Tiếp Cận Chuỗi Sản Xuất Để Nâng Hiệu Quả VietGAP Trong Thủy Sản
Vừa qua, tại TP. Sóc Trăng, Hội Nghề cá Việt Nam (VINAFISH) phối hợp với Tổng cục Thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Sóc Trăng tổ chức Hội thảo “Ứng dụng VietGAP trong phát triển nuôi thủy sản bền vững tại Việt Nam” nhằm tìm ra giải pháp tốt nhất để phát triển VietGAP trong nuôi trồng thủy sản.
Tại hội thảo, các đại biểu đều thống nhất áp dụng VietGAP là yêu cầu cấp thiết, là cơ sở để chứng minh chất lượng thủy sản Việt Nam trên thị trường thế giới, nhưng để VietGAP trong nuôi trồng thủy sản phát huy hết hiệu quả thì cần nhiều nỗ lực hơn nữa, nhất là thực hiện áp dụng VietGAP theo hướng tiếp cận chuỗi sản xuất.
HẠN CHẾ TÁC ĐỘNG TIÊU CỰC CỦA NGHỀ NUÔI
Việc ban hành Quy chuẩn VietGAP được xem là giải pháp quan trọng nhằm hạn chế tối đa những tác động tiêu cực của nghề nuôi, giúp nghề nuôi phát triển bền vững; đồng thời nâng cao giá trị sản phẩm, hỗ trợ cho các hoạt động xuất khẩu. Bộ NN&PTNT đề ra lộ trình phấn đấu từ nay đến năm 2015 sẽ có 30% cơ sở nuôi thâm canh, bán thâm canh đạt chứng nhận VietGAP và đến năm 2020 tỷ lệ này sẽ là 80%.
Tại hội thảo, TS. Nguyễn Mạnh Hùng (VINAFISH) nêu thực tế, hiện nay ngoài Bộ quy chuẩn VietGAP, người nuôi tôm cũng ứng dụng một số tiêu chuẩn khác, chẳng hạn ASC, MSC, GlobalGAP, BAP… và sắp tới đây sẽ có thêm ASEANGAP.
Mặc dù các bộ tiêu chuẩn này đều dựa trên tiêu chuẩn nuôi trồng thủy sản bền vững của tổ chức Nông Lương thế giới (FAO) nhưng mỗi hệ thống chứng nhận lại có những quy định thực hành riêng nhằm gây hiệu quả tác động đến nhà nhập khẩu hoặc nhu cầu về chất lượng sản phẩm của người tiêu dùng.
“Việc có quá nhiều bộ tiêu chuẩn không chỉ gây bối rối cho người nuôi mà ngay cả những người làm công tác quản lý cũng cảm thấy lúng túng trong việc hướng dẫn, định hướng người nuôi trong việc áp dụng tiêu chuẩn nào cho có hiệu quả. Thực sự đối với người nuôi thì tiêu chuẩn nào cũng được, miễn là giúp họ giải quyết được đầu ra của sản phẩm. Điều mà người nuôi luôn quan tâm và lo lắng là liệu giá của sản phẩm đã được chứng nhận có cao hơn sản phẩm chưa được chứng nhận không?
Thị trường có chấp nhận cái tiêu chuẩn mà họ đã phải đầu tư, công sức, thời gian, tiền bạc cho việc ứng dụng, thực hiện hay không? Thực tế người nuôi trồng thủy sản có muôn vàn thắc mắc mà không hẳn bộ GAP nào cũng có thể giúp họ giải tỏa hoặc làm vơi đi những suy tư và lo lắng trước khi họ quyết định đầu tư bộ tiêu chuẩn nào” - TS. Hùng chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Nhiệm, Chủ tịch Hiệp hội tôm Mỹ Thanh (Sóc Trăng) cho biết: “Trong quá trình áp dụng VietGAP, các tiêu chí VietGAP giúp người nuôi tôm xác định được những ưu, khuyết điểm trong việc quản lý, chăm sóc ao nuôi; nhờ đó tránh được những rủi ro trước đây thường gặp.
Thực tế những hộ tham gia thực hiện chứng nhận VietGAP trong nuôi tôm có tỷ lệ nuôi thành công hơn các hộ không thực hành VietGAP. Khi thực hiện các tiêu chí VietGAP đã giúp làm giảm chi phí do hư hỏng, công lao động… Nhờ vậy kết quả công việc tốt hơn, vụ nuôi thành công nhiều hơn, giá thành sản xuất hợp lý hơn”.
