Tiền Giang: Phụ Phẩm Rơm Bắt Đầu Có Giá

Trước đây, bà con nông dân ở xã Thanh Bình, huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) thường "giải quyết" rơm - một phế phẩm trong nông nghiệp bằng cách đốt bỏ. Thế nhưng hiện nay, rơm lại đắt hàng, có giá hơn vì có thể phục vụ trồng rẫy, làm thức ăn cho bò...
Từ nhu cầu trồng rẫy...
Nếu ở huyện Cai Lậy, Châu Thành, Tân Phước..., rơm là gánh nặng cho bà con nông dân sau mỗi vụ thu hoạch lúa vì không biết phải xử lý như thế nào, đặc biệt là vào mùa mưa bão, thì ở huyện Chợ Gạo, đặc biệt là ở xã Thanh Bình rơm được bà con trồng rẫy săn lùng...
Khi phong trào trồng rẫy trên đất ruộng ở huyện Chợ Gạo phát triển thì nhu cầu sử dụng rơm phủ lên líp trồng giữ ẩm cho đất cũng tăng lên. "Rơm ở đây đắt hàng lắm! Tôi trồng có một công (1.000 m2) ngò mà mấy ngày nay tìm rơm để phủ lên líp trồng cũng không có" - ông Bùi Phước Đức, xã Thanh Bình, huyện Chợ Gạo cho biết.
Gia đình ông Nguyễn Văn Hải, xã Thanh Bình, huyện Chợ Gạo có 0,5 công đất trồng rau ăn lá cho biết, do đặc thù líp trồng các loại rau ăn lá khác hẳn với líp trồng cây dưa hấu, dưa leo hay khổ qua nên việc sử dụng màng phủ nông nghiệp giữ ẩm cho đất không hiệu quả. Mặt khác, nắng nóng kéo dài trong thời gian qua cũng ảnh hưởng đến khả năng sinh trưởng và phát triển của cây do đất giữ ẩm kém. Chính vì vậy, bà con nông dân ai cùng tìm mua rơm khiến giá "tăng vùn vụt" mà cũng không có để mua.
Không chỉ sử dụng phủ líp trồng rau, rơm còn được bà con nông dân ở các xã trong huyện tìm mua để ủ gốc thanh long. Ông Nguyễn Văn Cần, ngụ xã Thanh Bình nói: "Mấy năm nay, cây thanh long trên đất Chợ Gạo phát triển mạnh lắm! Vụ này, tôi tranh thủ tìm mua 2 ha rơm về ủ gốc thanh long nhưng cũng chỉ mua được có 1 ha rơm thôi."
... Đến làm thức ăn cho bò
Thời điểm này, trên các cánh đồng lúa ở xã Thanh Bình hễ nơi nào thu hoạch lúa là có người đến hỏi mua rơm về làm thức ăn cho bò với giá 1,5 - 1,7 triệu đồng/ha. Chị Nguyễn Thị Ngọc Châu, (ấp Bình Long, xã Thanh Bình, huyện Chợ Gạo) cho biết: "Vào những tháng mùa khô, cỏ tươi hiếm lắm nên bà con ai cũng tranh thủ mua rơm trữ dùng làm thức ăn cho bò khiến giá tăng liên tục".
Theo chị Châu thì giá trị dinh dưỡng của rơm so với các loại cỏ tươi hay thức ăn đậm đặc thấp hơn rất nhiều. Thế nhưng, sau khi đem rơm ủ phân URÊ với liều lượng thích hợp thì vẫn có khả năng đáp ứng đủ dinh dưỡng cho bò, mà giá cả tính ra cũng rẻ hơn rất nhiều so với thức ăn đậm đặc.
Ngoài ra, rơm còn được các chủ xe tải chuyên vận chuyển rau củ, trái cây, đặc biệt là dưa hấu tìm mua để chêm vào các kiện hàng nhằm tránh bị dập khi vận chuyển đi xa. "Năm nào tôi cũng trữ sẵn 2 ha rơm chờ mùa dưa hấu ở xã Phú Cường và Thạnh Lộc (huyện Cai Lậy) đến để đi chở dưa thuê cho bạn hàng" - ông Nguyễn Văn Hùng, chủ xe tải chở thuê ngụ ấp Bình Long, xã Thanh Bình, huyện Chợ Gạo cho biết.
Related news

Nhiều nông dân ở Đức Phú (Tánh Linh) đã và đang lấy cao su làm cây leo để trồng tiêu, chờ ngày mủ cao su được giá trở lại. Việc làm này không chỉ cứu được hàng trăm ha cao su thay vì chặt như một số nơi, còn mở ra một phương pháp xen canh khá hợp lý.

Theo báo cáo của Hội Nông dân TP. Mỹ Tho, trong năm 2013, toàn thành phố đã bình chọn được 4.587 hộ nông dân sản xuất - kinh doanh (XSKD) giỏi 3 cấp, trong đó có 400 hộ đạt danh hiệu nông dân SXKD giỏi cấp tỉnh.

Xử lý ra hoa đậu quả trái vụ tạo được giá trị lợi nhuận cao luôn là mục tiêu nhiều nhà vườn mong muốn đạt đến, nhằm phát huy lợi thế về điều kiện khí hậu, đất đai,nguồn nước và kinh nghiệm trong sản xuất.

Chưa có xã nào ở Bình Thuận lại có số người đến nhập cư đông như Đa Mi, toàn xã hiện có 1.134 hộ là người của 57 tỉnh, thành đến lập nghiệp. Điều đặc biệt là những hộ từ xa đến Đa Mi đều có khát vọng làm giàu và họ thực sự đang giàu lên từng ngày…

Ngoài ra, giá các loại trái cây, như: thanh long ruột đỏ, thanh long ruột trắng, bưởi, cam, mít giá cũng giảm nhẹ. Theo các thương lái, giá các loại trái cây giảm là do nguồn cung dồi dào. Bên cạnh đó, còn do năm nay một số loại trái cây, như: chôm chôm, thanh long, bơ khó xuất bán qua Trung Quốc.