Dalat Milk Nỗ Lực Cho Một Thương Hiệu
Ði sau những “ông lớn” khổng lồ của ngành sữa, nhưng với những bước cơ bản của mình, Dalat Milk đang củng cố một chỗ đứng vững chắc trên thị trường trong nước.
Thị trường rộng mở
Thật ra, Công ty cổ phần sữa Đà Lạt (hay Dalat Milk) không phải là sinh sau đẻ muộn. Tiền thân của Cty này là Nông trường Bò sữa Lâm Đồng thành lập từ những năm đầu sau 1975 với cơ sở tại Đơn Dương. Nơi đây đã từng là một điểm sáng của ngành Nông nghiệp Lâm Đồng, từng được không ít lãnh đạo cao cấp Nhà nước khi vào làm việc với Lâm Đồng đến thăm.
Tháng 9/2005, Nông trường được cổ phần hóa; tháng 8/2007, Nhà nước bán lại cổ phần, được một tập đoàn Hàn Quốc mua lại (trên 43% cổ phần). Cty cổ phần sữa Đà Lạt được thành lập với một cái tên gắn với thương hiệu thành phố hoa: Dalat Milk.
Thừa hưởng hầu hết những gì do Nông trường Bò sữa ngày trước để lại, Dalat Milk sở hữu một nông trường rộng đến 560 ha ngay tại xã Tu Tra, Đơn Dương.
Dalat Milk đã nhập bò giống từ Thái Lan về: “Chúng khá thích hợp với môi trường tại đây, sinh trưởng rất tốt” - ông Nguyễn Đức Cường, Phó Tổng Giám đốc Dalat Milk cho biết. Trong hơn 800 con bò sữa Cty đang nuôi, đã có gần 400 con đang sinh sản, 250 trong số này đang cho sữa với sản lượng khoảng 10 tấn sữa tươi/ngày.
Lượng sữa này sẽ còn tăng lên rất nhiều khi cả đàn bò lần lượt cho sữa. Cùng với việc đầu tư giống, trong năm 2007, Dalat Milk đã bắt đầu nhập các thiết bị máy móc từ nước ngoài về theo công nghệ chế biến sữa của Hà Lan. Hiện Dalat Milk có 5 nhóm sản phẩm với 12 loại gồm sữa tươi thanh trùng, sữa chua lên men (yoghurt) cho ăn và uống, bánh sữa và nước giải khát lên men. Trong số này, sữa tươi thanh trùng chiếm 70% doanh số.
Sản phẩm của Dalat Milk hiện nay đã có mặt tại Hà Nội và hầu hết các tỉnh thành từ Đà Nẵng vào đến Cần Thơ. TP HCM là thị trường lớn nhất của Cty, chiếm hơn 80% doanh số. Không chỉ chế biến lượng sữa sản xuất tại Cty, Dalat Milk lâu nay còn thu mua sữa tươi tại các huyện có nuôi bò sữa ở Lâm Đồng với 9 điểm thu mua tại Đức Trọng, Bảo Lộc và chủ yếu tại Đơn Dương. Mỗi ngày, Cty thu mua khoảng 15 tấn sữa tươi từ nông hộ mang về nhà máy để chế biến.
Là doanh nghiệp đi sau rất nhiều đại gia sữa trong nước nhưng theo ông Cường, Dalat Milk có thế mạnh riêng của mình. Ở phía nam hiện nay, một số Cty cũng sản xuất sữa tươi thanh trùng nhưng sản phẩm của Dalat Milk luôn có chất lượng vượt trội và một hương vị độc đáo. Điều này có được chính là nhờ những ưu thế mà cao nguyên Lâm Viên mang lại. “Công nghệ chế biến sữa có thể như nhau nhưng nguồn nguyên liệu đầu vào của chúng tôi có chất lượng cao hơn hẳn so với các cơ sở chế biến sữa ở những nơi khác”.
Đàn bò của Lâm Đồng được nuôi trên cao nguyên có khí hậu mát lạnh quanh năm, thức ăn phong phú, nguồn nước tốt, không khí trong lành. Tại Cty ông, để nâng cao chất lượng sữa tươi, Cty đã trồng riêng các loại cỏ dùng làm thức ăn cho bò, trồng bắp không thu hoạch trái, trái bắp vừa ngậm sữa thì được thu hoạch cho bò ăn. Gần đây, Cty còn nhập khẩu cỏ Alpha từ Mỹ có hàm lượng đạm cao về dùng cho chăn nuôi.
Với nông dân, Cty khuyến khích người nuôi bò sữa trồng bắp cho bò để tạo nên nguồn sữa nguyên liệu có chất lượng cao và sẽ được mua với giá cao hơn. Với chất lượng sữa tươi vượt trội này, Dalat Milk hiện nay là đối tác của nhiều hãng cà phê lớn của thế giới khi vào Việt Nam. Sữa thanh trùng của Cty này được chọn để pha vào cà phê sữa.
Theo ông Cường, thị trường sữa trong nước thật ra rất rộng mở. Nhu cầu về sữa của người Việt ngày càng tăng cao, Việt Nam hiện nay mới chỉ sản xuất khoảng 20% nhu cầu sữa trong nước còn lại là nhập nội. Dự kiến, phải đến năm 2020 cũng chỉ mới đáp ứng được khoảng 40% thị trường nội địa, phải đến 2050 mới cung cấp đủ trong nước.
Với Dalat Milk, bên cạnh việc cải tiến mẫu mã bao bì, tăng cường công tác quảng bá, đẩy mạnh các dịch vụ đi kèm, ông Cường cho biết Cty này sắp đến sẽ mở rộng qui mô nhà máy tại Đơn Dương, nghiên cứu có thêm các dòng sản phẩm mới, tiến đến sản xuất sữa tươi tiệt trùng đóng gói cho thị trường trong nước.
