Thương lái Trung Quốc thâu tóm thị trường thanh long Bình Thuận với đủ chiêu trò ép giá
Hiện nay có đến 80% sản lượng thanh long Bình Thuận xuất sang thị trường Trung Quốc. Do đó, khi “thâu tóm” được phần lớn các vựa thanh long tại Bình Thuận, thương lái Trung Quốc “vô tư” làm giá, không chỉ với các thương lái người Việt mà cả với người Trung Quốc yếu cơ hơn…
“Làm xiếc”… với giá thanh long
Chưa bao giờ người dân Bình Thuận lại hồi hộp bán trái thanh long như hiện nay. “Bán thanh long giờ chẳng biết đâu mà lần. Sáng sớm họ mua xa cạ 6.000 đồng/kg, nhưng chỉ đến 10h sáng là giá xuống còn 3.000 – 4.000 đồng/kg. Thời điểm trước, mỗi khi quyết định bán người dân còn nhìn hàng xóm có hàng chín không để cắt. Giờ chẳng ai để ý nữa, cứ chín là bán chứ giữ lại có khi giá xuống thấp lỗ thêm. Bán sản phẩm mình làm ra mà cứ như chơi trò đỏ đen, may rủi vậy”, cô S, nhà xã Hàm Cường, huyện Hàm Thuận Nam lắc đầu ngao ngán.
Với nhà vườn, tình hình giá thanh long biến động thất thường thời gian gần đây đang gây không ít lo lắng, nhất là có thời điểm thanh long đột ngột rớt giá khá thấp chỉ 2.000 đồng/kg. Nhưng với những tay chuyên kinh doanh mua bán thanh long có thâm niên thì đã quá quen với tình trạng này. “Một khi các vựa đã bán hoặc chấp nhận làm “chân rết” cho thương lái Trung Quốc rồi thì chẳng còn quyền hạn gì cả. Giá như thế nào là do họ quyết định, biết người dân mình chịu thiệt nhưng đành bó tay”, H, một cò thanh long thở dài.
Theo “bật mí” của H thì muốn “làm xiếc” với giá thanh long, thương lái Trung Quốc sẽ đặt hàng các vựa vào buổi sáng với số lượng lớn, nhưng đến khoảng 10h sáng thì báo lại chỉ mua với số lượng ít. “Dù sáng sớm đặt 10 container nhưng đến trưa họ chỉ mua 4, 5 container.
Vì hai bên chỉ “hợp đồng miệng” với nhau nên thương lái người Việt đành bán tháo số hàng đã mua hồi sáng để gỡ vốn. Giá xuống thấp là điều tất nhiên”, H bật mí thêm. Nhưng theo tìm hiểu của chúng tôi, chiêu này khoảng một năm trở lại đây thương lái Trung Quốc đã ít dùng. Họ chuyển sang chiêu mới hơn mà ngay cả những người trong nghề cũng “ngao ngán”. T, chủ một cơ sở thu mua thanh long lớn trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam tiết lộ thêm: Hiện nay, thương lái Trung Quốc đã thâu tóm được khoảng 70% số vựa trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.
Nắm bắt được tâm lý của nhà vườn, các “ông chủ” người Trung Quốc chỉ đạo các vựa của mình thường nâng giá vào buổi sáng nhưng chỉ mua với số lượng rất ít, chờ đến chiều bất ngờ hạ giá. Nhiều nhà vườn thấy giá cao vội vàng cắt thanh long đem bán nhưng thương lái quay lưng không mua với nhiều lí do: trái nhỏ, nấm nhiều, chất lượng không đảm bảo…
Không thể treo hàng một khi đã cắt, một số nhà vườn không còn sự lựa chọn nào khác đành ngậm ngùi bán với giá rẻ. Không chỉ nhà vườn mà cả các vựa do người Việt làm chủ cũng chịu thiệt hại không nhỏ trước những chiêu trò “làm giá” điêu luyện của thương lái Trung Quốc. “Hiện nay còn rất ít các vựa người Việt xuất khẩu trái thanh long sang thị trường Trung Quốc. Chủ yếu là làm sân sau, thu gom hàng cho thương lái Trung Quốc. Cách này lời ít hơn nhưng an toàn”, D chủ một vựa nhỏ trên địa bàn huyện Hàm Thuận Bắc cho biết.
Điểm mặt… những “ông trùm”
Theo thông tin chúng tôi có được, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận hiện có khoảng trên 10 “ông trùm” người Trung Quốc chuyên thu mua trái thanh long với số lượng lớn. Những người này thường không ở một nơi cố định. Họ nhập cảnh vào Việt Nam bằng visa du lịch nhằm mục đích đến Bình Thuận để điều hành việc mua bán thanh long.
