Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Tìm Biện Pháp Giải Cứu 100.000 Ha Lúa Đông Xuân

Tìm Biện Pháp Giải Cứu 100.000 Ha Lúa Đông Xuân
Ngày đăng: 04/03/2015

Cứu 100.000 ha lúa tức là cứu từ 5.000-8.000 tỷ đồng, trong khi đó một đợt xả cùng lắm cũng chỉ mất 3 ngày, bình quân một ngày 30 triệu m3 nước thì sẽ đảm bảo cho bà con sản xuất.

Theo thống kê của Cục Trồng trọt, có khoảng 100.000 ha lúa vụ đông xuân gieo cấy trước thời điểm Lập xuân (4/2/2015) có thể sẽ bị ảnh hưởng bởi thời tiết ấm tại các tỉnh phía Bắc.

Ngày 2/3, Bộ NN-PTNT đã tổ chức hội nghị “Bàn giải pháp chăm sóc lúa vụ đông xuân 2014-2015 trong điều kiện thời tiết ấm tại các tỉnh phía Bắc”.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh chủ trì đã kêu gọi các chuyên gia, lãnh đạo các địa phương bàn các giải pháp ứng phó, lên phương án cứu diện tích lúa đông xuân này.

Cam kết đủ nước tưới

Báo cáo của Cục Trồng trọt cho biết, đến thời điểm này có thể khẳng định vụ đông xuân 2014-2015 có thể tiệm cận ngưỡng quá ấm và hạn.

Vì vậy, những diện tích gieo cấy trước thời vụ, trước thời điểm Lập xuân, trà xuân sớm, trà xuân trung, các giống lúa ngắn ngày có nguy cơ trỗ sớm và có thể gặp rét vào cuối vụ, gây ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng lúa. Ngoài ra, nguy cơ thiếu nước và tình hình sâu bệnh có khả năng diễn biến hết sức phức tạp.

Tính đến thời điểm hiện tại, tổng diện tích gieo cấy lúa toàn miền Bắc đạt 1.140 nghìn ha (95%), giảm 22 nghìn ha so với vụ đông xuân 2013-2014 do các địa phương chủ động chuyển đổi từ lúa sang các loại cây trồng.

Vùng ĐBSH đã gieo cấy 553.000 ha, trung du MNPB 244 nghìn ha, Bắc Trung bộ 343.000 ha. Số diện tích còn lại dự kiến sẽ gieo cấy xong trước 10/3.

Riêng khu vực ĐBSH có khoảng 14.000 ha gieo cấy sớm và diện tích giống ngắn ngày gieo cấy trước Lập xuân có thể chịu ảnh hưởng của thời tiết ấm, nguy cơ trỗ sớm và gặp rét khi lúa phân hóa đòng và trỗ.

Các tỉnh trung du MNPB đã gieo cấy được 218.000 ha, trong đó có 14.000 ha trà xuân sớm, 15.000 ha trà xuân trung…

Mặc dù các tỉnh phía Bắc cơ cấu thời vụ có những chuyển biến tích cực, giống dài ngày chỉ còn tỷ lệ thấp, diện tích gieo sạ, gieo vãi tăng nhanh, tuy nhiên các chuyên gia, đại diện địa phương đều có chung nhận định, số phận 100.000 ha lúa đông xuân gieo cấy trước thời điểm Lập xuân sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào diễn biến thời tiết trong vòng 3 tháng tiếp theo.

Theo bản nhận định xu thế thời tiết các tháng tiếp theo của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, hiện tượng ENSO đang chuyển trạng thái pha nóng và khả năng xuất hiện El Nino trong những tháng tới của năm 2015 khoảng 60-70%.

Trong tháng 3/2015 có khả năng xuất hiện từ 3-4 đợt không khí lạnh. Tuy nhiên nhiệt độ ở khu vực Bắc bộ và Bắc Trung bộ tiếp tục cao hơn mức trung bình nhiều năm từ 0,5-1oC, mưa có xu hướng xuất hiện chưa nhiều, có khả năng khô hạn và thiếu nước cục bộ ở các tỉnh vùng núi phía Bắc và Bắc Trung bộ.

