Thuế Chống Bán Phá Giá Cao Tại Mỹ Khiến Giá Tôm Giảm Mạnh
Những ngày gần đây, tôm nuôi nước lợ tại các vùng nuôi tôm trọng điểm thuộc các tỉnh ven biển ĐBSCL đang vào thời điểm thu hoạch cuối vụ, sản lượng tôm ít nhưng giá tôm lại giảm mạnh. Nguyên nhân khiến giá tôm nguyên liệu giảm được nhận định là do thuế chống bán giá (CBPG) cao đối với mặt hàng tôm tại thị trường Hoa Kỳ.
Ông Nguyễn Văn Bình, chủ doanh nghiệp thu mua tôm tại thị trấn Vàm Láng, huyện Gò Công Đông (Tiền Giang) cho biết, thuế CBPG cao tại thị trường Mỹ khiến giá tôm XK vào thị trường này thấp. Các nhà nhập khẩu tôm tại các thị trường khác cũng nhìn vào giá tôm tại thị trường Mỹ để ép giá nhập khẩu tôm Việt Nam. Kết quả là giá tôm nguyên liệu trong nước những ngày qua tiếp tục giảm mạnh dù sản lượng tôm thu hoạch giảm mạnh.
Theo nông dân nuôi tôm Trần Quang Hai ở xã Phú Đông, huyện Gò Công Đông (Tiền Giang), so với tuần trước thì giá tôm sú và tôm thẻ chân trắng các loại đều giảm 10.000 đồng/kg, mặc dù khu vực này không còn nhiều ao tôm chưa thu hoạch.
Hiện nay, tôm sú loại 40 con/kg có giá 160.000-170.000 đồng/kg, giảm so với 170.000-180.000 đồng/kg của tuần trước; tôm sú loại 30 con/kg có giá 200.000-205.000 đồng/kg, giảm so với 210.000-220.000 đồng/kg; tôm thẻ chân trắng loại 60 con/kg có giá 120.000-125.000 đồng/kg, giảm so với 130.000-135.000 đồng/kg...
Trước đó, ngày 19/9, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã công bố kết quả cuối thuế CBPG tôm Việt Nam xuất khẩu (XK) vào Hoa Kỳ cho đợt xem xét hành chính từ 1/2/2012 đến 31/1/2013 (POR8). Cụ thể, các công ty XK tôm Việt Nam bị áp mức thuế cao nhất từ trước đến nay. Trong đó Tập đoàn Thủy sản Minh Phú chịu mức thuế 4,98%, Công ty cổ phần Thủy sản Sóc Trăng (STAPIMEX) 9,75% và 30 công ty bị đơn khác 6,37%. Mức thuế chung cho toàn quốc là 25,76%.
Trước đó, trong tháng 3, theo kết quả sơ bộ của đợt xem xét hành chính lần thứ 8 này, DOC đã xác định tất cả các công ty Ấn Độ, Thái Lan và Việt Nam đã XK tôm vào thị trường Mỹ với giá thấp hơn giá trị hợp lý, tức là đã bán phá giá tại thị trường này. Do đó, DOC đã quyết định mức thuế cao đối với tôm NK từ Việt Nam.
Related news
Trong chuyến đi công tác tại huyện Lạng Giang, chúng tôi được biết Tân Thanh là xã có nhiều mô hình phát triển kinh tế trang trại đạt hiệu quả cao. Một trong số đó có hộ gia đình ông Nguyễn Văn Chiến ở thôn Mải Hạ làm giàu từ trang trại tổng hợp vườn- chuồng. Với tổng diện tích 2,7 ha trồng vải và nuôi các loài động vật hoang, mỗi năm ông Chiến thu về 200-300 triệu đồng.
Phát huy tiềm năng, lợi thế của huyện đầu nguồn Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp đã củng cố và phát triển mạnh nghề nuôi cá tra giống và trở thành một trong những địa chỉ cung cấp cá giống hàng đầu của tỉnh và đồng bằng sông Cửu Long.
Năm 2013, huyện Sơn Động (Bắc Giang) dành hơn 5,8 tỷ đồng trong số hơn 29 tỷ đồng thực hiện Chương trình quốc gia giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a của Chính phủ để hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp.
Trong những năm gần đây, nhờ chăn nuôi ngựa sinh sản, gia đình ông Trương Thuỷ Long ở làng Chả, xã vùng cao Phong Vân (Lục Ngạn – Bắc Giang) không chỉ thoát được nghèo mà còn vươn lên trở thành hộ có kinh tế khá điển hình trong xã.
Anh Huỳnh Văn Thu ở thôn Thọ Đông, xã Tịnh Thọ, huyện Sơn Tịnh lớn lên ở vùng đất không được thiên nhiên ưu đãi. Năm 1998, anh lập gia đình riêng, 2 vợ chồng và các con chỉ sống nhờ vào 3 sào ruộng lúa, thu nhập không đủ sống. Anh phải đi làm đủ nghề khác vất vả mà vẫn không kiếm thêm được bao nhiêu. Thế rồi vợ chồng anh bàn bạc và quyết định phải chuyển sang chăn nuôi lợn.