trong những yêu cầu phát triển bền vững của chương trình xây dựng nông thôn mới.
Những giải pháp đồng bộ
Để giúp trang trại phát triển đúng hướng và có hiệu quả cao trong thời gian tới, tỉnh Quảng Trị đã đề ra một loạt các giả i pháp đồng bộ về đất đai, vốn, thị trường, ứng dụng KHKT, chất lượng lao động... Tỉnh đã thực hiện quy hoạch phát triển ngành nông nghiệp đến năm 2020, trong đó xác định cụ thể các loại cây trồng, vật nuôi có lợi thế so sánh; các vùng sản xuất tập trung, vùng chuyên canh, vùng chăn nuôi, vùng nuôi trồng thuỷ sản; quy hoạch ngành hàng gắn với xây dựng thương hiệu...
Quan tâm công tác quy hoạch vùng phát triển trang trại, tránh tình trạng các trang trại nằm xen lẫn trong các khu dân cư. Trong quy hoạch sử dụng đất cần phải bố trí hợp lý, phù hợp cho việc phát triển mô hình trang trại trồng trọt, lâm nghiệp, thủy sản.
Đẩy mạnh việc tổ chức, hướng dẫn, tuyên truyền, thẩm định các trang trại đủ tiêu chuẩn, cấp giấy chứng nhận trang trại để các trang trại đủ điều kiện hưởng các chính sách hỗ trợ của nhà nước. Tổ chức thực hiện các chính sách trung ương đã ban hành như Nghị định số 41/2010/ NĐ- CP ngày 12/4/2010 của Chính phủ về chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp nông thôn, ưu tiên nguồn vốn để cho vay kịp thời đối với sản xuất những mặt hàng xuất khẩu, phục vụ công nghiệp chế biến trên địa bàn. Kinh tế hộ gia đình là tiền đề cho KTTT và vẫn giữ vai trò chủ lực trong sản xuất nông nghiệp.
Vì vậy cần tạo điều kiện cho kinh tế hộ, gia trại phát triển bằng cách tập huấn chuyển giao KHKT, đưa các loại cây, con phù hợp vào sản xuất, hỗ trợ lãi suất tiền vay cho tất cả các mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp của tỉnh tạo điều kiện cho các mô hình kinh tế này nâng cao hiệu quả sản xuất, mở rộng quy mô, hình thành và phát triển các trang trại mới, mở rộng quy mô trang trại cũ đạt tiêu chí trang trại theo Thông tư 27 của Bộ Nông nghiệp và PTNT.
Có chính sách khuyến khích đầu tư phát triển KTTT như miễn giảm thuế sử dụng đất, chính sách thuê đất, hỗ trợ kinh phí đào tạo, thị trường, áp dụng khoa học công nghệ. Đẩy nhanh thủ tục giao đất, cấp đất cho chủ các trang trại khi đã có đề án sản xuất kinh doanh được thẩm định.
Đẩy mạnh chính sách áp dụng KHCN và môi trường vào sản xuất, chế biến cho các loại hình KTTT. Triển khai thực hiện chương trình đào tạo, tập huấn nâng cao kiến thức và kỹ năng cho các chủ trang trại về thị trường, kỹ năng kinh doanh, hướng dẫn lập kế hoạch sản xuất và lập dự án.
Tổ chức cho các trang trại cùng ngành hàng liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Hỗ trợ chính sách về thị trường, xúc tiến thương mại. Vấn đề mấu chốt là giải quyết đầu ra cho sản phẩm của các trang trại vì tiêu thụ sản phẩm tốt mới kích thích được sản xuất và nông dân mới có vốn để tái đầu tư. Tăng cường quản lý nhà nước đối với KTTT.
Mặc dù nhà nước đã ban hành nhiều chính sách về phát triển trang trại như Nghị quyết 03/NQ-CP ngày 2/2/2000; Thông tư số 82/2000/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn chính sách tài chính về phát triển KTTT, Thông tư số 61/2000/TT-BNN-KH của Bộ Nông nghiệp và PTNT về hướng dẫn lập quy hoạch phát triển KTTT và một số chính sách ưu đãi khác, nhưng việc cụ thể hóa các chính sách của nhà nước về phát triển KTTT vẫn còn nhiều vấn đề cần phải giải quyết trong thời gian tới như chính sách vay vốn không cần thế chấp, chính sách đất đai, bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của trang trại, chính sách hạ tầng kinh tế ngoài hàng rào...
Vì vậy, để giúp KTTT phát triển trong thời gian tới, tỉnh cần sớm kiến nghị với trung ương nghiên cứu ban hành chính sách hỗ trợ cho loại hình KTTT một cách cụ thể, tính khả thi cao để các địa phương có cơ sở triển khai thực hiện. Chính quyền địa phương các cấp cần tăng cường công tác tuyên truyền về phát triển KTTT, nhân rộng điển hình, quảng bá thương hiệu để tạo sức lan tỏa.
Phát triển KTTT có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế đất đai và lao động để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp của tỉnh. Sự nghiệp CNH, HĐH nông nghiệp nông thôn, xây dựng nông thôn mới phải được thực hiện thành công chính từ những mô hình KTTT.
Có thể bạn quan tâm
Mỗi năm, sầu riêng cho ông Hùng lợi nhuận trên 4 tỷ đồng, gấp nhiều lần trồng điều. Ông Hùng cũng là người đầu tiên đứng lên thành lập HTX
Trong những năm qua, nghề trồng cam sành đã giúp nhiều hộ dân ở H.Trà Ôn (Vĩnh Long) phát triển kinh tế gia đình, một số hộ vươn lên thành tỉ phú.
Từ Gia Lai, ông Nguyễn Duy Đô (52 tuổi, ở xã Kon Gang, H.Đăk Đoa) lặn lội ra Nghệ An mua giống cam Vinh mọng nước rồi đem về trồng thử nghiệm đạt hiệu quả cao
Xã Tân Mỹ, huyện Trà Ôn (Vĩnh Long) có nhiều nông dân làm giàu từ trồng cam, quýt, bưởi, xoài, nhãn… Tuy nhiên, cũng có một số người thành công nhờ mô hình VAC
Giải pháp nâng cao năng suất tôm càng xanh bằng việc bẻ càng để được tôm loại 1 của ông Nguyễn Văn Đoàn đang được nhiều nông dân áp dụng, mang lại hiệu quả