ĐỂ VIETGAP ĐI VÀO THỰC TẾ
Theo ông Nhiệm, để việc ứng dụng VietGAP vào thực tế hiệu quả hơn cần có những bộ tiêu chí VietGAP cho từng đối tượng nuôi, từng vùng địa lý khác nhau. Tiêu chí đánh giá VietGAP cần ghi cụ thể hơn, bởi cũng tiêu chí đó nhưng đơn vị này đánh giá là đạt nhưng đơn vị khác lại đánh giá không đạt, gây lúng túng cho người nuôi. Các hộ nuôi tôm hầu hết có quy mô nhỏ nên tổ chức chứng nhận VietGAP theo nhóm. Cần có nhiều đơn vị đào tạo, tư vấn để dễ dàng trong việc hướng dẫn, hỗ trợ ngư dân áp dụng VietGAP.
“Chất lượng sản phẩm nuôi theo VietGAP có chất lượng hơn hẳn về mọi mặt so với những sản phẩm không thực hiện VietGAP nhưng hiện nay trên thị trường sản phẩm VietGAP cũng như chưa đạt có giá bán ngang nhau. Vì lý do này người nuôi chưa mặn mà trong việc thực hiện VietGAP” - ông Nhiệm phản ánh thực tế.
Ông Nguyễn Thiện Năng, đại diện Trung tâm Chất lượng Thủy sản vùng 5 (thuộc Cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản) đặt vấn đề: “Tại sao nhà máy nông sản bắt buộc phải có vùng nguyên liệu nhưng thủy sản thì không, trong khi hiện nay chỉ có vài doanh nghiệp tự đầu tư vùng nuôi tôm nguyên liệu. Điều này gây khó khăn trong việc xây dựng các vùng nuôi tôm đạt VietGAP”.
Theo ông Năng, nếu chúng ta thực hiện vấn đề này từ đầu thì đến nay đã có vài chục phần trăm diện tích nuôi thủy sản đạt VietGAP, mà muốn đàm phán với đối tác nước ngoài phải có diện tích nuôi đạt VietGAP đủ lớn mới đàm phán được. Ngoài ra, cũng cần điều chỉnh chính sách cho phù hợp, ngoài việc hỗ trợ chi phí thực hiện VietGAP cần có quy định miễn hay giảm tần suất kiểm tra chất lượng sản phẩm đạt VietGAP…
Đồng tình với ý kiến này, đại diện Phòng Kỹ thuật, Sở NN&PTNT tỉnh Trà Vinh đề xuất: “Làm VietGAP cần có mục đích cụ thể, chẳng hạn cần công nhận vùng nguyên liệu đạt VietGAP gắn kết với nhà máy, bởi nếu không gắn kết được thì sau khi hỗ trợ chứng nhận VietGAP lần đầu thì những năm sau các vùng nuôi VietGAP này cũng không được duy trì, gây lãng phí.
Để làm được điều này thì cần thực hiện theo hướng vùng nguyên liệu của doanh nghiệp ở đâu thì hỗ trợ theo vùng đó. Ngoài ra, xây dựng VietGAP cần bám sát theo các tiêu chuẩn quốc tế, tùy theo điều kiện xuất khẩu vào nước nào thì cơ sở nuôi nâng cấp theo tiêu chuẩn thị trường để tránh lãng phí, chứ sản phẩm VietGAP chưa được thị trường công nhận”.
Ông Phạm Khánh Ly, Phó Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản) cho biết, cá tra là đối tượng bắt buộc áp dụng VietGAP.
Lộ trình áp dụng được quy định trong Nghị định 36/2014/NĐ-CP ngày 29-4-2014 của Chính phủ về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra là đến ngày 31-12-2015 các cơ sở nuôi cá tra thương phẩm phải áp dụng và được chứng nhận thực hành nuôi trồng thủy sản tốt tại Việt Nam hoặc chứng chỉ quốc tế phù hợp quy định của pháp luật Việt Nam.
Đối với tôm, hiện nay Bộ NN&PTNT cũng đang rà soát lại các văn bản để xây dựng các nghị định hay thông tư quản lý phù hợp.
