Tiếp Sức Ngư Dân Vươn Khơi
Sau hơn 1 tháng triển khai, bản dự thảo “Nghị định về một số chính sách phát triển thủy sản” đã hoàn thành.
* Sẽ sớm triển khai gói 10.000 tỷ
Hội nghị tại TP Đà Nẵng ngày 15/4/2014 “Về giải pháp và chính sách phát triển thủy sản”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng giao Bộ NN-PTNT xây dựng “Nghị định về một số chính sách thủy sản”. Sau hơn 1 tháng thực hiện, Bộ NN-PTNT đã xây dựng hoàn thành bản dự thảo.
Để chính sách thiết thực với thực tế, vừa qua, đoàn công tác Bộ NN-PTNT do ông Vũ Tuấn Cường, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra (Tổng cục Thủy sản) đã có chuyến công tác tại một số tỉnh, TP miền Trung lấy ý kiến nhằm điều chỉnh để trình Thủ tướng Chính phủ.
LÃI SUẤT 5%/NĂM
Ông Vũ Tuấn Cường cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, sau hơn 1 tháng triển khai bản dự thảo “Nghị định về một số chính sách phát triển thủy sản” đã hoàn thành. Nghị định có 4 chương, 13 điều, nội dung tập trung các chính sách hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển.
Theo nội dung dự thảo nghị định, trong 13 điều thì từ điều 3 - 8 tập trung về chính sách phát triển thủy sản như chính sách đầu tư; tín dụng; mua bảo hiểm; hỗ trợ khắc phục rủi ro; khuyến khích nghiên cứu, ứng dụng KH- CN và miễn học phí cho học viên, sinh viên chuyên ngành khai thác thủy hải sản; hỗ trợ học phí, học nghề cho lao động nghề cá và ngân sách thực hiện nhiệm vụ xúc tiến thương mại thủy sản.
Như tại điều 3, chương II nêu rõ: “Ngân sách Trung ương sẽ đầu tư 100% kinh phí xây dựng các hạng mục hạ tầng thiết yếu của cảng cá loại I, khu neo đậu tránh trú bão gồm cầu cảng ở trong bờ và các hòn đảo. Ngoài ra, hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản, vùng SX giống tập trung sẽ được đầu tư 100% hệ thống cấp thoát nước đầu mối, đê bao, kè, đường giao thông, hệ thống điện, công trình xử lý nước thải chung”.
Liên quan đến gói 10.000 tỷ đồng cho ngư dân vay với lãi suất 5%/năm, tại điều 4, chương II bản dự thảo đề cập: Ngư dân khai thác xa bờ, tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ là thành viên của tổ đội, nghiệp đoàn, hợp tác xã (HTX) SX trên biển đóng mới tàu, cải hoán, nâng cấp tàu sẽ được vay 80% tổng giá trị dự án vay vốn đối với tàu vỏ thép, vật liệu mới; 70% tổng giá trị dự án vay vốn đối với tàu vỏ gỗ (bao gồm cả ngư cụ, thiết bị trên tàu).
Thời gian cho vay 10 năm đối với tàu vỏ thép mới, 7 năm đối với tàu vỏ gỗ. Theo đó, thời gian ân hạn 1 năm; tài sản thế chấp được sử dụng giá trị tàu đóng mới, tàu cải hoán, nâng cấp đảm bảo vốn vay. Tương tự đối với tổ chức, cá nhân SX giống, nuôi trồng thủy sản sẽ được vay tối đa 70% tổng giá trị dự án vay vốn, thời hạn cho vay không quá 5 năm với mức lãi suất 5%/năm.
Ngoài ra, nguồn vốn lưu động các chủ tàu khai thác, tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ là thành viên tổ đội, nghiệp đoàn, HTX SX trên biển sẽ được vay 100 triệu đồng/chuyến đối với tàu khai thác hải sản; 60% tổng giá trị hợp đồng liên kết cung cấp dịch vụ hậu cần, tiêu thụ sản phẩm đối với tàu dịch vụ hậu cần/chuyến.
RẤT THIẾT THỰC VỚI NGƯ DÂN
Đấy là ý kiến của lãnh đạo ngành Nông nghiệp và bà con ngư dân tại một số tỉnh, TP đánh giá về bản dự thảo nghị định trong quá trình tham gia đóng góp ý kiến.
Ông Vũ Tuấn Cường, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra (Tổng cục Thủy sản) cho biết: “Đến nay, Bộ NN-PTNT đã mời các Bộ, ngành liên quan và làm dự thảo nghị định. Ngoài ra, chúng tôi đã gửi đến các các tỉnh có biển đóng góp ý kiến để hoàn thành các nội dung. Dự kiến cuối tháng 5/2014, Bộ NN-PTNT sẽ trình Thủ tướng Chính phủxem xét”.
