Tiên Yên (Quảng Ninh) Mở Điểm Bán Gà Thương Hiệu Tiên Yên Phục Vụ Tết
Không hẹn trước nhưng thật may mắn, trong chuyến công tác mới đây nhất của chúng tôi tại huyện Tiên Yên (Quảng Ninh) đã được “mục sở thị” đồng chí Chủ tịch UBND huyện Vũ Văn Diện “lăn lộn” với cơ sở. Nếu một người lần đầu đến Tiên Yên mà chỉ nhìn cách đồng chí Chủ tịch huyện “xắn tay áo” cùng với cán bộ huyện lo tìm đầu ra cho “món” thương hiệu gà Tiên Yên sẽ chẳng ai nghĩ đó là một trong những lãnh đạo đứng đầu huyện.
Chủ tịch UBND huyện Tiên Yên Vũ Văn Diện (ngoài cùng bên trái) thử nghiệm việc gắn nhãn mác cho gà Tiên Yên sẽ được xuất bán tại điểm bán tập trung của huyện.
Chia sẻ với chúng tôi, đồng chí Chủ tịch UBND huyện nói: “Tiên Yên đã xây dựng được thương hiệu gà Tiên Yên rồi. Nhưng để phân biệt gà Tiên Yên với loại gà thông thường thì không phải ai cũng phân biệt được. Tết năm trước, khi ra chợ, chính tôi đã nhìn thấy một tiểu thương bán gà ở chợ có 2 lồng gà.
Khi người dân địa phương đến mua thì họ bắt gà ở lồng bên trái, còn khách lạ vào mua thì họ lại bắt ở lồng gà bên phải. Rõ ràng là họ có 2 loại gà. Mình xây dựng được thương hiệu thì phải có cách bảo vệ sản phẩm thương hiệu đó. Nếu không chính mình sẽ làm mất lòng tin của các “thượng đế”.
Để bảo vệ thương hiệu gà Tiên Yên, phục vụ nhu cầu của người dân trong và ngoài tỉnh dịp Tết Ất Mùi này, UBND huyện Tiên Yên đã quyết định xin ý kiến Ban Thường vụ Huyện uỷ cho phép UBND huyện đứng ra mở điểm bán gà thương hiệu Tiên Yên. Địa điểm được chọn là tầng 1 của khu Trung tâm thương mại Tiên Yên (đang trong giai đoạn hoàn thiện), do Xí nghiệp Hợp Tiến đầu tư xây dựng, nằm ở giữa trung tâm huyện, đáp ứng được các tiêu chí: Gần đường quốc lộ, gần chợ trung tâm, có mặt bằng rộng; có thể bố trí điểm giết mổ ngay tại chỗ khi khách hàng có nhu cầu. Đặc biệt, địa điểm này có nhiều đường ra, vào nên có thể tránh được ùn tắc giao thông khi có đông người dân đến mua.
Theo kế hoạch của UBND huyện Tiên Yên, huyện sẽ thông báo rộng rãi cho các hộ dân chăn nuôi gà Tiên Yên trên địa bàn huyện để ai có hàng hoá, có nhu cầu bán sản phẩm gà Tiên Yên thì đăng ký. Việc lựa chọn sản phẩm gà Tiên Yên mang ra bán tại điểm bán tập trung sẽ được thực hiện theo quy trình chặt chẽ từ thôn, đến xã.
Cụ thể là giao cho các thôn rà soát, nắm bắt, bình chọn các hộ có gà đủ tiêu chuẩn, điều kiện (gà phải có thời gian nuôi từ 9 tháng trở lên; phải là giống gà Tiên Yên, chăn thả trong điều kiện tự nhiên hoặc bán tự nhiên…); đồng thời, trưởng thôn, chủ tịch xã sẽ là người phải ký xác nhận vào nguồn gốc, số lượng gà và chịu trách nhiệm về sự xác nhận đó. Khi gà được đưa đến điểm bán tập trung, sẽ được Ban Quản lý thương hiệu huyện thực hiện gắn nhãn mác ở chân gà.