Ông Nguyễn Thanh Linh, điều phối viên Dự án Cải thiện nuôi trồng thủy sản bền vững (AIP) cho rằng, nhà bán lẻ ở các thị trường xuất khẩu quyết định lựa chọn tiêu chuẩn riêng cho họ. Do đó, theo ông Linh, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), VANAFISH cần phải tìm hiểu thị trường tiêu thụ xem họ có nhu cầu như thế nào để đáp ứng cho phù hợp.
Bên cạnh đó, phát triển VietGAP cần thực hiện theo chuỗi sản xuất, có sự tham gia của cả nông dân và doanh nghiệp (tương tự như GlobalGAP), bởi nếu nuôi thủy sản theo VietGAP một cách riêng lẻ khó có thị trường tiêu thụ. Ngoài ra, cần tiếp cận VietGAP theo hướng vùng…
Theo TS. Nguyễn Việt Thắng, áp dụng VietGAP vào nuôi trồng thủy sản có nhiều mức độ khác nhau. Để cho người dân phát triển VietGAP mạnh hơn cần có sự chung tay của cả cộng đồng.
Thực hiện VietGAP cần có lộ trình nhất định, trong đó vùng nghèo có lộ trình thực hiện dài hơn, còn vùng khác cần làm ngay.
Đối với chính sách hỗ trợ, trước nay cứ nói doanh nghiệp có tiền làm rồi không hỗ trợ nữa mà chỉ hỗ trợ nông dân là sai, bởi hỗ trợ doanh nghiệp gắn kết tổ chức sản xuất, vùng nuôi có nghĩa là đã hỗ trợ cho nông dân.
Do đó, đề nghị có chính sách hỗ trợ cho cả chuỗi sản xuất được hưởng lợi… Tổ chức lại sản xuất rất quan trọng, cần có sự hợp tác của nông dân, doanh nghiệp (kinh tế hợp tác) để làm sao cho vùng nuôi đạt chứng nhận VietGAP rồi được tiếp tục duy trì và phát huy hiệu quả.
Nguồn bài viết: http://baoapbac.vn/kinh-te/201412/tiep-can-chuoi-san-xuat-de-nang-hieu-qua-vietgap-trong-thuy-san-565627/
Có thể bạn quan tâm
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Trại trưởng Trại giống Thủy sản Quang Kim cho biết: Hình thức nuôi cá giòn không quá khó với người nuôi thủy sản, lại có giá trị kinh tế cao, rất cần được nhân rộng ra các địa phương trong tỉnh, giúp nông dân có thêm phương thức nuôi mới để tăng thu nhập.
Hiện nay, các đơn vị chức năng của thành phố đang tích cực động viên ngư dân bám biển khai thác; tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực khai thác, bảo quản sản phẩm, phòng tránh thiên tai trên biển cho ngư dân, tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ để ngư dân yên tâm sản xuất.
Dù chưa về đến cảng Sa Kỳ nhưng tàu cá của ngư dân Đỗ Thanh Huy, ngụ thôn Định Tân, xã Bình Châu (Bình Sơn - Quảng Ngãi) đã được rất nhiều đầu nậu và thương lái chờ đợi. Về điều này, theo giải thích của một đầu nậu tên Lan là bởi “nghe tin tàu chú Huy toàn cá chuồn xanh.
Với những quyết tâm của các nhà quản lý, các nhà khoa học, người sản xuất giống, người nuôi và sự hợp tác chặt chẽ giữa các bên liên quan. Hy vọng vụ tôm 2015 sắp tới sẽ đạt những kết quả khả quan, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu đã đề ra trong đề án tái cơ cấu ngành thủy sản.
Cũng như nhiều hộ khác nuôi tôm ở trong vùng, ông Hòa mong muốn được các cơ quan nhà nước đầu tư nâng cấp hệ thống kênh mương thủy lợi để đảm bảo nguồn nước cho nuôi tôm và hoàn chỉnh hệ thống điện 3 pha phục vụ việc nuôi tôm thâm canh. Bên cạnh đó, đề nghị các cơ quan chức năng tập trung nghiên cứu và phổ biến nhanh đến người nuôi tôm các biện pháp hiệu quả phòng trị bệnh cho tôm nuôi - nhất là bệnh hoại tử gan tụy cấp, nhằm giúp người nuôi giảm được rủi ro do dịch bệnh xảy ra trong quá trình nuôi, góp phần làm tăng hiệu quả của nghề nuôi tôm ở địa phương.