Tìm Đầu Ra Cho Nông Sản
Những năm gần đây, nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, khẳng định được chất lượng như: Sầu riêng, mít nghệ, chôm chôm, cà phê, hồ tiêu, mía tím… được kỳ vọng sẽ giúp nông dân Khánh Sơn (Khánh Hòa) làm giàu. Thế nhưng, nhiều nông hộ đang phải đối diện với bài toán khó giải về đầu ra cho sản phẩm.
Tiêu thụ chủ yếu qua thương lái
Những ngày qua, nông dân trồng chuối dạ hương trên địa bàn huyện Khánh Sơn không khỏi đắng lòng khi chuối rớt giá. Có thời điểm, giá 1kg chuối dạ hương, nông dân chỉ bán được 2.000 đồng. Ông Bo Bo Xế (xã Sơn Bình) cho biết: “Gia đình tôi trồng gần 5 sào chuối, nhưng đầu ra quá bấp bênh, phần lớn chờ các thương lái đến mua, giá rất thấp nên thu nhập chẳng được bao nhiêu. Ngoài chuối, gia đình tôi còn trồng sầu riêng, mít nghệ...
Những thứ này không bán cho thương lái thì chẳng biết bán cho ai”. Hiện nay, không chỉ chuối mà đầu ra của nhiều mặt hàng nông sản khác như: Sầu riêng, mít nghệ, mía tím, chôm chôm, măng cụt... cũng rất bấp bênh. Xã Sơn Bình là một trong những địa phương có diện tích cây trồng lớn nhất huyện Khánh Sơn. Địa phương này hiện có hơn 110ha cà phê, 103ha mít nghệ, gần 100ha sầu riêng, 38ha mía tím, 80ha mía đường và nhiều diện tích cây trồng khác với sản lượng rất cao nhưng chỉ được tiêu thụ nhỏ lẻ qua thương lái.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hầu hết các sản phẩm nông sản ở Khánh Sơn chủ yếu được tiêu thụ nhỏ lẻ, manh mún qua thương lái, chưa có doanh nghiệp (DN) nào đứng ra bao tiêu sản phẩm với giá ổn định. Do đó, nông dân sản xuất ra nông sản nhưng lại không làm chủ được giá bán mà chính hệ thống thương lái với nhiều cấp trung gian là những người quyết định giá.
Gặp chúng tôi khi đang thu mua chuối của các hộ dân ở xã Sơn Bình, ông Hồ Cao Toàn, thương lái đến từ TP. Cam Ranh cho biết: “Ngoài các điểm thu mua nông sản tại các hàng quán ở các xã, thị trấn, hàng ngày có hàng chục người chuyên sử dụng xe gắn máy để đi mua nông sản của nông dân. Các hàng quán và những người thu mua di động như chúng tôi đều bán lại cho các điểm thu mua trái cây lớn ở Cam Lâm, Cam Ranh... để kiếm ít lợi nhuận.
Các điểm thu mua lớn này bán lại cho đại lý nào thì chúng tôi không biết, nhưng để trái cây từ Khánh Sơn đến được tay người mua thì ít nhất phải qua 3 - 4 khâu trung gian nên giá mua của nông dân thấp mà giá bán cho người tiêu dùng cao là điều dễ hiểu”. Thật vậy, hiện ở TP. Nha Trang 1kg chuối dạ hương Khánh Sơn có giá ít nhất 8.000 đồng, nhưng nông hộ Khánh Sơn bán cho thương lái chỉ 2.000 - 2.500 đồng. Rõ ràng, người nông dân vẫn chưa được hưởng lợi từ chính nông sản do mình làm ra.
Một thực trạng khác đang diễn ra ở Khánh Sơn hiện nay là không ít nông dân khi lâm vào cảnh khó khăn đã bán nông sản non với giá rất rẻ. Các thương lái khi đến buôn bán với các hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở Khánh Sơn, nếu gia đình nào khó khăn họ sẽ cho ứng tiền trước, với điều kiện nông sản đến kỳ thu hoạch phải bán cho họ với giá chỉ bằng 50% giá thị trường. Biết là thua thiệt nhưng không ít người đành phải chấp nhận để có tiền trang trải khó khăn trước mắt.
