Tiên Phong Đưa Bò Sữa Về Địa Phương
Vốn gắn bó với cây trồng truyền thống là cà phê nhưng ông Hoàng Ngọc Tứ ở thôn Gia Thạnh, thị trấn Đinh Văn (Lâm Hà - Lâm Đồng) vẫn không ngừng tìm tòi, học hỏi để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nâng cao thu nhập cho gia đình.
Khi biết ở nhiều địa phương khác trong tỉnh, con bò sữa đang giúp người dân “ăn nên làm ra”, ông đã mạnh dạn chuyển đổi 2ha diện tích cà phê đã già cỗi sang trồng cỏ, đưa bò sữa về nuôi tại địa phương.
Đầu tư tiền tỷ để nuôi bò sữa
Sau một thời gian nghiên cứu, học tập kinh nghiệm ở nhiều địa phương khác trong tỉnh, đầu năm 2014, ông Hoàng Ngọc Tứ bắt đầu xây dựng chuồng trại và mua bò sữa về nuôi. Tuy là hộ đầu tiên chăn nuôi bò sữa tại địa phương nhưng gia đình không chăn nuôi manh mún, nhỏ lẻ mà đã đầu tư rất quy mô, bài bản. Tính đến nay, số vốn mà gia đình ông đầu tư cho chăn nuôi bò sữa là hơn 1,6 tỷ đồng.
Trong đó, tiền mua 10 con bò giống đã gần 900 triệu đồng, vốn còn lại để xây dựng chuồng trại và mua sắm máy móc thiết bị phục vụ nuôi bò như máy cắt cỏ, máy xay cỏ, máy vắt sữa tự động, máy phát điện và xe chở thức ăn, vận chuyển sữa…
Giá bò giống gia đình ông Tứ mua vào đắt hơn giá trên thị trường vì ông không mua bò của các công ty nhập từ nơi khác về mà ông đã đến các hộ dân nuôi bò ở huyện Đơn Dương để mua bò giống. Theo ông Hoàng Ngọc Tứ, trong chăn nuôi thì khâu chọn giống là rất quan trọng, nguồn giống tốt thì sẽ đem lại hiệu quả cao.
Ông Tứ cho biết thêm, nếu mua bò giống bình thường trên thị trường thì giá chỉ từ 70 - 75 triệu đồng/1con, còn bò giống mua của những hộ gia đình nuôi trong vùng thì giá cao hơn nhưng đảm bảo hơn vì bò đã hợp với khí hậu và thức ăn ở địa phương rồi. Bò đưa từ các nơi khác về nhiều khi nó chưa quen với khí hậu và nguồn thức ăn tại địa phương nên dễ bị bệnh tật, rủi ro cao.
Không chỉ áp dụng những kiến thức, kinh nghiệm học được ở những hộ đi trước tại những địa phương khác mà ông Hoàng Ngọc Tứ còn có rất nhiều sáng kiến trong lĩnh vực nuôi bò sữa: Chuồng trại nuôi bò của gia đình ông không xây dựng bình thường như nhiều hộ dân khác mà ông đã làm lưới vây kín xung quanh để tránh ruồi, muỗi và côn trùng chích, đốt gây hại cho bò; trong chuồng trải những tấm nệm êm ái trên nền xi măng sạch sẽ để cho bò nằm.
Tủ thuốc cho bò cũng đã được ông Tứ trang bị để kịp thời xử trí khi bò bị bệnh. Ngoài ra, ông còn chuẩn bị làm sân cho bò dạo chơi và phơi nắng.
Hiệu quả hơn cà phê
Hiện nay, đàn bò sữa của gia đình ông Hoàng Ngọc Tứ có 13 con (10 con mua giống ban đầu và 3 con do ông tự nhân giống), trong đó có 3 con đang cho sữa. Nhờ chăm sóc tốt, thức ăn đầy đủ nên sản lượng sữa đàn bò của gia đình ông đạt rất cao.
Nếu như ở địa phương khác mỗi con bò bình quân một ngày cho từ 20 - 22 lít sữa thì đàn bò của gia đình ông Hoàng Ngọc Tứ cho từ 25 - 27 lít sữa/ngày/1con. Với giá sữa hiện nay mà gia đình ông đang nhập cho Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) có giá là 14,7 ngàn đồng/lít thì mỗi ngày 1 con bò sữa mang về cho gia đình ông thu nhập gần 400 ngàn đồng.
