Thuế Chống Bán Phá Giá Cao Tại Mỹ Khiến Giá Tôm Giảm Mạnh

Những ngày gần đây, tôm nuôi nước lợ tại các vùng nuôi tôm trọng điểm thuộc các tỉnh ven biển ĐBSCL đang vào thời điểm thu hoạch cuối vụ, sản lượng tôm ít nhưng giá tôm lại giảm mạnh. Nguyên nhân khiến giá tôm nguyên liệu giảm được nhận định là do thuế chống bán giá (CBPG) cao đối với mặt hàng tôm tại thị trường Hoa Kỳ.
Ông Nguyễn Văn Bình, chủ doanh nghiệp thu mua tôm tại thị trấn Vàm Láng, huyện Gò Công Đông (Tiền Giang) cho biết, thuế CBPG cao tại thị trường Mỹ khiến giá tôm XK vào thị trường này thấp. Các nhà nhập khẩu tôm tại các thị trường khác cũng nhìn vào giá tôm tại thị trường Mỹ để ép giá nhập khẩu tôm Việt Nam. Kết quả là giá tôm nguyên liệu trong nước những ngày qua tiếp tục giảm mạnh dù sản lượng tôm thu hoạch giảm mạnh.
Theo nông dân nuôi tôm Trần Quang Hai ở xã Phú Đông, huyện Gò Công Đông (Tiền Giang), so với tuần trước thì giá tôm sú và tôm thẻ chân trắng các loại đều giảm 10.000 đồng/kg, mặc dù khu vực này không còn nhiều ao tôm chưa thu hoạch.
Hiện nay, tôm sú loại 40 con/kg có giá 160.000-170.000 đồng/kg, giảm so với 170.000-180.000 đồng/kg của tuần trước; tôm sú loại 30 con/kg có giá 200.000-205.000 đồng/kg, giảm so với 210.000-220.000 đồng/kg; tôm thẻ chân trắng loại 60 con/kg có giá 120.000-125.000 đồng/kg, giảm so với 130.000-135.000 đồng/kg...
Trước đó, ngày 19/9, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã công bố kết quả cuối thuế CBPG tôm Việt Nam xuất khẩu (XK) vào Hoa Kỳ cho đợt xem xét hành chính từ 1/2/2012 đến 31/1/2013 (POR8). Cụ thể, các công ty XK tôm Việt Nam bị áp mức thuế cao nhất từ trước đến nay. Trong đó Tập đoàn Thủy sản Minh Phú chịu mức thuế 4,98%, Công ty cổ phần Thủy sản Sóc Trăng (STAPIMEX) 9,75% và 30 công ty bị đơn khác 6,37%. Mức thuế chung cho toàn quốc là 25,76%.
Trước đó, trong tháng 3, theo kết quả sơ bộ của đợt xem xét hành chính lần thứ 8 này, DOC đã xác định tất cả các công ty Ấn Độ, Thái Lan và Việt Nam đã XK tôm vào thị trường Mỹ với giá thấp hơn giá trị hợp lý, tức là đã bán phá giá tại thị trường này. Do đó, DOC đã quyết định mức thuế cao đối với tôm NK từ Việt Nam.
Có thể bạn quan tâm

Bằng sự nhạy bén, năng động, dám nghĩ, dám làm trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng nhiều mô hình sản xuất mới phù hợp, nhiều nông dân trên địa bàn huyện Phụng Hiệp trở thành những tấm gương tiêu biểu trong lao động sản xuất.

Ông Phạm Thành Chung - Trưởng trạm Khuyến nông - khuyến lâm huyện Điện Bàn cho hay, trong năm 2014, Trạm Khuyến nông - khuyến lâm huyện đã xây dựng một số mô hình hỗ trợ người dân nuôi thủy sản nước ngọt, nước lợ góp phần cải thiện kinh tế.

Du nhập, sử dụng những loại cây, con có giá trị kinh tế là việc cần thiết. Nhưng như thế không có nghĩa chúng được ưu tiên, bỏ qua giai đoạn khảo kiểm nghiệm, bởi không phải cây, con nào di thực về Quảng Ngãi cũng mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Sau khi có điện lưới quốc gia, người dân Lý Sơn vui mừng khôn xiết. Với các chủ tàu cá thì niềm vui ấy được nhân đôi, vì giờ đây trên đảo đã có cơ sở sửa chữa tàu thuyền, họ không còn phải tốn chi phí, thời gian đưa tàu vào đất liền để sửa chữa một khi bị hư hỏng.

Thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TƯ, ngày 5/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X), Chương trình hành động số 72-CTHĐ/ TU, ngày 31/12/2008 của Tỉnh ủy (khóa XV) Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2010-2020 của Chính phủ, trong những năm qua, tình hình xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã đạt được một số kết quả bước đầu rất quan trọng.