Cá Chẽm Loay Hoay Tìm Chỗ Đứng
Sau khi Dự án cạnh tranh nông nghiệp (ACP) hoàn tất việc thực hiện thí điểm các mô hình nuôi cá chẽm và được đánh giá là khá thành công trên địa bàn tỉnh Dak Lak, đến nay, người dân vẫn chưa mặn mà với việc ứng dụng nhân rộng loại cá này. Nguyên nhân được đánh giá là do chi phí nuôi cao, đầu ra không ổn định…
Nuôi thí điểm thành công
Dak Lak được đánh giá là tỉnh có tiềm năng phát triển nghề nuôi trồng thủy sản đứng đầu khu vực Tây Nguyên với hệ thống thủy vực đa dạng, điều kiện tự nhiên thuận lợi, đã nuôi thành công nhiều đối tượng thủy sản có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên hiện nay, các đối tượng nuôi chủ yếu vẫn là các loại cá truyền thống như trắm cỏ, trôi, mè, chép... (chiếm 80%) có giá trị kinh tế thấp, chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh. Năm 2012, Sở NN-PTNT đã phê duyệt đề án nuôi thử nghiệm cá chẽm trên địa bàn tỉnh với nguồn giống thuần từ môi trường nước lợ tự nhiên sang nuôi nước ngọt, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho người nuôi cá trên địa bàn.
Thông qua Dự án cạnh tranh nông nghiệp (ACP) đã triển khai đồng loạt 12 mô hình thử nghiệm nuôi thâm canh cá chẽm tại xã Cư Ni (huyện Ea Kar), xã Quảng Tiến (Cư M’gar) và xã Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột) trong thời gian từ tháng 7-2012 đến 5-2013. Mỗi mô hình được đầu tư, hỗ trợ 100% về nguồn cá giống, thức ăn viên tổng hợp và tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật nuôi hiệu quả; kết hợp với việc tổ chức các buổi hội thảo đầu bờ, tuyên truyền trên kênh thông tin đại chúng… nhằm giới thiệu đến người dân trong vùng dự án nói riêng và trên địa bàn toàn tỉnh nói chung nhân rộng phát triển.
Ông Nguyễn Thi Sách, thôn 4, xã Ea Kao là người thực hiện mô hình thí điểm cho biết, cá chẽm là đối tượng nuôi mới được người dân trong vùng đánh giá rất cao bởi tính chất dễ nuôi, tạp ăn, ít bị bệnh, nhanh lớn và chất lượng thịt cá thơm ngon. Theo ông Sách, muốn cá chẽm phát triển tốt, tránh bị hao hụt thì phải giữ cho môi trường sinh sống ổn định, hạn chế tình trạng biến động nguồn nước, thì người nuôi mới thu được lợi nhuận cao.
Tương tự, hộ anh Nguyễn Văn Toại ở xã Quảng Tiến, huyện Cư M’gar nuôi thử nghiệm hơn 1.700 con cá chẽm trên diện tích 700 m2, sau 8 tháng thực hiện dưới sự giám sát, hướng dẫn cụ thể của các kỹ thuật viên chuyên ngành thủy sản tỉnh, kết quả cho thấy, cá phát triển rất đồng đều, trọng lượng bình quân đạt từ 0,8 - 1 kg/con, nếu trừ đi phần vốn đầu tư của dự án ACP (mỗi mô hình là 30 triệu đồng) thì gia đình anh thu lãi hơn 20 triệu đồng.
Theo kinh nghiệm của anh, nuôi cá chẽm cần phải cải tạo ao kỹ, diệt hết cá tạp, đảm bảo hệ thống bờ ao không bị rò rỉ cá ra ngoài. Thức ăn cho cá chẽm là cám viên tổng hợp có bán sẵn trên thị trường như thức ăn của các loại cá khác nên rất thuận lợi cho người nuôi.
Ông Nguyễn Quốc Hoàn, Phó giám đốc Dự án Cạnh tranh nông nghiệp tỉnh chia sẻ: Việc triển khai thực hiện đề tài “Chuyển giao quy trình kỹ thuật nuôi thương phẩm cá chẽm thâm canh tại địa bàn tỉnh” được đánh giá là rất thành công, cá sinh trưởng và phát triển tốt, không bị dịch bệnh, tỷ lệ sống đạt từ 70-80%, rất phù hợp với địa bàn tỉnh, đã giúp người dân địa phương làm quen và tiếp cận với đối tượng nuôi mới. Đây được xem là loại thủy sản có giá trị kinh tế cao, do đó cần được nhân rộng để góp phần nâng cao thu nhập cho bà con nông dân.
Người dân vẫn chưa mặn mà
Mặc dù thời gian thực hiện thí điểm mô hình nuôi cá chẽm đã kết thúc gần 4 tháng với những kết quả khả quan, song đến nay, người dân tại các vùng dự án nói riêng, trong tỉnh nói chung và ngay cả những hộ mới thực hiện xong các mô hình trên vẫn chưa có ý định nuôi tiếp hay nhân rộng.
