Tiêu Độc, Khử Trùng Bảo Vệ Đàn Vật Nuôi
Cùng với tiêm phòng, phun hóa chất khử trùng tiêu độc môi trường chăn nuôi được coi là một trong những biện pháp quan trọng hàng đầu trong phòng chống dịch; có tác dụng tiêu diệt mầm bệnh, bảo vệ cho cả đàn vật nuôi, cắt đứt mầm bệnh có thể xâm nhập và gây hại. Theo quyết định của UBND tỉnh, từ ngày 28/2 đến ngày 28/3, sẽ tiến hành chiến dịch phun khử trùng tiêu độc trên địa bàn toàn tỉnh.
Tại Thanh Chương, nơi có địa bàn rộng, đàn gia cầm lớn, chăn nuôi hầu hết còn nhỏ lẻ, từ 12h trưa ngày 27/2, sau khi 600 lít hóa chất được Chi cục Thú y chuyển về huyện, cán bộ thú y của nhiều xã như Võ Liệt, Thanh Tùng, Thanh Hà, Thanh Yên... đã nhận ngay số hóa chất được phân khai để tiến hành phun càng sớm càng tốt.
Bà Nguyễn Thị Lệ Hằng, cán bộ thú y xã Thanh Tiên chia sẻ: Toàn xã có trên 18 nghìn con gia cầm, chủ yếu chăn nuôi nhỏ lẻ, nhiều nhất cũng chỉ nuôi 20- 30 con/hộ, chuồng trại hầu như còn tạm bợ nên công tác phòng chống dịch gặp khó khăn. Bởi vậy, những đợt phun khử trùng tiêu độc tập trung với lượng lớn hóa chất được nhà nước cấp như thế này là rất quý. Sau khi nhận hóa chất, thú y xã đã phân chia về cho 13 xóm, vài ngày tới sẽ tiến hành phun đồng loạt.
Ông Đào Quang Biên, Trạm trưởng Trạm thú y huyện Thanh Chương cho biết: Đến hết sáng 28/2, Thanh Chương đã phân khai được 130 lít hóa chất cho các xã. Đợt này, chủ yếu phun ở các xã đã xảy ra dịch tai xanh, LMLM, cúm gia cầm cũ, vùng bị ngập lụt, vùng chăn nuôi có mật độ cao như thị trấn, thị tứ, bãi tập kết, chợ buôn bán gia súc gia cầm.
Quan điểm của huyện là triển khai nhanh gọn, đồng loạt, hiệu quả trong thời gian ngắn nhất. Cùng với đó, phát động nhân dân tự mua vôi bột để khử trùng khu vực chăn nuôi, chuồng trại...
Nghệ An có đàn gia súc, gia cầm lớn với trên 750 nghìn con trâu bò, 1,2 triệu con lợn và 15 triệu con gia cầm. Chăn nuôi chủ yếu còn nhỏ lẻ, manh mún, khó kiểm soát về dịch bệnh. Trong điều kiện đó, tồn tại rất nhiều bất cập trong vấn đề phòng dịch nói chung và phun khử trùng tiêu độc nói riêng.
Trong khi đó, những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh đã có những đợt dịch lớn xảy ra trên đàn vật nuôi, nhiều địa phương tỷ lệ tiêm phòng hàng năm thấp không tạo được miễn dịch chủ động, mầm bệnh lưu hành rộng rãi trong đàn vật nuôi. Đặc biệt, hiện nay, diễn biến dịch cúm gia cầm phức tạp, thời tiết bất lợi, mưa phùn là điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh phát triển, nguy cơ bùng phát các ổ dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm trong thời gian tới là rất lớn.
Theo ông Đặng Văn Minh, Phó Chi cục Thú y tỉnh: Để hạn chế mầm bệnh, phát tán lây lan ra diện rộng, công tác vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường đóng vai trò rất quan trọng. Với điều kiện chăn nuôi nhỏ lẻ, nông hộ như hiện nay, việc xây dựng các chuồng trại theo đúng quy chuẩn rất ít, bà con chủ yếu chăn nuôi theo kiểu tận dụng, chưa chú trọng đến việc quy hoạch khu chăn nuôi, xử lý phân rác, do đó mầm bệnh thải ra môi trường nhiều.