Theo tính toán của ông Hoàng Ngọc Tứ thì với 2ha cà phê trước đây, mỗi năm trung bình gia đình ông thu được khoảng 400 triệu đồng chưa trừ chi phí, còn hiện nay chuyển sang trồng cỏ thì với diện tích đó có thể nuôi được khoảng 18 con bò sữa.
Nếu như 18 con bò đều cho sữa thì mỗi tháng đã cho thu nhập hơn 200 triệu đồng. Người nuôi bò sữa ngoài thu nhập từ sữa thì còn có khoản thu nhập phụ khác nữa là tiền bán phân. Giá phân bò hiện tại gia đình ông Hoàng Ngọc Tứ bán là 500 ngàn đồng/1 m3.
Nhìn những con bò đang nhai cỏ với bầu sữa căng tròn, ông Hoàng Ngọc Tứ vui vẻ nói: “Khi mới bắt đầu chuyển từ cà phê sang trồng cỏ để nuôi bò sữa thì nhiều người ở địa phương cho tôi là “làm liều”. Nhưng tôi đã đi tìm tòi học hỏi, nghiên cứu kỹ rồi nên vẫn tự tin làm.
Cũng nhờ sự hỗ trợ của Phòng NN-PTNT huyện nên tôi đã được vay vốn ngân hàng với số tiền lớn là 900 triệu đồng và gia đình tôi tích góp, huy động được hơn 700 triệu đồng nữa để đầu tư nuôi bò. Khi mới bắt đầu làm thì có nhiều khó khăn nhưng đến nay thì tôi dám khẳng định hướng đi của tôi là đúng đắn và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ngày xưa, trồng cà phê thì mỗi năm mới cho thu hoạch một lần, còn bây giờ nuôi bò sữa cứ ngày 2 lần thu tiền (ngày 2 lần nhập sữa - PV) ai mà chẳng muốn!”.
Là hộ đầu tiên nuôi bò sữa tại địa phương với quy mô bài bản, áp dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, mô hình nuôi bò sữa của gia đình ông Hoàng Ngọc Tứ đang trở thành địa chỉ tham quan, học tập cho nhiều người dân trong vùng. Hiện nay, gia đình ông Hoàng Ngọc Tứ đang tiếp tục mở rộng quy mô trang trại, phát triển đàn bò sữa và hướng dẫn, giúp đỡ người dân tại địa phương áp dụng làm theo.
“Chúng tôi rất vui mừng khi ông Hoàng Ngọc Tứ đi tiên phong đưa con bò sữa về áp dụng thành công tại địa phương. Từ đó góp phần giúp cho địa phương phá thế độc canh trong nông nghiệp, tạo ra hướng đi mới cho người dân trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nâng cao hiệu quả sản xuất”, đó là nhận xét của ông Trần Văn Hoà - Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Đinh Văn, Lâm Hà.
Có thể bạn quan tâm
Không chỉ tôm hùm nuôi ở thị xã Sông Cầu bị chết hàng loạt, hiện tình trạng này vừa diễn ra và liên tục tiếp diễn tại khu vực nuôi thủy sản Vũng Rô thuộc xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa (Phú Yên). Điều đáng nói là trong lúc người dân lao đao, lo lắng mà ngành chuyên môn vẫn thờ ơ, xem đây là bệnh thông thường thay vì gửi mẫu bệnh phẩm đi xét nghiệm để tìm cách cứu chữa.
Tuần qua, bất ngờ giá cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL đã quay đầu tăng trở lại với mức cao nhất đạt 1.000 đồng/kg, theo Hiệp hội thủy sản tỉnh An Giang.
Hàng nghìn hộ nông dân trồng nhãn ở khu vực ĐBSCL như Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long… đang điêu đứng vì bệnh chổi rồng liên tục tấn công vườn nhãn ngay ở giai đoạn ra hoa, đậu trái. Tại nhiều địa phương, tỷ lệ cây nhãn nhiễm bệnh chổi rồng lên đến 80,90% báo hiệu một mùa vụ thất thu nghiêm trọng
Lúa ĐX ở ĐBSCL đang vào mùa thu hoạch. Dù trên nhiều cánh đồng lớn chưa gặt rộ, mới vào khúc dạo đầu nhưng ẩn số lúa IR50404 đã dần lộ diện. Có nơi gần cả huyện trồng độc nhất giống lúa này, nay bán ra gặp lúc lúa rớt giá than vãn hết lời.
Kỳ đà là loài bò sát dễ nuôi, không tốn nhiều chi phí, đồng thời mang lại hai lợi ích to lớn, đó là: phát triển kinh tế gia đình và bảo tồn được loài động vật hoang dã