Thực Hiện Niềm Đam Mê, Nghiêm Gia Dũng Bỏ Phố Lên Rừng Nuôi Gà Chín Cựa
Đang làm cho một chi nhánh ngân hàng với mức thu nhập ổn định, chàng trai ấy quyết định bỏ phố về quê nuôi gà chín cựa, loài gà tưởng chừng chỉ có trong truyền thuyết. Trải qua không ít gian nan, cuối cùng, anh đã thành công trong sự khâm phục của nhiều người.
Bỏ ngân hàng làm trang trại
Trong khi không ít người rời bỏ làng quê lên thành phố với hy vọng có một cuộc sống tốt đẹp hơn thì Nghiêm Gia Dũng lại quyết định lên rừng thuê đất làm trang trại. Với hơn 10ha, trang trại của anh hiện nuôi nhiều loài đặc sản như: gà chín cựa, gà Đông Tảo, chim trĩ, vịt trời…
Vốn sinh ra và lớn lên tại TP.Hồ Chí Minh, học xong, Dũng xin vào làm nhân viên tín dụng tại Sacombank Chi nhánh Chợ Lớn (quận 5) với mức lương gần 10 triệu đồng/tháng. Với nhiều người, cuộc sống như vậy có thể xem là thành công. Thế nhưng, dù chưa một ngày làm nông dân thì niềm đam mê với đồng đất, cây cối và đặc biệt là những chú gà chín cựa đã khiến Dũng bỏ ngang công việc vốn là mơ ước của nhiều người.
Năm 2010, Dũng quyết định bỏ việc ở ngân hàng về ấp 6, xã Bàu Cạn (Long Thành - Đồng Nai) thuê 10ha đất để làm trang trại. “Nhiều người bảo tôi điên nhưng đã là đam mê thì khó dứt lắm, thêm nữa tôi là người thích tự do, không muốn gò bó nên vẫn quyết thực hiện dự định của mình”, Dũng tâm sự.
Thế là với hơn 700 triệu đồng tích cóp được từ những năm đi làm cộng thêm vay mượn của bố mẹ, người thân, Dũng đem đầu tư hết vào trang trại. Những ngày đầu, Dũng quyết định thực hiện theo phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, đầu tư vào những sản phẩm nhanh cho thu hoạch để thu hồi vốn. Anh cho đào ao nuôi cá lăng; làm chuồng nuôi chim trĩ, gà Đông Tảo; ươm cây giống bán để nhanh có thu nhập.
Suốt ngày quần quật ở vườn ươm cây giống, bên những đàn gà, mấy hồ cá lăng nên chỉ sau một thời gian ngắn, từ chàng trai thành phố, Dũng đã trở thành nông dân chính hiệu. Trời không phụ lòng người, chỉ trong thời gian ngắn, trang trại của Dũng đã cho những thành quả đầu tiên. Cũng chính lúc này Dũng mới bắt tay vào thực hiện ước mơ ấp ủ bấy lâu của mình: Nuôi gà chín cựa.
Đưa gà chín cựa về phương Nam
“Ai là người Việt, từng cắp sách đến trường thì hẳn đều biết gà chín cựa, lễ vật thách cưới con gái Mỵ Nương của Vua Hùng đối với 2 chàng trai Sơn Tinh, Thủy Tinh, thế nhưng lúc nhỏ tôi nghĩ nó chỉ có trong truyền thuyết. Lớn lên tôi mới biết nó có thực ngoài đời nên quyết tâm một ngày nào đó sẽ nuôi được giống gà này”, Dũng tâm sự về niềm đam mê của mình.
Thông qua sách vở, tài liệu, internet..., cuối cùng Dũng cũng tìm được quê hương của giống gà chín cựa quý hiếm ở bản Cỏi, xã Xuân Sơn (Tân Sơn - Phú Thọ). Đầu năm 2013, sau khi gom góp tiền bạc, Dũng quyết định ra tận quê hương của giống gà chín cựa để mua về nhân giống. Lần đầu ra Bắc, anh mua liền mấy cặp gà 7, 8 cựa đem về.
Nhưng sau đó Dũng mới biết những cặp gà anh mua chỉ là gà lai. Thất vọng nhưng không nản chí, Dũng lại bay ra tìm mua cho được giống gà chín cựa thuần chủng. Lần thứ hai ra bản Cỏi, qua tìm hiểu Dũng được biết, chỉ duy nhất nhà trưởng bản là có cặp gà chín cựa màu trắng quý hiếm. Biết được thông tin, anh liền tìm đến hỏi mua, nhưng dù năn nỉ thế nào ông cũng không chịu bán.
Mê mẩn trước vẻ đẹp của cặp gà, Dũng ở lại nhà trưởng bản cả tháng trời không về. Trong thời gian ở lại đây, anh tìm hiểu và biết được sở thích uống rượu của ông trưởng bản, thế là Dũng quay về Phú Thọ mua gần 40 lít rượu ngon lên biếu ông.