Cục BVTV cũng đã có dự báo tình hình sâu bệnh ở các tỉnh Bắc bộ 3 tháng tới sẽ có khoảng 3 lứa rầy, chia đều các tháng 3, 4, 5. Ngoài ra cần tập trung theo dõi và phòng chống tích cực chuột gây hại, bệnh đạo ôn, lùn sọc đen, bạc lá…

Trước nguy cơ 100.000 ha lúa đông xuân có thể chịu ảnh hưởng nặng nề bởi tình hình thời tiết ấm, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh kêu gọi các chuyên gia ngành nông nghiệp, đại diện các Sở NN-PTNT đề xuất ý kiến đóng góp để Bộ NN-PTNT ra văn bản hướng dẫn cụ thể gửi các địa phương.

Vấn đề được các đại biểu quan tâm và bàn luận nhiều nhất là nước tưới phục vụ những diện tích có khả năng hạn hán.

Mặc dù Tổng cục Thủy lợi cam kết sẽ đủ lượng nước phục vụ sản xuất và ứng phó trong điều kiện thời tiết ấm, tuy nhiên nhiều đại biểu tỏ ra lo ngại bởi thực tế tại một số địa phương việc lấy nước đã vô cùng khó khăn rồi.

Ông Nguyễn Văn Tỉnh, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thủy lợi cho biết: Để phục vụ 631.000 ha lúa đông xuân của 12 tỉnh khu vực ĐBSH và trung du MNPB, năm nay Bộ NN-PTNT phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) xả nước 3 đợt trong vòng 19 ngày.

Tuy nhiên thực tế chỉ mất 15,5 ngày, cung cấp 5,7 tỷ m3 nước, tiết kiệm được 1 tỷ m3 nước so với kế hoạch ban đầu và 700 triệu m3 nước so với năm 2014. Vấn đề nước phục vụ sản xuất đến thời điểm này cơ bản được đảm bảo. Sau các đợt xả, các địa phương tích cực lấy nước vào ao hồ tích trữ…

Mặc dù vậy, ông Tỉnh cũng khẳng định, thực tế vẫn còn những khó khăn rất đáng lo ngại. Ví dụ, tỉnh Vĩnh phúc còn 1.300 ha, tỉnh Phú Thọ còn 900 ha lúa đông xuân nằm ven sông Lô nhưng do mực nước hiện ở mức thấp nên việc lấy nước vô cùng khó khăn. Nhiều trạm bơm ở các địa phương này rơi vào tình trạng trơ đáy.

Tương tự là các địa phương khác như Hà Nội, Bắc Ninh… Mực nước sông Hồng hiện chỉ ở mức 0,4-0,5m trong khi để có thể lấy nước phải đạt cao trình 2,2m. Tổng cục Thủy lợi cam kết sẽ có đủ nước phục vụ các địa phương.

Một số đại diện Sở NN-PTNT yêu cầu có thêm một đợt xả nữa để phục vụ sản xuất. Ông Lê Văn Dũng, PGĐ Sở NN-PTNT Vĩnh Phúc có ý kiến: Cả tỉnh Vĩnh Phúc có khoảng 20.000 ha phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nước tưới, 9.000 ha ở huyện Tam Đảo phụ thuộc hoàn toàn nước hồ, nếu thời tiết tiếp tục ấm thì cần thiết phải có thêm một đợt xả nữa mới đủ phục vụ sản xuất.

Ở Vĩnh Phúc hiện có tới 34 trạm bơm dã chiến hoạt động hết công suất nhưng vẫn không đủ nước. Đề nghị Tổng cục Thủy lợi cập nhật tình hình thời tiết để có thể đề xuất phương án xả thêm một đợt nữa để các địa phương có thể chủ động hơn trong việc đối phó.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Tỉnh băn khoăn: Nếu xả thêm một đợt mới thì rất tốn kém. Tuy nhiên ông Lê Hưng Quốc, nguyên Cục trưởng Cục Trồng trọt đóng góp: Nếu hạch toán theo bài toán kinh tế trong trường hợp thời tiết ấm thì cần phải nghiên cứu kỹ.

