Tiếp cận kỹ thuật nông nghiệp từ Đông Flanders
Đây là một dự án nối tiếp dự án trồng dâu tây trong nhà lưới hở, được Trung tâm thực hiện có kết quả và chuyển giao rộng rãi cho người dân Đà Lạt vào cuối năm 2014.
Sản xuất dâu tây trong nhà lưới hở theo kỹ thuật của tỉnh Đông Flanders tại Lâm Đồng
Ông Nguyễn Thế Nhuận, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu khoai tây, rau và hoa Đà Lạt cho biết, Trung tâm đã bố trí 1.000m² diện tích nhà kính và diện tích ngoài trời để trồng thử nghiệm các giống cà chua của Bỉ theo quy trình canh tác trên đất và trên giá thể của tỉnh Đông Flanders.
Dự án sẽ kéo dài đến hết tháng 7/2016 với mục tiêu hoàn thiện phương pháp trồng cà chua bền vững, đạt năng suất và chất lượng cao, góp phần bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng, qua đó tiếp tục chuyển giao trực tiếp cho người nông dân Lâm Đồng.
Đối tác đồng tham gia thực hiện dự án cà chua này, về phía tỉnh Đông Flanders gồm có Trường Đại học Ghent, Trường Cao đẳng Ghent, Viện Nghiên cứu nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản, Trung tâm Nghiên cứu rau và một số công ty tư nhân như: DMC, RaesNV, Petracom, Nucifeco, Hyplast, Biobest, Aquaecologic…
Đối tác của tỉnh Lâm Đồng, bên cạnh Trung tâm chịu trách nhiệm canh tác thử nghiệm trên đồng ruộng, còn có Trường Đại học Đà Lạt chịu trách nhiệm phổ biến, nhân rộng kết quả.
Trong Đoàn doanh nghiệp tỉnh Đông Flanders đến Lâm Đồng tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư vào giữa tháng 10/2015, Công ty Biobest đã có buổi làm việc với Công ty TNHH Dịch vụ khoa học kỹ thuật Khoa Đăng, Đà Lạt.
Theo đó, Công ty Biobest qua thời gian tiếp cận đã đánh giá rằng, vùng nông nghiệp ở Đà Lạt và các vùng phụ cận có thể xây dựng mô hình mẫu về canh tác loại rau, củ, quả, hoa bằng nhiều biện pháp sinh học như đặt bẫy dính, mồi nhử trên keo dán, nhân nuôi đàn thiên địch có lợi trong nhà kính công nghệ cao để tiêu diệt côn trùng, sâu bọ gây hại.
Đáng chú ý với nhiều loài côn trùng có ích, trong đó có loài ong nghệ vừa có khả năng tiêu diệt nhanh sâu bệnh, vừa thụ phấn cho cây trồng đạt năng suất và chất lượng cao.
Ông Kris Fivez, Giám đốc kinh doanh của Công ty Biobest, Đông Flanders nói: “Công ty chúng tôi kinh doanh tổ ong nghệ đầu tiên trên thế giới.
Đến nay đang phát triển là một công ty toàn cầu về dịch vụ nông nghiệp bền vững.
Sản phẩm nông nghiệp sinh học của công ty chúng tôi hợp tác thực hiện đạt tỷ lệ xuất khẩu hơn 95% đến 5 châu lục.
Nếu triển khai nhân nuôi thiên địch các loại trong 1ha nhà kính trồng rau ở Lâm Đồng, ước giá trị đầu tư khoảng 2.500USD…”.
Một hình thức khác để tiếp cận kỹ thuật nông nghiệp từ tỉnh Đông Flanders, Vương quốc Bỉ là tổ chức cho người sản xuất và cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật nông nghiệp ở Lâm Đồng tham gia các lớp đào tạo, tập huấn, hội thảo…
Cụ thể, vào tháng 3/2012, các chuyên gia từ Trường Đại học Ghent, Trung tâm Nghiên cứu rau, quả, Trung tâm Nghiên cứu cây cảnh… ở tỉnh Đông Flanders đã đến Lâm Đồng tập huấn về quản lý dịch hại tổng hợp, phân tích đất, bảo quản nông sản sau thu hoạch… cho đội ngũ cán bộ kỹ thuật địa phương.
