Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Tiền Hải (Thái Bình) Ngăn Chặn Dịch Bệnh Trên Tôm

Tiền Hải (Thái Bình) Ngăn Chặn Dịch Bệnh Trên Tôm
Ngày đăng: 14/06/2014

Tính đến ngày 5/6, tại các xã Ðông Minh, Ðông Hải (Tiền Hải - Thái Bình) đã có 157 hộ nuôi tôm phát hiện thấy có hiện tượng tôm chết trong ao với tổng diện tích 18,232ha, số lượng 4,165 triệu con. Tuy tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát nhưng vẫn đang diễn biến phức tạp.

Dịch bệnh trên tôm bắt đầu xuất hiện vào cuối tháng 4 tại các xã Ðông Minh, Ðông Hải (Tiền Hải). Nguyên nhân xảy ra dịch bệnh được xác định là do tình hình thời tiết diễn biến bất thuận, nắng nóng kéo dài, việc cải tạo ao đầm chưa thực hiện nghiêm túc theo khuyến cáo của ngành chuyên môn, một số hộ mua con giống chưa qua kiểm dịch về nuôi thả.

Nhằm hạn chế tình trạng tôm chết, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trạm Thú y huyện Tiền Hải đã tăng cường huy động cán bộ kỹ thuật xuống nắm bắt tình hình, xác định nguyên nhân và hướng dẫn người dân khẩn trương áp dụng đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Kịp thời báo cáo lên cơ quan cấp trên, thực hiện triệt để các biện pháp phòng chống dịch bệnh do Chi cục Thú y hướng dẫn.

Ông Phạm Văn Lý, Chi cục phó Chi cục Thú y cho biết: Ngay sau khi có diễn biến dịch bệnh, Chi cục Thú y và Chi cục Nuôi trồng thủy sản đã chỉ đạo phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn, trạm thú y hai huyện Tiền Hải và Thái Thụy tập trung hướng dẫn các hộ nuôi tôm các biện pháp xử lý dịch bệnh, thu gom xác tôm chết thường xuyên để tiêu hủy; giữ nguyên mực nước trong ao nuôi, không xả nước ao nuôi bị bệnh ra ngoài môi trường chung, kịp thời cấp phát, xử lý hóa chất tiêu diệt mầm bệnh.

Chủ động giám sát, phát hiện và khai báo dịch sớm để có biện pháp khoanh vùng dập dịch ngay trong diện hẹp. Với những ao có tỷ lệ tôm chết cao, không còn khả năng khắc phục, tiến hành tiêu hủy toàn bộ ao tôm bị nhiễm bệnh bằng hóa chất Chlorine, giữ nguyên nước trong ao sau hơn 10 ngày mới tháo nước ra ngoài để thả lại tôm theo đúng quy trình.

Theo ông Ðặng Thế Hùng, cán bộ thủy sản xã Ðông Minh (Tiền Hải): Tính đến ngày 4/6, xã đã phát hiện tôm bị bệnh tại 232 ao thuộc 3 thôn trên diện tích 12,39ha. UBND xã đã cùng HTX Dịch vụ Hải Châu hướng dẫn bà con thực hiện đồng bộ các biện pháp để ngăn chặn dịch, liên tục giám sát chặt chẽ diễn biến của bệnh dịch, báo cáo tình hình lên các cơ quan cấp trên theo đúng quy định phòng chống dịch vào 15 giờ chiều hàng ngày.

Huy động nguồn hóa chất, vôi bột của người nuôi để xử lý dịch bệnh vùng nuôi, kịp thời hỗ trợ hóa chất cho các hộ có dịch, hiện tại xã đã xử lý 3.800kg hóa chất Chlorine (nồng độ 30ppm) trên diện tích 166.194m2. Trong những ngày gần đây, bệnh dịch không phát sinh mới, tình hình dịch bệnh đang được khống chế.