Cứu 100.000 ha lúa tức là cứu từ 5.000-8.000 tỷ đồng, trong khi đó một đợt xả cùng lắm cũng chỉ mất 3 ngày, bình quân một ngày 30 triệu m3 nước thì sẽ đảm bảo cho bà con sản xuất.

Ông Lê Hồng Nhu, nguyên Trưởng phòng cây lương thực và cây thực phẩm (Cục Trồng trọt) khẳng định thêm: Biện pháp chống ấm số một là nguồn nước. Chúng ta cần đánh giá mức độ nghiêm trọng của tình hình thời tiết ấm đến mức độ nào để có biện pháp đối phó. Nếu cần thiết cũng phải xả thêm một đợt nữa.

Ra giải pháp kỹ thuật chi tiết

Một vấn đề khác cũng rất được các đại biểu quan tâm là biện pháp chăm sóc diện tích lúa đông xuân có nguy cơ giảm năng suất trong điều kiện thời tiết ấm.

Giải pháp trước mắt của Cục Trồng trọt là tăng lượng đạm cao hơn 10-15% so với các chân ruộng khác, thay vì bón tập trung “nặng đầu, nhẹ cuối” thì nên bón rải rác 2-3 đợt nhằm kéo dài thời gian đẻ nhánh của trà này, mục tiêu ăn dảnh cháu chắt, bỏ dảnh con do phân hóa sớm. Theo dõi chặt chẽ diễn biến sâu bệnh.

Một số đại biểu cho rằng cần phải có những chỉ đạo cụ thể hơn. Ông Nguyễn Văn Lập, PGĐ Sở NN-PTNT Nghệ An băn khoăn: Việc bón thêm để kéo dài thời gian sinh trưởng là cần thiết, tuy nhiên cần phải tính toán chặt chẽ, đặc biệt là hiệu quả kinh tế. Ví dụ như Nghệ An hiện đã bón thúc lần một xong rồi, nếu chỉ đạo người dân bón thêm chưa chắc họ đã nghe theo.

PGS.TS Nguyễn Thị Trâm (Học viện Nông nghiệp) cũng khẳng định: Nếu tính toán kỹ thì không nên bón thêm đợt nào cả.

Bón thêm chỉ kéo dài thời gian sinh trưởng, nhưng nếu gặp mưa gió thì vô ích hết. Chỉ nên bón như quy định bình thường và theo dõi tình hình sâu bệnh, tập trung vào nguồn nước tưới.

Kết luận tại hội nghị, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh khẳng định: Vấn đề quan trọng nhất bây giờ là các địa phương cần phải khẩn trương rà soát lại các diện tích cấy trước Lập xuân, diện tích giống ngắn ngày, những diện tích có nguy cơ chịu ảnh hưởng trong điều kiện thời tiết ấm.

Phải có số liệu chính xác từng vùng để từ đó có biện pháp ứng phó phù hợp. Thực tế cũng đã có những nơi, cùng một cánh đồng nhưng gieo cấy cách nhau cả nửa tháng.

Mặc dù tình hình thời tiết ấm năm nay là yếu tố khách quan nhưng cần phải tập trung các vấn đề sau: Thứ nhất, nguồn nước là vấn đề quan tâm số một trong việc ứng phó với thời tiết ấm. Thứ hai, theo dõi sát sao, không được chủ quan, lơ là với tình hình sâu bệnh, lưu ý bệnh đạo ôn, đặc biệt là bệnh đạo ôn thời kỳ lúa trỗ bông. Thứ ba, vấn đề điều chỉnh phân bón cần phải bón tập trung, cụ thể từng giống lúa.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh giao Cục Trồng trọt tập hợp ý kiến các chuyên gia, đại diện các Sở NN-PTNT trong hội nghị này để lập thành văn bản chỉ đạo chung chính xác nhất, sâu sát nhất gửi tới các địa phương kịp thời có biện pháp phù hợp đối phó thời tiết ấm.