Nguyên nhân được xác định là do đầu ra của cá chẽm thương phẩm chưa ổn định, thị trường Dak Lak còn khá bỡ ngỡ với loại sản phẩm này. Anh Lê Văn Hòa ở xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột cho hay, qua những lần tham gia hội thảo đầu bờ tại các mô hình nuôi cá chẽm thử nghiệm trên địa bàn xã Ea Kao thì tất thảy bà con đều công nhận rằng loại cá này có khả năng sinh trưởng, phát triển rất tốt, phù hợp với điều kiện sinh sống tại địa bàn.
Tuy nhiên, đầu ra của cá thương phẩm rất khó bán, nên bà con chưa thực sự mặn mà với việc nhân rộng. Thông qua việc triển khai mô hình thí điểm, mặc dù ngành thủy sản tỉnh đã bước đầu liên hệ tìm đầu ra cho sản phẩm cá chẽm tại một số siêu thị, chợ quy mô lớn trên địa bàn tỉnh với giá bán 150.000 - 180.000 đồng/kg, nhưng bà con cũng chỉ bán được với số lượng rất ít, còn phần lớn đều phải tự liên hệ bán cho các tiểu thương với giá quá rẻ từ 40.000 - 60.000 đồng/kg.
Trong khi đó theo người dân đánh giá, nếu thực hiện việc nuôi loại cá này thì phải đầu tư vốn khá tốn kém, chưa kể nguồn cá giống trên thị trường địa bàn Tây Nguyên chưa có, thường phải nhập từ các tỉnh phía nam với giá từ 15.000 - 20.000 đồng/con giống nên nuôi khó có lãi, vì vậy loại cá này xem ra vẫn không thể bằng việc nuôi cá truyền thống.
Bà Đặng Thị Tuyết, người thực hiện mô hình thí điểm nuôi cá chẽm tại xã Ea Kao nhận định: Nếu sản phẩm cá chẽm có đầu ra ổn định với giá từ 130.000 đồng/kg trở lên thì sẽ thu hút rất nhiều người nuôi, do đặc tính của cá chỉ nuôi độc canh trên một diện tích ao, nếu nuôi xen với các loại cá khác rất kém hiệu quả nên suốt quãng thời gian nuôi, thu nhập của bà con chỉ trông chờ vào một loại cá, nếu khi bán ra giá dưới 100.000 đồng/kg thì không có lãi.
Với cương vị là nhà đầu tư, giới thiệu con giống mới, ông Nguyễn Quốc Hoàn nhận định: Mong rằng sắp tới các ngành, đơn vị chức năng tỉnh sẽ có những biện pháp hiệu quả nhằm khuyến cáo bà con nhân rộng mô hình hay này. Muốn làm được như vậy thì trước mắt cần mở rộng việc liên kết với các ngân hàng, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh nhằm tìm nguồn hỗ trợ vốn đầu tư và bao tiêu đầu ra ổn định cho sản phẩm này.
Một khi đã có đầu ra ổn định thì nhu cầu nuôi của bà con ắt sẽ tăng lên và lúc đó việc nhân giống loài cá này trên địa bàn tỉnh là điều không khó khăn gì, mà chất lượng cá giống sẽ được bảo đảm, giá thành rẻ hơn nhiều so với việc nhập ngoài tỉnh về.
Có thể bạn quan tâm
Trong những năm qua, nghề trồng nấm ở Thanh Oai (Hà Nội) đã phát triển mạnh và đem lại hiểu quả kinh tế cao cho người sản xuất nấm, đồng thời giải quyết việc làm cho một lượng lớn lao động tại các địa phương.
Nếu Đề án Chuỗi giá trị tôm, cá toàn cầu của Minh Phú có cơ hội được thực hiện đầy đủ, doanh nghiệp này sẽ trở thành nhà sản xuất và chế biến xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế giới.
Ông Nguyễn Hữu An, Chi cục trưởng Chi cục BVTV An Giang, cho biết: 6 tháng đầu năm Chi cục ra quân 16 cuộc thanh, kiểm tra 105 Cty, DN, đại lý, cửa hàng buôn bán VTNN trên địa bàn, đã phát hiện nhiều sai phạm trong kinh doanh và sản xuất thuốc BVTV.
Ngày 21/7, Cty TNHH CJ Vina Agr (Hàn Quốc) đưa vào hoạt động nhà máy SX, chế biến thức ăn gia súc, gia cầm và thủy sản tại KCN Dầu Giây, huyện Thống Nhất (Đồng Nai).
Nhu cầu về nguồn thức ăn thô xanh cho chăn nuôi đang là vấn đề hết sức cấp bách cho ngành trồng trọt, nhất là trước bối cảnh chăn nuôi đại gia súc, đặc biệt là bò sữa đang có sự bứt phá mạnh mẽ.