Đến tháng 4/2014, các chuyên gia khác của tỉnh Đông Flanders cũng đã đến Lâm Đồng tập huấn cho hàng chục lượt cán bộ nghiên cứu, người sản xuất với nội dung giới thiệu hình thái, cấu tạo giải phẫu, định danh các loại giun tròn gây bệnh trên cây trồng.
Đặc biệt trong ba năm 2012 - 2014, Lâm Đồng đã tổ chức 3 đoàn chuyên gia đến thăm và học tập kỹ thuật canh tác nông nghiệp tại tỉnh Đông Flanders…
Riêng trong năm 2015, nhiều chuyên gia nông nghiệp của tỉnh Đông Flanders đã tiến hành 3 đợt khảo sát tại các vùng nông nghiệp của Lâm Đồng.
Đợt 1, từ ngày 4/5 - 13/5/2015, thực hiện gần 50 phiếu điều tra tại thành phố Đà Lạt và huyện Lạc Dương về tình hình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên cây dâu tây.
Đợt 2, từ ngày 1/6 - 12/6/2015, thực hiện 46 phiếu điều tra về dịch hại trên cây cà phê chè ở các xã Trạm Hành, Xuân Trường, Tà Nung (Đà Lạt) và Đạ Sar (Lạc Dương).
Đợt 3, từ ngày 6/7 - 16/7/2015, thực hiện 50 phiếu điều tra về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên cây hoa cúc thuộc các phường 5, 7, 8, 12 của thành phố Đà Lạt.
Hiện các chuyên gia tỉnh Đông Flanders đang hoàn thành báo cáo kết quả điều tra, đưa ra các khuyến cáo nông dân áp dụng các biện pháp canh tác bảo vệ cây trồng một cách thích hợp, hiệu quả hơn.
Đồng thời đề xuất với tỉnh Lâm Đồng tiếp tục hợp tác triển khai các thực nghiệm trong thời gian tới gồm:
Sử dụng ong ký sinh Diadegma Semiclausum phòng trừ sâu tơ, quản lý dịch hại tổng hợp để sản xuất rau an toàn Đà Lạt; nghiên cứu sử dụng bọ xít mù thuốc lá Nesidiocoris Tennuis để phòng trừ bọ phấn trắng thuốc lá trên cây cà chua Lâm Đồng.
Có thể bạn quan tâm
Trong tuần vừa qua, 2lúa có dịp về vùng "nóng" nuôi tôm ở tỉnh Cà Mau. Hiện nay, toàn địa bàn tỉnh Cà Mau đang vào mùa vụ nuôi tôm, các đầm ao đang trong giai đoạn xử lý nước hoặc đã bắt đầu thả tôm
Cây mận vốn là cây ăn quả thế mạnh của nông dân ở huyện Mộc Châu – Sơn La. Tuy nhiên trước đây, người dân thường để cây mận phát triển tự nhiên mà không có kỹ thuật chăm sóc dẫn đến sự suy giảm về chất lượng và giá trị kinh tế, thì những năm gần đây được sự hỗ trợ của các nhà khoa học cùng với các tổ chức hợp tác quốc tế, bà con đã được hướng dẫn cách chăm sóc, đốn tỉa, trẻ hóa vườn mận nhằm tiến tới cải tiến năng suất và chất lượng.
Trước đây, bà con nông dân ở xã Thanh Bình, huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) thường "giải quyết" rơm - một phế phẩm trong nông nghiệp bằng cách đốt bỏ. Thế nhưng hiện nay, rơm lại đắt hàng, có giá hơn vì có thể phục vụ trồng rẫy, làm thức ăn cho bò..
Trong vài năm gần đây, nhiều nông dân ở Khánh Hòa đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng truyền thống sang trồng giống xoài R2E2 (còn gọi là xoài Úc), nhờ đó có thu nhập tới hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Từ đầu năm 2011 đến nay, tỉnh Cà Mau đã đề xuất, ban hành nhiều giải pháp nhằm phát triển, nâng cao năng suất, sản lượng tôm nuôi, đề ra các biện pháp về công tác quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản, vùng nuôi tôm thâm canh, nuôi tôm kết hợp trồng lúa, nuôi tôm sinh thái, quy hoạch nuôi tôm gắn với bảo vệ môi trường