Vì vậy, phun khử trùng tiêu độc là một biện pháp cực kỳ quan trọng để tiêu diệt mầm bệnh lưu trữ, phát tán trong môi trường, hạn chế dịch bệnh xảy ra và cắt đứt được vòng truyền lây mầm bệnh xâm nhập vào vật nuôi cũng như con người, từ đó hạn chế được bùng phát dịch. Tuy nhiên, thực tế người chăn nuôi chưa chú trọng nhiều đến vấn đề này, hầu như chỉ khi có dịch xảy ra các biện pháp khử trùng tiêu độc mới được thực hiện.
Đối với các trang trại nuôi tập trung, phải có hố sát trùng, phun khử trùng tiêu độc những người ra vào trang trại, quét dọn sạch sẽ, phun hóa chất định kỳ nhằm hạn chế mầm bệnh xâm nhập từ bên ngoài. Đối với các hộ nuôi nhỏ lẻ, phải thường xuyên quét dọn, ủ phân, định kỳ dùng vôi bột rải nền chuồng hoặc pha nước vôi để quét tường, sàn, khu vực ủ phân phải ủ vôi để tiêu diệt mầm bệnh, không cho người lạ ra vào khu vực chăn nuôi.
Đến nay, Chi cục Thú y tỉnh đã tiến hành phân khai 10 nghìn lít hóa chất Bencoxid cho các huyện. Tại các huyện đồng bằng, trung du, vùng vành đai bò sữa, các địa phương có ổ dịch tai xanh, LMLM, cúm gia cầm... cũ, sẽ tổ chức phun 100% hộ gia đình chăn nuôi (chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi, lối đi...), bãi chăn thả trâu bò, đường làng, ngõ xóm, các hố chôn gia súc, gia cầm, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, những nơi tập kết, các chợ đầu mối buôn bán gia súc, gia cầm như chợ Ú (Đô Lương), chợ Nam Nghĩa (Nam Đàn), chợ Giát (Quỳnh Lưu), cửa khẩu Nậm Cắn, vùng vành đai bò sữa (Nghĩa Đàn), vùng có nguy cơ lây dịch cao.
Tại các huyện miền núi (không có ổ dịch cũ), sẽ ưu tiên phun ở những địa phương nơi có mật độ chăn nuôi cao như: thị trấn, thị tứ; cửa khẩu; vùng nguy cơ lây dịch cao; nơi tập kết, chợ buôn bán gia súc, gia cầm.
Để hạn chế dịch bệnh phát sinh và lây lan, đặc biệt trong giai đoạn và điều kiện chăn nuôi hiện nay, các địa phương và mỗi người chăn nuôi cần nghiêm túc thực hiện việc phun khử trùng tiêu độc, bảo vệ đàn vật nuôi.
Có thể bạn quan tâm
Hiệp hội thức ăn chăn nuôi "kêu trời" vì mức thuế giá trị gia tăng (GTGT) do một số cục hải quan áp trên hàng vạn tấn bắp và lúa mì nhập khẩu do có sự hiểu lầm về hai khái niệm “thức ăn chăn nuôi” và “nguyên liệu thức ăn chăn nuôi”.
Những ai từng nhiều năm theo dõi lĩnh vực thủy sản sẽ nhận thấy, trước đây VASEP cũng từng bất lực trước tình trạng doanh nghiệp thi nhau giảm giá đến nỗi… cá tra bị kiện bán phá giá ở Mỹ. Vì thế, có thời điểm VASEP dù không chính thức đã đưa ra giá sàn xuất khẩu fillet cá tra thấp nhất là 3 USD/kg. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp "nghe rồi để đó" và vẫn bán với giá 2,6 USD/kg.
Ông Nguyễn Thanh Hải ở ấp Hòa Lợi, xã Lương Hòa (Giồng Trôm - Bến Tre) nuôi giống gà Đông Tảo hơn hai năm nay, mỗi năm thu về trên 200 triệu đồng từ bán gà giống và 100 triệu đồng từ gà thịt.
Trạm Kiểm soát liên hợp Km15 - Bến tàu Dân Tiến vừa phối hợp với các ngành chức năng trên địa bàn TP Móng Cái tổ chức tiêu hủy 800kg cá quả có nguồn gốc từ Trung Quốc nhập lậu.
Thông tin từ Trạm Bảo vệ thực vật huyện Bảo Thắng (Lào Cai), đến thời điểm này, dịch sâu ong ăn lá cây lâm nghiệp (chủ yếu là ăn lá cây mỡ) tại địa phương đã hoàn toàn được khống chế.