Thương hiệu gạo quốc gia không chỉ là cái logo đẹp
Theo thống kê của Bộ NNPTNT, từ đầu năm đến nay, xuất khẩu gạo ở mức khá, gần 5 triệu tấn với giá trị đạt gần 2 tỷ USD.
Nếu tính cả hợp đồng xuất khẩu gạo vừa ký với Philippines 450.000 tấn và 1 triệu tấn với Indonsia thì từ nay tới cuối năm chúng ta vẫn sẽ đạt mục tiêu đề ra.
Nếu xét ở góc độ kế hoạch, xuất khẩu gạo vẫn thắng lợi.
Giá thu mua lúa của các doanh nghiệp ở ĐBSCL hiện đã tăng lên.
Đây là tín hiệu vui cho người nông dân. Tuy nhiên, xét ở giá trị xuất khẩu, TS Lê Văn Bảnh – Phó Cục trưởng Cục Chế biến thương mại nông lâm thuỷ sản và nghề muối (Bộ NNPTNT) cho rằng, dù xuất khẩu có đạt mục tiêu đề ra nhưng giá xuất khẩu từ đầu năm đến nay đã giảm khoảng 15% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá xuất khẩu bình quân cũng đạt thấp, chỉ ở mức hơn 400 USD/tấn tại nước nhập khẩu, tức là chỉ đạt mức giá khoảng 317 USD/tấn tại Việt Nam.
Với mức này, giá gạo chỉ đạt khoảng 8.000 đồng/kg loại gạo 15% tấm. Trong khi, người Việt Nam đang phải ăn gạo với giá trung bình là 10.000 đồng và loại ngon vẫn phải mua 18.000 – 20.000 đồng/kg trở lên.
Tức là, chúng ta đang mang gạo bán với giá rất rẻ, rẻ hơn cả mức người tiêu dùng trong nước phải bỏ tiền ra mua gạo ăn.
Giá gạo xuất khẩu thấp thì doanh nghiệp thu mua từ người dân cũng thấp, đó là một điều đáng lo ngại cho ngành trồng lúa.
Mới đây, trong cuộc họp của VFA, đại diện các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cho biết, hiện gạo thơm đang xuất khẩu rất được giá nhưng lượng gạo thơm xuất khẩu chỉ chiếm 26%, còn lại chủ yếu xuất khẩu gạo trắng hạt dài.
TS Lê Văn Bảnh cho rằng, Việt Nam cần phải tổ chức lại sản xuất để đẩy chất lượng gạo lên, từ đó có được những thị trường gạo chất lượng với giá bán cao, nâng cao giá trị gia tăng cho người nông dân.
Bộ NNPTNT đã được giao nhiệm vụ xây dựng thương hiệu gạo quốc gia. Tuy nhiên, theo TS Lê Văn Bảnh nếu chỉ thu mua hàng chục loại gạo khác nhau rồi về trộn với nhau đem đi bán như hiện nay thì không bao giờ có thương hiệu gạo Việt.
Thậm chí, loại gạo đó còn có nguy cơ bị kiện vì gian lận thương mại vì chất lượng không đồng nhất. Suy cho cùng, xây dựng thương hiệu gạo không chỉ là tạo ra cái “logo” đẹp.
Điều quan trọng là phải kéo được doanh nghiệp tham gia, vì chỉ có doanh nghiệp mới biết được nhu cầu của đối tác, rồi mới tính đến sản xuất.
Doanh nghiệp khi đã có “đầu ra” phải tổ chức sản xuất, xây dựng vùng nguyên liệu, sử dụng giống, quy trình canh tác, thuốc bảo vệ thực vật… đảm bảo các tiêu chuẩn của đối tác với số lượng lớn, đồng nhất.
Từ đó mới dần xây dựng uy tín và thương hiệu bền vững cho hạt gạo của Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Có thể bạn quan tâm
Hiện nay tại các tỉnh Tây Nguyên nói chung và Đak Lak nói riêng các vườn cà phê này đang bước vào thời kỳ già cỗi, tốc độ sinh trưởng phát triển giảm mạnh, năng suất kém nên vấn đề cưa đốn phục hồi vườn cây cần được áp dụng cấp bách trong canh tác hiện nay.
Măng cụt được xem là một trong loại trái cây ngon, đặc sản của vùng ĐBSCL và một số tỉnh miền Đông Nam bộ. Thế nhưng, giá bán của loại trái cây đặc sản này có xu hướng ngày càng giảm trong những năm gần đây, nhất là khi vào mùa thu hoạch rộ.
Về công việc cụ thể, ông Xuân nói sẽ đi theo 2 hướng nuôi bò sinh sản và vỗ béo bò thịt. Đơn giản ông nghĩ ông cha ta ngày xưa nuôi bò chỉ chăn thả ngoài đồng, lấy công làm lãi thì nay có vốn đầu tư sẽ nuôi bò để làm giàu. Sau thời gian vừa xây dựng chuồng trại, vừa bắt bò về nuôi ông Xuân đã có đôi chút kinh nghiệm với nghề.
Đến nay, tỉnh Sóc Trăng đã thả nuôi được gần 35.500 ha tôm nước lợ, trong đó diện tích tôm thẻ chân trắng (TTCT) hơn 22.000 ha, tăng gấp 3,5 lần so với cùng kỳ.
Cà phê thế giới tăng kéo giá cà phê Việt Nam tăng theo. Theo Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại - Bộ Công Thương (VITIC), sáng 1/8, giá cà phê nhân xô các tỉnh Tây Nguyên đã có phiên tăng thứ 4 liên tiếp với mức tăng rất mạnh 1,2 triệu đồng/tấn lên 40,8-41,6 triệu đồng/tấn.