Hằng ngày các đối tượng này di chuyển khắp Bình Thuận để nắm sản lượng thanh long chín đồng thời định giá mua thanh long. Trong số những “ông trùm” người Trung Quốc đang mua bán trái thanh long Bình Thuận thì A Luc và A Tam nổi lên như những người “có tiềm lực lớn”. Hai người này hiện đang điều hành chuỗi khoảng 5 vựa thanh long có tên HTD. Trước đây, A Luc đã từng làm chung với Công ty xuất khẩu thanh long M.M tại Bình Thuận.
Cách đây hơn 2 năm, A Luc tách ra làm riêng với người chủ là A Xi có công ty tại Trung Quốc. Hiện tại A Luc là ông chủ trực tiếp quản lý trên 10 thương lái Trung Quốc đang hoạt động tại Bình Thuận và thuê lại các vựa thanh long trên địa bàn Hàm Thuận Nam. A Luc trực tiếp điều hành giá cả tại Việt Nam để gom hàng. Ngoài những “chân rết” người Việt, thỉnh thoảng cũng có một vài thương lái Trung Quốc đến trực tiếp các nhà vườn tìm hiểu, thu mua thanh long và giao tiếp bằng tiếng Việt khá sõi.
Đối với A Tam người đang cộng tác với A Luc đã từng có thời gian thu mua cá cơm ở Mũi Né. Cũng những chiêu trò đang áp dụng với trái thanh long, người này đã làm cho không ít người dân sản xuất cá cơm điêu đứng. “Hợp tác làm ăn với thương lái Trung Quốc như cầm dao đằng lưỡi vậy. Không biết họ sẽ xù mình bất cứ lúc nào”, anh T cho biết. Ngoài A Luc và A Tam, trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam ai cũng biết đến hai người Trung Quốc khác hiện đang ở trong một vựa thanh long tại xã Hàm Minh. Độ tuổi của họ khoảng 26 – 27 và thường xuyên xuất hiện tại thị trấn Thuận Nam để điều hành hoạt động mua bán trái thanh long.
Theo điều tra của chúng tôi, hiện nay thương lái Trung Quốc không dừng ở việc mua bán trái thanh long tại thị trường Bình Thuận mà đang mở rộng thị trường sang các tỉnh khác, cụ thể là Long An. Nếu không có biện pháp xử lý kịp thời thì khả năng trái thanh long Bình Thuận sẽ đi vào “vết xe đổ” của trái dưa hấu tỉnh Quảng Ngãi vừa qua.
Thống kê của huyện Hàm Thuận Nam cho biết, trong tổng số 126 cơ sở thu mua thanh long trên toàn huyện, có 33 cơ sở thường xuyên hợp tác với thương lái Trung Quốc, 20 cơ sở có thương lái Trung Quốc trực tiếp thu mua thanh long từ các nhà vườn và 5 cơ sở đang được người Trung Quốc thuê lại làm ăn.
Có thể bạn quan tâm
Thạch Đỉnh là một trong những xã nghèo của huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Đầu năm 2014, Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh đã kết hợp với UBND xã Thạch Đỉnh xây dựng mô hình trình diễn "Nuôi tôm thẻ chân trắng theo hướng bền vững trong ao đất có quạt nước" do anh Lê Văn Loan làm chủ mô hình.
Thủy sản được đánh giá là một trong những lợi thế góp phần chuyển dịch cơ cấu vật nuôi, phát triển kinh tế hộ. Tuy nhiên, vào mùa mưa, nguồn lợi này thường bị ảnh hưởng nghiêm trọng do mưa lũ, dịch bệnh. Vì vậy, người nuôi thủy sản cần chủ động các biện pháp đối phó để nguồn lợi thủy sản phát triển bền vững, hiệu quả.
Thực hiện chỉ đạo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ trung tuần tháng 4, Trung tâm Khuyến nông phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện Yên Định triển khai thực hiện mô hình nuôi gà ri lai Đabacô theo hướng nông hộ có kiểm soát tại xã Yên Lâm.
Nói đến con trâu, bò người ta thường nghĩ ngay đến mục đích sử dụng sức kéo để phục vụ sản xuất. Tuy nhiên, trâu, bò ở xã Mai Tùng, huyện Hạ Hòa (Phú Thọ) còn có một tên gọi khác đó là “con xoá đói giảm nghèo bền vững”.
Theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 7/7/2014 và có hiệu lực từ 25/8/2014 về một số chính sách phát triển thủy sản, đối với đóng mới tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ vỏ thép, chủ tàu được vay vốn ngân hàng thương mại tối đa 95% tổng giá trị đầu tư đóng mới với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu trả 1%/năm, ngân sách nhà nước cấp bù 6%/năm.