Ông Phùng Đình Toàn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Quảng Ngãi cho rằng: Tại khoản 2, điều 3, chương II, về ngân sách nhà nước hàng năm bố trí vốn tối đa đảm bảo đẩy nhanh và hoàn thành dứt điểm các công trình, dự án đầu tư cảng cá, khu neo đậu trú tránh bão đối với các đảo Phú Quý, Côn Đảo, Phú Quốc, Bạch Long Vĩ, Cô Tô, Cồn Cỏ thì bổ sung thêm đảo Lý Sơn.
Cũng theo ông Toàn, hiện tại ở Quảng Ngãi tàu thuyền đánh bắt nghề lưới kéo đang nở rộ. Do đó, phải có chính sách thắt chặt đầu tư phát triển nghề này. Nếu tiếp tục hỗ trợ ngư dân đóng tàu mới, cải hoán thì nguồn lợi thủy sản gần bờ sẽ suy kiệt và dẫn đến các tàu được vay vốn sẽ phá sản. Do vậy, phải nghiên cứu ban hành chính sách quy định hạn chế phát triển nghề lưới kéo.
Ông Đỗ Hồng Phước, Chủ tịch HĐQT, kiêm GĐ HTX Dịch vụ và khai thác hải sản xa bờ Nghĩa An, TP Quảng Ngãi, phấn khởi: “Đóng một con tàu công suất trên 400 CV hết khoảng 3,5 tỷ đồng, nếu vay ngân hàng với lãi suất 12%/năm thì trả lãi rất nhiều, còn theo nghị định đóng tàu gỗ được 70% tổng giá trị con tàu với vay lãi suất 5%/năm thì quá chi là thuận lợi.
Không những thế, chính sách còn đề cập đến hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng; bảo hiểm, rủi ro trên biển… như thế sẽ giúp như dân an tâm SX, mạnh dạn đầu tư đánh bắt xa bờ”.
Ngư dân Dương Văn Thạch, xã Bình Châu (Bình Sơn, Quảng Ngãi) chia sẻ: Hiện anh có một con tàu công suất trên 400 CV chuyên đánh bắt trên ngư trường Hoàng Sa - Trường Sa, nhiều chuyến ra khơi gặp rủi ro, chủ tàu rơi cảnh thua lỗ. Đặc biệt, nếu bị Trung Quốc thu lấy ngư cụ sẽ rất khó khăn cho chuyến ra khơi tiếp theo.
“Chính sách này được ban hành thì quá thiết thực với ngư dân chúng tôi. Bởi, ngoài việc vay được lãi suất thấp đóng tàu, chính sách còn hỗ trợ mua bảo hiểm thân tàu hàng năm đến 50% kinh phí; 100% kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho thuyền viên trên tàu khai thác xa bờ, tàu dịch vụ hậu cần.
Đặc biệt, khi bị gặp nạn thì được hỗ trợ 100% chi phí mua vé phương tiện về nơi cư trú; chi phí vận chuyển cấp cứu người và chi phí nhiên liệu đối với các tàu, thuyền được huy động hoặc tự nguyện tham gia cứu nạn người vào tàu, thuyền bị rủi ro trên biển”, anh Thạch nói.
Có thể bạn quan tâm
Tổng thống Indonesia có thể buộc phải thất hứa bởi các nhà phân tích nhận định Indonesia có thể phải nhập khẩu 1,6 triệu tấn gạo trong năm nay do giá trong nước tăng và El Nino đe dọa mất mùa.
Trong 5 tháng đầu năm, xuất khẩu (XK) cao su đạt 330 nghìn tấn, giá trị đạt 475 triệu USD, tăng hơn 30% về khối lượng nhưng giảm gần 3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014.
Hiện tại hầu hết các tỉnh khu vực phía Nam, người dân trồng mía đang thu hẹp diện tích trồng, chuyển đổi dần một phần diện tích mía sang các cây trồng khác nhằm tránh thua lỗ kéo dài suốt 4 năm qua.
Dồn dập những tin không vui đến với ngành cà phê khi xuất khẩu sụt giảm 40%, giá chạm mức thấp nhất nhiều tháng, nắng nóng và khô hạn, trong bối cảnh đất đai trở nên bạc màu và nguồn nước dần cạn kiệt do ảnh hưởng của nạn phá rừng và mấy thập kỷ tăng mạnh diện tích trồng.
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong quý I/2015, một trong những mặt hàng giảm mạnh nhất về kim ngạch xuất khẩu sang Thổ Nhĩ Kỳ là gạo. Nguyên nhân lớn là do sản xuất nông nghiệp của Thổ Nhĩ Kỳ đã dần hồi phục sau một năm hạn hán.