Thị Trường Thịt Heo Rừng Lai Tăng Giá
“Mỡ nhiều, khả năng tồn lưu hóa chất tăng trọng trong thịt”… Đó là hai lý do làm cho người tiêu dùng hiện nay lo ngại với thịt heo nhà. Chính vì vậy đã xuất hiện nhu cầu thịt sạch, an toàn, qua việc nhiều người trong tỉnh tìm mua thịt heo rừng lai, đón Tết Giáp Ngọ.
Từ nhiều ngày qua, ông Hồng, một người nuôi heo rừng lai ở xã Suối Kiết (Tánh Linh) cho hay: Mấy năm trước, gần tết, tôi phải đi hỏi mối tiêu thụ, nhưng nay người ta đến nhà hoặc gọi điện thoại đặt mua thịt, mua nguyên con, cũng như yêu cầu được bắt heo sớm. Hiện nay, heo rừng lai trọng lượng từ 20 - 25 kg/con, giá hơi là 130.000 đồng/kg, được nhiều người đặt mua cho dù so với thịt heo nhà giá cao hơn 50.000 đồng/kg.
Anh Lê Khánh Văn, cán bộ Ban quản lý Cảng cá La Gi (thị xã La Gi) vốn có người anh họ nuôi heo rừng lai, cho hay: Hiện có hai giá thịt heo rừng. Nếu là heo rừng “rặc” (kết quả sinh sản từ heo rừng bố mẹ, được đồng bào dân tộc, hoặc các trang trại lớn nuôi trong điều kiện gần như tự nhiên) thì giá khoảng 260.000 đồng/kg, còn heo rừng lai F1 (lai heo rừng và heo thả rông của đồng bào dân tộc thiểu số các xã vùng cao và cũng được nuôi trong điều kiện hoang dã) thì giá bằng một nửa heo rừng “rặc”. Năm ngoái, nhiều người ở thành phố Hồ Chí Minh nhờ anh Văn tìm mua thịt heo rừng “rặc”, đón tết.
Sau nhiều ngày dò hỏi, anh mới tìm ra một trang trại ở Tánh Linh được phép của Nhà nước nuôi heo rừng các loại và mua được một con heo rừng rặc 20kg với giá rất cao, thế nhưng, người mua đã không hề đắn đo chi trả với lý do “an toàn sức khỏe cho cả nhà”.
Năm nay, nhu cầu heo rừng “rặc” vẫn cao, song nguồn cung không nhiều. Heo rừng lai F1 thì tương đối dồi dào, bởi vài năm trước (tại Bình Thuận không quá khó để tìm các trang trại được phép nuôi heo rừng lai) nhiều nơi dấy lên phong trào nuôi heo rừng lai và gần đây, nhu cầu tiêu thụ mới thật sự tăng. Lượng heo rừng lai F1 trong các trang trại hiện còn tương đối khá, cho dù những nơi này thường xuyên xuất heo rừng đi các nhà hàng sang trọng tại các thành phố lớn.
Có điều, để mua được heo rừng lai F1, F2, phải trực tiếp đi về nông thôn, đến các trang trại, bởi hiện tại chưa có người bán thịt heo rừng lai tại chợ vì một lý do đã nói trên là giá cao. Chị Nguyễn Thị Kim Anh, 30 năm bán thịt heo tại chợ La Gi bày tỏ nỗi lo: “Mấy năm trước, trong ngày 29, 30 tết, chúng tôi mổ 2 con heo, mỗi con non 1 tạ, nhưng nay chỉ vài chục kg. Đang có xu hướng giảm ăn thịt ở nhiều người, nhất là thịt heo có màu hơi đỏ vì lo ngại hóa chất.
Tết Giáp Ngọ này, dự đoán nhu cầu thịt heo ở chợ không tăng nhiều so lúc bình thường”. Không chỉ thị xã La Gi, nhiều người như ông Trương Quang Phát, nhà ở khu phố 12, Ngô Thì Nhậm, phường Phú Thủy (Phan Thiết) khi được hỏi: Có hay không mua thịt heo trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ, ông cho hay: “Có mua nhưng chỉ một ít, phòng khi đãi khách. Vài ngày tới, nếu bạn bè tôi ở thị trấn Tân Minh (Hàm Tân) cung cấp thịt heo rừng lai thì chúng tôi sẽ mua nhiều hơn”.
Điều đó cho thấy, trước nhu cầu bảo vệ sức khỏe, một bộ phận người tiêu dùng đang tìm kiếm nguồn thực phẩm sạch. Nó góp phần cảnh báo với người chăn nuôi: Trong một xã hội ngày càng phát triển, thực phẩm không rõ ràng về nguồn gốc, không đảm bảo an toàn thì dù rẻ, người tiêu dùng vẫn thờ ơ, chưa muốn nói là tránh xa.
Có thể bạn quan tâm
Triển khai từ tháng 1-2013, mô hình phát triển cây bắp lai chịu hạn LVN61 tại huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) được đánh giá là khá hiệu quả. Qua đánh giá của Sở Khoa học và Công nghệ, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ và địa phương, các ruộng bắp trong mô hình sinh trưởng và phát triển vượt trội; hiệu quả ước đạt cao hơn so với canh tác truyền thống khoảng 20 đến 30%.
Vịt Super Heavy có ngoại hình đẹp, chân vàng, lông trắng, tỷ lệ nạc khá cao, trọng lượng đạt từ 3,3 - 3,68 kg/con sau 1,5 tháng nuôi, cho lãi từ 750 - 850 nghìn đồng/100 con.
Thay vì nuôi những giống gà lai, gà công nghiệp, mấy năm gần đây, gia đình ông Nguyễn Văn Thân, thôn Lân Thịnh, xã Phúc Hòa (Tân Yên, Bắc Giang) đã đầu tư chăn nuôi gà tre, mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Đến thời điểm này, Công ty TNHH XNK Nông sản Hồng Ân (xã Hải Ninh, Bắc Bình - Bình Thuận) đã hoàn thành việc đầu tư, xây dựng Nhà máy xử lý thanh long bằng hệ thống xử lý hơi nước nóng, công suất 4.200 tấn/năm. Theo đó, công ty đã có văn bản trình Cục Bảo vệ thực vật xem xét, kiểm tra để cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động và bảo đảm tính pháp lý cho việc vận hành nhà máy.
Chiều 14-4, ông Hồ Văn Vàng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho biết, hiệp hội đang cùng các nhà chuyên môn thuộc Bộ NN-PTNT sang Na Uy để nghiên cứu, học tập kinh nghiệm về mô hình nuôi, chế biến và xuất khẩu cá hồi. Na Uy là đất nước nổi tiếng về nghề nuôi và xuất khẩu cá hồi, xuất khẩu cá hồi đạt khoảng 5 - 6 tỷ USD/năm.