Hướng Tới Sản Xuất Cá Tra Bền Vững
Cá tra một thời tạo nên sức tăng trưởng ngoạn mục cho ĐBSCL. Tuy nhiên, trong 5 năm qua hoạt động sản xuất (SX) và tiêu thụ cá tra vẫn chưa thoát được cảnh thăng trầm.
Nghị định 36/2014/NĐ-CP ngày 29/4/2014 của Chính phủ về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra mở ra hy vọng lập lại trật tự mới, hướng tới phát triển ngành hàng chiến lược quốc gia.
Kỳ vọng
Ngày 9/6, tại TP Cần Thơ, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám chủ trì Hội nghị Ban chỉ đạo SX và tiêu thụ cá tra vùng ĐBSCL và triển khai Nghị định 36/2014/NĐ-CP (NĐ 36). Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các Bộ ngành Trung ương, địa phương và sự quan tâm đặc biệt của các DN và người dân nuôi cá tra ĐBSCL.
Theo dõi tình hình SX và tiêu thụ cá tra trong năm qua, Thứ trưởng Vũ Văn Tám nhận định: Năm 2013 ngành SX cá tra vẫn còn đỉnh điểm khó khăn. Giá bán cá tra ngang bằng giá thành, người nuôi cá tra tiếp tục gặp khó khăn. Tuy nhiên năm 2013 đánh dấu bước ngoặt mới - Hiệp hội Cá tra ra đời đi vào hoạt động.
Sau thời gian dài từ năm 2009 đến cuối năm 2013, qua tiếp nhận nhiều ý kiến đóng góp, Bộ NN-PTNT đã chủ trì, phối hợp với các Bộ ngành liên quan tổ chức nghiên cứu, xây dựng và trình Chính phủ ban hành NĐ 36, chính thức có hiệu lực thi hành từ 20/6/2014.
Nghị định ra đời là công cụ pháp lý cần thiết, quan trọng, tạo cơ chế để có thể kiểm soát SX, giám sát tình hình tiêu thụ sản phẩm, khắc phục các bất cập, khó khăn vướng mắc thời gian qua, đồng thời phát huy vai trò, trách nhiệm các cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội ngành hàng liên quan trong quá trình SX, chế biến và XK cá tra.
Do đó, trên nền tảng triển khai NĐ 36, xác định điều kiện SX, XK cá tra, hội nghị tập trung bàn các giải pháp SX từ nay đến cuối năm 2014 và những năm tiếp theo; trong quá trình triển khai nếu phát sinh khó khăn sẽ tiếp tục có biện pháp tháo gỡ.
Cần chấn chỉnh
Theo các tỉnh có vùng nuôi cá tra ở ĐBSCL, đến cuối tháng 5/2014 toàn vùng thả nuôi 2.954 ha, giảm 19% so cùng kỳ; trong đó thu hoạch 1.487 ha, giảm 13% và sản lượng thu hoạch đạt 335.023 tấn, giảm 19,7% so cùng kỳ.
Thứ trưởng Vũ Văn Tám: “Sự ra đời NĐ 36 của Chính phủ giúp cho ngành hàng cá tra có hành lang pháp lý để thuận lợi quản lý toàn bộ chuỗi ngành hàng, từ quy hoạch vùng nuôi, khâu đầu vào, quy trình nuôi đến chế biến XK. Con cá tra do “trời” ban cho Việt Nam, có điều kiện thuận lợi cạnh tranh trên thế giới. Thế nhưng, thời gian qua SX cá tra lại rất lận đận. NĐ 36 sẽ giúp quản lý và SX sản phẩm cá tra theo hướng hiệu quả và bền vững hơn".
Giá bán cá tra nguyên liệu có chuyển biến: Tháng 1/2014 dao động mức 21.000-23.000 đồng/kg, nhưng từ tháng 2 giá cá tra tăng lên và đạt đỉnh vào tháng 4/2014 ở mức 27.000 đồng/kg. Người nuôi cá bắt đầu có lãi. Tuy vậy hiện nay, thị trường XK chững lại nên nhu cầu thu mua cá của các DN giảm thấp, giá cá tra loại 0,8-0,85 kg/con chỉ còn 22.000-23.000 đồng/kg.
Trong khi đó, Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản Việt Nam cho biết, tính đến cuối tháng 4/2014 cá tra XK đạt giá trị trên 546 triệu USD, tăng 2,1% so cùng kỳ năm 2013. Mặc dù XK cá tra sang 2 thị trường chính là EU và Hoa Kỳ giảm nhưng các thị trường khác phát triển ổn định.