Mặc dù thời tiết và tình hình sâu bệnh sẽ có những diễn biến phức tạp nhưng các đại biểu tham dự hội nghị đều có chung nhận định: Không nên hoang mang.

Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt Trần Xuân Định cho biết, dù vụ đông xuân ấm rõ rệt, nhưng cơ cấu cũng như thời vụ lúa các tỉnh phía Bắc đã có bước chuyển dịch tích cực.

Bên cạnh đó, kỹ thuật canh tác, sử dụng phân bón đã có nhiều tiến bộ, nguồn nước đảm bảo hợp lý, do vậy khả năng phần lớn lúa trỗ tập trung đầu tháng 5 với vùng ĐBSH, xung quanh 25/4 với Bắc Trung bộ và xung quanh 30/4 với trung du miền núi phía Bắc.

Thời điểm trỗ bông này vẫn nằm trong ngưỡng có tần suất an toàn, tuy nhiên khó đạt được ngưỡng năng suất tối đa.


Có thể bạn quan tâm

Nuôi Cá Chình Bông, Hướng Đi Thoát Nghèo Nuôi Cá Chình Bông, Hướng Đi Thoát Nghèo

Ông Trần Luật Sự cho biết, đầu năm 2012, tình cờ gặp một người quen cung cấp tài liệu, quy trình nuôi cá chình bông. Ông đã mạnh dạn đầu tư xây dựng 2 hồ nuôi với diện tích 40m2 và chia thành 2 phần với vách ngăn cố định bằng tường xi măng để phân loại cá chình trong quá trình nuôi.

05/11/2014
Chàng Trai Quê Biển Thuần Hóa Cá Vược Chàng Trai Quê Biển Thuần Hóa Cá Vược

Yêu biển, yêu quê hương nơi mình sinh ra, chàng thanh niên Công giáo huyện Tiền Hải (Thái Bình) Trương Văn Trị đã ấp ủ và thành công trong việc thuần hóa cá vược nuôi từ môi trường nước mặn sang môi trường nước ngọt.

05/11/2014
Nuôi Chim Bồ Câu Giống Pháp Lãi Hơn Nuôi Gà Nuôi Chim Bồ Câu Giống Pháp Lãi Hơn Nuôi Gà

Phòng Kinh tế thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) đã triển khai mô hình nuôi chim bồ câu giống Pháp quy mô hộ gia đình trên địa bàn, với 10 hộ tham gia. Từ 25 cặp chim bố mẹ ban đầu, đến nay mỗi hộ tham gia đã nhân lên từ 100 đến 130 cặp chim bố mẹ.

05/11/2014
Phát Hiện Phát Hiện "Siêu Nhân" Gây Hại Bộ Rễ Của Cây Rau Đà Lạt

Chi cục Bảo vệ thực vật Lâm Đồng vừa phát hiện một loài động vật chân đốt gây hại bộ rễ của nhiều loại rau Đà Lạt như măng tây, khoai tây, đậu đỗ, hành lá, xà lách, cà rốt, bó xôi, cải bông xanh… Loài động vật này có chiều dài từ 0,5 - 2cm, toàn thân thường một màu trắng đục, có 6 - 12 đôi chân chui lủi rất nhanh trong đất, nên nông dân quen gọi là loài “siêu nhân”.

05/11/2014
Mừng Giá Lúa, Lo Thời Tiết Mừng Giá Lúa, Lo Thời Tiết

Bước vào đầu vụ thu đông 2014, nông dân phấn khởi vì giá lúa tươi các loại được thương lái mua tại ruộng hơn 5.000 đồng/kg. Mức giá này được xem là tốt nhất trong nhiều vụ gần đây. Tuy nhiên, niềm vui của nông dân chưa trọn vẹn khi gặp mưa lớn liên tục, chi phí thu hoạch đội lên.

05/11/2014