Những tác động tích cực
Sẽ rất thiếu sót nếu không nói đến những tác động tích cực mà Cty này mang lại cho nghề nuôi bò sữa trên đất Lâm Đồng - một nghề như rất nhiều người công nhận là “siêu lợi nhuận” đang đóng góp rất lớn trong giảm nghèo, tiến đến làm giàu cho rất nhiều nông dân hiện nay. Sự xuất hiện của Dalat Milk và gần đây còn có thêm Cty sữa Cô gái Hà Lan với các đại lý thu mua sữa tươi từ các nông hộ nuôi bò sữa đã tạo ra một sự cạnh tranh lành mạnh cho thị trường sữa tươi tại Lâm Đồng. Người nông dân có quyền chọn lựa Cty để bán sản phẩm của mình, không còn cảnh độc quyền về thị trường như trước.
Đặc biệt, trong thời gian gần đây, khi giá sữa tươi khá ổn định (trên 14 nghìn đồng/lít) trong bối cảnh các hàng nông sản khác như cà phê giảm giá đã khiến nhiều nông hộ quay sang đầu tư vào chăn nuôi bò sữa. Đàn bò sữa tại Lâm Đồng đang tăng rất nhanh, từ 3.400 con năm 2009 đến 2013, sau 4 năm, đã tăng lên đến 8.200 con. Bên cạnh việc tăng sinh học tự nhiên, đàn bò sữa Lâm Đồng còn tăng nhanh do việc nông dân tìm mua bò từ nhiều nơi, nhất là từ TPHCM, dù mỗi con bò sữa giống tốt hiện nay phải từ 70-80 triệu đồng trở lên. Đã hình thành không ít các trang trại bò sữa theo mô hình nông hộ, có nhà nuôi đến vài mươi con.
Là một Cty đóng chân trên địa bàn Lâm Đồng, trực tiếp mua sữa tươi từ nông dân nên những năm gần đây, Dalat Milk thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao công nghệ nuôi, chăm sóc bò cho nông dân; khuyến khích người dân có những giải pháp phù hợp trong chăn nuôi để nâng cao chất lượng sữa. Dalat Milk cũng là một địa chỉ có uy tín cung cấp giống bò tốt cho người nuôi bò Lâm Đồng. Trung bình mỗi năm Cty này bán ra khoảng 200 con bò giống cho nông dân. Chủ trương của Lâm Đồng trong những năm đến sẽ đưa tổng đàn bò sữa lên 20 nghìn con. “Lâm Đồng cần có một chương trình riêng cho việc phát triển đàn bò lẫn chất lượng sữa và Cty chúng tôi sẵn sàng có những đóng góp tích cực cho chương trình này” - ông Cường hy vọng.
Theo Tổng cục Thống kê, năm 2012 tổng đàn bò sữa trong cả nước gần 170 nghìn con, tăng gần 17%, sản lượng sữa đạt khoảng 382 nghìn tấn, tăng 10% so với 2011. Tính đến đầu tháng 4/2013, đàn bò sữa đã tăng lên trên 174 nghìn con, sản lượng sữa trên 222 nghìn tấn.
Lâm Đồng hiện đứng thứ 5 trong cả nước với tổng đàn bò sữa 8.200 con, sau TP. HCM (khoảng 85 nghìn con), Nghệ An (trên 28 nghìn con), Sơn La (gần 13 nghìn con), Hà Nội (gần 11 nghìn con). Đàn bò Lâm Đồng hiện nay tương đương với Long An cũng khoảng 8 nghìn con. Một số tỉnh nuôi bò sữa nhiều trong nước khác là Sóc Trăng (trên 4.200 con), Tuyên Quang (khoảng 3.000 con), Vĩnh Phúc (trên 2.700 con) và Bình Dương (khoảng 2.200 con).
Có thể bạn quan tâm
Anh Đàm Đức Thuận, thôn Ngòi Xanh 2, xã Phú Lâm (Yên Sơn) trước đây có hơn 1,2 ha đất chân ruộng cao cấy lúa và trồng cây rau màu nhưng không hiệu quả kinh tế. Năm 2002, anh đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng bằng cách đưa 100 cây bưởi diễn và 50 cây cam đường về trồng thử.
Vỗ béo bò trước khi bán mang lại hiệu quả cao nhờ tăng khối lượng và chất lượng thịt. Vỗ béo là biện pháp tích cực để phát huy khả năng sinh trưởng bù của bò khi ở giai đoạn trước không nuôi thâm canh.
Anh Phan Văn Thảo ở xã Thiện Nghiệp, TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận là một trong những người đi đầu trong việc trồng thử nghiệm mô hình nấm rơm trên bông thải. Bước đầu cho thấy sự khả quan, có thể mở ra cơ hội nâng cao thu nhập cho người dân.
Dù nguồn vốn không lớn nhưng Quỹ hỗ trợ nông dân được xem như “bà đỡ” góp phần tạo điều kiện để nhiều nông dân huyện Phú Ninh chuyển đổi mô hình sản xuất hiệu quả.
Chủ tịch UBND xã Thoại Giang (Thoại Sơn - An Giang) Đinh Văn Hiền cho biết, từ nguồn vốn xóa đói giảm nghèo, 30 hộ nghèo của xã được hỗ trợ 120 triệu đồng thực hiện mô hình nuôi rắn hổ hèo. Với chi phí đầu tư thấp, không đòi hỏi nhiều diện tích, tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên, mô hình này đem lại nguồn lợi nhuận khá lý tưởng cho các hộ nuôi.