Nhãn mác này được gắn cố định không thể tháo dời hoặc thay thế. Trên nhãn mác, ngoài lô gô gà Tiên Yên còn có các thông tin của các hộ nuôi gà, trọng lượng và ngày cân. Theo thống kê của UBND huyện Tiên Yên, năm nay, toàn huyện sẽ cung ứng được khoảng 10.000 con gà thịt ra thị trường.
Để phục vụ khách hàng khi có nhu cầu giết mổ tại chỗ, ngoài đầu tư bao bì, huyện còn chuẩn bị cả máy hút chân không, thực hiện quy trình giết mổ, bảo quản gà đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
“Huyện sẽ chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường túc trực gần khu vực điểm giết mổ tập trung để kịp thời phát hiện và xử lý những vi phạm trong kinh doanh, buôn bán sản phẩm gà thương hiệu Tiên Yên. Còn về giá cả, huyện sẽ trực tiếp quản lý. Giá 1kg gà Tiên Yên còn phụ thuộc vào độ tuổi của con gà đó.
Gà càng có thời gian nuôi lâu hơn 9 tháng thì giá sẽ cao hơn một chút. Huyện cam kết không để tình trạng các tiểu thương tự ý nâng giá, cạnh tranh thiếu lành mạnh. Nếu cách làm này thành công thì sau Tết Nguyên đán Ất Mùi, huyện sẽ nghiên cứu để duy trì điểm bán tập trung gà thương hiệu Tiên Yên” - đồng chí Vũ Văn Diện chia sẻ thêm.
Đến thời điểm này, các khâu chuẩn bị mở điểm bán gà tập trung của UBND huyện Tiên Yên, từ việc thống kê số lượng gà; in nhãn mác; dọn mặt bằng… đang gấp rút được triển khai để đảm bảo, điểm sẽ được mở bán trước ngày cúng ông Công, ông Táo (23-12 Âm lịch). Như vậy, người tiêu dùng hoàn toàn có thể yên tâm khi dịp Tết Ất Mùi này được thưởng thức sản phẩm gà Tiên Yên chính hiệu.
Có thể bạn quan tâm
Xuất khẩu thủy sản, trong đó có tôm, được coi là ngành công nghiệp mũi nhọn ở ĐBSCL. Vậy nhưng bài toán nguồn tôm nguyên liệu phục vụ cho chế biến đến nay vẫn chưa có lời giải. Đến mùa vụ, doanh nghiệp xuất khẩu lại kêu “khát tôm”, còn nguồn tôm do nông dân sản xuất ra lại thay nhau tuồn ra ngoài?
Một trong những tài liệu quan trọng là báo cáo của GAA về EMS mang tên “Managing the perfect killer”, tài liệu là cơ sở cho hội thảo toàn cầu về EMS tổ chức tại Việt Namhồi tháng 12/2013.
Ngày 14-3, Hội Chăn nuôi (CN) tỉnh Tiền Giang phối hợp với Hợp tác xã dịch vụ CN Xuân Phú (tỉnh Đồng Nai) tổ chức Hội thảo về an toàn thức ăn CN và giải pháp giảm chi phí, tăng năng suất trong CN. Tham dự hội thảo, có GS-TS Dương Thanh Liêm, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh cùng 150 đại biểu là đại diện các trạm thú y trong tỉnh và là các hộ CN của tỉnh Tiền Giang và Bến Tre.
Cục Trồng trọt cho biết, dự kiến từ nay đến năm 2015, các tỉnh ĐBSCL sẽ chuyển đổi 112.000ha gieo trồng lúa sang trồng các loại rau màu khác, chủ yếu là trong vụ Xuân Hè.
Nhiều hội viên nông dân ở xã An Nhơn, huyện Châu Thành (Đồng Tháp) cảm phục mỗi khi nhắc đến ông Phan Văn Thành (SN 1939), nông dân sản xuất giỏi nhiều năm liền của xã bởi sự năng động, nhiệt tình trong công tác Hội Nông dân, nhạy bén trong phát triển kinh tế.