Chuyến Biển Đầu Năm Trúng Đậm

Cập Cảng cá Thọ Quang từ chiều 12-2, nhưng đến sáng 13-2, tàu ĐNa 90072 TS mới bán hết hơn 14 tấn cá trong niềm phấn khởi của 12 ngư dân trên tàu.
Thuyền trưởng và là chủ tàu Lê Văn Ninh, ở tổ 125, phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) cho biết, hơn 20 năm bám biển, nhiều chuyến thu nhập cao, song chưa khi nào có chuyến biển thuận lợi và trúng đậm như chuyến đầu năm Giáp Ngọ này.
Chiều mồng 6 tháng Giêng (ngày 7-2) tàu rời bến ra khơi, chiều 11 tháng Giêng trở về. Chỉ vỏn vẹn 6 ngày, tàu đưa về hơn 14 tấn, trong đó chủ yếu là cá ngừ sọc dưa, vừa bán xong được gần 500 triệu đồng. Trừ chi phí 100 triệu đồng, lãi ròng gần 400 triệu đồng. Tính ra, chuyến biển này thu nhập của chủ tàu 250 triệu đồng, mỗi ngư dân hơn 10 triệu đồng.
Ngư dân Thái Đình Tâm, ở phường Hòa Phát (quận Cẩm Lệ), cho biết thực ra, thời gian thả lưới chỉ 3 ngày. Mẻ lưới kéo lên 2-3 tấn cá. Ngoài nhận trên 10 triệu đồng/người, mỗi người còn có 4-5 con cá lớn, tươi ngon đem về gia đình.
Ông Ninh cho biết thêm: “Chiều mồng 6 tháng Giêng tàu chúng tôi nhắm hướng Hoàng Sa thẳng tiến. Chuyến này đánh bắt ở khu vực phía Đông Bắc Hoàng Sa, tọa độ khoảng 17,25 độ vĩ bắc, 110,4 độ kinh đông. Vùng biển đó cá nhiều lắm. Được cái, chuyến này, mọi sự diễn ra thuận lợi, không bị tàu nước ngoài cản trở, gây khó dễ. Cá chất đầy khoang phải về. Ai nấy điều tiếc rẻ, giá như khoang thuyền rộng hơn, có khi còn nán lại thêm vài ba ngày nữa”…
Mờ sáng 13-2, tại Cảng cá Thọ Quang, các tàu ĐNa 90357 TS, ĐNa 90409 TS, ĐNa 90522 TS… cập cảng, trong khoang đầy cá to, tươi rói được ngư dân khẩn trương chuyển lên cầu cảng. Ông Ông Văn Nhiên, Trưởng phòng Kinh doanh của Ban quản lý Cảng cá và âu thuyền Thọ Quang, cho biết sáng 13-2, cảng đón 32 tàu cập cảng, chuyển lên Chợ đầu mối thủy sản khoảng 100 tấn hải sản, đa số loại chất lượng cao.
Cùng với tàu đánh bắt xa bờ của ngư dân Đà Nẵng đua nhau về bến từ chuyến biển đầu năm, hàng trăm tàu của ngư dân các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định cũng chọn cảng cá Thọ Quang làm nơi bán hải sản. Ông Huỳnh Nhựt, ở xã Phổ Quang, Đức Phổ, Quảng Ngãi, thuyền trưởng tàu QNg 98857 cho biết, chuyến biển 10 ngày đưa về 7 tấn cá, bán được 600 triệu. Trừ hết chi phí, chủ tàu thu về gần 300 triệu đồng, thuyền viên mỗi người có 25 triệu đồng.
Có thể nói, ít năm nào chuyến biển đầu năm của ngư dân miền Trung trúng đậm như năm Giáp Ngọ này. Kết quả này báo hiệu một năm thuận buồm xuôi gió và nhiều thắng lợi của hoạt động đánh bắt hải sản xa bờ.
Có thể bạn quan tâm

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, năm 2014, kim ngạch XK tôm sang thị trường Hàn Quốc đạt 318 triệu USD, tăng hơn 41% so với năm 2013. Việt Nam đã vượt qua Trung Quốc trở thành nước cung cấp tôm lớn nhất cho thị trường này trong năm vừa qua với thị phần lên đến hơn 40%.

Trước thực trạng trên, huyện Nga Sơn đã xây dựng Đề án “Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi khắc phục tình trạng sử dụng đất kém hiệu quả, đẩy mạnh phát triển kinh tế 6 xã ven biển, giai đoạn 2013-2015, định hướng đến năm 2020”. Thời gian thực hiện chưa nhiều, song hiệu quả của đề án bước đầu đã được khẳng định.

Ngày 1/3, tại thành phố Cần Thơ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Hiệp hội Lương thực Việt Nam và các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long tổ chức Hội nghị triển khai việc mua tạm trữ thóc gạo vụ Đông Xuân 2014-2015 theo Quyết định 241 của Thủ tướng Chính phủ.

Từ năm 2006, người dân địa phương tình cờ phát hiện dưới dòng nước đặc quánh phù sa của kinh Xáng Đông Hưng (xã Đông Thới, H.Cái Nước) có nhiều sò huyết tự nhiên, nhất là thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán. Sò lớn được bà con thu hoạch bán cho thương lái, sò nhỏ được vài hộ dân thu gom rồi thả vô vuông tôm. Việc sò tự nhiên nuôi xen canh trong vuông tôm sú lớn rất nhanh đã mở ra cơ hội mới cho người dân Đông Thới. Nhiều hộ dân bắt đầu thả sò giống nuôi thử rồi dần dà phát triển sang xã Trần Thới lân cận...

Kinh nghiệm này được nông dân Lý Việt Bắc rút ra sau 3 năm “tăng hu” gầy nuôi được 4 con bò sữa. Anh Bắc cho biết gia đình anh có 6 miệng ăn (cha mẹ già, hai vợ chồng anh và hai đứa con) nhưng chỉ có 2 công vườn trồng chanh. Mỗi năm thu hoạch khoảng 4 tấn trái, nhưng giá cả bấp bênh, chưa bao giờ bán được tới 8.000 đồng/kg. Vợ anh làm công nhân xí nghiệp, còn anh cũng phải đi làm mướn kiếm thêm nhưng cũng không dư dả gì.