Như XK cá tra sang Brazil tăng 36%, các nước ASEAN tăng 11,3%, Mexico tăng 13,3%; Trung Quốc và Hồng Kông tăng 25,1%; các tiểu vương quốc Ả rập Xê út tăng 7,9% so cùng kỳ năm 2013. Hiện nay sản phẩm cá tra XK chủ yếu như cá tra phi lê đông lạnh, phi lê tươi nguyên con chiếm 99,3% tổng khối lượng; còn lại hàng chế biến giá trị gia tăng chỉ chiếm 0,7% tỷ trọng.
Trong lúc giá cá tra XK chưa tăng lên, hoạt động SX và tiêu thụ cá tra trong nước lại chịu tác động giá vật tư đầu vào tăng và một số DN cạnh tranh thiếu lành mạnh. Cho đến nay vẫn còn tình trạng một số DN bán phá giá bằng cách hạ giá bán nên gây ra tình trạng lo ngại của một số nhà nhập khẩu lớn. Họ chuyển sang mua nhỏ giọt để ép giá.
Bên cạnh đó, hợp đồng giữa DN và người nuôi cá lỏng lẻo; hiện tượng thu mua ép giá, mua nợ chiếm dụng vốn vẫn còn khá phổ biến. Do vậy NĐ 36 ra đời được kỳ vọng như làn gió mới, chấm dứt tình trạng “thả nổi” nuôi cá tra tự phát, sớm chấn chỉnh những bất cập về điều kiện SX và tiêu thụ cá như vừa qua.
Chặng đường mới
Năm 2014, Ban chỉ đạo SX và tiêu thụ cá tra đặt mục tiêu ổn định diện tích và không tăng sản lượng nuôi. Thế nhưng khi bàn về các giải pháp để thực hiện NĐ 36, một số DN chế biến XK thủy sản chưa hết băn khoăn.
Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và XK Thủy sản Việt Nam (VASEP) nói: VASEP đánh giá cao việc ban hành NĐ 36 với cách tiếp cận quản lý theo chuỗi ngành hàng là cách quản lý tiên tiến. Tuy nhiên, cân đối cung - cầu, quy hoạch theo địa giới hành chính hay quy hoạch trên diện tích vùng nuôi cần làm rõ và cần có chế tài trong việc kiểm soát quy hoạch.
TS Võ Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cá tra cho rằng: XK 4 tháng 2014 tăng so cùng kỳ năm 2013, giá cá chấm dứt chu kỳ suy thoái. Nhu cầu thu mua cá đang được cải thiện, giá thu mua trên ngưỡng giá thành. Tình hình SX, tiêu thụ cá có phần ổn định nhờ thực hiện các biện pháp chỉ đạo của Chính phủ. Hiện nay Hiệp hội cá tra đã chuẩn bị nhân sự sẵn sàng và đảm bảo đủ năng lực kiểm tra, giám sát các hoạt động theo NĐ 36 về điều kiện SX, XK cá tra.
Chiều ngày 9/6, Hội nghị tiếp tục góp ý xây dựng Thông tư hướng dẫn thực hiện NĐ 36.
Có thể bạn quan tâm
Kinh tế biển được xác định là mũi nhọn vô cùng quan trọng đối với Cà Mau. Thế nhưng, với một lượng lớn tàu công suất nhỏ đang ngày đêm xâm hại nguồn lợi thuỷ sản ven bờ thì vấn đề phát triển bền vững vẫn là bài toán chưa có giải đáp hợp lý. Chuyển đổi ngành nghề nhằm giảm áp lực cho khu vực tái sinh ven biển đang cần thiết và cấp bách để tiến tới mục tiêu giàu lên từ biển.
Phát huy lợi thế là địa phương đầu nguồn, nhiều năm qua, người dân TX.Hồng Ngự (Đồng Tháp) phát triển mạnh nghề nuôi cá bè trên sông đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho sự phát triển kinh tế hộ và đóng góp vào tỉ trọng phát triển của kinh tế thị xã.
Ngày 11/6, tại thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang; Trường Đại học Cần Thơ và Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư 3 tỉnh Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau tổ chức công bố kết quả đề tài khoa học “Tác động tích cực của giống lúa ARIZE B – TE1 đến hiệu quả nuôi tôm ở vùng tôm – lúa các tỉnh Kiên Giang, Bạc liêu và Cà Mau” do Công ty Bayer Việt Nam chủ trì.
Nuôi ba ba rất nhẹ vốn đầu tư. Đối với chi phí 1.000 ba ba giống, đào ao, thức ăn… chỉ khoảng 50 triệu đồng
Nhằm nắm sát tình hình thực tiễn, tăng cường mọi mặt công tác chỉ đạo điều hành, đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, ngày 11/6, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị giao ban về tình hình nuôi trồng thủy sản tại huyện Đầm Dơi (Cà Mau). Đến dự hội nghị có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Dũng.