Cảm kích trước tấm lòng và niềm đam mê của chàng trai phương Nam, ông trưởng bản biếu luôn cho Dũng cặp gà và chỉ dẫn cách chăm sóc. Quá bất ngờ và vui mừng, Dũng quyết định mua vé máy bay cho người và gà về TP.Hồ Chí Minh. “Lúc đó mặc dù rất mừng nhưng sợ đi lâu gà chết dọc đường nên tôi mua luôn vé cho người và gà cùng bay”, Dũng kể.
Về tới nơi, vì sợ gà chưa quen với khí hậu miền Nam nên Dũng không dám rời những chú gà quý nửa bước. Từ thức ăn, nước uống đến giấc ngủ của gà anh đều quan sát và theo dõi cẩn thận. Sau một thời gian, khi thấy gà dần thích nghi với môi trường sống mới thì anh cho xây chuồng trại, mua máy ấp trứng, bắt đầu cho gà sinh sản...
“Lứa gà đầu tiên, tôi lo lắm. Từ ngày trứng nở, tôi gần như không ngủ được, cứ muốn thức để xem những chú gà con ra đời có đúng với kỳ vọng của mình không. Bởi gà chín cựa khi mới nở đã có thể thấy mỗi bên chân ba cựa, khi trưởng thành, một số con mỗi bên chân sẽ mọc thêm 1-2 cựa nữa”.
Bước đầu thành công với mô hình trang trại nhưng tham vọng của Dũng không dừng lại ở đó. Với hơn 10ha đất, Dũng tiến hành trồng thiên ngân, một loài cây lấy gỗ có nguồn gốc từ Thái Lan. Dũng cho biết, thiên ngân là cây lấy gỗ phù hợp với khí hậu của địa phương, tốc độ sinh trưởng nhanh nên hiệu quả kinh tế cao.
“Chu kỳ trồng thiên ngân cũng như cây tràm, tuy nhiên mỗi cây cho trung bình 1m3 gỗ, bán với giá 5 triệu đồng/m3, trừ chi phí, tôi có thu khoảng 1 tỷ đồng/ha, cao hơn nhiều so với trồng tràm. Năm năm nữa, khi 10ha thiên ngân cho thu hoạch, chắc tôi thành tỷ phú thiệt”, Dũng vừa đùa, vừa chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm
Năm 2013, được tiếp cận nguồn vốn 20 triệu đồng từ Dự án đầu tư cải tạo chăm sóc cà phê, hồ tiêu do Hội Nông dân huyện hỗ trợ, ông K’Đum, ở bon Bu N’đor, xã Đắk Wer đã mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật về chăm sóc, phòng bệnh cho vườn cà phê. Mặc dù nguồn vốn được hỗ trợ không nhiều, nhưng đã giúp gia đình vượt qua thời điểm khó khăn lúc đó, cũng như có thêm nguồn vốn để đầu tư tốt cho cây trồng.
Ông Lê Văn Hòa là nông dân giàu kinh nghiệm về nuôi trồng thủy sản tại xã Trà Cổ (huyện Tân Phú). Ông cũng là người đi tiên phong trong việc thử nghiệm và nuôi thành công cá tầm, giống cá xứ lạnh ở vùng nhiệt đới. Theo ông Hòa, điều kiện khí hậu ở xã Trà Cổ, nhất là ở đây có nguồn nước suối tự nhiên, quanh năm mát lạnh phù hợp để nuôi giống cá vùng ôn đới này.
Nhiều năm qua, Trung tâm Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao tỉnh Đồng Tháp (tiền thân là Trung tâm giống nông nghiệp Đồng Tháp) thường xuyên tổ chức nghiên cứu, khảo nghiệm chọn ra những giống lúa tốt và mới, có triển vọng để bổ sung hiệu quả vào bộ giống lúa sản xuất của tỉnh. Ngoài ra, Trung tâm còn phục tráng những giống lúa đã bị thoái hóa nhằm cung ứng kịp thời nhu cầu bà con nông dân.
Các cơ quan quản lý lẫn người nuôi cá tra vùng ĐBSCL, trong đó có Hậu Giang đang hết sức kỳ vọng vào sự đổi thay mạnh mẽ từ Nghị định 36 của Chính phủ về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra. Thế nhưng, quá trình triển khai thực hiện bước đầu gặp không ít khó khăn, trở ngại, nhất là định hướng người dân áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.
Sau đề án tái cơ cấu của Bộ NN-PTNT, một số tỉnh, thành khu vực ĐBSCL cũng xây dựng đề án riêng. Theo các chuyên gia, cần phải có vai trò của đầu mối để tăng cường mối liên kết vùng, chứ không thể để tự mỗi địa phương làm theo ý riêng của mình.