Ông Nguyễn Văn Mương, thôn Ngải Châu, xã Ðông Minh (Tiền Hải) thả nuôi tôm 4 ao thì 3 ao bị bệnh dịch, ông chia sẻ: “Ngay sau khi phát hiện ao nuôi bị dịch, tôi đã kịp thời làm theo hướng dẫn của cán bộ xã, xử lý hóa chất trên diện tích ao tôm bị bệnh theo đúng quy trình khử độc phòng bệnh dịch. Cán bộ thủy sản xã cùng cán bộ HTX Dịch vụ Hải Châu đã tận tình theo sát động viên, kịp thời hỗ trợ và hướng dẫn xử lý hóa chất Chlorine. Hiện tại, tôi bắt đầu nuôi thả lứa mới theo hướng dẫn”.

Hiện nay, mặc dù dịch bệnh đã được kiểm soát và có chiều hướng giảm, tuy nhiên nếu các địa phương không xử lý thu dọn xác tôm chết triệt để, không kịp thời xử lý hóa chất tại các ao có tôm bị bệnh và kênh mương vùng nuôi tôm theo hướng dẫn thì nguy cơ phát tán, lây lan dịch bệnh cho các ao nuôi tôm khác trong vùng và lây sang các xã có nuôi tôm khác là rất cao.


Có thể bạn quan tâm

Nghị Định 67 Cú Huých Cho Ngành Thủy Sản Nghị Định 67 Cú Huých Cho Ngành Thủy Sản

Chiều 24.7, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNNVN) phối hợp với UBND tỉnh và Ngân hàng BIDV tổ chức Hội nghị “Triển khai chính sách tín dụng quy định tại Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 7.7.2014 của Chính phủ” về một số chính sách phát triển thủy sản.

25/07/2014
Làm Gì Để Gỡ Khó Chất Lượng Nông Sản Việt? Làm Gì Để Gỡ Khó Chất Lượng Nông Sản Việt?

Mùa sau nên trồng gì để “được mùa - tốt giá”, làm cách nào để nâng cao chất lượng sản phẩm, đủ chuẩn xuất khẩu, thương lái và các doanh nghiệp hỗ trợ thu mua giá cao, không phụ thuộc vào thương lái Trung Quốc? Những câu hỏi thường trực đó rất nhiều nông dân phải xoay xở giải đáp khi chuẩn bị bắt tay vào vụ mùa kế tiếp ngay khi tình hình xuất khẩu nông sản từ đầu năm đến nay còn gặp nhiều khó khăn…

05/08/2014
Hứa Hẹn Mùa Quả Ngọt Hứa Hẹn Mùa Quả Ngọt

Đầu tư hơn 50 triệu đồng chi phí giống và vật tư ban đầu, sau hơn 2 năm trồng thử nghiệm, đến nay vườn thanh long ruột đỏ của gia đình bà Lê Thị Nguyệt, ở khu phố 3, phường 1, thị xã Quảng Trị đã bắt đầu cho thu hoạch với năng suất, sản lượng cao. Bà Nguyệt ước tính dự kiến vụ này sẽ thu về gần một tấn quả, lợi nhuận từ loại cây trồng kinh tế này mang lại cho gia đình nguồn thu đáng kể.

25/07/2014
Một Ký Cá, Tôm Xuất Khẩu Gánh Gần 10 Loại Phí Một Ký Cá, Tôm Xuất Khẩu Gánh Gần 10 Loại Phí

Hiện một ký cá, tôm phải chịu gần 10 loại phí khác nhau trước khi lên tàu xuất khẩu đi các thị trường - đó là ý kiến phản ánh của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) trong công văn gửi Bộ Công thương.

05/08/2014
Trồng Điên Điển Lấy Bông Mùa Lũ Trồng Điên Điển Lấy Bông Mùa Lũ

Mấy ngày này, đi từ hướng thành phố Tây Ninh về Bến Cầu, vừa qua cầu Gò Chai chừng trăm mét, nhìn hướng tay phải tỉnh lộ 786, nhiều người thấy một vùng xanh um điên điển, lại thấy lấp loá ánh vàng của những chùm hoa vừa nở. Nếu để ý kỹ, người qua đường sẽ thấy vùng điên điển này gồm nhiều hàng thẳng tắp, như được trồng tỉa chứ không phải mọc tự nhiên trong mùa nước nổi như một số nơi khác.

25/07/2014