Kêu gọi doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm
Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, hiện địa phương đã phát triển 500ha sầu riêng, hơn 400ha mít nghệ, hơn 500ha chuối, 600ha cà phê, 260ha mía tím và hàng trăm héc-ta các loại cây trồng khác như: Chôm chôm, măng cụt, hồ tiêu, mía đường… với sản lượng hàng trăm đến hàng nghìn tấn mỗi năm. Đây là những loại cây trồng được kỳ vọng sẽ giúp nông hộ trên địa bàn thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Thế nhưng, việc tiêu thụ nông sản trên địa bàn huyện hiện nay gặp không ít khó khăn. Ngoài một số loại cây trồng như: Cà phê, hồ tiêu, mía đường có DN, đại lý của DN thu mua với giá ổn định, chênh lệch không nhiều so với giá thị trường thì nhiều mặt hàng nông sản khác như: Sầu riêng, mít nghệ, chôm chôm, măng cụt, chuối... việc tiêu thụ chủ yếu thông qua thương lái.
Nhiều nông hộ ở Khánh Sơn chia sẻ rằng, nếu có DN đứng ra bao tiêu sản phẩm cho nông dân thì chắc chắn họ có thể vươn lên làm giàu từ việc phát triển kinh tế nông nghiệp. “Những năm qua, các cấp, ngành đã quan tâm hỗ trợ cho nông dân giống cây trồng, vật nuôi, vốn, tập huấn kỹ thuật để người dân địa phương, nhất là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển sản xuất nông nghiệp, từ đây nhiều gia đình đã có đời sống ổn định hơn trước.
Tuy nhiên, vẫn chưa có nhiều hộ vươn lên làm giàu được do giá trị nông sản mang lại cho nông dân chưa cao. Chúng tôi kiến nghị cấp trên có chính sách kêu gọi DN chế biến nông sản liên kết với nông dân để bao tiêu sản phẩm với giá cả ổn định cho bà con”, ông Lê Ánh Sáng - Chủ tịch UBND xã Sơn Bình nói.
Một thông tin vui cho nông dân Khánh Sơn là gần đây, có 1 DN ở Đồng Nai đã đến khảo sát và có ý định lập dự án đầu tư nhà máy chế biến nông sản khô tại Khánh Sơn. Nếu nhà máy được xây dựng thì không chỉ giải quyết được bài toán đầu ra ổn định cho nhiều loại cây trồng như: Chuối, mít... mà còn giải quyết được một phần lao động tại chỗ.
Theo ông Trần Mạnh Dũng - Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn, nếu DN quyết tâm đầu tư, huyện sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để DN triển khai xây dựng nhà máy. Bên cạnh đó, hiện nay huyện cũng đang xúc tiến, mời gọi các DN trong và ngoài tỉnh đến Khánh Sơn tiêu thụ nông sản cho người dân. Tuy nhiên, để thu hút được các DN, tỉnh cần có chính sách hỗ trợ linh hoạt cho DN đến đầu tư tại các huyện miền núi.
Ông Nguyễn Trọng Lâm - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện: Nhiều mặt hàng tiêu thụ chủ yếu qua thương lái nên khó tránh khỏi tình trạng được mùa, mất giá, nông dân bị ép giá. Nhiều mặt hàng nông sản của Khánh Sơn đã và đang khẳng định thương hiệu trên thị trường nhưng người nông dân vẫn không được hưởng lợi nhiều từ giá trị cây trồng mang lại.
Có thể bạn quan tâm
Không trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, nhiều hộ nông dân dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã tự mình vươn lên phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng, cùng góp sức xây dựng quê hương.
Tháng 9/2013, từ nguồn vốn của Dự án 3 EM, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai cấp 500 con gà giống J Dabaco cùng các loại vật tư, thức ăn cho 5 hộ dân tại các thôn Đắk Mrê, Đắk Suôn, Mê Ra, xã Quảng Tân (Tuy Đức).
Mùa mưa năm 2011, Hợp tác xã Nông nghiệp – Dịch vụ Hợp Tiến (Đắk Glong) đã đưa 20.000 cây giống thanh long ruột đỏ về cho xã viên trồng trên diện tích 5 ha tại xã Quảng Sơn. Sau 3 năm, những vườn cây này đã bước vào thời kỳ kinh doanh, cho thu nhập cao.
Với giá thành như hiện nay từ 2.500 đồng/1kg đến 3.000 đồng /1kg, sau khi trừ hết chi phí, mỗi héc ta cải củ trắng mang lại lợi nhuận kinh tế từ 120 triệu đồng đến 150 triệu đồng.
Anh Nguyễn Duy Tài ở thôn 4, xã Đắk Som (Đắk Glong) hiện đang nuôi 800 con heo hướng nạc. Đây là lứa thứ 2, anh liên kết với Công ty Cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam.